Chị Xoan

11:03, 21/03/2012

Làng tôi kể cũng hay, nói là “họ” thì có lẽ cả làng đều có họ. Dân làng quây quần dưới lũy tre xanh, đời trước chỉ sợ đời sau xa nhau. Nhưng họ vẫn chia ra nhiều chi, nghĩa là khác tên đệm. Đối với con gái thì khó phân biệt hơn, ai cũng “thị” cả. Có người bảo, thằng cu Bưởi (tức là tôi) phải gọi con Xoan là chị. Nhưng người khác lại nói, có mà con Xoan phải gọi nó bằng anh. Cũng chẳng hiểu sao, lớn lên tôi đã thấy mình gọi chị là “chị”. Chị có vẻ già dặn, nhỉnh hơn tôi vài tuổi… Rõ thật là, sao tự dưng hôm nay tôi lại kể lể những chuyện ấy ra đây(?).

Làng tôi kể cũng hay, nói là “họ” thì có lẽ cả làng đều có họ. Dân làng quây quần dưới lũy tre xanh, đời trước chỉ sợ đời sau xa nhau. Nhưng họ vẫn chia ra nhiều chi, nghĩa là khác tên đệm. Đối với con gái thì khó phân biệt hơn, ai cũng “thị” cả. Có người bảo, thằng cu Bưởi (tức là tôi) phải gọi con Xoan là chị. Nhưng người khác lại nói, có mà con Xoan phải gọi nó bằng anh. Cũng chẳng hiểu sao, lớn lên tôi đã thấy mình gọi chị là “chị”. Chị có vẻ già dặn, nhỉnh hơn tôi vài tuổi… Rõ thật là, sao tự dưng hôm nay tôi lại kể lể những chuyện ấy ra đây(?).
    

Minh họa Ngọc Minh
Minh họa Ngọc Minh

Xa quê từ những năm chống Pháp, lâu lâu tôi mới về làng, thường là vào dịp tết. Mỗi lần về lại chứng kiến những đổi thay của quê hương. Đường sá mở rộng, nhà mái bằng mọc lên, lấp kín cả những mảnh đất hoang, nơi mấy chục năm trước bọn trẻ chúng tôi thường bắt chim, đào dế… Cùng với những biến đổi của thời cuộc, dân làng trải qua bao nỗi thăng trầm. Người cũ cứ vợi dần, hoặc đã qua đời, hoặc đang tha hương như tôi. Vẫn mảnh đất ấy mà cảnh lạ, người mới khiến tôi bùi ngùi. Trước cái nhìn của lũ trẻ hôm nay, tôi trở thành người dưng. Làng giờ đây đâu còn là của tôi, cho dù tôi mãi mãi thuộc về nó. Ước gì làng vẫn như xưa.
    
Chỉ những người cùng lứa là không quên nhau. Những đứa áo vá, quần đùi dải rút lồm ngồm bò trên thềm đình nắn nót viết chữ i tờ. Lâu lắm rồi tôi không gặp chị. Chị đi đâu mà nhiều năm qua cũng vắng lặng như tôi? Trở về làng, chị đã là một người điên, một người điên trăm phần trăm nhưng vẫn còn nhớ quê mà về làng.
     
Lòng bồn chồn nghe tin chị về. Ngày ấy chị đẹp lắm, đẹp mà dễ gần. Hàm răng hạt lựu, khi chị hé môi cười thì hình như chị đã thuộc về người nói chuyện.

Có lần tôi gặp chị gánh lúa đến cổng làng. Hai bên lúa lù lù che lấp người, đè nặng lên bờ vai thon nhỏ. Chị đi như chạy, bụng chân loáng nước. Nghe tiếng tôi gọi, chị dừng lại: “Bưởi đấy phải không?”. Tôi giục chị đặt gánh xuống. Chị cười: “Gánh lúa ai lại nghỉ”. Nhưng chiều tôi, chị nghe theo. Chị ngả nón có quai tết hoa màu tím, chao xuống giếng vục nước. Rồi úp mặt trong chiếc nón lá trắng phau uốn cong đi vì nước mát, chị uống một hơi thật dài, giơ cùi tay quệt những giọt nước rớt cằm ngẩng lên cười. Nước rớt cả vào ngực áo. Chưa bao giờ tôi thấy chị cười tươi như thế.
    
