Mùa xuân xứ Mạ B’lao

12:01, 02/01/2012

Mùa mưa vừa dứt, trời cao nguyên chiều nào cũng mù sương, Sương chiều lãng đãng trên sườn núi, trên tán cây, hoà quyện với khói lam bốc ra trên mái các căn nhà sàn dài, chênh vênh vắt vẻo trên sườn đồi...

Mùa mưa vừa dứt, trời cao nguyên chiều nào cũng mù sương, Sương chiều lãng đãng trên sườn núi, trên tán cây, hoà quyện với khói lam bốc ra trên mái các căn nhà sàn dài, chênh vênh vắt vẻo trên sườn đồi. Đó đây, trên con đường mòn quanh co gần buôn, vài cô sơn nữ từ rẫy về, gùi những xá lúa cuối cùng của mùa, thấp thoáng dưới vạt dã quỳ nở vàng sườn dốc, toả ra mùi hương hăng hắc, nồng nồng.

Ảnh Nguyễn Thanh
Ảnh Nguyễn Thanh

Ở vùng người Mạ B’lao, suốt lúa xong là cả buôn bắt đầu chuẩn bị cho “Nhu  R’he” lễ cúng uống mừng lúa mới, tạ ơn các Giàng đã cho một mùa lúa tươi tốt, cho các chòi lúa đầy ắp, cho một mùa no đủ mãi đến khi suốt lúa mẹ lần sau.  Nhu R’he thường vào đầu mùa xuân, khi cây cối vừa đâm chồi nẩy lộc, những mầm non tơ xanh nhạt làm sáng cả vạt rừng trước buôn, là dịp cúng lớn nhất trong chu kỳ nương rẫy, nên cũng có thể coi là dịp tết của người Mạ vậy. Cúng mừng lúa mới thường kéo dài trong 14 ngày, có bảy ngày cho lễ cúng và bảy ngày kiêng cữ.

Sau khi các chủ nhà - pô hìu cùng với ông chủ rừng - pô bri, thống nhất chọn ngày cúng xong, cả buôn bắt đầu chuẩn bị lễ vật cúng. Cứ xem con vật nào được chuẩn bị hiến sinh, là biết nhà ấy thu được nhiều hay ít lúa, nếu cúng trâu thì có trên trăm xá, nếu cúng heo hay dê thì chừng bảy, tám mươi xá. Việc cúng để tạ ơn các Giàng, không nhà nào bớt xén bao giờ, vì nói dối trước sau gì cũng bị phạt, mà Giàng đã phạt thì rất nặng, có khi bắt cả người, cũng từ suy nghĩ ấy mà người Mạ luôn “nói thật bụng mình”.

Những ngày đầu trong lễ cúng chính là những ngày chuẩn bị. Không khí chuẩn bị ấy mới gây sự háo hức, mong chờ cho những người trẻ tuổi, mà công việc phần lớn do họ làm, từ việc cùng ông Pô hìu làm lễ hạ chiêng từ trên giá treo xuống hoặc đi lên núi chặt tre về vót thành bông hoa treo dưới chân kho lúa, trước cửa kho, trên Chơnao - bàn thờ của căn nhà dài đến việc lên rẫy rước cây N’dú - cây nêu mà hồn lúa đã trú ngụ từ lúc Nhu đụnh - cúng chào lúa trổ bông. Lễ rước ấy phải rất cẩn trọng, không ai được to tiếng, nói tục, nói bậy, không được vấp té, không được làm ngã cây nêu, nếu không hồn lúa sẽ bỏ đi mất, năm sau cả nhà sẽ không có lúa mà suốt nữa. Cây nêu N’dú đem về được dựng ở đầu kho lúa, cánh phụ nữ lo quét dọn trong nhà, ngoài sân, làm cho cả buôn sạch sẽ và các ché rượu cần đã làm từ ngày lúa trổ đòng được đưa ra, cột vào các cọc  trang trí hoa văn, làm riêng cho việc uống rượu cần. Đàn ông chuẩn bị rượu cần, heo gà cho lễ cúng, còn cánh phụ nữ sau khi mang đủ nước từ đầu nguồn suối trong núi về, lại vây quanh những chiếc xá đựng áo, váy, chăn thổ cẩm dùng trong ngày lễ. Tối đến tiếng thậm thịch giã gạo khắp buôn mãi đến lúc trăng lên, mới ngưng dần.

Sáng ngày thứ tư, lễ cúng bắt đầu từ kho lúa của ông chủ rừng - Pô bri, lễ cúng được chuẩn bị từ sáng sớm được bày trên chiếc chiếu trải dưới kho lúa, gồm có gà, heo, dê, một chén cơm gạo mới, một trái trứng gà, mà có được trứng gà con so là tốt nhất, một bát nước từ đầu nguồn suối của buôn, một Ntor Koi- hình nhân bằng rơm chứa hồn của lúa - mà phải làm bằng rơm trên rẫy của gia đình mình. Ntor Koi to hay bé là do số xá lúa của mỗi nhà suốt được trong mùa vừa qua. Vì hồn lúa ở trong thân lúa nên người Mạ không dùng liềm, hái cắt ngang cây lúa bao giờ, sợ hồn lúa bay mất và Ntor Koi làm bằng rơm là vì thế.

