“KHẨU SÚNG HÀNH QUÂN” đã đi xa

04:03, 14/03/2012

Gần trưa hôm 6/3 chuông điện thoại báo tin nhắn lần 1, tôi chưa kịp đến, chuông lại báo tin nhắn lần 2. Vội mở xem, một của anh em văn nghệ sĩ Nha Trang nhắn ra và một từ Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên nhắn lên đều với nội dung: Nhà thơ Liên Nam vừa qua đời sau cơn đau tim đột ngột. Bất giác tôi thầm thốt lên: Vậy là “Khẩu súng hành quân” đã đi xa!

Gần trưa hôm 6/3 chuông điện thoại báo tin nhắn lần 1, tôi chưa kịp đến, chuông lại báo tin nhắn lần 2. Vội mở xem, một của anh em văn nghệ sĩ Nha Trang nhắn ra và một từ Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên nhắn lên đều với nội dung: Nhà thơ Liên Nam vừa qua đời sau cơn đau tim đột ngột. Bất giác tôi thầm thốt lên: Vậy là “Khẩu súng hành quân” đã đi xa!
     
Biết nhà thơ quân đội Liên Nam này sau ngày tỉnh Phú Yên giải phóng, song tôi được dịp tiếp cận thơ Liên Nam từ khi Hiệp định Pa-ri về chiến tranh Việt Nam ký kết hồi đầu năm 1973. Đó là tập thơ đầu tay “Khẩu súng hành quân” của ông xuất bản năm 1970 từ căn cứ chuyển về Hòa Thắng (huyện Phú Hòa bây giờ), tôi được nhận tập thơ này nơi một gia đình cơ sở cách mạng ở thôn Mỹ Hòa. Tập “Khẩu súng hành quân” in khổ nhỏ,chỉ độ vài mươi bài, vậy mà tôi đã lén đọc ngấu nghiến nhiều lần, rồi bí mật chuyền tay đến một số thầy giáo cùng dạy ở Trường Trung học Bồ Đề đọc tiếp. Lúc ấy, sách báo cách mạng trong vùng tạm chiếm đã hiếm, lại nguy hiểm cho ai đọc nếu bị phát hiện. Tập thơ đầu tay của chiến sĩ - thi sĩ Liên Nam đã cuốn hút tôi thuở ấy, trong đó, nhất là các bài: Chiều An Ninh, Rừng An Lĩnh những ngày, Gió nam, Trên đỉnh Chóp Chài…
     
Nhà thơ tên thật là Đặng Nam Phong, sinh năm 1934 tại xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Tham gia quân đội từ 1950 trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 ông tạm biệt quê mẹ Phú Yên tập kết ra Bắc, rồi quay về Nam khá sớm tiếp tục chiến đấu. Từ 1963 - 1967, ông công tác ở Báo Quân giải phóng Trung Trung bộ. Đây cũng là thời kỳ chiến trường Phú Yên vô cùng ác liệt. Liên Nam bị thương ra Bắc chữa trị rồi chuyển công tác về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Môi trường mới bên cạnh nhiều nhà văn, nhà thơ cộng thêm hiện thực hào hùng của kháng chiến mà thi sĩ là người trong cuộc đã trở thành nguồn cảm hứng phong phú thuận lợi cho việc sáng tác. Vì vậy, thời gian này Liên Nam có nhiều bài thơ hay ra đời.
     
Thành tích thơ Liên Nam thời chống Mỹ rất lớn. Trước giải phóng, ngoài tập “Khẩu súng hành quân”, ông còn được xuất bản các tập thơ và trường ca: Núi rừng mở cánh (1972), Trên cát trắng (1973), về sau ông tiếp tục được xuất bản: Gió đỏ (1975), Tiếng hát mùa màng (1980), Con suối chiến khu (1985), Tự do thiên nhiên (1991), Những ngày xa em (1994), Ngàn xanh (1996), Truyền thuyết biển đổi màu (2000), Cuộc đời hai nửa (2000). Mới đây trước khi đi xa nhà thơ còn kịp ra mắt bạn đọc tập thơ cuối cùng “Ký ức thời gian” mà Báo Phú Yên ngày 14-1-2012 cho là cuốn sách riêng thứ 12 này chiến sĩ - thi sĩ Liên Nam vẫn nhất quán về các đề tài chiến tranh cách mạng, lãnh tụ, phẩm chất người chiến sĩ, quê hương đất nước, tình người, tình yêu, tình đồng đội…  Ông được nhận các giải thưởng như: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Văn nghệ Giải phóng, Giải thưởng tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng Hội Văn nghệ Hà Nội, Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên và được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
 

NGUYỄN TƯỜNG VĂN