(LĐ online) - 12 năm xa rời quê hương Phú Yên, xa Đà Lạt tình thơ yêu dấu – vợ chồng Phạm Cao Hoàng lặn lội từ Mỹ về Việt Nam hưởng cái tết thiêng liêng sau ngần ấy thời gian cách biệt…
(LĐ online) - 12 năm xa rời quê hương Phú Yên, xa Đà Lạt tình thơ yêu dấu – vợ chồng Phạm Cao Hoàng lặn lội từ Mỹ về Việt Nam hưởng cái tết thiêng liêng sau ngần ấy thời gian cách biệt…
Gặp bạn. |
Về nước dịp này chỉ hơn chục ngày, tranh thủ về Tuy Hòa thăm gia đình, họp mặt thân hữu là các văn nghệ sĩ, sau đó vợ chồng Phạm Công (Phạm Cao Hoàng) – Cúc Hoa (Trương Thị Hoa) lại dành thời gian trở lên Đà Lạt, nơi quê vợ cũng chính là mảnh đất chấp cánh cho mối tình thi ca – âm nhạc của riêng anh.
“ Sáng nay mưa đã về, vườn kia hoa nở đóa tương tư…Hỡi cô em Đà Lạt, về đâu tôi muốn theo về với người!” (Gửi em Đà Lạt – âm nhạc Phạm Cao Hoàng )
Từ Sài Gòn lên Đà Lạt, xe lên vừa tới đèo Prenn, Phạm Cao Hoàng đã tức tốc phone, nhắn tin cho Trần Ngọc Trác nhờ báo hộ anh em văn nghệ sĩ ở Đà Lạt, các đồng nghiệp cũ hiện đang công tác ở Sở giáo dục và phòng giáo dục, kể cả các bạn đồng liêu và học trò thân tín ở Đức Trọng. Gầy và có phần phong sương hơn nhưng tính cách cố hữu của một nhà giáo - nhà thơ - nhạc sĩ trầm lặng và nặng nghĩa nặng tình thì dường như không hề thay đổi.
Không có thời gian nhiều vì Mồng 3 tết Nhâm Thìn phải lên máy bay trở về Mỹ, vài ba cú phone, tranh thủ chớp nhoáng để hội ngộ nhanh với bạn bè đồng nghiệp trong ngày áp tết cà phê Tường Vy với các anh chị em giáo viên thân tín, các cô giáo Thu Hồng – Ngọc Anh cứ nhắc hoài về một thầy Công mẫu mực, biết lắng nghe anh em, biết quan tâm tới giáo viên, về kỉ niệm bác Phạm Văn Đồng về thăm Phú Hội – Đức Trọng thời anh làm quản lí, về những cách ứng xử khó quên của một người anh trong quá khứ.
Các chị Thu Hồng - Ngọc Anh … cứ nhắc hoài những kỷ niệm một thời với Trưởng phòng giáo dục Phạm Công tại Phú Hội - Đức Trọng, thầy Công nghiêm, hiền nhưng luôn chí tình và quan tâm sâu sát với anh chị em giáo viên; Hồi đó dạy học cực khổ mà rất vui, phong trào rất khí thế …Phạm Công gật gù: “Ờ mà hồi đó mình đâu có quá nghiêm khắc hay dữ dằn gì đâu nhưng anh em rất hoà thuận và mọi việc cứ răm rắp…”
Tiếp đó là cuộc hội ngộ với anh em văn nghệ sĩ và một số học trò từ Đức Trọng lên tại khách sạn Penssé (số 9 – Bùi Thị Xuân). Các nghệ sĩ Đình Nghĩ – K’rajand K’Dick - Nguyễn Quang Nhàn ôm đàn hát tặng vợ chồng Phạm Cao Hoàng những bài ca do mình sang tác. Trần Ngọc Trác đọc thơ tặng, nhóm học trò và đồng liêu ở Trung tâm ngoại ngữ Đức Trọng hát bài Happy New Year. Có cả vợ chồng nhà báo Thanh Đạm - Bích Hiền, nhạc sĩ Công Huân và vài người bạn đến muộn… cùng tay bắt mặt mừng, giao ngộ vài nhấp bia và chụp ảnh lưu niệm.
Sống nặng tình với bạn bè, với nghiệp văn chương nên phút tao ngộ này thật ấm áp đối với anh chị Phạm Cao Hoàng .Vợ chồng anh đứng lên nghe từng người hát, đọc thơ với một cử chỉ trân trọng – thói quen cố hữu đáng yêu của một nhà giáo… Phạm Cao Hoàng đáp lễ bằng một bài thơ anh viết cách đây không lâu, bôn ba nơi xứ người – có lẽ cũng lâu lắm rồi anh không còn thời gian và điều kiện rảnh rỗi để tiếp tục sáng tác nhiều như trước đây. Bài thơ anh đọc – có lẽ nhân 10 năm xa cách quê hương, đọc lên cứ thấy nghèn nghẹn một nổi niềm khó tả.
