Tết Nguyên đán - bài học đầu đời

10:01, 02/01/2012

Quê tôi là một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Kể từ khi tôi nhận biết được sơ lược về hình hài, sắc vẻ của Tết Nguyên đán, thì cứ gần đến tết là trong đầu tôi cũng hình dung ra biết bao nhiêu là chuyện...

Quê tôi là một vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Kể từ khi tôi nhận biết được sơ lược về hình hài, sắc vẻ của Tết Nguyên đán, thì cứ gần đến tết là trong đầu tôi cũng hình dung ra biết bao nhiêu là chuyện. Tết là mặc quần áo mới, được ăn thịt lợn, được mừng tuổi. Tết là không có cáu gắt, mắng mỏ, không có ai chửi bới vì mất buồng cau dái chuối… Và, hằn in tâm trí tôi là trong nhộn nhịp đường thôn ngõ xóm, hiện rõ những đoàn do các bà, các mẹ dẫn con cháu đi chúc tết họ mạc. Gia đình tôi cũng thường xuyên đóng góp hình ảnh đó. Bởi vậy, đón tết, tôi cũng khấp khởi vui mừng vì mấy chị em sẽ lại được mẹ đưa đi chúc tết. Chỉ mẹ thôi, vì bố tôi ở nhà để tiếp khách.

Hồn quê.  Ảnh Văn Thương
Hồn quê. Ảnh Văn Thương

Dần lớn lên, tôi nhận thấy nhiều vùng quê khác cũng giống ở quê tôi, bố mẹ dẫn con đi chúc tết họ mạc là một phong tục, thường được thực hiện sớm nhất trong ngày Tết. Như mọi nhà, mẹ tôi đi trước, vẻ thong thả. Chúng tôi theo sau. Đương nhiên, phải đến nhà các cụ và ông bà trước, sau đó mới đến nhà khác theo mức độ quan hệ họ mạc gần, xa và bề bậc từ cao tới thấp.

Tới nơi chúc tết, có nhiều sự đặc sắc mà ngày thường không có. Chỉ riêng lời chúc tụng cũng hay lắm. Thí dụ, chúc nhau “sống lâu trăm tuổi, ăn gia, làm nên bằng năm, bằng mười năm ngoái”. Với gia đình có con cái “tới tuần cập kê” thì chúc có dâu, có rể, con đàn cháu đống. Chuyện trò mới thật vui vẻ. Có người khoe: Tiết canh đông đến mức xâu sợi lạt treo lên được. Miếng giò lụa như miếng thạch. Chân gà đầu năm “kê ba, chà sú”, đẹp như ý… Hầu hết lời chúc và nội dung trò chuyện đều có thăng hoa. Riêng một vấn đề, nhất nhất phải làm, mà phải chân thực tuyệt đối. Lẫn lộn thì bị quở trách, chỉnh sửa ngay lập tức. Đó là, người dẫn con cháu đi chúc tết phải chỉ cho chúng biết bề bậc của những người có mặt tại đó và dạy chúng phải xưng hô với họ như thế nào. Thí dụ: “Bác Sửu đây bằng vai (ngang hàng) với bố mẹ, nhưng ở ngành trên. Vì vậy các con phải gọi con của bác là anh, là chị. Gặp nhau, mình là bậc dưới thì phải chào anh chị trước. Ông bà sinh ra bác Sửu là anh em con chú con bác với ông bà ngoại nhà mình. Cũng vì vậy, các con và các anh chị con bác Sửu không được lấy nhau. Cả đến 2 đời sau nữa cũng vậy, vì Ngũ đại bất thành hôn”…

