Lời thì thầm hoa cỏ mùa xuân

02:01, 11/01/2012

Thông thênh / Đất níu lấy trời / Rưng rưng / Phố nhỏ / Chơi vơi giọt buồn

(Đọc Hát dưới hoàng hôn - thơ Vũ Dậu - NXB Hội Nhà văn 2011)

Vũ Dậu - nữ hội viên Hội VHNT Lâm Đồng đã in được 3 tập thơ đầy đặn. Nhưng tập thứ 3 này chơi vơi hơn trong lời thì thầm về hoa cỏ mùa xuân. Vũ Dậu tâm sự : “Thơ Dậu còn mộc mạc lắm, mong được mọi người đọc với lòng bao dung…”. Lời bộc bạch khiêm nhu này như một lời thơ chân thành, khi Vũ Dậu viết : “Thơm tho gió đậu môi mình!”. Ngọn gió ấy, mang tiếng hát Vũ Dậu lan tỏa khắp hoàng hôn ráng đỏ trên đất cao nguyên:

Thông thênh
Đất níu lấy trời
Rưng rưng
Phố nhỏ
Chơi vơi giọt buồn
 (Mưa phố núi)

Nơi đây thành phố hoa, muôn hương bay ngọt ngào trong gió. Nhà thơ nhìn thấy mùa xuân đang về trên mỗi cánh hoa, cảm giác yêu thương chợt dâng lên:

Xuân về đầy ắp yêu thương
Cho lan, huệ, cúc tỏa hương vào mùa
(Nói hộ mùa xuân)
Lan, huệ, cúc là hoa thôi, nhưng trong thơ các loài hoa ấy biết tỏ tình :
Lời tỏ tình của cây
Là chồi non mới nhú
Anh tỏ lời yêu thương
Là nhành xuân chim hót
Hương tình yêu thơm ngát
Từ vạn đóa hoa hồng
(Thì thầm mùa xuân)

Vâng, người ta thường mượn hoa để nói hộ tình yêu. Đẹp nhất vẫn là các loài hoa vương giả, đài các. Nhưng bên cạnh đấy, Nhà thơ không quên một loài hoa dại, còn được mệnh danh là Hoa trinh nữ với bản tính e ấp, thẹn thùng của người con gái thôn quê:

Thẹn thùng giấu mặt vào cây
Nép trong cỏ dại thân gầy mỏng manh
(Hoa mắc cỡ)

Còn đây, có lẽ là thi ảnh, là lãng mạn nhất trên đất bazan hùng vĩ, được Vũ Dậu gói ghém vào câu thơ ngắn tài hoa:

Đôi chim mỏ dài
Mớm tình
Trên cọng cỏ
(Lời của đá)

Thật tuyệt diệu! Một góc nhìn “thi trung hữu họa” làm bật lên cái thần trong thơ, khiến cho nét đẹp kia còn lưu dấu mãi mãi trong tâm thức người đọc. Phải nói rằng, Vũ Dậu có cái nhìn của một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, khi ta bắt gặp trong thơ chị nhiều cảnh điểm xuyết đẹp đến nao lòng:

Hồ suối trong lung linh màu ngọc bích
Tiếng chuông rung tháp cổ gõ vang chiều
Hoặc:
Đường phố dài
Biêng biếc một màu hoa
(Đà Lạt vào xuân)

Vâng, người đọc sẽ cảm thấy rất nhớ cái màu biêng biếc ấy, nhưng vẫn chưa rõ là màu hoa nào. Làm “thổ địa” như MPK cũng chỉ loáng thoáng nhớ… Bởi thi ảnh và âm điệu câu thơ đã thuộc về cái “màu tâm trạng”, không còn thuộc cái màu vật thể nữa. Điều đó được Vũ Dậu diễn tả bằng tâm cảm hai câu thơ sau đây:

Để dư âm trên tóc em
Ướt đẫm màu thời gian
 (Hát dưới hoàng hôn)

Ngoài cái “màu tâm trạng” ấy, Vũ Dậu còn có những câu thơ tả thực rất đắc, chị viết về một lễ hội ở miền núi:

Kiềng vàng
Lắc bạc đong đưa
Từng đôi
Tình tự
Đón mùa xuân sang
(Xuân Cao nguyên)

Có nét gì đó giống mùa xuân ở các vùng núi Tây Bắc. Nhưng không, đó là quang cảnh đa màu sắc rất đẹp ở cao nguyên. Ví như khi đến Lâm Hà chỉ một thoáng, mà cái nhìn qua đôi kính cận của Vũ Dậu lại trở nên sâu sắc lạ thường, nói lên được tiềm năng của một vùng đất chỉ bằng mấy câu thơ:

Cái ong
Ươm mật dâng đời
Cái tằm nhả kén
Nói lời trăm năm
(Thoáng Lâm Hà)

Có thể nói, đó là điểm đặc sắc trong thơ Vũ Dậu, một người thơ phố núi Đà Lạt. Chị quanh năm “say trong hương cỏ đồi Cù” (Hương cỏ) với “Giấc mơ thiếu phụ”, tìm tòi, khám phá vẻ đẹp còn tiềm ẩn của thành phố cao nguyên. Và giấc mơ ấy đã cho ra đời một tập thơ, đẹp về hình thức, phong phú về nội dung. Tôi cho rằng tập thơ “Hát dưới hoàng hôn” dẫu còn hạn chế, song rất đáng đọc bởi những trải nghiệm bất ngờ…

NGUYỄN THÁNH NGÃ