Tản mạn về đất và người B’Lao

04:02, 01/02/2012

Theo già làng người Mạ, B’Lao có nghĩa là đám mây bay thấp. Còn đối với già làng K’Ho, B’Lao có nghĩa là tốt đẹp.

Đã định cư ở phố núi B’Lao gần 20 năm rồi, mà mỗi lần tiếp chuyện với người lạ, họ thường hỏi B’Lao có nghĩa là gì, nhưng tôi vẫn cứ ngỡ ngàng! Rồi họ tự trả lời B’Lao là vương quốc của cây chè. Như vậy, trà B’Lao đã đi vào tâm thức những người có thói quen uống trà để suy ngẫm, để kết bạn. Còn với những người khác, B’Lao là tên gọi của một địa danh nào đó hoàn toàn xa lạ. Đối với khách nước ngoài lại càng xa lạ hơn, vì danh từ B’Lao khi phát âm không mang âm điệu tiếng Việt.

Một căn nhà (thuộc diện sang trọng) xây cất năm 1952, hy hữu còn giữ lại ở   phường B’Lao
Một căn nhà (thuộc diện sang trọng) xây cất năm 1952, hy hữu còn giữ lại ở phường B’Lao

Theo già làng người Mạ, B’Lao có nghĩa là đám mây bay thấp. Còn đối với già làng K’Ho, B’Lao có nghĩa là tốt đẹp. Cho dù hai cụm từ này có vẻ không đồng nghĩa với nhau, nhưng tên gọi của vùng đất này trong tiềm thức của các già làng Mạ đã một thời được thêu dệt từ những khát vọng của bộ tộc mình. Già làng cho rằng: “Ngày xưa lâu lắm rồi, thần linh báo mộng cho người Mạ chúng tao bảo rằng phải dẫn nhau đi qua ba núi ba sông mới đến được nơi có đám mây bay thấp. Nơi đó có ba con nước giao nhau, có con cọp trắng dưới chân núi Đại Bình để sau này cùng chung sống với hai người anh em khác là người K’Ho và người Kinh”. Nhưng hiện nay, các câu chuyện kể từ những dãy nhà dài buôn cổ và những vật thể của bản làng xưa dần dần về với viện bảo tàng để hoài niệm một thời xa vắng.

B’Lao - một địa danh có nhiều huyền thoại, từ năm 1920 tên gọi này bao gồm từ Bảo Lâm, Bảo Lộc kéo dài đến tận một phần của huyện Định Quán, rộng đến 281.186 ha. Nay B’Lao chỉ còn là một phường ở thành phố Bảo Lộc. Chuyện tách nhập B’Lao từ thời toàn quyền Paul Doumer năm 1899, đến thời Hoàng Triều Cương Thổ rồi chế độ trước và đến nay, B’Lao vẫn giữ được những nét trầm mặc lặng lẽ của cô gái Mạ dậy thì đầy sức sống.

B’Lao chính thức mang tên Bảo Lộc vào ngày 19/8/1958 do ông Ngô Đình Nhu chuyển ngữ cho dễ phát âm, nhân chuyến thăm Trường Quốc gia Nông Lâm Mục B’Lao (thời bác sĩ Vũ Ngọc Tân làm hiệu trưởng). Vào cuối những năm 80, Bảo Lộc lần lượt tách để thành lập các huyện mới. Đến nay, thành phố này chỉ còn 232,37 km2 , với số dân trên 150 ngàn người. Như vậy, dù nhập hay tách B’Lao vẫn đã từng là một địa danh trải dài đến tận xứ Đồng Nai Hạ, vẫn còn vương vấn trong tâm thức những người đã từng sống từ đầu thập niên 50 đến tận bây giờ.
           
Cũng nên nhắc lại việc khám phá và mở đường đầu tiên lên Di Linh và B’Lao trước thời toàn quyền Doumer là danh sĩ Nguyễn Thông, Đốc học Bình Thuận. Năm 1869, ông Đốc học đã dâng tờ trình Khai Sơn Quốc Nghị lên Vua Tự Đức. Nhưng mãi đến năm 1881, vua mới phong thêm cho ông chức Điền Nông Phó Sứ để khai khẩn đất hoang. Với chức vụ cuối đời này, ông tiếp tục thực hiện kế hoạch “khai sơn” từ miền hạ lên miền thượng. Trong cuộc viễn hành ấy, đoàn người và ngựa của ông đã đi bộ từ Phan Thiết lên.