Ngày chị đi lấy chồng thật buồn, nhà trai đã đốt pháo ở cổng ngõ mà nhà gái còn nháo nhác tìm cô dâu. Tôi tìm thấy chị trong cái miếu hoang lâu nay không ai thờ cúng. Bờ tường và lối đi rêu phủ những thảm dày, dẫm lên như bị cù buồn dưới lòng bàn chân. Trong miếu đứa nào bậy bạ viết mấy chữ: “Con Xoan thằng Bưởi” bằng than bếp trên cái bậc đặt bát nhang chẳng bao giờ thấy hương khói. Đã có lần tôi và chị trú mưa tại đây, phát hiện ra dòng chữ, chị đỏ mặt dùng tay xóa mãi không được. Một chú nhện từ nóc nhà nhảy dù xuống mái tóc chị, rồi nhảy sang vai tôi, kéo theo một sợi tơ trắng mỏng như không. Chị bảo đó là cái điềm.
     
“Chị về đi cả nhà đang chờ”. Tôi cho biết họ đi tìm chị khắp nơi, cả giếng làng, ao đình… Chị chộp lấy cánh tay tôi: “Em có thương chị không?”. Tôi sợ, nghẹn ngào nắm lấy bàn tay chị. Bàn tay mềm mại. Việc đồng áng nặng nhọc hình như cũng biết né tránh làn da, mái tóc chị, mái tóc đen mượt phảng phất mùi da thịt.
     
Mười năm sau, một lần về làng, tôi lại nhà thăm chị, chị lẩn vào buồng tránh mặt tôi. Tôi ngồi ở nhà ngoài, trên chiếc chõng tre có cái điếu cày, ống đóm và một ngọn đèn dầu leo lét hạt đậu. “Chị Xoan! Chị Xoan ơi, chị Xoan!”. Im lặng rõ cả tiếng mọt trên nóc nhà. Bỗng nghe òa tiếng khóc nức nở. Tôi chạy xộc vào, vừa bước qua ngưỡng cửa, một chân còn ở bên ngoài thì chị hớt hải lao ra: “Bưởi ơi, em có cười chị không?!”. Chị lau nước mắt. Cười. Tròng mắt hình như hơi lồi, ánh một vệt sáng trắng dài dại. Phải chăng chị đã có dấu hiệu thần kinh từ ngày ấy. Tội chưa, còn đâu mái tóc mềm xõa ngang vai, chị chít khăn vuông đen kín đầu như một bà già.
    
Vào một đêm không trăng sao giữa mùa thu hoạch mía, khi làng xóm chập chờn đi vào giấc ngủ, người ta bỗng nghe tiếng kêu hoang dại từ sân kéo mía của hợp tác. Mấy nhà lân cận đổ xô đến thì thấy chị nằm vật bên trục ép mía, đầu không tóc đỏ lòm. Mớ tóc dài cuốn quanh trục gỗ nhãn, rối trong đống bã mía thấm máu. Đây không phải lần đầu con trâu kéo của hợp tác xã giở chứng. Chồng chị bắt nó làm việc liên tục suốt từ chiều, không cho một nắm cỏ, một ngụm nước. Đến lượt Xoan ra thay chồng, bao nhiêu bực tức nó dồn vào cặp sừng, húc dúi chị vào trục ép đang quay, giữa lúc chị bần thần nghĩ ngợi. Chị hay tư lự trong lúc làm việc, không hồn nhiên như ngày chửa lấy chồng. Người ta cáng Xoan lên bệnh viện tỉnh ngay trong đêm, và chị được cứu sống. Nhưng cũng từ đó chị bị chồng bỏ lửng, phải về ở nhà với mẹ đẻ. Những lần về quê sau, tôi không gặp chị nữa. Nghe nói có đoàn thanh niên xung phong đến ở nhờ nhà vài ngày, hôm họ lên đường chị theo đi.

Sắp gặp lại chị rồi… Dù chẳng bình thường như xưa, nhưng tôi tin chị không thể nào quên tôi được. Chị vắng nhà đã mấy hôm nay. Chị sống một mình trong căn nhà cũ của bố mẹ mất đi để lại. Ba gian nhà lạnh tanh không một thứ đồ đạc.
    
Những cành lá có buộc giẻ đỏ cắm la liệt trong nhà và dọc lối đi ra vườn. Trên chiếc chõng tre ọp ẹp tôi ngồi một mình. Cô hàng xóm bên kia lũy tre vừa băm bèo vừa trả lời từng câu hỏi của tôi chứ không sang. Cô kể rằng đám cưới nào trong làng cũng thấy Xoan ôm bó hoa tươi đến và hát tặng mấy bài quan họ.
     
