Chuyện về địa danh có nguồn gốc tiếng bản địa

03:02, 15/02/2012

Thành phố Bảo Lộc có một xã mang tên Đam Bri, tên của con sông nhỏ chảy ngang địa phận xã và  một khu du lịch có ngọn thác đẹp cũng mang tên ấy. Như vậy, ở thành phố Bảo Lộc, con sông mang tên Đam Bri.

XUNG QUANH DANH TỪ ĐAM BRI

Thành phố Bảo Lộc có một xã mang tên Đam Bri, tên của con sông nhỏ chảy ngang địa phận xã và  một khu du lịch có ngọn thác đẹp cũng mang tên ấy. Như vậy, ở thành phố Bảo Lộc, con sông mang tên Đam Bri.

Đi thêm hơn chục cây số, ở đầu nguồn con sông, từ các khe núi của dãy Bun Trao, nó chảy xuống vùng đồi thấp dưới chân đèo B40; khi đó, vẫn còn là một con suối, nó cắt ngang đường ĐT 725 ở một cây cầu nhỏ, thuộc phạm vi xã B’Lá, huyện Bảo Lâm, cầu ấy có tên Đam B’ri.

Biển hiệu ở thác Đam Bri
Biển hiệu của thác Đam Bri


Cũng cách thác Đam Bri hơn ba chục cây số, con sông sau khi chảy qua vùng đồi núi cao phía bắc đèo Bảo Lộc, xuống phần đất thuộc huyện Đạ Huoai, ven con sông ấy có một xã mang tên Đạ M’ri, một thị trấn cũng cùng mang tên ấy. Như vậy, ở huyện Đa Huoai, con sông mang tên Đạ M’ri.
 
Với chiều dài chỉ với hơn 50 km, chảy qua ba huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng, con suối lớn, cũng có thể coi là một con sông nhỏ, là một phụ lưu của sông Đạ Huoai thực sự có tên là gì?

Đam B’ri, Đam Bri ,Đạ M’ri  hay Dà Mbri?

Chữ Dà, được Việt hóa theo âm đọc thành Đạ hay Đa, với nghĩa tiếng Việt là: nước, con nước. Cũng có khi chữ Dà được chuyển thành Đam như trong  tên suối: Dà Ndròng thành Đam Rông. Nhưng trong tiếng Mạ thì Đam dùng để chỉ người đàn ông, nên có lẽ cách chuyển Dà thành Đam là không đúng.

Còn chữ M’ri, Bri hay Mbri chưa rõ được nghĩa.

Tìm trong kho tàng chuyện cổ truyền miệng của các buôn làng người Mạ, cũng thấy một vài truyền thuyết liên quan đến các chữ ấy:

Chuyện người hóa thú:

Ngày xưa, trong các buôn làng người Kơho, người Mạ có những thầy cúng, những người này thường luyện bùa, nuôi ngải dùng để trị bệnh cho dân làng hoặc dùng ngải thư, ếm làm hại kẻ thù.

Có khi, bùa ngải được nuôi lâu năm, lại thuộc dòng ngải dữ hoặc giả không được cho ăn đầy đủ, ngải nhập vào người chủ. Người bị ngải nhập trở thành mất nhân tính, bỏ buôn làng vào rừng sống như thú hoang, quên mất tiếng người, lông lá mọc đầy như dã thú, có lúc hóa thành cọp, có răng màu vàng, gọi là Klìu Mbri.  Klìu Mbri hay bắt những người đi lẻ trong rừng ăn thịt.

Người Mạ thường đặt tên sông suối bằng những điều đặc biệt xảy ra trên vùng rừng có con suối chảy qua, vì vậy Dà Mbri là con suối có người hóa thú ở đó.

(Chuyện kể của Ông K’Sinh- già làng ở xã Đinh Trang Thượng - Huyện Di Linh và thầy K’Bố - giáo viên trường tiểu học Lộc Tân, Huyện Bảo Lâm).

