Trương Thị Thanh Thùy sinh ở Đà Lạt. Sáng tác từ năm 1997 và có nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ của Lâm Đồng cũng như TP. HCM. Sau mấy năm về TP. HCM sống và làm việc, đầu Xuân Nhâm Thìn, tôi bất ngờ khi nhận tập truyện ngắn “Cánh cửa tầng hầm và nút bấm thang máy” (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Thanh Thùy...
LTS: Trương Thị Thanh Thùy sinh ở Đà Lạt. Sáng tác từ năm 1997 và có nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ của Lâm Đồng cũng như TP. HCM. Sau mấy năm về TP. HCM sống và làm việc, đầu Xuân Nhâm Thìn, tôi bất ngờ khi nhận tập truyện ngắn “Cánh cửa tầng hầm và nút bấm thang máy” (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Thanh Thùy. Tuyển gồm 10 truyện ngắn với 197 trang. Gấp lại tuyển tập, thật không ngờ cô gái 30 tuổi mà ngày nào vẫn thấy rất “nai” lại viết nên những truyện ngắn gây ấn tượng mạnh như vậy. Truyện ngắn của Trương Thị Thanh Thùy phản ánh những số phận, góc khuất cuộc sống bình dị nhưng đầy trắc ẩn. Sự phân tích tâm lý, xây dựng nhân vật, phát triển xung đột… khá nhuần nhuyễn, già dặn; đặc biệt là khi viết về giới trẻ. Truyện đề cập đến những bi kịch thế nhưng kết truyện vẫn sáng đốm lửa nhân văn ấm áp.
Lâm Đồng Cuối tuần xin giới thiệu với độc giả truyện ngắn “TIN NHẮN ĐÊM GIAO THỪA” của cây bút trẻ Trương Thanh Thùy.
NGUYỄN THANH (giới thiệu)
Gần Tết, Đà Lạt lạnh xuống 10 độ C. Về lại nhà mình mà nhỏ cứ bệt quệt như về nơi nào xa lạ lắm, lạnh lẽo lắm! Mà lạnh thiệt! Nhỏ không quên ái cảm giác này, không bao giờ quên được, nhưng, chính vì không quên, nên nhỏ vẫn cứ phản ứng như những ngày nhỏ còn ở đây – co ro, cúm rúm và hay thở dốc…
Mẹ bảo nhỏ mặc thêm áo cho đỡ lạnh, nhỏ cười: “Chắc con phải mặc luôn cả cái chăn bông mới có thể thấy ấm!”. Mẹ cười, giả giọng nhỏ lúc này, mắng yêu: “Gớm, rời quê dăm hôm đã sệt giọng Bắc kỳ!”. Nhỏ ngúc ngoắc hai bím tóc thưa rệt trôi hai bên vai, ngúng nguẩy: “Từ từ sẽ vơi cái thói quen này mẹ ạ!”. Nói rồi, nhỏ đi thẳng lên lầu, rúc vào phòng, chui thẳng tấm thân phẳng lì của mình vào tấm chăn bông còn vương mùi nắng giao mùa mẹ phơi đón nhỏ. Và, nhỏ khóc!
Mẹ nghe tiếng, nhỏ rưng rức bên trong phòng, đánh tiếng thở dài se sẽ. Nhỏ bật dậy, quệt vội dòng nước mắt đang thành dòng đổ xuống theo vệt, gọi với ra: “Mẹ à? Cho con bát chè xanh nóng mẹ nhá!”. Mẹ thở dài mạnh hơn. Mẹ thở dài dài hơn. Và, mẹ lặng lẽ trở xuống!
Nhỏ ôm cái điện thoại đắt tiền của mình khư khư như ôm báu vật. Nhỏ đợi chờ tin nhắn ngắn ngủi mà anh có thể chẳng bao giờ nhắn tin cho nhỏ như chờ đợi một niềm tin cho cuộc đời mình. Và, cứ thế nhỏ đợi, như nhỏ đã từng đợi vậy… Đợi chờ qua hết những nắng, những mưa, những bụi bặm của phố xá bon chen, những đen ngòm của đêm đục ngầu đổ xuống! Nhỏ đã đợi và nhỏ vẫn đợi! Anh thường ở đâu đó quanh đời nhỏ, vất vưởng và xa xôi, lướt tay trên bàn phím mấy từ “Anh yêu em” hoặc “Anh nhớ em”, nhìn lại - nhìn đi rồi lại thoát. Nhỏ không cần đợi đến khi điện thoại mình nhận được những dòng ấy. Nhỏ thích cái cảm giác khi anh lưỡng lự rồi thoát hẳn ra, để tin nhắn tự lưu vào thư mục draft… Có lẽ, chỉ khi ấy, nhỏ mới biết chắc rằng, tâm hồn nhỏ và tâm hồn anh gần nhau đến lạ!
