Đặc sắc Hội Ba Dân

09:02, 02/02/2012

Từ hàng trăm năm nay, vào dịp rằm tháng hai âm lịch, ở vùng Lĩnh Nam ven sông Hồng có một lễ hội do nhân dân ở ba làng: Thúy Lĩnh, Nam Dư Thượng và Nam Dư Hạ phối hợp tổ chức. Đó là Lễ hội Rước cấp thủy Ba Dân.

Từ hàng trăm năm nay, vào dịp rằm tháng hai âm lịch, ở vùng Lĩnh Nam ven sông Hồng, cách thành Thăng Long chừng bảy, tám cây số về phía Đông Nam (nay là phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) có một lễ hội do nhân dân ở ba làng: Thúy Lĩnh, Nam Dư Thượng và Nam Dư Hạ phối hợp tổ chức. Đó là Lễ hội Rước cấp thủy Ba Dân. Gọi tắt là Hội Ba Dân.

Hội Ba Dân dựa trên sự tích được lưu truyền trong Ngọc phả. Lý Hoàng Chân - hoàng tử út trong tứ hoàng tử của vua Lý Thánh Tông. Mẹ là Hạo Nương, cung phi thứ 9, quê ở xã Bồng Lai, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Lý Hoàng Chân có công lớn chống quân Tống xâm lược. Trong trận quyết chiến tại phòng tuyến sông Cầu (Bắc Ninh) năm 1076, Ngài đã anh dũng hy sinh, được Vua phong: “Linh Lang Đại Vương thượng đẳng phúc thần" và duy nhất là người hy sinh ở chiến trường được lập đền thờ tại nội đô lúc bấy giờ - Đền Voi Phục (Thủ Lệ). Trải qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến nay, 269 nơi có dấu tích của Ngài cùng chung thờ. Khách thập phương vãng lai thành kính, ngày đêm hương đăng. Do Ngài hóa ở dưới dòng sông, cho nên dân trồng lúa và rau màu các vùng ven sông có thờ Ngài, trong đó có ba làng: Thúy Lĩnh, Nam Dư Hạ, Nam Dư Thượng còn tổ chức rước nước từ sông Hồng về làng. Mục đích là cầu cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng tươi tốt.
 

Hát mừng tại Hội Ba Dân.
Hát mừng tại Hội Ba Dân.

Nội dung chính của Lễ hội Ba Dân gồm: Tế Linh Lang Đại Vương tại đình. Rước kiệu chở thuyền rồng từ đình làng tới bến sông. Xuống thuyền ra giữa dòng làm lễ khấn Hà bá. Hạ thuyền rồng và xin nước cho vào thạp (bình) mang về. Khánh tiết rất trang trọng. Sắc màu chủ đạo là đỏ son và vàng chanh, dưới nắng xuân càng thêm rực rỡ. Nhã nhạc phụ họa tế - lễ - rước, thứ nào ra thứ đó, chuẩn mực và hấp dẫn. Nhiều khi còn múa sư tử, múa kỳ lân để tăng uy linh.
          
Hội rước bắt đầu với đội cờ đi trước, rồi đến đội khiêng kiệu thuyền rồng, bình đựng nước. Quan viên trực tiếp hành lễ được lựa chọn, thanh lịch và tâm đức. Các cao lão từ 90 tuổi trở lên mặc áo đỏ, đội khăn xếp đỏ, đi sau khánh tiết. Tiếp đó là các bậc tuổi từ cao đến thấp.

Nét đặc sắc ở Hội Ba Dân là ở chỗ nhân dân 3 làng cùng phối hợp tổ chức. Tư tưởng chủ đạo là bày tỏ kính ý với Thành hoàng và cầu may mắn trong mối giao lưu hòa hảo. Nó phản ánh nhu cầu đoàn kết "Ba cây chụm lại" của những người nông dân cần cù, giản dị chống chọi với thiên tai, địch họa để thực hiện khát vọng an lành, hạnh phúc. Xưa kia, từng làng tổ chức riêng. Thời điểm khai hội đều vào ngày 14-2, kéo dài đến 16-2. Khi các nội dung lễ hội đã hoàn thành thì thực hiện “Ba dân giao hảo” ăn chạ tập trung ở một làng nào đó theo luân phiên. Nay, để hợp với nhịp sống CNH-HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời nhằm nâng cao giá trị văn hóa của Hội, thời gian có rút ngắn lại. Ngày 14, cả 3 làng rước nước tập trung. Ngày 15 từng làng tế Thành hoàng ở đình của làng mình và kết thúc. Hội rước đã hình thành một mỹ tục: Làng Thúy Lĩnh ở gần sông Hồng hơn, nên bao giờ dân Thúy Lĩnh cũng đón đợi đoàn rước của 2 làng kia. Khi khách đến cửa đình, dân làng nghênh tiếp và nhường cho bạn đi trước, lịch thiệp nhận vị trí đi sau cùng. Nhưng khi lễ thành thì dân Thúy Lĩnh lại về trước để chào mời, nói câu mong đợi “đến hẹn lại lên”.

Những năm làng Thúy Lĩnh không có điều kiện tổ chức được hội thì đều cử đội đại diện đón tiếp chu đáo các làng kia trên đường rước nước. Trước đây khánh - nhạc chỉ có cờ hội và bát âm, nay đội cựu chiến binh 10 người, mang Quốc kỳ đi đầu và đội nhạc thiếu nhi đồng phục, khăn quàng đỏ, làm cho lễ hội vừa đậm đà bản sắc dân tộc, lại vừa có yếu tố văn hóa thời đại.

Lễ hội Ba Dân thể hiện sức mạnh nội tại tiềm tàng của từng địa phương. Từ đó cấu thành sức mạnh của từng vùng, của cả dân tộc Việt. Muôn người háo hức vào hội, hành lễ bằng thực tâm của con người. Điều này chỉ rõ sự "cộng đồng tích hợp” trong hội. Một hình thái cộng đồng không chỉ ở số lượng mà còn với cả chất lượng (niềm tin).

Đáng chú ý là, trong Hội Ba Dân, người ta rất quan tâm đến lịch sử. Người cao tuổi kể cho mọi người, nhất là lớp trẻ nghe sự tích Thành Hoàng Linh Lang Đại Vương và lễ hội truyền thống Rước cấp thủy, “chốt” một nguyên lí: “Ta có lúc bị quân giặc cướp mất nước nhưng chưa bao giờ ta bị mất làng. Và chính vì còn làng nên ta có điều kiện để giành lại nước!”.

PHẠM DÂN