Một nét nhân văn về… ăn vụng

11:03, 21/03/2012

Ca dao, tục ngữ Việt Nam giàu tính nhân văn khi đối xử với cái lỗi lầm của con người. Nhiều ví dụ. Ở đây chỉ đề cập đến cách đối xử với hành vi ăn vụng.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam giàu tính nhân văn khi đối xử với cái lỗi lầm của con người. Nhiều ví dụ. Ở đây chỉ đề cập đến cách đối xử với hành vi ăn vụng.

Ăn vụng là ăn lén lút, không đàng hoàng. Bản chất hành vi ăn vụng thuộc về tác phong nhiều hơn là về đạo đức. Dân gian thật có lý khi tìm xuất xứ của ăn vụng bắt đầu từ xem xét một trong những cái có liên quan đến hoạt động sống của con người. Đó là sự đói. “Đói thì thèm thịt, thèm xôi/ Hễ no cơm tẻ là thôi mọi đằng”. Đói, ngoài nguyên nhân chủ yếu là lười lao động rất đáng chê trách (Có làm thì mới có ăn/ Không làm, chết đói nhăn răng đáng đời), còn do sự vụng về (Khéo ăn thì no/ Khéo co thì ấm); do không may mắn (Ba tháng trông cây, một ngày bão dập. Đất xấu nặn chẳng nên nồi); hoặc trong hoàn cảnh khó khăn chung, nước có “nổi” đâu mà mong bèo nổi. Ví như những năm tháng rau, củ thay cơm, rất ít khi có chất béo bổ, thành ra cái đói dinh dưỡng lúc nào cũng ngự trị ở trong tế bào, gây cảm giác háo ghê gớm. Thấy cái gì ăn được là muốn cho vào mồm ngay.

Cho nên, từ trong sâu thẳm, người đời vẫn có chút cảm thông với hành vi ăn vụng và đi tới một kết luận đầy vị tha, khái quát thành tục ngữ: “Đói ăn vụng. Túng làm liều”. Lộ ra cái ý, do hoàn cảnh xô đẩy đến bước đường cùng nên mới phải làm điều xấu! Ăn vụng mà giấu được thì cũng chẳng ai cố ý bới móc ra làm gì. Bởi thế mới có câu răn: “Ăn vụng phải biết chùi mép”.

Nhưng ăn vụng cũng đâu có dễ chùi mép. Ngày tôi học lớp hai, ba anh em tôi ăn vụng quả dứa chín còn ở trên cây ngoài vườn. Biết mùi dứa thơm dễ lộ, tôi liền chôn vỏ dứa ở mãi bụi tre sau nhà, lấy xà phòng rửa sạch mồm miệng. Ai ngờ, một lúc sau, nọc dứa ngấm, làm toàn thân nổi tịt đỏ rần… Mẹ tôi đi chợ về thấy thế, bắt tôi đưa ra chỗ “phi tang”. Bà hì hục bới lấy vỏ dứa lên đem rửa sạch, bỏ vào nồi nước, đun chín rồi cho anh em tôi uống nước ấy để giải độc. Vừa chữa cho con, bà vừa lẩm bẩm: “Con ơi! Có phải ăn vụng cái gì cũng giấu giếm được đâu!”. Lúc ấy còn bé, tôi không biết cách nhận lỗi với mẹ thế nào, cứ đứng úp mặt vào bụng mẹ mà khóc!
           
Có những kẻ lấy của người khác làm của mình, bị pháp luật lôi ra ánh sáng đã lớn tiếng: “Thôi thì… do hoàn cảnh xô đẩy…”, có ý đánh đồng tham nhũng và ăn trộm với “ăn vụng” để hòng giảm tội! Cần vạch rõ hành vi của chúng. Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của. Ăn trộm là lấy của người khác một cách lén lút nhân lúc đêm hôm hoặc lúc vắng người. Với hành vi tham nhũng, trộm cắp, quyết không thể tha thứ. Có một bài học vỡ lòng, kể về con cáo hay bắt trộm gà vịt của người. Đoạn kết là: “Dân làng đã biết/Rình tóm được ngay/Đòn gánh, cành cây/Phang cho kỳ chết/Thế là đáng kiếp/Một chú cáo lười/Ban ngày rong chơi/Đêm đêm ăn trộm”. Tôi có một kỉ niệm nhớ đời. Hồi còn nhỏ, đi mót thóc rơi, mải chơi nên đến trưa chỉ có được một dúm. Nghe bạn rủ, liền rút trộm một bó trong đống lúa của hợp tác xã… Tôi đã bị mẹ đánh roi quắn đít vì tội ấy. Bây giờ nghĩ lại càng thấy ơn mẹ vô cùng.
           
Tục ngữ có câu “Ăn vụng quen tay. Ngủ ngày quen mắt”. Sửa cái “quen tay” dễ hơn sửa cái bản tính. Người mắc phải nết ăn vụng, nếu quyết tâm sửa và kiên trì rèn luyện sẽ khắc phục được hoàn toàn.
         
“Đói ăn vụng. Túng làm liều” chứng tỏ xóa đói, giảm nghèo là công việc cực kỳ nhân văn. Xóa đói là tẩy chay cái nguyên nhân sâu xa và cũng là chặn đứng cái khả năng trực tiếp sinh ra ăn vụng, là xây đường tới hoàn thiện nhân cách con người.
 

PHẠM XƯỞNG