Mẹ khừng khừ một chặp, rồi hỏi: “Nó không vô với con hả?”. Nhỏ tròn mắt nhìn mẹ, hỏi lại: “Mẹ hỏi ai?”. Mẹ cười, ánh mắt dịu ngọt và mênh mông đến lạ lùng: “Giấu mẹ mà được? Ai nhìn mà không biết là con đang yêu!”. Nhỏ cúi mặt, lúng búng: “Yêu, cũng không cần phải đi theo nhau, mẹ ạ!”…
Anh nhìn nhỏ: “Sao em lại nói tiếng Bắc?”. Nhỏ cười: “Tiếng Bắc thì sao?”. Anh nhìn nhỏ: “Nhưng đây là Sài Gòn!”. Nhỏ cười: “Cũng chưa tìm thấy gì liên quan đến nhau, nhỉ!?”… Nhỏ biết, anh hỏi nhỏ, chỉ vì anh muốn nghe nhỏ bảo: “Bởi, anh nói tiếng Bắc!”. Nhỏ không nói, không phải vì nhỏ cố giấu lòng mình trước anh. Nhỏ không nói, bởi vì nhỏ cần phải giấu lòng mình trước chính mình… Và, nhỏ đã cương quyết giữ lại câu nói này cho riêng nhỏ!
“Anh về Đà Lạt với em, được không?” – nhỏ hỏi, nhỏ vài vỉ. Anh nhìn nhỏ đăm chiêu lát: “Trái tim em yếu đuối quá! Đà Lạt lại lạnh… Em có thể đừng về, được không?”. Anh nói đúng! Đà Lạt giao mùa lạnh quá! Lạnh đến tận qua đông, hết xuân vẫn cứ lạnh… Mà, có lúc nào Đà Lạt không lạnh đâu, anh nhỉ? Mẹ còn ở đó, Đà Lạt có lạnh mấy, nhỏ cũng về. Bởi trái tim nhỏ sẽ khoẻ lại ngay thôi khi đổ vào vòng tay của mẹ… Điều đó, anh liệu có biết không?
Anh biết! Có lẽ là anh biết rất rõ! Nên, anh tiễn nhỏ ra sân bay, căn dặn nhỏ đủ điều, thậm chí còn choàng cả khăn choàng cổ anh đã tự tay chọn cho nhỏ, giữ nó bên anh và ướp nắng sớm Sài Gòn đủ 99 ngày – như lời nhỏ bảo – vào cổ nhỏ. Và, anh để nhỏ đi. Anh để nhỏ về với nơi nương tựa cứng cáp nhất đời nhỏ!
Anh không thể theo nhỏ về, bởi, trái tim anh còn yếu đuối hơn cả trái tim của nhỏ. Trái tim anh yếu đến độ đẩy anh ra hẳn khỏi quê hương anh, khỏi gia đình anh để tránh cái rét đau cắt miền Bắc mỗi độ lập đông. Trái tim anh yếu đến độ buộc anh phải trải qua từng cái Tết một mình nơi không bao giờ thôi nóng – Sài Gòn… Điều đó có nghĩa là, mỗi giao thừa, anh đều phải một mình.
Nhỏ từng đùa, bảo anh: “Thì cố mà tìm ai đó để gối đầu vào tay trong đêm Giao thừa cho thôi bớt cô đơn!”. Anh giận nhỏ cả tuần vì câu nói đùa ấy! Anh bảo: “Em có thể xúc phạm anh, xúc phạm con người anh – bởi, con người anh chả tốt đẹp gì. Nhưng, em không có quyền xúc phạm tình cảm anh dành cho em… Mà, cái tình cảm ấy, chẳng boa giờ chùng xuống để anh có thể phản bội em, dù chỉ là trong cái chớp mắt!”. Nói xong câu ấy, anh bỏ về. Anh đi hẳn cả tuần. Không điện thoại. Không tin nhắn. Không ghé đưa cho nhỏ bất kỳ quyển sách nào anh vừa tìm mua cả!... Chỉ còn lại lặng im và một sự hối lỗi cực độ trong lòng nhỏ!
