Một lễ hội Rằm tháng Giêng độc đáo

04:02, 01/02/2012

Ở Nam Tây Nguyên, thác Pongour là thác duy nhất có ngày lễ hội tưng bừng diễn ra vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm.

Thác Pongour được dân gian gọi là thác Bảo Đại hay thác Bảy tầng, và còn có tên khác là Thiên Thai, bởi nó là ngọn thác đẹp một cách mơ màng, huyền ảo như không phải ở trên trần gian…

Là một trong số ít ngọn thác có độ hùng vĩ vào bậc nhất Lâm Đồng, Pongour đổ từ trên cao khoảng 40m, với bề rộng hơn 100m trào qua bảy tầng đá bậc thang trông rất ngoạn mục. Nằm cách trung tâm huyện Đức Trọng 20 km, thuộc xã Tân Thành. Nếu tính từ trung tâm thành phố Đà Lạt, thì cách khoảng 50km về phía Nam. Trên trục quốc lộ 20, từ TP.HCM - Đà Lạt du khách sẽ dừng chân tại Ngã ba Pongour, đi ngang qua Thiền viện Long Tượng rồi vào khoảng 6 km nữa sẽ đến KDL sinh thái thác Pongour.

Thác Pongour
Thác Pongour

Phải nói rằng, ở Nam Tây Nguyên, thác Pongour là thác duy nhất có ngày lễ hội tưng bừng. Đó là vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, không biết không khí lễ hội ấy có từ khi nào, nhưng số người tham dự là rất đông. Có thể tính trên dưới hai chục ngàn người (theo Công ty Đất Nam), suốt từ 14 đến Rằm tháng Giêng. Họ đi du xuân, cắm trại với ý nghĩa tẩy trần, cầu may, họp bạn, và là dịp tốt cho những đôi tình nhân bày tỏ tình yêu…

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa nơi đây có nàng Ka Nai xinh đẹp nhất bon làng K’Ho, có sức mạnh thần kỳ, lại có biệt tài chinh phục thú rừng. Vì thế, dân trong vùng tôn nàng làm Tù trưởng. Vị nữ Tù trưởng được bốn con tê giác phục tùng. Nàng có chí khai phá đất đai, gieo trồng mùa màng đem lại cuộc sống ấm no cho cả vùng. Thuở ấy, có bọn giặc đến phá hoại, bắt bớ dân làng. Tức giận trước cảnh tàn bạo của quân giặc, Ka Nai đã đứng lên đánh giặc, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc của họ. Giặc tan, nàng cùng người dân mở rộng đất đai canh tác. Bốn con tê giác có công lớn trong việc san ủi những ngọn đồi để làm nương rẫy. Nhờ vậy, mùa màng quanh năm tươi tốt, cuộc sống thanh bình trở lại. Rồi khi vụ mùa năm ấy vừa thu hoạch xong, Ka Nai bất ngờ ra đi để lại thương tiếc cho mọi người. Bốn con tê giác trung thành không chịu ăn uống, cắm sừng xuống nơi nàng an nghỉ cho đến chết. Đêm ấy đất nứt ra, và sáng hôm sau dân làng sửng sốt thấy mái tóc đẹp tuyệt trần của Ka Nai đã hóa dòng thác tung bọt trắng xóa. Người bản địa tin rằng, những phiến đá chính là những chiếc sừng tê giác đã hóa thạch. Câu chuyện có tính biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết các dân tộc, bảo vệ vùng đất Nam Tây Nguyên giàu đẹp. Ngoài ra, Pongour còn là dấu vết của tình yêu thiên nhiên, sự gắn bó tha thiết, cảm động giữa người và vật để lại cho muôn đời sau tấm gương chung thủy.

Về tên gọi Pongour có hai giả thuyết chính. Giả thuyết thứ nhất cho rằng Pongour là do người Pháp chiếm đóng phiên âm từ tiếng K’Ho: pon-gou, có nghĩa là người làm chủ vùng đất sét trắng. Bởi qua một số tài liệu địa chất của người Pháp để lại, thì vùng này có nhiều đất cao-lanh. Giả thuyết này không được thuyết phục cho lắm!

