Buổi sáng lúc sáu giờ

04:02, 29/02/2012

Buổi sáng lúc sáu giờ, chị đi ngang qua quán cô Mỹ, chiếc xe đầy ắp những rau, cá, thịt của chị nặng thêm khi chị nhận một giỏ chục gói bún riêu mà con gái cô Mỹ đưa ra tận xe, nó nói:

Buổi sáng lúc sáu giờ, chị đi ngang qua quán cô Mỹ, chiếc xe đầy ắp những rau, cá, thịt của chị nặng thêm khi chị nhận một giỏ chục gói bún riêu mà con gái cô Mỹ đưa ra tận xe, nó nói:

- Cô ơi, hôm nay mẹ con nói cô dặn 10 gói, nhưng mà…

Chị ngạc nhiên:

- Sao hả con?

Kim Đan ngần ngừ một chút rồi trả lời:

- Trong này là 11 tô nhưng mẹ con chỉ lấy tiền 10 tô thôi!
- Sao vậy?
- Một tô mẹ con nói để cô ăn, sáng nay cô đổi món ăn sáng đi nghen cô!

Vậy là chị hiểu và thầm cảm động. Thức dậy lúc 3 giờ, chị ra chợ bán sỉ buổi sáng, tìm mua cá, rau, thịt hoặc những vật dụng mấy người quen gởi, rồi chị tất tả chất lên xe máy chạy vào mấy xã vùng sâu để bán hàng, chị đã kịp ăn gì đâu? Mà chị cũng không dám ăn sáng “sang” như vậy, dù quán cô Mỹ đặt tên là quán bún riêu bình dân! Chị lấy mối bún riêu quán cô Mỹ bán thêm cũng bởi chữ bình dân ấy chứ chị chưa hề nếm thử bún riêu cô Mỹ nấu hương vị thế nào? Nhưng chị biết bún riêu cô Mỹ ngon khi nhìn những khuôn mặt giãn ra của những người ăn, không ngon mới lạ, chị nghĩ, giữa rừng được một tô bún đem đến tận nơi thì còn gì bằng? Bao giờ chị cũng lấy 10 gói bún, cô Mỹ cẩn thận múc nước nhưng có miếng giò heo với cục riêu tôm trong một bịch ni lông, rau và chanh ớt trong một bịch khác, bún tươi trong một bịch khác nữa rồi cột chung lại với nhau. Chị chở thức ăn tươi sống và từng ấy phần bún vào những vùng không có chợ dọc theo con đường xuyên qua những cánh rừng xen lẫn với những rẫy cà phê, những vườn hồng, thỉnh thoảng vài ngôi nhà thấp thoáng trong không gian xanh thăm thẳm. Đường khó đi lắm, nhất là vào mùa mưa, nhưng dưới sự điều khiển của chị, chiếc xe ngoan ngoãn chạy êm ru. Chị thuộc từng ổ gà, từng khúc quanh, dưới bóng cây kia là trạm dừng chân của chị, chị thở phào như vứt một gánh nặng ra khỏi vai. Chị bắt đầu một ngày làm việc như vậy để kiếm lấy một ít tiền lời.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Buổi sáng lúc sáu giờ, đứa con gái học lớp 7 của chị cũng bắt đầu đến trường. Em đi trong nắng ban mai, miệng lẩm bẩm những môn học thầy bắt phải thuộc lòng. Thỉnh thoảng em dừng lại, lấy cuốn tập để chắc rằng mình nhớ đúng bài rồi lại đi tiếp. Em đến trường sớm, đó là thói quen em học được từ người mẹ. Em mua một ổ bánh mì không nhân, lặng lẽ ăn dưới gốc cây tùng già và uống nước trong một cái chai em mang theo từ nhà. Buổi sáng, chị đặt trên bàn học của con hai tờ giấy bạc, một tờ màu đỏ, một tờ màu xanh (đôi khi là 3 tờ màu xanh), đứa con gái nhỏ của chị không biết mẹ gởi gắm điều gì trong hai màu xanh và đỏ như vậy? Chị chưa bao giờ giải thích với em và em cũng không gặng hỏi mẹ điều đó, em chỉ biết rằng đó là tiền ăn sáng của em. Ăn sáng xong em xem lại bài vở, khi biết chắc là mình đã không sai sót điều gì, em im lặng lắng nghe con chim chào mào lửa hót. Em vui khi tưởng tượng mình sẽ được thấy Nha Trang, em chưa biết biển mà.

