Đầu xuân đi hái lộc

11:01, 17/01/2012

(LĐ online) - Theo cụ Phác, một người gốc Hà Nội chính tông, có ba đời làm nghề bốc thuốc Bắc, thì mỹ tục “hái lộc đầu xuân” là do ông bà truyền lại.

(LĐ online) - Thuở nhỏ tôi thường nghe câu “hái lộc đầu xuân”, nhưng chẳng biết hái lộc như thế nào, và vì sao lại đi “hái lộc”? Cho đến khi tôi được tiếp xúc với các cụ người Hà Nội ở vùng KTM trên cao nguyên, thì câu chuyện hái lộc đầu xuân tự nhiên vỡ lẽ. Tôi bắt đầu “ăn theo” nét văn hoá đó, coi như một nghi thức để bước vào mùa xuân đầy ý nghĩa trong cuộc đời.

Vườn xuân.  Ảnh Ngọc Minh
Vườn xuân. Ảnh Ngọc Minh

Theo cụ Phác, một người gốc Hà Nội chính tông, có ba đời làm nghề bốc thuốc Bắc, thì mỹ tục “hái lộc đầu xuân” là do ông bà truyền lại. Đến đời cụ vẫn giữ lệ ấy như một thứ chân truyền, năm nào không thực hiện được năm đó coi như “xui xẻo” cả năm. Cụ kể, đón giao thừa xong, cúng đầu năm rước ông bà là đến lúc đi hái lộc. Thuở xưa, các cụ thường theo hướng xuất hành, hướng Thần tài lên chùa, đình xin lộc. Ngày nay có khác, tôi đã chọn hướng xuất hành tuỳ nơi tôi ở, nghĩa là phải thuận duyên…

Thật bất ngờ, không phải mình tôi có chủ ý đi hái lộc, mà rất nhiều người. Hoá ra mình là kẻ hiểu biết quá ít ỏi về thuần phong mỹ tục của cha ông. Những năm trước, nhìn người người thong thả đi bộ tôi cứ nghĩ họ đi tập thể dục cho khoẻ thôi, bây giờ thì có thể trò chuyện cùng họ để hiểu biết thêm. Và dĩ nhiên, có nhiều cách hiểu khác nhau về “hái lộc”, nhưng tựu trung vẫn là cách chọn cho mình một điều may mắn, để từ đó vững tin hơn trước cuộc sống đầy bất trắc xảy ra trong năm.

Tôi quen với một cụ bà thường nhai trầu nhỏm nhẻm, cụ bảo trong đêm giao thừa rước ông bà xong là phải xuất hành hái lộc về nhà. Bởi trong giờ phút ấy, trời đất rất linh thiêng, không nên làm việc gì xấu sẽ bị quỷ thần quở phạt. Còn các cụ ông thì bảo: “Xưa bày nay làm”! Vả lại, thời khắc chuyển giao, khí âm dương hội tụ, cành non lộc biếc sẽ đón nhận sự tươi mới, đem lộc về sẽ có nhiều may mắn. Các cụ khác thì lại chắc mẩm rằng cành non lộc biếc là báo hiệu sự sinh sôi nẩy nở, là trừ tà vv… Tất cả những kinh nghiệm ấy tạo cho tôi tâm lý phấn khởi, là được quý nhân phù hộ, theo người xưa là hưởng không khí tinh khiết, ấm áp của mùa xuân, tâm hồn trong sáng sẽ hướng thiện nhiều hơn. Đó là tục lệ tốt đẹp hướng con người tìm về nguồn cội, tìm về với thiên nhiên để rồi yêu thiên nhiên hơn là tàn phá, yêu con người hơn là ghét bỏ. Đầu năm đi hái lộc, con người đứng trước thiên nhiên kỳ ảo sẽ thấy cuộc sống tràn đầy ước mơ, tánh thiện lành nảy nở trong sáng như ban mai, như mùa xuân…