Chuyện con suối của K’ Mri:

Buôn Tơng Klòng ngày xưa chỉ có bốn nhà, già làng là ông K’Mri.

Một năm, trời hạn hán không có mưa, mọi người không còn nước uống, không còn nước nấu cơm.

Ông K’Mri  kêu gọi mọi người đi tìm nước, đào mấy ngày, núi chảy ra dòng nước không bao giờ cạn, mọi nhà có đủ nước dùng, không còn bị khát nữa. Con suối ấy, sau này được gọi là suối của ông K’Mri - Dà Mri. Buôn dời đến sống ven con nước nên gọi là buôn  Tơng Klòng Dà Mri - buôn ở trảng cây dầu suối Mri.

(Chuyện kể của ông K’ Bìn, xã Lộc Tân Huyện Bảo Lâm)

Tại xã Đam Bri thành phố Bảo Lộc, có ngôi trường Trung học cơ sở mang tên Đam Bri, ở trường ấy có lưu chuyện kể sự tích thác Đam Bri, tóm tắt như sau:

Ngày xưa ở bộ tộc Kơho  có chàng K’Dam và nàng  HơBri yêu nhau, cuộc tình của hai người bị gia đình cấm cản. Họ vẫn hẹn nhau bên ngọn thác trên dòng suối lớn cạnh buôn. Một ngày chàng K’Dam không đến. Mỗi ngày, nàng Bri chờ mãi nhưng K’Dam vẫn bặt tăm. Một ngày, nàng nhảy xuống thác chết, chàng K’Dam nghe tin cũng gieo mình xuống thác tự vẫn.

Từ đó ngọn thác được đặt tên là  Đam Bri nghĩa là thác đợi chờ.

VÀ TÊN MỘT QUYỂN SÁCH

Rằm tháng giêng năm Nhâm Thìn, nhân ngày Thơ Việt nam, chi hội Văn  học Nghệ thuật thành phố Bảo Lộc phát hành tuyển tập thơ, văn, ảnh, nhạc,  có tên Dar M’ri với bìa sách in hình ngọn thác được coi là cao nhất tỉnh Lâm Đồng với “Lời thưa”, của ban biên tập ở đầu sách:

“Đar M’ri là tên của dòng sông, dòng suối, dòng thác khởi nguồn từ dãy núi Langbian hùng vĩ chảy dài qua các huyện thị của tỉnh Lâm Đồng… Thác Đar M’ri (chứ không phải Đambri) như một hòa khúc thiên nhiên đầy ơn phước… ”.

Như vậy tên sách lấy tên con sông nhỏ, mà ở thành phố Bảo Lộc mọi người vẫn gọi là Đam Bri.

 Với tên sách ấy, chi hội Văn học nghệ thuật thành phố Bảo Lộc đưa ra thêm một cách gọi khác, của con sông chảy xuyên qua  huyện Bảo Lâm, huyện Đạ Huoai và thành phố Bảo Lộc và tên ấy có hai chữ: Đar hay Dar và M’ri ghép chung thành Đar M’ri hoặc Dar M’ri. Sở dĩ phải liệt kê cả hai từ vì tên sách ở bìa ghi là Dar M’ri, mà ngay trong “Lời thưa” sau đó lại dùng từ Đar M’ri.

Xin chưa bàn đến việc phát nguồn của con sông ấy ở đâu, ngay ở cao nguyên Di Linh hay tận  núi Lang Bian trên cao nguyên Lâm Viên và cũng không nói đến chữ M’ri, Bri, Mbri có dấu phẩy ở trên hay không, chỉ xin được đề cập đến  một chữ, chữ Đar  hay Dar trong tên Đar M’ri, Dar M’ri.

Trong quyển  tự điển Việt - Kơho, do sở Văn hóa và Thông tin  tỉnh Lâm Đồng xuất bản năm 1983, trang 36 cột 2 dòng 12 có ghi:

Chung quanh: gùt dar.

Người Mạ khi muốn nói, việc đó xảy ra quanh năm, họ dùng từ dar nam, nghĩa là thường niên.

