Miền Nam trong ký ức tôi

02:01, 11/01/2012

Cách xa Đà Lạt vài trăm đến hơn ngàn cây số, miền Nam trong ký ức tôi đầy dẫy những mảng màu tươi đẹp!

Cách xa Đà Lạt vài trăm đến hơn ngàn cây số, miền Nam trong ký ức tôi đầy dẫy những mảng màu tươi đẹp! Đầu tiên tôi muốn nói đến Vũng Tàu, biển xanh là biển đầu đời tôi được chiêm nghiệm. Những năm của thập kỷ 60, lúc ấy tôi là một cậu nhỏ đam mê khám phá, biển đến với tôi một màu xanh ngắt, lặng trong lòng biển là những thế giới mới tinh khôi tôi chưa hề biết được. Sửng sốt đến ngỡ ngàng, tôi đăm đắm nhìn về phía biển trên cung đường Bà Rịa – Vũng Tàu, mặc cho đường dằn xóc. Thỏa thuê tắm biển ở Bãi trước, nước trong veo, trời mây bát ngát hay lặng lẽ trước những con sóng ở bãi Thùy Vân đều khiến tôi yên chí rằng biển Vũng Tàu cực kỳ sạch sẽ, hải sản Vũng Tàu ngon nhất bởi đó là hương vị biển đầu đời. Thuở ấy món mắm ruốc bà giáo Thảo ai đi Vũng Tàu đều ghé mua, chị tôi cũng vậy, chị mua mấy gói mang về Sài Gòn làm quà. Mắm của xứ biển xanh vị ngòn ngọt, là lạ, rất khác với mắm ruốc Huế ở Đà Lạt má tôi vẫn mua dùng! Những năm sau tôi vẫn đến Vũng Tàu nhiều lần, nhưng chỉ là những cuộc ghé qua chớp nhoáng nên không được đẫm mình trong lòng biển. Qua cửa xe tôi thấy một mảng màu đen ở Bãi trước, nơi tôi từng tắm biển ngày xưa, ô nhiễm  đã đánh cắp sự trong veo của Bãi, chẳng có du khách nào tắm được. Sự tiếc nuối trước việc hành xử hung bạo của con người đối với thiên nhiên hằn trong hồn tôi một vết cắt đến nao lòng. Tôi chỉ tìm được sự quân bình cho ký ức của mình khi năm 2009 đến được Côn Đảo. Đây mới chính là biển xanh, biển xanh, biển xanh… Màu xanh tinh khôi của biển Côn Đảo và dấu hằn của những nhà tù là hai thứ tôi mang về từ đó. Một người trong đoàn khách du lịch khi thăm các loại chuồng cọp, các loại cực hình địa ngục trần gian đã thốt lên rằng các vị lãnh đạo trước khi nhậm chức nên đến Côn Đảo tham quan để tận mắt chứng kiến biết bao thế hệ đã hy sinh như thế nào rồi về làm việc và mang lại cho đất nước này những thành quả xứng đáng với sự hy sinh của hàng hàng lớp lớp các anh hùng liệt sĩ. Tôi thầm đồng ý và nghĩ thêm rằng ai lỡ có làm sai cũng cần đến đây sám hối trước vong linh các chiến sĩ cách mạng đã hóa thân thành thần sông, thần núi, thần biển…, và cả biển nữa, biển trong sạch sẽ giũ bỏ cát bụi trần gian!

Sông nước miền Tây Nam Bộ. Ảnh BN
Sông nước miền Tây Nam Bộ. Ảnh BN

Biển không chỉ có ở Vũng Tàu, tôi còn được thưởng ngoạn biển ở Kiên Giang, biển Hòn Chông có Hòn Phụ Tử nổi tiếng, có  chùa Hang…Tuy biển không thể xanh bằng Vũng Tàu, hay ở Nha Trang, Đại Lãnh, nhưng Hòn Chông năm tôi đến (2001) đã đãi tôi một bửa tiệc vọng cổ ngọt ngào. Không phải là một buổi trình diễn nghệ thuật, mà chỉ là vọng cổ của những người dân dã, họ ca bằng cả tâm hồn của họ. Nhóm 4 người của tôi lúc ấy chỉ là những thính giả “bất đắc dĩ” bởi chúng tôi ngồi ăn ở một ngôi nhà lá, còn họ cũng ăn uống và ca cho nhau nghe những bài vọng cổ đượm buồn cách chỗ chúng tôi không xa. Đêm Hòn Chông lúc ấy bỗng trở nên hư ảo đến mê hoặc lòng người. Chúng tôi ngủ trong một khách sạn làm bằng gỗ thông mang từ Đà Lạt xuống, lòng cứ mang mang buồn bởi ca từ vọng cổ cứ lảng đảng trong hồn. Thì ra đó là tiếng lòng của dân phương Nam, cái nỗi buồn xa xứ thuở người đi mở cõi chắc cũng mang mang như vậy? Tôi còn được thưởng thức thứ vọng cổ dân dã ấy ở Bạc Liêu, trong một cuộc nhậu trên mặt biển, nơi ấy là một nhà hàng tôi quên mất tên. Lần này không phải là những người dân bình dị mà là các anh công chức công ty Nhà nước. Họ ca mùi mẫn như đặt hồn mình vào nắng, vào gió, sông nước (và cả biển nữa) của phương Nam.
 