Trong lịch sử khai hoang mở nước, tại B’Lao đã và đang diễn ra cuộc sống chung hòa bình hạnh phúc giữa các tộc người bản địa và người Kinh theo tinh thần anh em cùng nhau vỡ đất để xây dựng quê hương giàu mạnh lâu dài. Lịch sử vẫn còn ghi lại chiến tích đầu đèo giữa già làng K’Kíu cùng với buôn làng K’Ho của mình ở Lộc Sơn đã tham gia giữ đèo Bảo Lộc với bộ đội Mười Mè trong cuộc chiến tranh vệ quốc lúc 15 giờ ngày 11/11/1945. Và trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha khi hy sinh cùng nằm cạnh nấm mồ với 2 liệt sĩ dân tộc Mạ là đồng đội của mình.

Người Kinh có mặt tại B’Lao từ những năm 40, khi họ làm phu cho các sở trà Pháp. Đến thập niên sau lại tiếp nhận dân mới sau khi có sắc lệnh thành lập Hoàng Triều Cương Thổ (1950). Những năm ấy tại vùng đất hoang sơ này, số lượng người đến làm công cho các sở trà không quá 1000 người, gọi là dân Mộ, đa phần được hoàng tộc nhà Nguyễn tuyển từ Huế vào kéo theo một số bà con của họ từ Bình Định và Quảng Nam đến đây lập nghiệp, cộng thêm dân từ Phan Thiết lên theo kế hoạch khai sơn của danh sĩ Nguyễn Thông. Từ năm 1952, những cư dân làm việc cho các đồn điền trà được cấp đất từ khu trà Đỗ Hữu chạy dọc theo bên phải đến ngã ba Phẹc (Ferme - tiếng Pháp có nghĩa là nông trại). Mỗi hộ được chia 50 m mặt tiền chiều dài 70 m,  thành lập khu dân cư mới đặt tên là làng Công Hinh (tên gốc của một buôn người Mạ là Konhin B’Lao). Lúc ấy, tuyến đường Sài Gòn - Đà Lạt đã rải đá rộng 4 m. Mỗi tuần, có 2 chuyến xe T grand six làm nhiệm vụ chuyển công văn thư từ và chở thực phẩm lên xuống. Theo những người đã từng tháp tùng xe kể lại, vào những năm ấy, đoạn đường từ Định Quán đến Đạ Huoai đầy những chùm song mây ngã ra phủ kín vệ đường. Nguy hiểm nhất là khu B’Sa, hàng ngày cọp ra giữa đường ngồi chờ để nhìn chiếc xe sắt có động cơ đi qua.
            
Người bản địa thường lấy sông suối làm tên gọi của làng như: Đạ Lào, Đạ Nghịch, Đạ Tẻh, Đạ Tồn…( Đạ nghĩa là con suối). Sau năm 1954, cuộc di dân lớn trong lịch sử Nam Tiến, những cư dân mới này đã lấy tên cũ của quê mình ghép lại đặt tên nơi ở mới, như Tân Bùi (Bùi Chu mới), Tân Phát (Phát Diệm mới), Tân Thanh (Thanh Hóa mới)… Và, những năm mới giải phóng, Bảo Lộc tiếp nhận thêm số lượng di dân lớn thứ hai gọi là dân đi Kinh tế mới từ Bắc và Trung vào. Họ cũng đặt tên làng mới như làng Gia Viễn, làng Đức Phổ… Những làng, xã được đặt tên mới này không những mang theo hoài niệm quê hương còn mang theo phong tục tập quán vùng miền. Vì vậy âm sắc đặc trưng B’Lao là âm sắc pha trộn. Một ít người cho rằng âm sắc B’Lao được hình thành từ sự kết hợp giữa âm Huế và âm Phan Thiết. Tuy nhiên, theo anh Ninh Thế Hùng - người đã dành nhiều thời gian ghi chép B’Lao xưa, cho rằng âm sắc B’Lao là giọng Bắc. Vì từ sau 54, dân lập nghiệp từ đàng ngoài vào chiếm đa số…
            

Hái trà. Ảnh internet.
Hái trà. Ảnh internet.

