Dạy thêu cho người nước ngoài

10:01, 05/01/2012

Nghề thêu tay Việt Nam có lúc tưởng như bị “xóa sổ”, thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, đã có hàng trăm người nước ngoài tìm đến Việt Nam để “tầm sư học đạo” nghề thêu. có thể xem đây là một hiện tượng lạ của nghề truyền thống này.

Nghề thêu tay Việt Nam có lúc tưởng như bị “xóa sổ”, thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, đã có hàng trăm người nước ngoài tìm đến Việt Nam để “tầm sư học đạo” nghề thêu. có thể xem đây là một hiện tượng lạ của nghề truyền thống này.

Nghệ nhân XQ hướng dẫn Daniel thêu những mũi kim đầu tiên
Nghệ nhân XQ hướng dẫn Daniel thêu những mũi kim đầu tiên

SỰ KỲ DIỆU CỦA TRANH THÊU TAY

Cuối tháng 10/2011, một đoàn gồm 33 phụ nữ Úc do bà Leanne Beasley, Giám đốc Công ty Leanne’s House dẫn đầu đã đến Công ty XQ Nha Trang để “nhập môn” học thêu. Những phụ nữ Úc trong trang phục truyền thống Việt Nam được các nghệ nhân XQ tiếp đón long trọng, họ lần lượt được hướng dẫn để làm các thủ tục nhập môn trước bàn thờ tổ nghề thêu. Bà Leanne Beasley cho biết, 33 người đến Việt Nam lần này đều là những thợ thêu hoặc là giáo viên dạy thêu của Công ty Leanne’s House muốn khám phá vẻ đẹp độc đáo của tranh thêu và học nghề thêu tranh của người Việt. Cách đây 3 năm khi đến XQ Nha Trang, bà Leanne Beasley rất bất ngờ khi thấy những bức tranh thêu tay rất tinh tế và sắc sảo của các nghệ nhân XQ. Cảm phục tài năng của các nghệ nhân, bà mua 1 bức về trưng bày tại công ty. Tận mắt nhìn tranh nhưng những người thân của bà không tin đó là tranh được “vẽ” bằng những đường kim mũi chỉ. Thế rồi, bà dẫn họ qua Việt Nam để tận mắt chứng kiến tài nghệ của phụ nữ Việt Nam khi thêu tranh 3D. “Với tôi, tranh thêu tay là tinh hoa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, các bạn có quyền tự hào về điều này, vì chỉ có phụ nữ Việt Nam mới đủ kiên nhẫn ngồi hằng tháng, thậm chí hằng năm để sáng tạo những tác phẩm sinh động, độc đáo”. Bà Leanne Beasley thổ lộ.

Trong những năm qua, có nhiều đoàn sinh viên đến từ Thụy Điển, New Zealand, Sri Lanka... đến XQ học thêu. Các học viên sau khóa học nếu đạt yêu cầu đều được XQ Việt Nam cấp chứng chỉ.

NGƯỜI HỌC TRÒ ĐẶC BIỆT ĐẾN TỪ MEXICO

Ông Võ Văn Quân, Tổng Giám đốc Công ty XQ Việt Nam thông tin, gần 10 năm qua XQ đã dạy thêu cho khoảng 400 người nước ngoài gồm nhiều quốc tịch như Singapore, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Anh… nhưng có một học viên để lại ấn tượng đặc biệt là ông Rueffert Daniel, họa sĩ đương đại nổi tiếng của Mexico. Ông Quân kể, một sáng đầu tháng 6.2011, khi XQ Nha Trang chưa mở cửa đã có một người đàn ông tóc râu bạc phơ ngồi chờ trước sân để xin học thêu. Các nhân viên XQ không thể tin đó là sự thật vì nghề thêu thường dành cho “phái yếu”, nhưng trước mặt họ lại là một “lão ông” người nước ngoài. Khi nhận được tin, ông Võ Văn Quân mời “lão ông” vào văn phòng để tìm hiểu.

Rueffert Daniel (64 tuổi) tự giới thiệu ông là người Mexico gốc Mỹ, đã học hội họa và điêu khắc tại đại học Allende, vùng San Miguel, Mexico, sau đó trở thành giảng viên của trường này. Năm 2009, ông đến Hội An tình cờ phát hiện những bức tranh thêu tay độc đáo của XQ. Là một nghệ nhân nhưng Daniel cứ thắc mắc tại sao chỉ với chiếc kim và những sợi chỉ, người Việt lại “vẽ” được những bức tranh sống động và có hồn đến thế. Tháng 6.2011, khi đang dạo phố cổ Hà Nội, Daniel lại bắt gặp những bức tranh thêu XQ, trái tim ông bị xao động; Daniel quyết định tìm gặp Tổng Giám đốc Công ty XQ Việt Nam để xin học thêu. Khi Daniel bay từ Hà Nội đến trụ sở chính của XQ tại thành phố Đà Lạt thì ông Võ Văn Quân đang làm việc ở XQ Nha Trang, Daniel lại đón xe đò về Nha Trang để “tầm sư học đạo”. Daniel tỏ bày ước muốn đưa nghệ thuật phương Đông xích lại gần nghệ thuật phương Tây, tạo sự tương tác văn hóa toàn cầu.