“Bây giờ nhớ núi nhớ rừng
Nhớ sông nhớ biển nhớ trăng quê nhà…
Thương em ngày nắng Tuy Hòa
Chiều mưa Đức Trọng, sáng Đà Lạt sương…
Thương em và những con đường
Một thời tôi đã cùng em đi về
Bây giờ lạ đất lạ quê
Dấu chân phiêu bạt, biết về nơi đâu?
Thương em nắng dãi mưa dầu
Đau cùng tôi với nỗi đau riêng mình
Chia cùng tôi một chút tình
Của ngàn năm trước và nghìn năm sau…
Về đâu – chẳng biết về đâu ?!
Thôi thì về lại buổi đầu gặp em
Dòng sông xưa ấy êm đềm
Mùa thu năm ấy bên thềm lá bay
Bàn tay nắm chặt bàn tay
Dìu nhau qua những tháng ngày gian nan…
Bây giờ ngồi nhớ Việt Nam
Bên trời tuyết lạnh...hai hàng lệ rơi !
( Bây giờ - thơ Phạm Cao Hoàng )
Bạn bè một thời, ân tình một thủa. Cái chất ân nghĩa đâu có dễ mất đi trong con tim của người xa xứ ! Người tình thơ năm xưa – người bạn đời bao năm qua – chị Cúc Hoa có phần mập mạp hơn và năng động hơn so với thời còn ở Đức Trọng, Đà Lạt, nhưng ở chị vẫn giữ được nét dịu dàng nhỏ nhẹ của người con gái Phố Núi. Và tính cách một Phạm Công (thầy giáo, nhà quản lý giáo dục - nguyên Trưởng phòng giáo dục huyện Đức Trọng, giảng viên ngoại ngữ trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) hay một Phạm Cao Hoàng (thi sĩ, nhạc sĩ – từng có nhiều sáng tác trước 1975, góp mặt trong tuyển tập thơ văn Việt Nam giai đoạn tiền hòa bình, hội viện hội VHNT Lâm Đồng)… có lẽ vẫn không hề thay đổi: trầm lặng, cẩn trọng, tác phong từ tốn nhưng ân tình và chu đáo…
Cuộc sống với nhịp độ lao động cật lực nơi xứ người thật chẳng hề dễ dàng, Phạm Công sau đợt phẫu thuật tuyến giáp ở Sài Gòn ( trước ngày xuất cảnh) sức khỏe có phần thuyên giảm nhưng vẫn phải cày cục làm việc để có tiền chăm lo cho các con ăn học… Ước mơ trở về quê hương nung nấu từ hơn chục năm trước giờ mới thực hiện được trong sự gói ghém có thể. Thời gian làm việc quần quật không cho phép anh có điều kiện để hoạt động, sinh hoạt văn nghệ như xưa. Mãi gần đây trên mạng, bạn bè thân hữu mới lập cho anh một địa chỉ riêng. Một số ca khúc Phạm Cao Hoàng được đưa lên mạng như: Gửi em Đà Lạt, Âm thanh và nỗi nhớ, chiều New Deli, Trở về mái trường xưa... còn nhớ “ Trở về mái trường xưa” từng dẫn đầu 10 ca khúc do thính giả Lâm Đồng bình chọn cuối nhưng năm 90 với chủ đề: “ Khúc ca học đường”, với giọng hát mộc và đằm thắm của Lô Xuân Thống. Với sóng phát thanh trực tiếp Lâm Đồng những năm 97 trở về trước, Phạm Công cũng là một thành viên đầy gắn bó qua vai trò cộng tác viên, khách mời, diễn giả..
Hội ngộ. |
Sau phút hội ngộ với anh em văn nghệ sĩ, vợ chồng Phạm Công – Cúc Hoa lại tiếp tục chuyến thăm viếng các đồng nghiệp vốn rất đông đảo trong ngành giáo dục. Có được địa chỉ nào thì tranh thủ đến thăm hỏi, chúc Tết – bởi ngày giáp Tết ai ai cũng bận rộn khá nhiều công việc. Được vợ chồng một người bạn mời dự bữa cơm thân mật cuối năm trước giờ đón giao thừa, có cả Trần Ngọc Trác - Nguyễn Quang Nhàn – Đình Nghĩ – Uông Thái Biểu… giọng anh đầy phấn khích trước tấm lòng ưu ái của bạn bè. Anh mời mọi người cùng lên YouTube thưởng thức vài ca khúc Phạm Cao Hoàng. Gần đến giao thừa thì một số bạn bè khác từ Sài Gòn phone lên nên lại tiếp tục tranh thủ... Với riêng Phạm Cao Hoàng chắc chắn còn rất nhiều điều phải kể, phải nói về con người đa tài và đầy nhân cách này… nhưng tôi luôn muốn nhớ một câu hát của anh dạo nào với chất giọng vang vang, đầm ấm: “Thuở ấy mẹ từng dạy con, quê hương như trái tim mình, dòng máu nào cũng về tim, con ơi nhớ lấy bên mình…”.
Minh Lân
Cao nguyên Lâm Viên 19.1.2012
( 27 Tết Nhâm Thìn)