Sau khi rải bột gạo, bột nghệ mời các Giàng về chứng giám, người chủ lễ giết con gà hiến tế, thui sơ trên lửa,  lấy máu gà hòa vào trong  bát nước rồi bôi lên trán những người dự lễ và các chân cột nhà kho. Ông khui ché rượu cần, cắm Ntor Koi vào đó rồi đọc lời cúng:

Ơi Giàng Bnom SaPung, ơi Giàng Dà Bin, Dà M’ri, ơi Giàng Bnom Pan Per, ơi Giàng Bri, Giàng Ụs, Giàng Koi….

Lúa đã suốt về kho, rượu cần đầy các ché, con gà con heo, con dê đã sẵn, cây nêu N’dú đã về đến đây.

Xin các Giàng hãy vít cong cần rượu, ăn cơm lúa mới, ăn con gà, con heo, con dê.

Xin các Giàng cho mùa rẫy sau cũng nhiều lúa như mùa này, cho lúa đầy các xá mỗi ngày đi suốt, cho lúa đầy kho đủ ăn đến mùa rẫy sau, cho dư lúa ăn để nhà mua được cái ché quý, mua được bộ chiêng hay…

Lời cầu cúng hòa trong tiếng chiêng trầm trầm, vừa dồn dập náo nức, vừa ngân vang u..uuu  lẫn vào các mái nhà dài, hòa vào giải núi đồi trập trùng quanh buôn.

Khấn xong, ông chủ lễ đi vẩy nước hòa máu các con vật hiến tế lên cầu thang, bếp lửa, mái nhà, kho lúa… của gia đình, rồi ông khui ché rượu mới và cùng mọi người uống rượu cần, ăn các vật cúng với các món ăn truyền thống của người Mạ, trong tiếng chiêng, tiếng trống ngân dài khắp núi rừng. Mọi người ăn uống tự nhiên, vừa vui chơi, hát chuyện cổ vừa uống rượu cần, có khi còn nắm tay  nhau nhảy múa theo nhịp chiêng ngân.   

Sau nhà ông Pô bri, lần lượt đến các nhà khác trong buôn, đoàn cúng đi từ nhà này sang nhà khác và lễ cúng cứ thế kéo dài từ sáng đến thâu đêm.

Ban đêm, bên bếp lửa trong các nhà dài, những người già hát các bài ca ngày xưa truyền lại, kể cho con cháu nghe các truyện cổ lưu truyền tự thuở hồng hoang. Giọng hát của họ lẫn trong tiếng chiêng ngân dài giữa đại ngàn, giọng kể lúc mạnh mẽ  như dòng thác réo bên vách đá, khi thì thầm nhè nhẹ, như tiếng gió luồn giữa rừng  cây. Lũ con cháu tròn mắt dõi theo lời ông bà kể, có đứa đã bập bõm thuộc lời chuyện kể, thỉnh thoảng hát theo, xen vào nho nhỏ, rồi ít mùa rẫy nữa, chúng lại có thể hát kể cho mọi người nghe.

Ngày thứ tám là ngày bắt đầu kỳ kiêng cữ, không ai đi đâu, không làm việc gì có tính sản xuất, mọi người chỉ nghỉ ngơi, uống rượu cần trong nhà.

Nhu R’he mang rõ tính nông nhàn trong không khí mùa xuân miền rừng núi, mọi người ăn uống vui say thỏa thích, ca hát thâu đêm, suốt từ cuối tháng chạp đến giữa tháng giêng, gần như trùng với “tháng giêng ăn chơi” của người miền xuôi.

Sau Nhu R’he, bắt đầu thời gian rỗi rảnh, người ta đi  thăm bạn bè, gia tộc ở xa. Có khi cả buôn đi thành đoàn, mang theo heo gà, gùi theo lúa mới, hoặc mang các tấm  thổ cẩm đã dệt trong năm, theo con đường mòn có từ ngàn xưa, lẩn khuất, quanh co giữa các dãy núi, xuống miền biển đổi muối, đổi ché, đổi các vật dụng cần thiết, vừa là một dịp nghỉ ngơi giữa hai mùa rẫy, vừa là dịp người các buôn gặp nhau, để rồi sau chuyến đi, có những gia đình mới  hình thành, căn nhà sẽ dài thêm một gian và con người sẽ sinh sôi thêm như chồi biếc mùa xuân.

Rồi những ngày thư thái cũng trôi qua, đã đến mùa phát rẫy mới, các buôn chuẩn bị cúng Giàng Bri - Giàng rừng để chọn rừng sẽ phát và lại bắt đầu một chu kỳ nương rẫy mới.

Ngày nay, các buôn làng người Mạ đã định cư, đã trồng cây công nghiệp dài ngày. Nhu R’he chỉ còn là lễ cúng sau vụ thu hoạch, gần trùng vào Tết Nguyên Đán của người Kinh, nên cũng có thể coi là ngày tết của người Mạ vậy.

NINH THẾ HÙNG