Những ngày ấy, nhỏ chỉ biết gọi cho chị Đen và bé Mập! Nhỏ ngồi đối diện với hai người bạn chênh tuổi trên – dưới của mình và thảng thốt khóc. Không giải thích! Không kể lể!... Không gì cả! Chỉ là nước mắt và lặng im. Chị Đen không hay hỏi, bởi, tính chị không thích hỏi. Chị thường chỉ lặng im – cách chia sẻ lặng thầm nhất – nhỏ vẫn thường hàm ơn vì điều đó! Bé Mập không dám hỏi, bởi, với nó, những gì nhỏ trải qua, nó không thể hiểu hết! Ừ, nó còn vô tư quá mà! Bé Mập thường chỉ lấm lét nhìn – dò xét thái độ của nhỏ – rồi cúi đầu, chờ đợi…
Chị Đen lớn hơn nhỏ chỉ một tuổi – sự chênh lệch không nhiều về số năm khi con người ta đã đi đến gần nửa đời mình – nhưng chị sâu sắc hơn nhỏ nhiều. Có lẽ, bởi chị lành tính và thích chiêm nghiệm mọi thứ hơn nhỏ.
Nhỏ coi chị Đen như chị ruột. Khó để mà nói nhỏ yêu chị Đen như từng yêu những người chị của mình – những người đã cùng nhỏ đi qua cả tuổi thơ nghèo nàn, cơ cực – nhưng, nhỏ luôn tìm đến chị Đen như tìm đến một chỗ dựa lặng thầm – những khi mẹ không ở bên cạnh nhỏ – vì, đối diện với chị, nhỏ thấy mình bé nhỏ, thanh bình và an toàn biết mấy!
Một lần, chị Đen giận chồng – từ ngày chị còn chưa sinh con gái của chị – ôm cái gối mỏng sang gõ cửa phòng trọ của nhỏ. Nhỏ cười: “Thiếu chồng ngủ được, thiếu cái gối quen, không thể ngủ sao?”. Nói rồi, nhỏ gọn gàng trải ga thẳng thớm lại, dành cho chị phần nệm sát góc tường, bởi, chị thường chỉ có thể cảm thấy thăng bằng ở những nơi có một điểm tựa rõ ràng mà chị nhìn thấy được.
Đêm ấy, nhỏ và chị Đen thức tán chuyện đến giữa khuya. Nhỏ chập chờn ngủ. Mà kể lạ! Nhỏ chưa bao giờ ngủ trước khi trời vào sáng, sao tối nay nằm cùng chị, nhỏ lại ríu cả mắt lại? Không thể tiếp được câu chuyện dở dang chị Đen đang kể về cuộc vợ – chồng chóng vánh của những người bạn thuở xưa của chị – những người nhỏ chỉ biết đến tên…
Giữa đêm, chị Đen trở mình ngồi dậy khi nhỏ đang liêu xiêu ngủ. Nhỏ không nói. Chị Đen đi thẳng đến cửa phòng. Mở cửa. Thoáng bối rối rồi nói rất khẽ: “Nó ngủ rồi! Em về đi! Khuya rồi còn tìm nó làm gì nữa? Muốn nói chuyện thì sáng mai nói!”. Nhỏ nghe rất rõ. Nhỏ đoán được đó là ai. Chị Đen không thích người ấy. Chị càng không thích cái kiểu yêu đương giữa khuya tìm gặp nhau với kiểu giải thích “có chuyện cần nói”! Chị đúng! Yêu nhau, cần nhau, trời sáng đến 12 tiếng đồng hồ, sao không nói với nhau vào lúc ấy? Cứ giữa khuya thì nói đủ những gì khi con người ta luôn thấy quá rộng so với 12 tiếng sáng tỏ của ngày? Nhỏ vẫn nhắm mắt và cố tìm giấc ngủ ban nãy đã lạc theo bước chân anh vừa dời đi…
Chị Đen trở lại đệm, nhìn nhỏ chằm chặp. Chị lên tiếng cả khi nhỏ vẫn vờ vịt ngủ: “Tụi em có chuyện gì à?”. Nhỏ thao láo mở mắt rất nhanh, nhìn chị, cười: “Đâu có, chị”. “Không có sao giờ này nó tìm em? Con gái, sống một mình, tự mà biết giữ thân!”. Nhỏ im lặng. Nhỏ không cự cãi chị bao giờ – như nhỏ chưa từng cự cãi những chị gái của nhỏ vậy…
Đến khi chị Đen lên nằm hẳn cạnh nhỏ, nhỏ mới thì thầm: “Em chẳng nghe tiếng gõ cửa! Tai chị thính thật!”…
Bé Mập nhỏ hơn nhỏ đến gần chục tuổi – cái khoảng cách khá dầy, bởi nó chỉ bằng phân nửa số tuổi của bé Mập – và, đó là một phần khiến nhỏ yêu bé Mập như yêu em ruột mình, dẫu, nhỏ không có em, nhưng, cái tình cảm này không cần phải so sánh với một thứ có thật, nó cứ tự nhiên đến và ở lại đó, trong lòng nhỏ, để nhỏ không khó khăn gì với việc gọi tên.
