Từ ngàn xưa, hoa được coi là thông điệp của tâm hồn. Mỗi chúng ta ai chẳng yêu hoa… Ai chẳng có kỷ niệm đẹp về một loài hoa nào đó. Và cũng từ ngàn xưa, hoa được coi là biểu tượng của cái đẹp, là thông điệp của sự quyến rũ.
Từ ngàn xưa, hoa được coi là thông điệp của tâm hồn. Mỗi chúng ta ai chẳng yêu hoa… Ai chẳng có kỷ niệm đẹp về một loài hoa nào đó. Và cũng từ ngàn xưa, hoa được coi là biểu tượng của cái đẹp, là thông điệp của sự quyến rũ.
Chăm sóc hoa bạch đào ở Thung lũng đào hoa Mười Lời. Ảnh Văn Báu |
Hoa là tặng vật của thiên nhiên ban tặng cho con người. Mỗi loài hoa với đủ sắc màu như: Trắng, đỏ, vàng, tím, hồng… luôn là một thứ ngôn ngữ nói với chúng ta bao điều thầm kín. Thưởng thức hoa không phải chỉ người giầu sang, phú quí, mới có thể chiêm ngưỡng được, mà người bình thường cũng có quyền thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền diệu của mỗi loài hoa.
Mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng và tiếng nói riêng mà mấy ai chia sẻ và nắm bắt được. Người xưa ví hoa như là người bạn tình muôn thủa của con người. Chẳng thế mà Đỗ Phủ nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời Đường đã từng thốt lên rằng: “Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân” (một cánh hoa rơi cũng làm giảm đi vẻ đẹp của mùa xuân). Còn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh bông hoa Hồng tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác đã thông cảm và sẻ chia nỗi bất bình với người bạn tù, người chiến sĩ cộng sản, kiên cường bất khuất “Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình”. Vì Bác là người yêu đời, yêu hoa hơn ai hết, và bao giờ cũng nâng niu, trân trọng vẻ đẹp của các loài hoa.
Người phương Đông có cái thú chơi hoa riêng, họ thưởng thức hoa trong sự tao nhã, tinh khiết mà trầm lắng. Trương Mãn Thúc đời Tống (Trung Quốc) đã từng say đắm hoa đến độ quanh năm, suốt tháng cứ ở nơi vườn hoa của mình, chia sẻ từng niềm vui, nỗi buồn đối với từng gốc Mai, khóm Hồng, chậu Cúc, đóa Trà Mi… để rồi trong cái thế giới huyền diệu của sắc hoa ấy mới cảm nhận hết được sự tinh túy và huyền diệu của hoa. Bởi ở mỗi loại hoa đều mang bản sắc văn hoá của một thời đại, một dân tộc, một vùng miền và có khi là của một con người.
Ở miền Nam hoa mai thường nở vào ngày tết và được coi là cốt cách của người quân tử. Mai có rất nhiều loại: hồng mai, bạch mai, hoàng mai, mai tứ quí, mai chiếu thủy. Trong tất cả các loại hoa mai kể trên đều có màu vàng, riêng mai chiếu thủy là có màu trắng. Lạ lùng thay, trong cái mầu trắng nuột nà tinh khiết đó, lớp cánh trong cùng lại có mầu hồng như máu. Nó làm cho bông hoa không còn vẻ lạnh lẽo mà ngời lên sức sống kỳ diệu của loài hoa mai này.
Đồng hành cùng hoa mai ở phương Nam là hoa đào ở miền Bắc, hoa đào mang lại một niềm vui, niềm khát khao chờ đợi. Khi hoa đào nở lòng chúng ta bỗng dâng lên một cảm xúc bồi hồi khó tả, và bất giác thốt lên: “Ôi mùa xuân đã về! Mùa xuân sao mà đẹp thế”. Hoa đào mang về cho lòng người một không khí ấm áp của mùa xuân sau những ngày đông giá rét. Màu hồng thắm của hoa đào như sưởi ấm lòng người và tô đẹp thêm phong cảnh thiên nhiên. Những vườn hoa đào rực hồng bên những mầm non hoài thai từ kẽ lá phô bày sự tuyệt mỹ vô tận, tràn ngập sức xuân. Mùa xuân về không chỉ có hoa mai, hoa đào khoe sắc mà hàng trăm, hàng ngàn loài hoa khác từ hoang dã đến vườn hoa ươm trồng, đâu đâu cũng thấy hoa nở. Dân dã và phổ biến nhất vẫn là họ nhà hoa cúc. Hoa cúc có mặt khắp mọi miền đất nước, như: Cúc đại đoá, hồng tử kỳ, bạch khổng tước, cúc vạn thọ, cúc gấm, cúc áo, cúc ngũ sắc, cúc tóc tiên, đồng tiền, mâm xôi… Trong muôn vàn các loài hoa thì hoa cúc được xếp vào hàng bốn loại hoa mà người đời quý trọng. (Đó là Tùng, Cúc, Trúc, Mai).
Du khách và hoa Đà Lạt. Ảnh Văn Báu |
Hoa cúc đẹp bởi sự giản dị khiêm nhường, có đức tính tốt đẹp của đấng quân tử. Phải chăng đó cũng là sự kiên cường chịu đựng của hoa cúc để vượt qua sương sa, tuyết lạnh, dâng cho đời vẻ đẹp kiêu sa của mình? Mỗi khi xuân về trong mỗi căn nhà, dù là ở nông thôn hay thành thị hoa cúc được trân trọng đặt trong những bình gốm rất bình dị nhưng lại tạo cho không gian thêm đằm thắm và lưu luyến đến khôn nguôi. Xuân về, cùng với quất, hồng, đào, mai… khoe sắc đón chào những cánh én xôn xao từ phương xa bay về. Ta thoảng nghe trong gió tiếng khèn gọi bạn tình trên các rẻo núi cao, đến câu giao duyên đồng bằng Bắc bộ, lẫn với điệu hò sông Hương man mác, quyện cùng điệu hát đất phương Nam. Tất cả như hòa nhập vào nhau, tạo nên âm hưởng của mùa xuân dân tộc.
Mùa xuân về càng làm cho con người gần gũi với thiên nhiên hơn. Chính cái không khí ấm áp cùng với muôn ngàn sắc hoa mà thiên nhiên ban tặng cho con người trong những ngày đầu xuân, càng làm cho mỗi chúng ta phải biết yêu quý thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên và có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống từng ngày.
Hoàng Bích Hà