Nhiếp ảnh Việt Nam tôn vinh lịch sử dân tộc

03:03, 07/03/2012

Ngày 15/3/1953 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 147 thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Đây là mốc son đánh dấu sự phát triển rực rỡ của ngành Nhiếp ảnh Việt Nam (NAVN) sau này.

Ngày 15/3/1953 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 147 thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Đây là mốc son đánh dấu sự phát triển rực rỡ của ngành Nhiếp ảnh Việt Nam (NAVN) sau này.

Bác Hồ ở chiến dịch biên giới 1950 – Đinh Đăng Định. Ảnh: Tư Liệu
Bác Hồ ở chiến dịch biên giới 1950 – Đinh Đăng Định. Ảnh: Tư Liệu


Lịch sử Nhiếp ảnh thế giới đã có bề dầy 186 năm. Bức ảnh đầu tiên được ông Nièpce tạo ra (năm 1826) trên một tấm thiếc phủ nhựa đường, đặt trong chiếc hộp “Obscura”, phơi sáng nhiều ngày. 43 năm sau, nhân chuyến sang Trung Quốc (năm 1869) ông Đặng Huy Trứ (vị quan thời vua Tự Đức) mua một bộ máy chụp và rửa ảnh về Hà Nội mở “Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường”. Đây là hiệu ảnh đầu tiên của người Việt Nam mở tại Việt Nam. Từ ấy, nhiếp ảnh phát triển mạnh và lan ra cả nước. Người có công lớn là ông Nguyễn Đình Khánh (tức Khánh Ký) làng Lai Xá, tỉnh Hà Tây rất giỏi nghề ảnh đã truyền cho con cháu và dân làng. Đầu thập niên 30 (thế kỷ XX), các nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Văn Khải, Phạm Ngọc Chất... thỉnh thoảng triển lãm ảnh ở góc chợ phiên, nơi đấu xảo, cửa hàng tạp hóa... như một “Nghệ thuật khéo tay”. Trong thập niên 40, những bất ổn chính trị đã kìm hãm sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh. Năm 1952, lần đầu tiên 21 nhà Nhiếp ảnh Việt Nam triển lãm hơn 100 tác phẩm tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội với tựa đề “Triển lãm Ảnh mỹ thuật 1952”. Triển lãm này là mốc son khởi đầu quan trọng của nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam. Như vậy, nền nghệ thuật NAVN bắt nguồn từ Hội Ái hữu Nhiếp ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn (1930-1940) bùng phát trong cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các bức ảnh tiêu biểu thời kỳ ấy đậm nét chiến tranh cách mạng, chân thực, mộc mạc, là tài liệu, bằng chứng lịch sử vô giá của cách mạng Việt Nam. Từ 30 nhà nhiếp ảnh thời chống Pháp (ở ATK, Thái Nguyên) đến nay, đã có hàng vạn người hoạt động trên các lĩnh vực nhiếp ảnh (báo chí, nghệ thuật, dịch vụ, tư liệu) và vật tư ngành ảnh. Thời kỳ sau 1975, đề tài ảnh nổi bật là hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Nhiếp ảnh Việt Nam đã tự vươn lên và khẳng định mình” như lời nhận xét của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Phát huy truyền thống của Đoàn Nhiếp ảnh chiến khu Việt Bắc (1949), Ban liên lạc Nghệ sĩ NAVN (1958), Hội Nghệ sĩ NAVN (năm 1965 với 71 hội viên sáng lập), đến nay Hội đã có gần 900 hội viên ở hầu khắp các tỉnh, thành trong nước. Đây là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động sáng tác, triển lãm, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Từ năm 1991, Hội Nghệ sĩ NAVN trở thành thành viên của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh thế giới (FIAP) - tổ chức quốc tế uy tín của các nhà nhiếp ảnh thế giới. Hàng năm, Hội Nghệ sĩ NAVN tổ chức, bảo trợ, tham gia khoảng 50 cuộc thi ảnh khu vực, quốc gia và quốc tế. Hiện tại, Hội có hơn 250 hội viên được phong các tước hiệu cao quý của quốc gia và FIAP. Với đặc thù nhiếp ảnh là có công chúng, những năm gần đây, việc xã hội hóa hoạt động Nhiếp ảnh phát triển mạnh và sâu rộng. Từ năm 1999 Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh đã thành lập Khoa Nhiếp ảnh, đến nay đã đào tạo hàng trăm cử nhân nhiếp ảnh và lý luận phê bình ảnh. Nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật được đông đảo công chúng tham gia và yêu thích. Ngoài việc trưng bày triển lãm, xuất bản báo chí, giao lưu đối ngoại, kỷ niệm động thổ, khánh thành, mừng công, lễ hội… Nhiếp ảnh còn hiện diện trong mỗi gia đình từ việc lưu giữ ảnh sinh nhật, lễ cưới, tân gia, tiệc tùng, tang lễ, gặp mặt, thăm quan, du lịch… Nhiếp ảnh đã góp phần quan trọng làm cho cuộc sống phong phú hơn, có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, giáo dục thẩm mỹ cho nhân dân. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong thư gửi những người hoạt động Nhiếp ảnh trong cả nước ngày 15/3/2003 khẳng định: “Nửa thế kỷ trôi qua, bằng sự hy sinh gian khổ, lao động sáng tạo, Nhiếp ảnh Việt nam đã để lại một kho sử bằng ảnh vô cùng quý giá về cách mạng Việt Nam. Nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đã đọng lại trong lòng đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Công chúng còn nhớ mãi các tác phẩm “Nạn đói 1945” - bộ ảnh của Võ An Ninh, “Bác Hồ ở Biên giới 1950” của Đinh Đăng Định, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của Minh Trường, “Từ thần sấm xuống xe trâu” của Văn Bảo, “O du kích nhỏ” của Phan Thoan, “Mẹ con ngày gặp mặt” của Lâm Hồng Long... Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh đã trở thành liệt sĩ vì Tổ quốc. Ngày nay, công nghệ nhiếp ảnh kỹ thuật số phát triển như vũ bão, từ em nhỏ đến cụ già (lần đầu cầm máy) đều có thể chụp được ảnh và có thể có ảnh đẹp. Tuy nhiên, để có một tấm ảnh nghệ thuật đích thực không phải dễ. Có người cả đời làm nghề, theo nghề nhưng chẳng ai biết tên, ngược lại có người nổi tiếng chỉ nhờ một tấm ảnh độc đáo, ghi dấu ấn lịch sử hoặc bước ngoặt thời đại. Nhiếp ảnh đang nở rộ như hoa mùa xuân. Trên bình diện toàn quốc, các câu lạc bộ, chi hội Nhiếp ảnh: Hải Âu, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắc Lắc… rất nổi tiếng do có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng, có nhiều tác phẩm xuất sắc.