Bé Mập hay cười. Cười tít cả mắt. Cái gương mặt bầu bĩnh của bé Mập cứ thế hồng lên rồi rần rần đỏ mỗi lần ngồi trước nhỏ, nghe nhỏ kể những câu chuyện chọc cười. Nhỏ thấy đời mình mênh mông nhưng tĩnh lặng trước cái cười vô tư lấp lóa của bé Mập. Có lần nào đó, nhỏ thèm ôm bé Mập vào lòng, bảo với nó rằng, nhỏ thương nó nhiều lắm lắm… Nhỏ không làm, không phải nhỏ muốn giấu lòng mình với nó. Nhỏ không nói, bởi, nhỏ không muốn đời nó phải chông chênh trước một câu nói vô thưởng vô phạt của mình.
Một lần, nhỏ say, bé Mập đến đưa nhỏ về tận phòng, lê kéo nhỏ lên chiếc nệm đắt tiền anh đã mua tặng nhỏ – lần ấy, anh bảo: “Nhận đi! Để anh còn biết rằng, anh có một phần nào đó trong từng giấc ngủ của em!” – lừng khừng định quay về, rồi lại thôi. Bé Mập ở lại với nhỏ đêm đó! Bó gối nhìn nhỏ miên man ngủ trong cơn say. Nó ngồi thế đến tận khi nhỏ hết cơn say, tỉnh lại…
Đêm đó, nhỏ và bé Mập kể cho nhau nghe về những nỗi đớn đau cả hai đã từng trải qua trong đời mình. Những nỗi đau của bé Mập cũng hồn nhiên như nó. Nào là chuyện bạn thân giận nó, nào là chuyện thằng bạn trai đầu đời tán tỉnh nó rồi quay sang tán tỉnh bạn nó… Và nhiều, nhiều nữa! Những nỗi đau của nhỏ đơn giản chỉ gói trong những cơn đau thể xác mà giấc lạnh quê nhỏ cấu xé vào trái tim bé bỏng của nhỏ. Trong nỗi đau ấy, có phần nào dành cho sự ra đi của nhỏ khỏi mảnh đất nhỏ đã đặt trọn tâm hồn mình ở đó.
Khi nhỏ lại chập chờn chìm vào cơn ngủ của những giọt rượu còn ứ lại trong người mình, bé Mập lồm cồm bò dậy, lầm rầm: “Ai vậy không biết nữa!”. Nhỏ bật dậy theo, nhưng rồi lại nằm xuống, nhỏ đoán được chuyện gì ngoài đó. Giọng bé Mập lễ phép nhưng không giấu giếm sự bực dọc: “Chị mệt, ngủ rồi! Có gì mai anh tới nghen!". Nói rồi, bé Mập dập cửa, bước quành trở lại, nói luôn: "Sao anh cứ tìm chị giữa khuya vậy?"... Và, nhỏ biết, bé Mập cũng không thích người ấy. Nhỏ cười hiền lành: "Em thính ghê! Chị chả nghe thấy gì cả, vậy mà em lại biết là có người...".
Đồng hồ trên điện thoại nhỏ điểm 00:00. Nhỏ đợi. Và anh vẫn không nhắn, chẳng gọi. Nhỏ bấm số anh. Không liên lạc được! Nhỏ ơ hờ cúp máy. Hy vọng! Bởi, điện thoại nhỏ cài giờ luôn sớm hơn đồng hồ của tất cả mọi người quanh nhỏ, nhanh hơn cả đồng hồ chuẩn của Đài Tiếng nói Việt Nam...