Việc chỉ bảo con cháu về vai trò, bề bậc trong họ mạc như thế đã trở thành bài học đầu đời của mỗi người dân quê tôi. Nó được lặp đi lặp lại hằng năm, với các thế hệ, cho tới khi con trẻ đã trưởng thành, đủ nhận biết về lai lịch của mình và “dây mơ rễ má” trong họ. Không ít người học lại tới tận lúc già mà còn bị quở mắng vì vẫn thực hiện sai! Đặc biệt là Tết nào cũng làm như thế mà vẫn cứ thấy mới mẻ. Vì mỗi năm trong dòng tộc lại có sự “sinh con đẻ cái”, kéo theo sự phát sinh nhu cầu nhận biết họ mạc đối với các thành viên. Và, việc dạy bảo đầu năm trở nên giống như lễ giáo, không thể tùy tiện thay đổi. Có những Tết trời mưa phùn gió bấc, nẻo ngõ gập ghềnh sống trâu, trơn như đổ mỡ. Mẹ tôi bế em út tôi. Chúng tôi túm áo mẹ, bám vào bờ giậu cây duối, lần đi, nhưng thích lắm, không hề thấy nao núng. Trong cái làng quê nhỏ bé chủ yếu là thôn dân nông nghiệp, gắn bó quanh thửa ruộng, lũy tre, sân đình, giếng nước…mọi người cũng dễ dàng gặp nhau và “bậc dưới thì phải chào trước, bề trên phải đáp lại”, làm cho sự chào hỏi cứ tự nhiên tươi tốt trong sinh hoạt làng xóm. Trẻ con đã được bố mẹ dạy bảo từ hôm đi chúc tết, nay gặp thân nhân, như “học đi đôi với hành”, hớn hở từ xa lời chào đầy tự hào và hãnh diện.

Phong tục dẫn dũ về lịch sử họ mạc trong những ngày Nguyên Đán (chỉ có dịp này là thuận lợi hơn cả, vì có thì giờ, lại gặp được anh em, cô dì, chú bác…) đã mang lại cho xứ sở chúng tôi những chuẩn mực ứng xử. Mỗi thành viên luôn luôn hiểu được mình đang tồn tại trong mối quan hệ gia đình, làng xóm như thế nào, để từ đó thể hiện trách nhiệm và bổn phận đối với xung quanh,  bắt đầu với một trong những hành vi đơn giản nhất mà cũng nhân văn nhất: Chào người trên trước và đáp lại lời chào của người ở bậc dưới. Cao hơn nữa, là tình đoàn kết mang yếu tố huyết thống “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, giữ vững tôn ti trật tự, không bị loạn luân, không như “Họ nhà tôm…”. Lại cao hơn nữa, góp phần tạo nên một cộng đồng xã hội chặt chẽ, kỳ diệu từ trong xóm, ngoài làng, rộng ra quê hương đất nước, từ chỗ ý thức “Máu chảy ruột mềm” cho đến lời khẩn thiết: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

Cao quý thế, vậy mà tục đưa con cháu đi chúc tết họ mạc và bài học đầu đời ấy đang bị mai một dần. Rất dễ thấy, chỉ cần quan sát sự đời: Con ông em không biết con ông anh là ai. Cô gái đi học chuyên nghiệp ở thành phố, về quê, qua đám hội làng không biết phải chào những người trong xóm như thế nào, liền làm một câu “Chào cả nhà” vô hồn và vô lễ. Có đôi trai gái gặp nhau ở miền xa về báo cáo cha mẹ đòi kết hôn, lúc ấy hỏi ra, mới biết chúng là anh em họ đời thứ 3. Còn biết bao hậu quả khổ đau và hệ lụy phiền toái khác xung quanh sự này. Một trong những nguyên nhân trực tiếp là do không ít người bị cuốn vào vụ lợi vật chất và danh vọng tầm thường. Với họ, Tết là dịp để tiêu xài trác táng, bợ đỡ nhau. Thời gian và tiền bạc họ dành để làm những sự ấy luôn luôn được đặt hàng đầu mà bỏ quên nếp sống văn hóa đẹp kia. Chủ nghĩa hiện sinh thâm nhập cũng tác động trực tiếp đối với một bộ phận người, dần dà xác lập trong đó thói sống cô độc, lãnh đạm và ích kỷ, không quan tâm đến xung quanh… Trách ai? Không thể đổ hết lỗi cho khách quan. Cuộc sống diễn biến theo xu hướng tất yếu của nó. Giữ gìn tinh hoa và bản sắc văn hóa dân tộc phải là do từng cá thể và từng cộng đồng từ nhỏ tới lớn chú tâm thì mới được.

Tết Nguyên đán đến với người dân ta là quy luật, “Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận”. Đưa con cháu đi chúc tết họ mạc với những bài học đầu đời cho mỗi con người, góp phần trường tồn cộng đồng. Sao lại lãng quên?

PHẠM XƯỞNG