Giả thuyết thứ hai được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ, vì họ cho rằng trong kho tàng truyện cổ K’Ho, Mạ, Churu có truyện kể về nàng Ka Nai đánh giặc. Và tiếng K’Ho “pon-gou” có nghĩa là bốn chiếc sừng (pon: bốn, gou: sừng) ứng hợp với bốn con tê giác trong truyền thuyết về nàng Ka Nai.

Như vậy Pongour là nơi kỷ niệm của nữ Anh hùng Ka Nai, người đã có công đánh giặc đem lại ấm no cho bon làng. Nơi dòng thác tuyệt đẹp tuôn đổ, là nơi bốn chiếc sừng tê giác cắm xuống, đợi chủ cho đến hóa thạch. Một hình ảnh đẹp đẽ đúng vào dịp trăng tròn đầu tiên của mùa xuân ấm áp, soi sáng tấm lòng con người và con vật thiêng liêng.


Ngày nay núi rừng đã khởi sắc, KDL sinh thái thác Pongour mở cửa đón khách bốn phương hội về tham quan, du lịch. Bao quanh thác là khu rừng nguyên sinh rộng chừng 25ha với thảm thực vật, địa tầng phong phú. Du khách đi xuống chân thác bằng hai con đường. Một con đường tắt quanh co với trên 200 bậc tam cấp. Một con đường vòng thoai thoải ven đồi.

Thác hùng vĩ nhất là vào mùa mưa, hàng ngàn khối nước khổng lồ như đổ từ trời xuống, trào dâng qua bảy bậc đá thâm nâu tạo ra những âm vang đồng vọng trước một màn hơi nước huyền ảo, lung linh. Vào mùa khô, du khách có thể đi lang thang qua những bậc đá và chiếc cầu gỗ để tiếp cận với chân thác, mà chiêm ngắm hết vẻ đẹp hoang dã của nó. Ngoài ra, du khách có thể thăm một Bảo tháp thờ Phật cao 10m và Bảo Đại vọng lâu, tương truyền là nơi Bảo Đại Hoàng đế ngự giá trong những chuyến du hành, săn bắn thăm thú đất Tây Nguyên. Đây là góc nhìn tổng thể, thác Pongour sẽ thu gọn trong tầm mắt. Bến thuyền là nơi sẽ được phục dựng lại cho khách tham quan câu cá, chèo thuyền vv… Kế đó là Thảm Én, cách chân thác khoảng 200m về phía hạ nguồn. Đúng như tên gọi, cứ vào mùa hè, hàng vạn đôi chim én tìm về trú ngụ trong những khe đá trên vách đá cheo leo, rêu phong cao độ 70m.

Những năm gần đây, với sự đầu tư đúng hướng của Công ty Đất Nam, KDL sinh thái Pongour thường tổ chức các lễ hội hoành tráng để thu hút du khách. Đó là lễ hội văn hóa dân gian, không gian văn hóa cồng chiêng tại Bãi Tiên Sa ngay dưới chân thác. Bãi đá rộng khoảng 2,5ha, du khách thường cắm trại ở lại đêm ngắm trăng Rắm huyền ảo cùng các trò chơi truyền thống của các dân tộc cộng cư trong vùng. Nào là cơm lam Tày Nùng, nhảy sạp xòe Thái, Hoa, nối vòng xoang K’Ho. Mạ. Churu… Hiện nay, do nguồn nước thiếu, Công ty Đất Nam đang thực hiện kế hoạch xây một đập tràn để giữ nước ban đêm và xả vào ban ngày, đem lại cảnh quan như xưa. Dự kiến đầu mùa hè năm 2012 sẽ hoàn tất các công trình và đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan du lịch…

Đây có thể nói là một ngọn thác nổi tiếng với một lễ hội độc đáo, có một không hai ở đất Nam Tây Nguyên, đem lại bầu không khí vui tươi lành mạnh và đậm chất sử thi…

NGUYỄN THÁNH NGÃ