Cái đẹp và đa dạng trong tranh Tô Ngọc Thành

03:03, 28/03/2012

Một chiều cuối tháng 3, họa sĩ Vi Quốc Hiệp nhắn tin: Ghé nhà nhé, có bạn vẽ Hà Nội vào. Hỏi ai, Vi Quốc Hiệp lấp lửng “người rất quen” ấy mà. Đến nhà Vi Quốc Hiệp thấy ở phòng khách một người thấp, nhỏ, song có ánh mắt sáng thân thiện, lịch thiệp.

Một chiều cuối tháng 3, họa sĩ Vi Quốc Hiệp nhắn tin: Ghé nhà nhé, có bạn vẽ Hà Nội vào. Hỏi ai, Vi Quốc Hiệp lấp lửng “người rất quen” ấy mà. Đến nhà Vi Quốc Hiệp thấy ở phòng khách một người thấp, nhỏ, song có ánh mắt sáng thân thiện, lịch thiệp.

Sau những cái bắt tay vồn vã, Vi Quốc Hiệp xởi lởi: - Họa sĩ Tô Ngọc Thành mới vào.
 

Họa sỹ Tô Ngọc Thành
Họa sỹ Tô Ngọc Thành

Từng mê Tô Ngọc Vân tài danh với tranh lụa “Thiếu nữ bên hoa huệ”, rồi sau là họa sĩ Tô Ngọc Thành - con trai cố họa sĩ qua các cảnh phim họat hình; bìa, tranh minh họa sinh động cho nhiều tập truyện thiếu nhi do Nhà XB Kim Đồng ấn hành như: Thần thoại trên cánh đồng lúa (Nxb Albatrov - Pra ha Tiệp Khắc (1975), Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện ly kỳ của Bu - ra - ti - nô,  Truyện cổ Xlô - va - ki,  Truyện cổ Tây Nguyên… rồi những tập thơ, khảo cứu - phê bình mỹ thuật và đặc biệt là tranh về đề tài Tây Bắc với những gam màu rực rỡ, chân thực, giàu sức sống, hình khối uyển chuyển và khỏe khoắn - Tô Ngọc Thành từng tổ chức bốn, năm triển lãm về phong cảnh, con người Sa Pa, nên khi “hữu kỳ hình” tại Đà Lạt, lòng tôi thầm thảng thốt: - Con trai cố họa sĩ Tô Ngọc Vân là con người bình dị thế này ư?

Lan man đêm ấy rồi sáng cà phê sau nữa, Tô Ngọc Thành gieo trong tôi một hình ảnh một trong những “danh họa” sống và ẩn mình trong làng mỹ thuật đương đại Việt Nam vốn đang không bình lặng, đua nở lắm sắc hoa sặc sỡ.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành từng tốt nghiệp trường Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Tiệp Khắc. Khề khà chén trà hay tách cà phê, họa sĩ khẽ khàng tâm sự: Nhiều người thế hệ mình cũng như Vi Quốc Hiệp nguyện mãi chung thủy với nét “chân thực”, sự rung cảm sinh động giàu chất nhân tình của hiện thực cuộc sống. Chúng ta không được vẽ khác điều mà cuộc sống muốn nói!

Không ồn ào và không lập ngôn, lập thuyết, Tô Ngọc Thành lặng lẽ với bổn phận công chức, đi thực tế và vẽ. Đến nay, ông là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam liên tiếp có những dấu son phong phú, đa dạng: Triển lãm cá nhân tại Tiệp Khắc 1972; Hà Nội 1982, 1989, 1992, 1993, 1995, 1998, 2000, 2003 và 2005… Triển lãm nhóm tại Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ba Lan, Bungari, Đức. Tham gia triển lãm Hội họa quốc tế ở Đức và Bungari. Huy chương vàng tại Liên hoan phim 1980. Giải nhất họa sĩ phim hoạt hình 1980. Giải đặc biệt của báo chí Liên Xô tại Matxcơva. Giải thưởng bìa sách và minh họa đẹp cho thiếu nhi 1982 - 1983. Giải nhất đồ họa toàn quốc (1975 - 1985), giải nhất biểu trưng xóa đói giảm nghèo 1995. Giải ba về sách mỹ thuật 1995. Giải ba về tranh truyện cho thiếu nhi 1998. Giải thưởng tranh quốc tế ở Áo, Nhật Bản. Giải thưởng về đồ họa tại Tiệp Khắc 1972, 1974. Có tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Châu Á - Thái Bình Dương (Ba Lan) và thuộc sưu tập nhiều nước…

Cảm nhận về tranh Tô Ngọc Thành, các họa sĩ thành danh đều có những ấn tượng tốt: Cố họa sĩ Lưu Công Nhân từng viết: “Anh phải đến sáng sớm yên tĩnh, xem tranh, lần này có nhiều tranh đẹp hơn lần trước và sự tế nhị lẫn sự đầy đặn trong màu sắc”; “Anh vẽ rất khỏe, chan chứa sinh lực” (Quang Phòng); “Tranh Tô Ngọc Thành đẹp và đa dạng” (Trần Khánh Chương)… Để có tranh đẹp và đa dạng, có lẽ Tô Ngọc Thành đã ảnh hưởng sâu sắc lời nhắn nhủ của “cây đại thụ” Tô Ngọc Vân: “Thành hãy vẽ những gì mình yêu thích, mình nghĩ, mình cảm thấy cần vẽ. Cũng chẳng ngại và sợ bất cứ lời phê bình nào. Khi vẽ cũng chẳng cần nghĩ tới những bài giảng của nhà trường. Chẳng phải nghe ai, tin ai. Chỉ nghe chính mình và tin ở chính mình… Cậu đã viết trên báo: Sống! Sống thêm nữa! Với cảm hứng, với đau khổ  của mọi người. Để rồi sáng tác và sáng tác mãi!”...

Họa sĩ Tô Ngọc Thành dự kiến sẽ ôm tranh và triển lãm ở thành phố sương mù Đà Lạt. Trước khi điều đó thành hiện thực, Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của Tô Ngọc Thành.

Người Dao đỏ (Sa Pa) đang thêu (2007).
Người Dao đỏ (Sa Pa) đang thêu (2007).

 

N
Người HMông đi chợ (2007).

 

Đọc truyện cổ tích (1979).
Đọc truyện cổ tích (1979).

 

Tả Phìn (Sa Pa) (2007).
Tả Phìn (Sa Pa) (2007).

 

Hai người HMông tâm sự (2007).
Hai người HMông tâm sự (2007).

 

Phố cổ Praha (1971).
Phố cổ Praha (1971).

 

Thiếu nữ (1999).
Thiếu nữ (1999).

 

Phố Ngõ Gạch (1986).
Phố Ngõ Gạch (1986).

NGUYỄN THANH