Mười lăm năm trước…

Buổi sáng lúc sáu giờ, cô hạnh phúc đi bên anh bước vào cổng bến xe phía Nam, cô và anh leo lên một chiếc xe khách để đi đến một nơi mà cô cho rằng đó là chốn  thiên đường. Nơi ấy có hoa, có thông, có sương mù, có những con đường quanh co lặng lẽ… tóm lại đó là cảnh đẹp như cảnh thần tiên. Bên cô lại có anh, anh sẽ thủ thỉ vào tai cô những lời mật ngọt, anh dìu cô đi men theo những sườn đồi rồi bất chợt anh dừng lại ôm chặt lấy cô, môi anh tìm môi cô… Cô mụ mị với viễn cảnh hạnh phúc đang ru cô vào một cuộc phiêu lưu nơi chốn thiên đường. Cô quên rất nhanh sự giận hờn của mẹ, ánh mắt xa xăm buồn của ba và nhiều dấu hỏi của mấy bà dì, ông chú… Cô đang có anh và với cô như vậy là quá đủ, cô sung sướng với hạnh phúc của mình.

Mười năm trước…

Buổi sáng lúc sáu giờ, cô thức giấc, bên cạnh cô là một khoảng không rộng đến nao lòng. Phải một lúc lâu cô mới nhớ ra cô đang ngủ một mình trong căn phòng vắng đã nhiều đêm, không có anh. Cô lại nhớ đến lời hứa của anh trong những ngày ngập tràn hạnh phúc:

- Anh sẽ đưa em đi dạo trên đường Cộng Hòa, em phải biết đó là con đường tình nhất Đà Lạt!

Cô lại nhớ đến con gái, con bé 4 tuổi mà giống mẹ như lột. 4 tuổi cô đi lạc dọc theo bờ biển, báo hại cả nhà tìm muốn đứt hơi, cô nhớ cô chạy theo một vỏ giấy kẹo Chewing gum doublemint! Cô lại nhớ lúc cô mười sáu tuổi, anh hàng xóm cạnh nhà lén vứt vào nhà cô một bài thơ tình. Cô quên mất bài thơ ấy, nhưng nội dung là cảm xúc của anh khi bất chợt nhìn thấy cô chải mái tóc dài đen mượt  khi anh vô tình đi ngang qua nhà cô. Rồi một bài nữa, một bài nữa… Cô lại nhớ đến ánh mắt đau đớn của anh hàng xóm khi anh đưa cô về nhà, hai người bịn rịn chia tay nhau cạnh cái hàng rào dâm bụt.

Năm năm trước…

Buổi sáng lúc sáu giờ, chị dựng xe dưới một gốc thông già. Chị cởi chiếc khẩu trang màu đen to đùng khi biết chắc rằng mình không quen ai ở cái xóm nhỏ này. Một người đàn ông từ xa đi lại, ông nhìn chị chằm chằm hỏi:

- Cô làm gì ở đây?

Chị hơi ớn, một khuôn mặt lạ, hơi dữ, nhưng chị vẫn trả lời:

- Dạ, cháu bán hàng!
- Cô bán hàng gì?

Lại một câu hỏi nữa, nhưng ánh mắt người đàn ông lúc này nhìn vào chiếc thùng cột trên xe. Chị giở thùng mời:

- Chú mua giùm cháu chục đậu đi?

Người đàn ông nhìn cô, mắt ông dịu lại:

- Cô chỉ bán thứ này thôi thì không được, người trong này thiếu đủ thứ, cô phải đem cá khô, chút thịt, chút rau, muối, mắm vào… cô nhớ chưa?