Nghi thức nhập môn nghề thêu cho “lão ông” Daniel được XQ tổ chức rất trang trọng. Trong trang phục áo dài khăn đóng, Daniel được các thiếu nữ XQ đón chào nồng nhiệt, tiếp đó Daniel tiến đến bàn thờ tổ nghề thêu để thắp nén hương trước khi xỏ mũi kim đầu tiên. Ông Võ Văn Quân đánh giá về “lão ông” học trò đến từ Mexico: “Dù đã lớn tuổi, nhưng ông Daniel rất chăm chỉ, mỗi ngày ngồi bên khung thêu suốt 10 giờ, bất kể bị kim đâm chảy máu... Vì là một họa sĩ nên Daniel nắm bắt vấn đề phối màu bằng chỉ rất nhanh. Nhờ đam mê và đầy quyết tâm nên 1 ngày học của Daniel bằng cả tuần của những học viên khác”. Sau 10 ngày miệt mài học thêu Daniel phải trở về Mexico, nhưng ông hứa trở lại Việt Nam cuối năm 2011 để tiếp tục học và ông sẽ thêu bức tranh đầu tiên là một thiếu nữ Việt Nam đang làm việc trên cánh đồng. Cuối khóa học Daniel đã ghi lại lưu bút: “Trải nghiệm của tôi với XQ là một trong những điều hữu ích nhất cuộc đời, giúp tôi hiểu được vẻ đẹp và sự kiên trì của người Việt. “Tôi không thể nào tin được!”, đó là câu nói mà tôi thường nghe mọi người nói khi đứng trước những bức tranh thêu trưng bày quanh tôi. Mọi người đã bị choáng ngợp khi đến gần và thấy tất cả là thêu”.

Trao chứng chỉ nghề thêu cho phụ nữ Srilanca
Trao chứng chỉ nghề thêu cho phụ nữ Srilanca

RA NƯỚC NGOÀI DẠY THÊU

Không chỉ người nước ngoài đến XQ Đà Lạt, XQ Nha Trang để xin học thêu, từ năm 2005, vợ chồng chủ nhân XQ Việt Nam là Võ Văn Quân và Hoàng Thị Xuân nhận lời mời của Học viện Mỹ thuật Nan Yang (Singapore) qua giảng thuyết và hướng dẫn thực hành nghệ thuật thêu tay trên lụa Việt Nam cho học viên của học viện. Sau khóa học, lãnh đạo Học Viện Nan Yang viết thư cảm ơn có nội dung: “Bốn buổi học tại học viện thật sự là một kinh nghiệm thực hành vô giá cho sinh viên chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía học viên, sau những buổi diễn thuyết và thực hành hết sức thú vị. Chúng tôi tự tin nói rằng qua đây đã đẩy mạnh sự kết hợp giữa nghệ thuật thêu trên lụa và thiết kế thời trang... chúng tôi vui mừng để mở rộng mối quan hệ hợp tác, nhằm thúc đẩy mối quan hệ nhiều mặt giữa chúng ta và phát triển hơn nữa sự trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia”.

XQ Việt Nam đã nhiều lần “mang chuông đi đánh xứ người”, những lần triển lãm tranh thêu ở Anh quốc, Thụy Sĩ, Singapore… nhiều người bị “hớp hồn” đã xin học thêu. Nghệ nhân Hoàng Thị Xuân luôn vui vẻ nhận lời và tận tình hướng dẫn. Với vợ chồng nghệ nhân Xuân - Quân (XQ) thì “Đây là cách chúng ta xuất khẩu nghệ thuật Việt Nam mang đầy tính nhân văn và trí tuệ”. Ông Võ Văn Quân tiết lộ, một số ma-xơ ở Vatican (Ý) vừa liên hệ với XQ đặt vấn đề cử một số người qua học thêu tay để về thêu áo lễ cho các linh mục, giám mục. Trước nhu cầu người nước ngoài đăng ký học thêu tay ngày càng nhiều, XQ dự định sẽ mở trường dạy thêu tại XQ Đà Lạt để thu hút học viên toàn cầu.

LÂM VIÊN