Mẹ nghiêm giọng: "Năm cũ sắp hết rồi! Năm mới rồi! Vui vẻ lên mà đón năm mới chứ con!". Nhỏ chun mũi, cười hì hì: "Con đợi khi nào mẹ lì xì rồi mới cười được chớ!" - nhỏ đã thôi cái giọng Bắc kỳ của mình, rướn nhìn theo bóng mẹ bước hẳn ra sân, trên tay là mâm ngũ quả.
Mẹ bước trở lại vào trong, ánh mắt tỏ vẻ không hài lòng. Nhỏ đợi, nhưng mẹ chẳng nói gì. Có lẽ, mẹ không muốn nói những chuyện không vui trong giấc Giao thừa. Thoáng chút, mẹ trở lại bình thường, cười lớn: "Xếp hàng lì xì!". Nhỏ và các chị đua nhau xếp thành hàng như trẻ con cấp một, chen nhau đứng sát mẹ, mong nhận được bao lì xì mừng tuổi đầu tiên của mẹ. Mẹ chúc mỗi đứa một câu, phù hợp với những gì nhỏ và các chị đang mong ngóng cho tương lai của mình. Nhỏ cũng được nhận một câu mà nhỏ luôn muốn có được: "Tìm được người để yên ổn làm vợ người ta"...
Các chị chòng ghẹo, bảo nhỏ khoe hình người yêu của nhỏ. Nhỏ bẽn lẽn cười, mở các hình đã chụp anh còn lưu trong điện thoại của mình, đưa cho cả nhà xem. Mẹ đón điện thoại từ tay nhỏ, nheo nheo cặp mắt, cố nhìn thật kỹ. Mẹ thoáng bàng hoàng: "Đứa nào lấy cho mẹ cái kiếng coi!". Nhỏ vô tư chạy ù vào phòng, lấy cặp kính lão cho mẹ đeo. Mẹ chằm chặp nhìn vào tấm ảnh nhỏ chụp cận mặt anh. Mặt mẹ hiện rõ sự không hài lòng ban nãy. Nhỏ theo quán tính nhìn vào màn hình điện thoại của mình đang dần tối đi theo chế độ đèn chờ được cài đặt. "Ảnh có vết chàm đỏ khá lớn... Nhưng mà...". Mẹ lắc đầu, nói một câu chẳng bất kỳ chị em nào của nhỏ - kể cả nhỏ - có thể hiểu: "Thiệt ... cái thằng...". Lòng nhỏ chùng xuống, đón chiếc điện thoại lại từ tay mẹ, cúm rúm vì giấc lạnh giữa khuya, lặng lẽ rời phòng khách, bước thẳng về phòng mình. Lẽ nào, chỉ cái vết chàm đỏ trên mặt anh, lại khiến mẹ không hài lòng đến vậy?
Anh vẫn không gọi chúc Tết nhỏ! Thậm chí, đến một tin nhắn cũng không! Nhỏ dong mắt ra ngoài cửa sổ, nhìn theo lớp sương bảng lảng đang cố vấu víu vào từng rạp cỏ bên hiên nhà, lòng ngập ngụa mặn đắng tủi hờn. Điện thoại rung tạo tiếng "rần rật" trên tấm đệm gòn cũ sì phòng nhỏ. "Tình yêu anh dành cho em, chưa và không bao giờ chùng xuống để anh có thể phản bội em, cho dù chỉ là trong cái chớp mắt"...
Mồng hai Tết! Chị Đen và bé Mập díu nhau lên Đà Lạt chơi. Nhỏ hân hoan đón hai người bạn chênh tuổi - một lớn, một nhỏ - của mình.
Chị Đen lựa lúc chỉ có nhỏ và chị, phàn nàn: "Người yêu của em bị điên rồi!". Nhỏ hơi bất ngờ và tự ái: "Có gì không chị?". "Giao thừa, nó tới tìm chị, nói, chị lo cho em. Chỉ nói vậy rồi bỏ về...". Nhỏ chưa kịp phản ứng gì thì bé Mập từ phía sau cũng lanh chanh chọt vô: "Ảnh cũng tìm em, cũng nói vậy đó! Nói em nhớ chăm sóc chị". Nhỏ im lặng, cúi đầu.