Có người cho rằng, hái lộc phải chọn cây lá sum suê, và phải im lặng đừng lên tiếng. Cũng đúng. Không sao, miễn là đi hái lộc với một thiện tâm, cầu cho mình và cho người được hưởng một mùa xuân hạnh phúc. Vì thế, theo các cụ, nên truyền cho lớp hậu bối cái ý thức cao đẹp này, chứ không phải đi hái lộc với dụng ý mê tín là sẽ được thần linh giúp đỡ và đem lại lợi ích cho riêng mình. Xin thưa rằng người xưa rất văn minh, đã bày ra mỹ tục này là hướng đến cộng đồng làng xã rộng lớn, chứ không phải dành riêng cho ai cả… Đó là tản bộ, là thông cảm nhau, là cảm nhận đất trời, là gần gũi và yêu quý thiên nhiên, coi thiên nhiên như vị thần bảo hộ cho ruộng vườn cây trái tốt tươi. Vậy hái lộc là tự chọn một cành lộc đẹp nhất, với hàm ý là sự thu dưỡng của đất trời, nẩy nở những điều may mắn nên cành lộc phải hài hoà, không có sâu bệnh và không có sẹo, mụn cóc vv… Nhất thiết không được giành giật nhau bẻ gãy cành non. Nhánh cây đầy sức sống này là biểu tượng của an hoà, hạnh phúc, ta có thể cắm ở đâu đó cho cả nhà dễ ngắm là cả một nghệ thuật! Có người đem cắm trên bàn thờ một cách trang trọng. Vâng, điều may mắn trong tâm thức Việt luôn xuất phát từ tâm linh. Ông bà phù hộ cho cháu con là điều xưa nay tin tưởng, nên ông bà “làm phép” cho cành lá mang lại ơn lành là điều tất nhiên.

Năm nay là năm thứ ba tôi đi hái lộc. Ý thức việc mình làm là điều rất quan trọng, nên tôi dành toàn bộ tâm ý nghĩ về những điều tốt đẹp nhất. Tôi bắt tay và chào hỏi mọi người. Ai cũng hân hoan, ai cũng dư thừa lòng tốt. Vì thế, tâm lý yêu đời trong thời khắc đầu năm luôn hiện hữu. Tôi được một bạn trẻ chỉ cho cách hái lộc bằng tay trái. Bạn ấy bảo ông nội đã dạy bạn ấy điều này. Vì ít ai để ý, nên bạn bất chợt muốn nói cho tôi nghe rằng tay trái là bổn mạng của cánh đàn ông do có câu “nam tả nữ hữu”. Ồ! đi một ngày đàng học một sàng khôn là vậy! Tôi thật lòng cảm ơn người bạn trẻ, vì tôi biết trong giây phút hiếm hoi này không ai nói dối cả. Và lòng tốt luôn được thể hiện hết mình.

Tôi đem ý kiến này hỏi cụ Phác, cụ bảo theo y lý Trung Hoa thì nam đau bên trái, nữ đau bên phải là khó chữa vì đã phạm vào bổn mạng, với lại có câu rằng: “tay phải thì mãi làm ăn/ tay trái dành hái lộc gần đầu năm…”. Đôi lúc ngồi ngẫm lại tôi thấy vô cùng thâm thuý. Tay trái là nơi trái tim mình. Sức sống mãnh liệt hội tụ từ thiên nhiên sẽ được truyền qua tay trái, khiến toàn thân có cảm giác căng tràn nhựa sống. Tay trái còn nhắc nhở cách hái nhẹ nhàng không làm đau cành lá. Đó là ý nghĩa sâu xa, hướng con người đến tình yêu thiên nhiên, sống hoà hợp với thiên nhiên.

Ngày nay, do sự khai thác vô ý thức của con người, thiên nhiên dần cạn kiệt nguồn sống. Biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, thì một mỹ tục hướng đến thiên nhiên của người xưa là rất nên gìn giữ…

NGUYỄN THÁNH NGÃ