Tôi vớ chiếc điếu cày, tong tóc, lâng lâng nhả khói. Chị về! Đầu chít khăn mỏ quạ, mặt nhòe trong khói, chân bước nhẹ bẫng, bay trong mây. Chiếc ba lô con cóc trên lưng gài cành lá ngụy trang, cùng những tua rua vải đỏ, vải đen bay lòa xòa. Tôi đã rõ mặt chị. Chị cười. Hàm răng hạt lựu hiền hòa. Mắt chị sợ quá chị ơi!
    
Một dòng điện buốt lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi không dám nhìn vào mắt chị. “Bưởi ơi!”. Chị chộp tay tôi lắc mạnh. “Còn nhớ chị không?”. Chị ôm chặt lấy tôi, hôn lên khắp mặt. Hoảng quá, bủn rủn cả người, tôi nhắm mắt lại, chỉ để lọt vào tai giọng nói thân quen, ngọt ngào. Giọng chị đúng như ngày xưa, khiến tôi định thần được. Tôi nghe chị hát: “Bèo dạt mây à  trô… ôi… i”.
    
 - Trời ơi… chị! - Tôi ứa nước mắt. “Chị đây, Bưởi ơi!...”. Chị càng xiết chặt tôi hơn: “Còn nhớ chị không?”.
     
Rồi chị tan đi trong khói thuốc lào, để lại mình tôi trên chiếc chõng tre ọp ẹp…
    
 - Chẳng biết đến bao giờ thì chị ấy mới về? - Tôi hỏi gióng.
     
- Cháu cũng chịu. Vô chừng, hôm thì sớm, hôm thì muộn, có khi không về cũng nên.
    
 - Thế ai nuôi chị ấy?
     
- Bà ấy được trợ cấp. Rồi bạn bè, ở nhà nào thì làm cho người ta. Bà ấy gánh khỏe lắm, thanh niên như bọn cháu không địch được đâu.
    
Sau đó tôi biết thêm, trong những năm ở thanh niên xung phong, chị sống vô tư, yêu đời, chẳng ai lạc quan bằng chị. Hòa bình chị đi thăm nhà các bạn cũ cùng đơn vị, sống như người trong gia đình. Bạn này đi lấy chồng, chị lại tìm đến nhà bạn khác và khi cô bạn cuối cùng về nhà chồng thì chị phát điên, về làng sống một mình.
     
Mặt trời đỏ ối sau rặng tre cuối làng. Rặng tre lưa thưa vắng bóng những cánh cò thuở nào. Chúng đi đâu mà lâu nay cũng không về? Nhớ quá, những bước chân trâu ập ịch lúc về đồng, mùi khói bếp rạ và nụ cười không bao giờ tắt của chị trên đường làng.
     
Ánh sáng điện, mùi xăng, tiếng xe máy hòa trộn trong tiếng nhạc xa lạ của hàng trăm, hàng ngàn ra-đi-ô, cát-xét, ti-vi mở cùng một lúc. Chân bước trên đường làng đang được trải nhựa, lòng chợt nhận ra đất quê mình không giống đâu, loại đất cát pha, mưa xuống là sạch, tạnh mưa lại ráo ngay, không dính lấm. Con đường lưu giữ những dấu chân điểm chỉ của dân làng, của tôi và của chị.
     
Giờ này chị ở đâu? Bỗng nghe xôn xao tiếng trẻ nhỏ. Hòn đá từ tay nào ném vào đầu chị như cô hàng xóm vừa kể. Giá như chúng biết được chị Xoan ngày xưa nhỉ. Chị Xoan mà mỗi trưa hè vẫn ngả nón vục nước giếng làng, chị Xoan của những đêm trăng suông quan họ, chị Xoan trong những bài vè trêu chọc của trai làng mà nụ cười làm rạng rỡ cả giấc mơ của họ và của tôi…
     
Tôi đứng chờ những người trên xe buýt bước xuống, chợt bắt gặp một ánh mắt rất lạ. Một bà già gầy đét, nhăn nheo, móm mém đang nhìn tôi. Tôi nhìn lại bà. Người dưới đẩy lên, người trên xô xuống. Đứng trên xe, tôi vẫn thấy bà nhìn lên. Chết thật, hay là chị? Xe lăn bánh… xa rồi. Sao tôi không lên tiếng gọi?
     
Đầu chít khăn mỏ quạ, một vết sẹo lõm giữa trán vì đá ném của trẻ con. Phải, người điên nếu không nói, nhiều lúc cũng chẳng khác người thường. Ờ nhỉ, thì ra “chị” đã là “bà” rồi, tôi thử nhẩm lại tuổi. Đúng, chị phải già hơn cả mẹ chị ngày xưa ấy chứ.
    
Chị đấy! Rất có thể… Nhưng mà không, không phải đâu.

Truyện ngắn: CHU BÁ NAM
1997