Riêng đối với Lâm Đồng, nhiếp ảnh xuất hiện khá sớm từ những năm 30 của thế kỷ trước ở Đà Lạt, sau đó lan ra Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do lợi thế về du lịch, lòng yêu nghề và nhu cầu dân sinh, trên địa bàn tỉnh những năm 1980-1990 đã có hàng ngàn nhiếp ảnh viên du lịch phục vụ tận tình du khách và nhân dân địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 40 hội viên chuyên ngành Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng, đã đoạt hàng trăm huy chương tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước. Những NSNA: Bùi Á, Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông, Võ Trần Phú, Lý Hoàng Long, Lê Thái Sơn, Nguyễn Bá Trung, Võ Văn Nghệ, Nguyễn Văn Thương, Vũ Thị Tịnh, Vũ Hồng Quang, Phạm Bình, Trần Thiết Dũng, Nguyễn Bá Hảo,... đoạt nhiều giải thưởng cao về ảnh trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về Lâm Đồng-Đà Lạt. Giới nhiếp ảnh đánh giá, Lâm Đồng là 1 trong 10 tỉnh thành mạnh về nhiếp ảnh của cả nước.
Nhìn lại 59 năm qua, NAVN đã có những bước tiến dài và vượt bậc. Vị thế của nền NAVN trên trường quốc tế được nâng cao. Mặc dù còn những bất cập, nhưng những chặng đường NAVN đã đi qua rất đáng tự hào. Đây còn là dịp đúc kết những bài học bổ ích, giúp những người hoạt động nhiếp ảnh sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều tác phẩm xuất sắc tôn vinh các giá trị dân tộc, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước và địa phương ngày càng phát triển “Vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

HÀ HỮU NẾT