Nguyễn Thánh Ngã nhặt nhạnh tích cóp những trở trăn tìm tòi trong suốt một thập niên qua để ra mắt ấn phẩm Gõ (NXB Hội Nhà văn in ấn cuối năm 2011). 72 bài thơ, 72 khoảnh khắc của dòng đời liên tưởng với một lối hành ngôn lạ, nơi biên độ của khách thể và chủ thể trong thơ tìm thấy sự hóa thân hóa hợp.
(Đọc Gõ tập thơ Nguyễn Thánh Ngã – NXB Hội Nhà Văn 2011)
Nguyễn Thánh Ngã nhặt nhạnh tích cóp những trở trăn tìm tòi trong suốt một thập niên qua để ra mắt ấn phẩm Gõ (NXB Hội Nhà văn in ấn cuối năm 2011). 72 bài thơ, 72 khoảnh khắc của dòng đời liên tưởng với một lối hành ngôn lạ, nơi biên độ của khách thể và chủ thể trong thơ tìm thấy sự hóa thân hóa hợp.
Sau Nhớ Xanh (2000), Nhìn từ đôi mắt khác (2005), Thượng nguồn ngạc nhiên (2005), tập thơ Gõ cho ta một chân dung tác giả cụ thể hơn, đa diện và cũng đa sắc độ hơn.
Bên hoa
Bên hoa mới nở, cái đẹp dâng tràn tim tôi, làm thành cảm giác an hòa xâu chuỗi, tôi đeo xâu chuỗi ấy hàng ngày.
Để cười
Để khóc
Và để lặng lẽ suy nghĩ
Đôi khi có con sâu lông chứa đầy nọc độc lại cuộn mình khép nép bên hoa
Đôi khi có người chẳng chịu cúi đầu trước ai lại quỳ bên bó hoa bé mọn
Tôi nghĩ hoa đẹp là vì thế!
Vì những nhiều rất lặng lẽ đó chăng?
Cái đẹp của hoa là một khách thể. Thưởng lãm hoa cũng là một dạng thực thể của khách thể, nhưng nó được chuyển hóa qua nhiều phương vị khác nhau của nhiều chủ thể khác nhau. Thưởng lãm bằng nội tâm cũng là một cách cảm thấu sự vật. Sự liên tưởng đối sánh ở đây chính là cái đẹp qua lăng kính tri ngộ, sự phân thân của cái tôi trước đối tượng quan sát để khám phá những tầng nấc khác, xung quanh và ở bên trong đâu đó của sự vật…
Nặng tình với nơi hằng sống, Nguyễn Thánh Ngã đưa hơi thở tâm can - trí tuệ dồn lắng của đời mình để đẩy vào thơ, làm cho vùng đất bình lặng xa khuất ấy trở nên âm vang và thúc giục hơn trong tâm cảm người đọc (Bài ca thị trấn, Lâm Hà, Đàn bò trong thị trấn, Đêm Dalat với Nazuma, Với Đạ Dâng hoang dại…)
Từ một thiết thân và nồng ấm vang lên từ nhạc điệu của sự thôi thúc bên trong con tim… Lâm Hà của Nguyễn Thánh Ngã trần trụi, ngồn ngộn những khoảnh khắc sống rất thực mà cũng rất riêng. Thế mới biết chẳng phải chỉ có đất có thể đẻ ra cái đẹp cho đời người, mà chính tình yêu của con người đã khiến đất đẹp hơn, thơ hơn… dù rằng đâu đó quanh đây vẫn còn đầy khó khăn chồng chất mới cũ.
Ở tập thơ mới này của Nguyễn Thánh Ngã, nếu chịu khó lắng lòng để cùng nghiền ngẫm suy luận, ta sẽ nhận ra nhiều phát hiện thú vị trước những phép liên tưởng – hoán vị giàu chất suy luận của một trang nông phu đang cặm cụi, cần mẫn canh tác cày bừa ngay trên ruộng chữ của mình. Đó là một đôn hậu chẳng cần khuyếch trương, một thẳm sâu không chờ vơ vén, một tâm hồn chân chất nhưng phải trót đa mang… Một đối sánh cô đọng để đi đến giao hòa:
Câu lục bát có thể đi mãi đến những thiên hà nhưng cô đọng trong Hai Ku cũng là trời đất
(Trò chuyện Numano Mitsuyoshi)
Một phân vân… gần với sự giằng co, nhưng để mà định lượng. Từ một thức trở để tìm vào niềm tin tri ngộ:
Hãy bám gốc rạ mình
Gieo những hạt lành thơm
Học bùn đen chẳng biết khoe khoang
Tự cô đọng
Tự lắng…
Biết thẹn mình như loài mắc cỡ còn cho đời vị thuốc
Ta tự thẹn ta chưa giúp được mình
(Ngụ ngôn cho mình)
Cho tới một đúc kết, một đích đến sáng tạo:
Gõ một tâm hồn bật dậy như mầm cây…
Trong cõi bộn bề của phương tiện nghe nhìn thời hiện đại, liệu có phải có nhiều người đã quá quen xem - nghe bằng cách nhìn có sẵn, hoặc cách nhìn của người khác, lâu dần thành nghiện và cũng rất dễ hóa lười ?(!). Thơ Nguyễn Thánh Ngã không thật dễ đọc, nó buộc ta phải tư duy, phải mềm nắn tâm hồn để thấy rằng cùng trải nghiệm cũng là nét đẹp của hành động sống!
MINH LÂN