Một nỗi Tết xưa

09:01, 30/01/2012

Tôi không thể nào quên cái không khí Tết mãn, hồi tôi học cấp 2, cấp 3 (1966-1970). “Đói ngày giỗ cha, no ba hôm tết”, hương vị Tết nhạt dần đi từ bữa trưa ngày mùng 3. Cái tâm lý buồn buồn “xế chiều” tết, khó mà cầm nổi sự nuối tiếc đượm chút bùi ngùi.

Tôi không thể nào quên cái không khí Tết mãn, hồi tôi học cấp 2, cấp 3 (1966-1970). “Đói ngày giỗ cha, no ba hôm tết”, hương vị Tết nhạt dần đi từ bữa trưa ngày mùng 3. Cái tâm lý buồn buồn “xế chiều” tết, khó mà cầm nổi sự nuối tiếc đượm chút bùi ngùi.

Biểu hiện về mặt vật chất là thịt thà chỉ còn dính nồi và sự tiết kiệm từng giọt mỡ trong mỗi bát rau xào được bu tôi “xiết” lại chặt chẽ. Bà lo xa vì bữa ăn quanh năm của chồng, con. Chiếc bể tháu thầy u tôi xây từ khi có phong trào nếp sống mới (1960), đầy ắp nước ăn, đủ “hào phóng hạn chế” cho mấy ngày Tết, giờ đã phải gạn từng gáo… Đường làng không còn tưng bừng, hớn hở những gương mặt với khăn áo chỉnh tề nữa… Đó đây, tràng pháo chuột đì đẹt chia tay với tết. Đồng quê đã thấp thoáng bóng người cúi xem nước non ở ruộng lúa xuân. Ám ảnh nhất là cảnh kẻ ở, người đi.

Tết năm ấy, tôi đã vào tuổi 15, chưa đủ tâm thế để sẵn sàng tòng quân cứu nước, nhưng cũng không còn vô tư niên thiếu nữa. Sáng mùng bốn, tôi sang cầu ao của ông cụ ở rìa xóm gánh nước ăn. Nhà cụ quay hướng Nam, trông ra cánh đồng rộng. Ao của cụ thông thủy với con ngòi chảy qua đoạn sông Đào, nước trong và sạch. Dân xóm tôi lấy nguồn nước ấy để sinh sống. Tôi gặp một chị ở ngõ trong cùng đi. Chị hỏi tôi: “Nhà cậu đã mua muối chưa?” - Là chị nhắc tới phong tục “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” ở quê chúng tôi… Mặt trời lấp ló ngọn tre. Đứng bên cầu ao ấy, tôi nhìn con đường mòn từ làng trong thông  ra quốc lộ để xuống huyện lỵ ở phía Nam và lên thành phố ở phía Bắc, rồi đi các nơi. Nó ở trước mặt tôi, cách không tới 100 mét.

Con đường ấy, mấy hôm tết người qua lại nhộn nhịp. Tiếng hỏi, câu chào vẳng vào trong xóm. Vậy mà giờ đây chỉ thấy người từ phía trong đi ra hướng quốc lộ là chủ yếu. Có vẻ như cái sự đi quan trọng hơn sự nói… Đĩnh đạc các bác, các ông vận quần phăng, áo vét, mũ cát, tay xách cặp đen. Nhún nhẹ những bà, những cô gánh gồng, con trẻ lít nhít bám theo. Ông thợ đóng cối xay, quần áo nâu sồng, đầu chít khăn phu-loa, vai quẩy đôi sọt đồ nghề, thong thả bước. Lướt đi là những chị nhoài người, vồng ngực căng tròn áo nâu non trên xe đạp, phoóc-ba-ga có người co gối quay về phía xóm tôi.

Nổi bật trong dòng chuyển động ấy là những anh bộ đội quân phục màu xanh lá cây, đội mũ cối, ba lô con cóc trên lưng, gập người về phía trước. Anh thì bước bộ dõng dạc, anh thì ngồi sau xe đạp… nhưng ai cũng có người đưa tiễn. Có thể lần ấy các anh đi xa!... Nhìn xuống mặt ao dưới chân con đường in bóng đoàn người lấp loáng, tôi bỗng thấy như những tinh hoa của làng quê mình đang ra đi để tham gia vào cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước. Bất giác, xúc cảm trong tôi  dâng thành làn nước mỏng như sương, viền quanh mi mắt. Mênh mang là buồn…

Nay, đã qua mấy chục năm tôi không có lần nào sống trong khung cảnh ấy nữa. Bây giờ Tết ồn ã hơn; dài, rộng hơn, nhộn nhịp hơn gấp trăm lần; chuyện bữa cỗ tết ngon, tấm áo tết đẹp, đúng là… “nhỏ hơn con thỏ”. Nhưng Tết nay không ám ảnh? Cái gì cũng nhanh phai như nước qua cầu! Trong tâm trí tôi, đúng là so với Tết xưa, Tết nay đã vắng mất không ít sắc vẻ độc đáo, trong đó có những khung cảnh như buổi sáng ngày mùng bốn Tết năm ấy” – Những khung cảnh làm cho kẻ “cơm ăn mẻ bát xứ người” vẫn nhớ lối về quê cha đất tổ xóm tôi.

PHẠM XƯỞNG