Lê Bá Cảnh - người yêu huyền thoại

04:02, 29/02/2012

Những câu chuyện kể có thật hay không, nhưng những huyền thoại do anh viết đều có mức độ nào đó để lại ấn tượng trong lòng người đọc, đặc biệt là các du  khách khi về thăm thành phố ngàn hoa này.

Khi nói đến nhà thơ Lê Bá Cảnh, người đọc thường nghĩ ngay đến một người làm thơ chuyên về các huyền thoại ở Đà Lạt – Lâm Đồng. Những hồ thác sông suối… lần lượt được anh đưa vào huyền thoại. Những câu chuyện kể có thật hay không, nhưng những huyền thoại do anh viết đều có mức độ nào đó để lại ấn tượng trong lòng người đọc, đặc biệt là các du khách khi về thăm thành phố ngàn hoa này. Đã là huyền thoại thì không phải là chuyện thật rồi. Đó là những câu chuyện được hư cấu, được sáng tác chủ quan của tác giả. Nhưng dồn tâm huyết để cho ra đời các huyền thoại cũng đủ thấy sức làm việc, tấm lòng của người viết với những gì mà mình muốn thổ lộ cũng đủ làm cho người đọc thật sự trân trọng.
 

Nhà thơ Lê Bá Cảnh. Ảnh PK
Nhà thơ Lê Bá Cảnh. Ảnh PK

Mấy năm trở lại đây, nhà thơ Lê Bá Cảnh rất hào hứng về công việc sáng tác huyền thoại. Sau mười lăm năm, anh đã cho ra đời: Huyền thoại Hồ Than Thở, Huyền thoại thác Hang Cọp, Huyền thoại thác Liên Khương, Huyền thoại Phong Nha, Huyền thoại thác Yang Bay, Huyền thoại thác Prenn… và hàng trăm bài thơ  được in trong các tập thơ của anh như: Giọt mưa xứ lạnh, Tiếng chim Từ quy, Đà Lạt trong tôi, Màu hoa đất Việt… Công bằng mà nói, yêu thơ, chung thủy với thơ, làm thơ miệt mài như nhà thơ Lê Bá Cảnh cũng khá hiếm hoi ở mảnh đất này.

Nói như giáo sư, tiến sĩ Lê Chí Dũng, thì đọc “Huyền thoại hồ Than Thở” độc giả bắt gặp những vần thơ song thất lục bát rất thích hợp với những khúc ngâm trầm buồn…

Với 316 câu thơ song thất lục bát, Lê Bá Cảnh đã làm nên một huyền thoại hồ Than thở. Trong lời bạt của mình viết về Huyền thoại Hồ Than Thở, nhà thơ Phạm Vũ đã tâm sự: “Một trong những thiên chức trời ban cho những người cầm bút là phải biết tạo thêm ra những sự tích, truyện cổ và huyền thoại mới, làm phong phú thêm cái vườn cổ tích và huyền thoại vốn đã phong phú lại càng phong phú thêm, vốn đã đẹp rực rỡ càng rực rỡ hơn. Tại sao lại phải là than thở và than thở cho cái gì? Trong câu chuyện bằng văn vần theo thể thơ song thất lục bát mà anh Lê Bá Cảnh đã tái hiện thành một truyện thơ rất nhuần nhuyễn để diễn tả lại sự tích của một cái hồ - Hồ Than Thở chính ngay trên thành phố Đà Lạt.

Huyền thoại Hồ Than Thở là một câu chuyện thật hay ước vọng về một mối tình đẹp, thủy chung của người con trai con gái, thì đó là ước vọng đẹp và cao cả, đáng để cho người đời sau suy ngẫm.