- Trang 26 cột 2 dòng 25:

Cánh: đar, cánh chim: đar sềm.

Khi ghép chữ Dar hay chữ Đar với chữ M’ri thành ra Dar M’ri, Đar M’ri thì hai từ ấy không rõ có nghĩa gì?

Hay chữ Dar và chữ Đar là cách ký âm khác của chữ Dà có nghĩa là nước?

Chắc không phải, vì chữ Đar, chữ Dar  đều có âm r mà âm này trong tiếng bản địa phải rung đầu lưỡi, trong lúc chữ Dà phát âm như có dấu nặng và phải tách hai môi, hai hàm răng ra.

Còn nếu chữ Đar hay Dar có nghĩa là nước thì càng không phải.

Từ điển Việt - Kơho nói trên

- Trang 113, cột 1 dòng 15 ghi rõ:

Nước:  Dà. Nước uống: Dà hùc.

- Trang 131 cột 1 hàng 9:

Sông: Dà dờng

Tài liệu dạy và học tiếng Kơho, sở Nội vụ- sở Giáo dục và Đào tạo  tỉnh Lâm Đồng xuất bản năm 2007, trang 36 liệt kê :

 Dà sơdiang(corh) : suối
 Dà dờng               : sông
 Dà lềng                 : biển

Nếu viết theo kiểu Việt hóa chữ Dà thành ra Đar lại càng không phải, vì nếu Việt hóa  thì phải Việt hóa cả từ, chứ không thể nửa vời, chữ Đar thì Việt hóa còn chữ M’ri lại không.

 Ngay trong quyển Dar M’ri nói trên, khi đề cập đến các tên có nguồn gốc từ tiếng bản địa, nhà thơ Lâm Tuyền Tĩnh trong Tình sử Lang Bian.
 
(Từ trang 191  đến trang 202) cũng dùng chữ Đa, Đạ (Đa Nhim, Đạ Đờng) để  gọi các con sông. Nhạc sĩ Thanh Hùng dùng chữ Đam B’ri trong bài hát Âm vang Đam B’ri (trang 184).

Như vậy, trong quyển Dar M’ri, cách chuyển âm chữ Dà cũng không nhất quán và khác với tên sách.

Trên các cao nguyên thuộc tỉnh Lâm Đồng,  rất nhiều tên đất, tên  núi, tên sông suối, có nguồn gốc từ tiếng các dân tộc thiểu số bản địa. Việc ký âm các địa danh đó cần chính xác theo cách nói của người bản địa hoặc nếu chuyển âm sang tiếng Việt,  thì đó là việc tất yếu xảy ra, trên quá trình  hội nhập của các ngôn ngữ, có phân vùng sử dụng liền kề hoặc đan xen. Nhưng ký âm, chuyển âm thế nào, thiết nghĩ cũng là việc nên làm một cách cẩn trọng và nhất quán.

Để tránh cho việc gọi tên buôn làng, tên núi tên sông…theo tiếng dân tộc bản địa một cách cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, thì nên có hội đồng tư vấn. Các nhân sĩ trí thức người bản địa chắc sẽ sẵn lòng cộng tác. Tận dụng vốn hiểu biết của họ, để làm  chính xác và nhất quán cách ký âm tiếng Kơho, Mạ hoặc chuyển âm sang tiếng Việt các địa danh ở địa phương, là việc nên làm. Khi ấy, tầm văn hóa của vùng đất, sẽ được nâng lên, khi các địa danh được ký âm đúng như người bản địa nói. Chắc rằng việc đó sẽ được sự đồng tình của nhiều người, vì đấy là việc làm “ưng cái bụng” của họ mà.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Từ điển Việt - Kơho, Sở Văn hóa và thông tin - tỉnh Lâm Đồng - xuất bản 1983.

- Tài liệu dạy và học tiếng Kơ Ho , Sở Nội vụ - sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng - 2007.

- Địa chí Lâm Đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng- Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc - Hà Nội - 2001.

NINH THẾ HÙNG