Nhỏ chào mẹ để cùng về Sài Gòn với chị Đen và bé Mập. Mẹ rưng rưng: "Nhớ giữ gìn sức khoẻ, nghen con! Cần thì về với mẹ, đừng có cố quá sức!". Nhỏ chỉ biết gật, không dám nói gì thêm, sợ mình sẽ khóc, sợ làm mẹ sẽ khóc. Nhỏ quày giỏ quay đi rồi, mẹ gọi nhỏ quay lại. "Nói nó, lần sau lên thì cứ ghé nhà, sao cứ lén lén lút lút như ăn trộm vậy?". Nhỏ cau mày: "Mẹ nói ai?". "Người yêu con chớ ai. Cái thằng trong hình con đưa cho mẹ đó! Tối Giao thừa, ra thắp nhang, mẹ thấy nó thập thò ngoài cổng. Mẹ chưa kịp hỏi gì thì nó quay đi. Mẹ chỉ kịp thấy cái bớt đỏ bên má nó...". Nhỏ thảng thốt! Chị Đen và bé Mập quay hẳn vào trong, chăm chú nghe những gì mẹ vừa nói với nhỏ. Cả hai xa xăm nhìn nhỏ, hồ nghi...
Chị Đen và bé Mập mắt tròn mắt dẹt nhìn nhỏ, vẫn chẳng có câu hỏi nào - cả hai vẫn im lặng theo hai cách riêng muôn thuở của mình. Sài Gòn trở lạnh lạ lùng. Nhỏ choàng chiếc khăn choàng cổ vẫn thơm nồng mùi nắng sớm Sài Gòn 99 buổi anh đã tự tay phơi trước khi choàng vào cổ nhỏ năm ấy. Nhỏ đẩy cửa, bước ra ngoài.
Người đàn bà khắc khổ nhìn nhỏ bằng cái nhìn bao dung và đầy yêu thương của một người mẹ: "Con gầy đi nhiều quá!". Nhỏ cười - luôn luôn là nụ cười, chẳng bao giờ có nước mắt - ngúc ngoắc hai bím tóc rệt trôi qua vai của mình: "Con vẫn thế mà, bác!".
Người đàn bà từ tốn, giọng Bắc trầm ấm và nhẹ nhàng như rót vào lòng nhỏ - hệt những gì anh từng làm: "Ba năm rồi! Con còn đợi tới khi nào nữa, hả con?". Nhỏ cúi đầu, ngẩng lên, ráng một nụ cười méo xệch: "Con vẫn sống bình thường. Ba năm, đó là giới hạn của nhiều người. Với con, nó chỉ là một con số!". Người đàn bà nuốt nước bọt khó khăn, rồi, cũng phải nói - nói những lời cả bà và nhỏ đều không muốn nghe: "Ai cũng biết con thương nó. Nhưng, con cứ sống thế này, nó chắc cũng chẳng yên lòng mà đi...".
Tiếng xe cấp cứu xé màn đêm hoang lạnh. Nhỏ không thể khóc! Cứng đờ ngồi bên anh. Bàn tay nhỏ bé xíu nắm chặt bàn tay anh toát lạnh… anh đi rồi! Nhỏ ngất lịm trên xác anh còn phả vội mùi nắng sớm ban mai Sài Gòn anh chắt chiu đem theo sưởi ấm trái tim nhỏ trong những ngày Đà Lạt giao mùa, sang xuân... Giọt nước mắt duy nhất nhỏ khóc trước anh, vội vã lăn qua vệt chàm đỏ trên gờ má anh hanh gầy...
Nhỏ về lại phòng trọ của mình vào quá nửa đêm, khi đôi chân nhỏ rã rời mỏi vì đã rong ruổi một mình tự khi rời khỏi chỗ hẹn với người đàn bà ấy - mẹ anh.
Chị Đen run run nhìn nhỏ. Bé Mập thất thần lao ra cửa sau tiếng ré lạnh người. Nhỏ ngơ ngác nhìn chị. Chị run run nói, rồi vội vã bước ra ngoài cũng với những bước run run: "Nó lại tới, nhắn rằng nó không bao giờ phản bội em!"... Mớ ảnh đám tang anh nhỏ cất rất kỹ bị chị Đen và bé Mập lục tìm thấy, rơi vương vãi bởi nỗi hoảng loạn của cả hai...
Nhỏ còn lại một mình. Cùng tin nhắn anh đã nhắn: "Tình yêu anh dành cho em chưa bao giờ chùng xuống...".