Biển ở Phú Quốc xứng đáng với danh xưng đảo Ngọc. Tôi mong rằng “thiên đường du lịch” (tên có sớm quá không?) đừng để một lần thất vọng khi tôi đến lần sau, nghĩa là đừng đánh mất cái trong trẻo hồn nhiên của biển. Tôi cũng biết rằng vật đổi sao dời là lẽ thường tình, nhưng thiên nhiên hoang sơ bao giờ cũng mang đến cho ta những gì tinh khiết nhất. Tôi muốn nói đến nước mắm. Tôi đã được đi thăm mấy hãng làm nước mắm, và tất nhiên mua về nhà dùng, tặng bạn bè, người thân chút quà của biển. Vị mặn mặn và ngọt ngào của nước mắm Phú Quốc cứ vương mãi trong miệng khi xe ghé thăm hãng mắm mà tôi mới ăn hồi trưa ở một tiệm cơm. Cả đoàn mua, tôi cũng mua. Nhưng khi hăm hở khui chai nước mắm ra dùng khi về lại nhà, thì cũng hương ấy, vị ấy, độ đạm ấy nhưng cái ngọt ngào đằm thắm không tìm thấy nữa! Chắc tôi bỏ quên hương vị biển ở hòn đảo của những rừng sim, vườn tiêu, rừng nguyên sinh… cùng với món đặc sản “Cồi biên mai” trứ danh? Hay người ta bán cho chúng tôi thứ nước mắm khác thứ bán cho nhà hàng? Tôi chịu không tìm ra được câu trả lời, thì thôi vậy tôi cứ cảm ơn Phú Quốc đã sản sinh ra một món gia vị tuyệt vời.

Tôi chưa được đến Đất Mũi, nhưng đã ghé qua Cà Mau, rồi từ đó về lại Sài Gòn. Dĩ nhiên những địa danh qua khung cửa kính cứ lần lược hiện ra, chưa ghé lại thì cái hồn của đất chưa thể hòa nhập với người. Vẫn biết vậy nhưng đâu có thể thích là được, cho nên tôi tạm hài lòng với vài địa danh tôi đã ghé qua. Bánh pía, bún mắm, bến Ninh Kiều, du thuyền, món cá rô kho tiêu… lần lược được tôi khám phá với một tâm cảnh rằng mình đang thưởng thức phong vị của đất phương Nam. Quả nhiên là vậy, con cá rô chẳng hạn, mập ú nằm trong cái nồi đất dưới bàn tay phù thủy của bà bán tiệm cơm bình dân cứ như muốn phô phang cái đậm đà của đồng quê Nam bộ. Cứ giẽ một chút cá, chấm vào thứ nước màu nâu sánh đặc, vị đậm đà ngọt ngào, béo ngậy và cay cay của món cá kho quyện với cơm trắng như thúc giục tôi gắp thêm miếng nữa. Tôi cứ tiếc mãi khi ghé Cần Thơ là ở đây rượu (tất nhiên rượu đế) tôi không vừa ý lắm. Tôi có một sở thích, đi đến đâu cũng nhủ lòng nên nhắm chút rượu quê để cái hương của đất, cái vị của trời thấm sâu vào từng tế bào vị giác, từ đó cảm giác thăng hoa sẽ cho ta đến với tự nhiên và với tình người ẩn sâu trong đó! Khi tôi đến mấy tỉnh phía Bắc, ở đất Bắc rượu núi ngon lắm, rượu mang trong mình nó sự tinh khiết của núi rừng, và nhất là phảng phất một chút hồn quê. Vậy mà miền Nam lại không có rượu khiến tôi vừa ý, trừ đất Long An với rượu Gò Đen (hay là tôi chưa tìm thấy xứ sở của rượu ngon Nam bộ bởi đi còn ít quá?). Nhưng cũng có lắm Gò Đen, khiến ta cứ như mê hoặc trong thế giới mê ly của rượu. Không biết bây giờ người ta đã tìm được mẫu số chung của dòng rượu Gò Đen hay chưa, để người thưởng thức như tôi tự tin rằng mình đang uống thứ rượu thành danh có tên trên bản đồ rượu dễ đến trăm năm!

Từ trong ký ức, sông nước trong tôi không phải ở Cà Mau như đối với nhiều người, mà lại là ở Bến Tre của anh Ba Dũng, anh Sáu Dũng. Hai anh là hai vị chánh, Phó Giám đốc Nhà in Bến Tre (tôi không muốn gọi đúng tên là công ty CP in Bến Tre); họ đãi những người trên cao nguyên xuống thăm đồng bằng bằng một tâm hồn Nam Bộ. Tôi không thể nào quên được tấm chân tình của các anh với sự niềm nở tận tình không lẫn với phong cách vùng miền khác. Tôi được mời đi ca nô ra cửa Đại, ca nô bỏ lại đằng sau một vệt nước trắng dài, trời mênh mông, nước mênh mông, ca nô vượt qua những loại cỏ cây Nam Bộ trong bờ, tôi căng người ra thưởng thức và hít thở không khí trong veo của đất trời miền sông rạch. Sông nước là đây chớ ở đâu?

Hãy để cho dòng sông Mê Kông mang phù sa chảy mãi xuống đồng bằng Nam Bộ, sông mang phù sa bồi bổ cho những cánh đồng bạt ngàn sóng lúa như tình cảm người miền Nam thấm đẫm trong từng mạch đất quê hương.

VÕ ANH CƯƠNG