Người B’Lao phần lớn sống về nghề trà và cà phê. Tuy nhiên, đa phần dân B’Lao uống chè xanh, hiếm khi dùng trà thương phẩm. Họ ít sử dụng quần áo se sua sặc sỡ như những vùng khác, ban đêm ít ra đường. Khoảng hơn 10 giờ tối, phố xá đã bắt đầu vắng, nhất là mùa đông. Theo tư liệu cũ để lại, tháng 2 năm 1963, tại vùng trung tâm B’Lao nhiệt độ xuống đến 4030 và năm 1972 đã có lần xuống 80. Thời tiết dường như mùa nào cũng có mưa.
        
Án ngữ phía Nam thành phố Bảo Lộc là một dãy núi dài hùng vĩ có tên là Đại Bình với đỉnh S’Pung cao đến 1.100m. Từ ngọn núi này có thể nhìn thấy toàn cảnh B’Lao xưa; quan sát được màu xanh của rừng núi đại ngàn. Những buôn dân tộc Mạ và K’Ho năm xưa đã được Nhà nước đưa về sống chung với người Kinh anh em. Những căn nhà dài của người Mạ và K’Ho năm xưa cứ mất dần, hiện chỉ còn là câu chuyện kể. Vùng sơn cước đầy thú dữ chực chờ và dây rừng chằng chịt cản lối đi từ thưở hồng hoang, nay đã thay da đổi thịt. Chuyện thắp đèn dầu làm chè “chui” gửi bán theo xe vào năm 1952 của hai anh em danh trà Đỗ Hữu - những người đã “viết giấy khai sinh” cho nghề chè Bảo Lộc, đến nay đã chuyển thành dây chuyền công nghiệp. Các bậc tiền nhân nghề chè một thời mang gươm đi mở nước đã lần lượt trở về với đất, để lại một thế hệ trẻ năng động. Chính họ là những “hậu duệ” mang thương hiệu chè B’Lao đi khắp các vùng miền và đã lan tỏa mùi hương phố núi này đến tận các thị trường khó tính trên thế giới. Quốc lộ 20 bề rộng 4 m (hoàn thành ngày 31/5/1927) đã được nâng cấp nhiều lần, đến nay đã hoàn toàn khác lạ… Đã qua rồi thời kỳ xe củi, xe  than, đến nay hàng ngàn chiếc xe đời mới ngày đêm xuôi ngược. Đỉnh S’Pung như chiếc “hộp đen” ghi lại những chứng tích bi hùng của B’Lao biết bao mùa lá rụng. B’Lao bây giờ là thành phố trẻ đường rộng, phố xá sầm uất với những khu công nghiệp mới đang hối hả chào mời…
             
Về B’Lao sau những chiều hoàng hôn, ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng ở nhà Thủy Tạ (hồ Đồng Nai). Từ hồ nước lặng lẽ này nhìn ra dãy núi Đại Bình, ánh tà dương mờ nhạt rồi mất hút giữa không gian tĩnh mịch. Từ trong bóng đêm cao nguyên, bạn và tôi mơ hồ xem được những hình ảnh nhạt nhòa của B’Lao xưa được ghi lại từ chiếc hộp đen trên đỉnh S’Pung. Trong chiếc hộp ấy, chập chờn hiện lên người B’Lao xưa với thân hình tiều tụy xơ xác của hai anh em Kinh Thượng tựa vào nhau đang oằn vai gùi chè lê bước với tiền công hai hào rưỡi một ngày… Phường B’Lao hiện nay đang tọa lạc giữa trung tâm thành phố trẻ. Những cư dân mới đến đôi khi ngỡ ngàng khi bất chợt ai đó nhắc đến địa danh này. Không phải trong số họ, ai cũng biết người và đất B’Lao trải rộng năm xưa đã qua rồi những giai đoạn lịch sử thăng trầm. Nhưng tất cả những dĩ vãng bi hùng một B’Lao thời xa xôi ấy là nền tảng cho thành phố Bảo Lộc hôm nay.

Tùy bút: Trần Đại