Sau này nghĩ lại, ông Thống chính là quý nhân của chị, nhờ ông mà chị được bà con trong này coi như người nhà. Những chuyến làm ăn của chị suôn sẻ, cũng có lúc chị bị nợ nhưng chị biết đến vụ cà phê, người mua chịu sẽ trả chị thôi. Chị quên thật nhanh cảm giác hụt hẫng khi cầm tờ quyết định nghỉ việc với mấy trăm ngàn trợ cấp một lần. Ban đầu chị giận ông giám đốc biết bao nhưng sau này khi bình tâm trở lại chị nghĩ biết đâu nhờ đó mà cuộc sống mẹ con chị dễ chịu hơn?

Tôi biết chị trong một buổi họp phụ huynh cuối năm học, chị đến họp muộn vào lúc cuối giờ, tôi tiếp riêng chị và bất chợt chị kể với tôi chuyện đời mình.

Thầy biết không, chị kể tiếp với tôi, tui đi miết trên con đường ngang qua nhà thầy không biết bao nhiêu lần nhưng tui chỉ nghĩ đến một con đường thôi, con đường mà ảnh hứa hoài hứa hủy sẽ đưa tôi đi chơi, không biết nó “tình” đến cỡ nào? Tôi hỏi con đường nào hả chị, chị nói đường Cộng Hòa. Cộng Hòa, Cộng Hòa… phải rồi, người ta đổi tên lâu rồi chị, bây giờ đường tên là Lý Tự Trọng, chị ơi, tôi thấy đường đó cũng bình thường thôi, chắc trước kia đường Cộng Hòa tĩnh lặng đẹp lắm, còn bây giờ thì… nếu đến chị sẽ thất vọng cho coi?

- Chắc tui sẽ không bao giờ đi trên con đường đó đâu, một mình đi làm gì hả thầy? Vì mê Đà Lạt, tui lại gặp ảnh người Đà Lạt nữa, nên tui bỏ cả cha mẹ lên đây, vậy mà…

Tôi hỏi ảnh đâu hả chị, chắc là ông ấy chết rồi, tôi nghĩ, chị với ông ấy có một mối tình đẹp lắm, bây giờ chị vò võ một mình nuôi con, tội nghiệp chị!

- Tụi tui ly thân nhau nhiều năm rồi, ảnh nghiện rượu thầy à, mà thôi giờ thì tui chỉ sống vì con nhỏ, thầy biết không con nhỏ có hiếu lắm, cháu nhịn ăn sáng để dành tiền cho mẹ mua vé xe về thăm ông bà ngoại. Nó đâu biết khi tui ra đi, tui nói với ba mẹ chừng nào con về, vợ chồng con sẽ lái xe hơi để các cháu thăm ông bà ngoại, con không đụng đến gia tài của ba mẹ đâu, ba mẹ cứ để cho anh Hai… Vậy mà ảnh chỉ lo uống rượu, căn nhà gỗ mục nát cũng không xây nổi đừng nói gì nhà với xe hơi, một lời hứa ảnh sẽ đưa tui đi dạo ở con đường thầy nói đó, ảnh cũng làm không được nữa là… Mà dù sao tui cũng ở Đà Lạt rồi, ở đâu cũng có người này người nọ phải không thầy?

Tôi không thấy trong mắt chị niềm khắc khoải nào, mắt chị trong veo, một con mắt của người miền biển. Tôi không biết trả lời chị thế nào, bởi chuyện tình của chị không đẹp như tôi nghĩ, tôi bần thần vì chuyện chị kể, lòng cứ khắc khoải hoài.

Buổi sáng lúc sáu giờ, tôi đến bến xe Phương Trang mua 2 vé đi Nha Trang ngày mai. Tôi sẽ đưa vợ tôi đi chơi biển, tôi sẽ dìu nàng dọc theo đường Trần Phú để nghe biển hát, tôi đã hứa bao nhiêu lần với nàng rồi.

Buổi sáng lúc sáu giờ, ngày mai…

Truyện ngắn: VÕ ANH CƯƠNG