Không dừng lại ở Huyền thoại Hồ Than Thở, nhà thơ Lê Bá Cảnh đã dành thời gian tâm huyết cho những huyền thoại khác về các thác hồ đập… ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Và vươn xa hơn nữa, anh đã trở về thăm quê Quảng Bình và cho ra đời Huyền thoại Phong Nha. Anh đến Nha Trang Khánh Hòa tìm cảm xúc và viết Huyền thoại thác Yang Bay. Cứ như là anh sinh ra để viết huyền thoại vậy.

Điều thật ngạc nhiên, là Công ty Du lịch Yang Bay trực thuộc Tổng Công ty Khánh Việt đã có công văn đề nghị tác giả tặng thơ trong tác phẩm Huyền thoại thác Yang Bay để phục vụ du lịch. Đây là một tin vui cho những người làm thơ như anh Lê Bá Cảnh. Và anh cũng đã đồng ý hiến tặng 100 câu thơ trong huyền thoại này để công ty sử dụng và trưng bày trong công viên Du lịch thác Yang Bay.

Thơ viết ra để thỏa mãn niềm hưng phấn của mình đã là hạnh phúc; thơ viết ra lại được người đọc trân trọng đón nhận lại càng hạnh phúc biết dường bao. Trong khi đó, thơ bây giờ chủ yếu in ra để biếu tặng nhau, họa hoằn mới bán được đôi cuốn. Nhà thơ đã nghèo lại nghèo thêm nếu không có mấy đồng tài trợ của nhà nước chắc thơ phải vĩnh viễn xếp vào trong góc tủ. Riêng nhà thơ Lê Bá Cảnh đã làm được một việc mà ít có nhà thơ nào làm được. Mỗi tập thơ anh in không dưới 5 ngàn bản và đều tiêu thụ hết. Muốn tìm lại những tập thơ huyền thoại cũ của anh để lưu trữ là rất khó. Một số tập thơ của anh còn được các mạnh thường quân đầu tư để in ấn và phát hành. Một tín hiệu vui nữa đến với nhà thơ Lê Bá Cảnh là các huyền thoại của anh đều được các điểm du lịch giới thiệu với du khách trong và ngoài nước.

Nhiều du khách khi tham quan Đà Lạt, Nha Trang, Phong Nha Kẻ Bàng đều tìm hỏi mua các tập huyền thoại của anh. Chí ít những văn hóa phẩm ấy cũng giúp cho du khách hiểu thêm về những thắng cảnh mà họ có dịp ghé qua.

Cho đến tập thơ thứ mười của anh “Màu hoa đất Việt” vừa mới xuất bản, anh cũng dành nhiều trang viết về các điểm du lịch nổi tiếng, như: Thung lũng trăm năm, Trên đồi Mộng Mơ, Đồi thông hai mộ, Lầu ông Hoàng, Hòn Chồng, Tam Tòa,Thác Liêng Xê Nha, Hồ Nam Phương, Trước Đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh… Anh xem thơ như một duyên nghiệp mà mình vận vào. Thơ giúp cho anh có thêm nhiều sức khỏe và tiếp tục cống hiến cho đời…

Tôi nghĩ, thời gian vẫn là thước đo cho những tác phẩm mà anh đã dành tất cả tâm huyết để khắc họa. Những bài thơ, những câu chuyện huyền thoại trong một chừng mực nào đó, du khách đã tìm thấy một phần mà họ cần tìm; người đọc phần nào cũng hiểu thêm những huyền thoại hôm nay để yêu hơn, quý hơn những ngọn thác, hồ, đập dấu yêu của Đà Lạt, Lâm Đồng và các vùng đất khác trên quê hương Việt Nam khi có dịp ghé qua.

Người yêu huyền thoại Lê Bá Cảnh đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng bút lực của anh vẫn còn mạnh mẽ; người đọc sẽ có dịp nghiền ngẫm những huyền thoại mới mà nhà thơ Lê Bá cảnh sẽ tiếp tục cho ra đời trong tương lai. Chúc mừng những thành quả của anh và hy vọng đón chờ những bài thơ, thơ hay của anh.

TRẦN NGỌC TRÁC