Triển lãm tranh: Đất và người B’Lao

02:01, 08/01/2012

Thời gian triển lãm kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ ngày 18 tháng 1 năm 2012 với tổng số gần 50 bức tranh của 13 họa sỹ địa phương. Nội dung triển lãm, giới thiệu về đất và người B’Lao.

B’Lao xưa là thành phố Bảo Lộc hôm nay. Đã bao năm, những họa sỹ và các nhà nhiếp ảnh đã tốn nhiều công sức chờ đợi những giây phút vàng giữa nắng và gió để khắc họa những hình ảnh về người và đất B’Lao. Nhóm nhiếp ảnh Bảo Lộc là một trong những câu lạc bộ mạnh nhất về số lượng hình ảnh đi vào lòng người.

Thiếu nữ B’Lao (tranh vẽ)
Thiếu nữ B’Lao (tranh vẽ)

Hình ảnh đất và người B’Lao thông qua những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở Bảo Lộc còn quảng bá địa danh huyền thoại này trên khắp thế giới. Tại các quốc gia Ý, Pháp, Nhật, Thụy sĩ… những hình ảnh quen thuộc của các sơn nữ Việt Nam với chiếc gùi đan bằng mây tre và bóng dáng chiếc nón lá quê hương giữa đồi chè xanh mang hình rẻ quạt đã đi vào lòng người. Cũng có thể nói chính những người cầm máy Bảo Lộc đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu quê hương đất nước và con người Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu so sánh giữa nhiếp ảnh và các họa sỹ vẽ tranh đã không song hành theo tỷ lệ thuận.

Hơn 30 năm qua, các họa sỹ Bảo Lộc đã âm thầm bằng những cây cọ của mình để khẳng định vùng quê yên tĩnh trên nghệ thuật tranh vẽ, nhưng chưa tập hợp được những người có tâm huyết hoặc chưa có “sân chơi” đúng địa chỉ để anh em tham gia thường xuyên và khẳng định chính mình một cách có tổ chức. Vì vậy, hầu hết những cuộc triển lãm về Bảo Lộc đều mang tính chất cá nhân.

Cuối năm 2011, họa sỹ Lê Hoàng (hội viên Hội Mỹ thuật Lâm Đồng) đã tập hợp được những anh em đam mê nghề vẽ để thành lập nhóm mỹ thuật B’Lao và chuẩn bị tổ chức triển lãm tranh đón mừng năm mới tại Khách sạn Du lịch Bảo Lộc.

Thời gian triển lãm kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ ngày 18 tháng 1 năm 2012 với tổng số gần 50 bức tranh của 13 họa sỹ địa phương. Nội dung triển lãm, giới thiệu về đất và người B’Lao.

Đây là một sự cố gắng lớn của anh em cầm cọ có dịp chuyển tải thông điệp bằng hình ảnh quê hương mình đang sống đến dân bản địa và du khách. Toàn bộ chi phí phục vụ cho triển lãm tranh đều từ nguồn tài chính cá nhân.

“Bảo Lộc chúng ta được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, môi trường sống động, không phải nơi nào cũng được như thế. Hy vọng, đợt ra mắt triển lãm tranh của nhóm mỹ thuật B’Lao lần đầu tiên ra mắt công chúng sẽ đánh thức được tiềm năng quê hương qua những tranh vẽ; đồng thời, cũng sẽ tập hợp được những người cầm cọ tâm huyết với Bảo Lộc, góp phần giới thiệu đất và người B’Lao đến với mọi người” - Họa sỹ Lê Hoàng, nhóm trưởng, cho biết.

TRẦN ĐẠI