Tháng 3 chúng tôi lên Tây Nguyên mang theo âm hưởng câu hát: "Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi ra sông hút nước". Trong ký ức của tôi Tây Nguyên hiện ra hùng vĩ và huyền thoại qua những trường ca Đam San, Xinh Nhã, qua hình ảnh anh hùng Núp sừng sững, qua bóng cây Kơ Nia...
Tháng 3 chúng tôi lên Tây Nguyên mang theo âm hưởng câu hát: "Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi ra sông hút nước". Trong ký ức của tôi Tây Nguyên hiện ra hùng vĩ và huyền thoại qua những trường ca Đam San, Xinh Nhã, qua hình ảnh anh hùng Núp sừng sững, qua bóng cây Kơ Nia: "Rễ mày uống nước đâu - uống nước nguồn miền Bắc". Tây Nguyên - mái nhà rông như lưỡi rìu tạc lên trời xanh. Tây Nguyên - ché rượu cần ta uống rượu hay ta uống lửa, Tây Nguyên - dàn cồng chiêng lung liêng tiếng suối trầm hùng ngực núi. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ở Buôn Ma Thuật. Trước đây Buôn Ma Thuật là một buôn lớn nằm cạnh dòng suối Ea - Tam với trên dưới 50 nóc nhà và trên 2000 dân Ê - đờ, Kapa do tù trưởng A Ma Thuật cai quản. Do ảnh hưởng và thế lực lớn của tù trưởng A Ma Thuật nên các buôn, làng lân cận coi buôn này là trung tâm và tên gọi Buôn Ma Thuật (buôn của A Ma Thuật) được hình thành.
Lễ cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Tại trung tâm thành phố là một khối tượng đài cao lớn sừng sững hình ảnh người chiến sỹ giải phóng. Trận đánh ngày 10 - 3 - 1975 tại thị xã Buôn Ma Thuật là trận mở màn quyết định của chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975. Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuật và Tây Nguyên thời cơ mới đã xuất hiện. Bộ Chính trị họp và hạ quyết tâm: "Phải chớp lấy thời cơ, nhanh chóng tập trung lực lượng cả nước (khoảng 19 sư đoàn) nhằm vào mục tiêu giải phóng Sài Gòn - Gia định. Hành động tác chiến táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay hoàn toàn giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975".
Từ Buôn Ma Thuật còn khét mùi thuốc súng, Quân đoàn 3 được thành lập gồm 3 Sư đoàn: 10, 320, 316 và một số đơn vị binh chủng khác. Binh đoàn Tây Nguyên này mang theo khí phách anh hùng của trận đánh mở màn Buôn Ma Thuật tiến về Sài Gòn. Khi nghe tôi hỏi về lịch sử xác chiếc tăng ở khối tượng đài ngã sáu thành phố, một người dân nguyên là chiến sỹ Trung đoàn 95B kể lại: Trận đánh ở ngã sáu thật ác liệt. Trung đoàn 95B đưa Tiểu đoàn 4 có tăng cường 4 xe tăng bước vào trận chiến.
Cuộc tranh chấp ở đây thật gay go, Trung đoàn ngoan cường tiến đến mục tiêu quân trọng đã được xác định là cơ quan tiểu khu quân sự Đắc Lắc và Dinh tỉnh trưởng. Một xe tăng của ta bị địch bắn cháy ngay trước cổng tiểu khu, nhưng sau đó quân ta ào ạt xung phong và đánh chiếm được khu vực này. Sau khi nhận được nguồn tin xe tăng của ta xuất hiện ở ngã sáu thị xã Buôn Ma Thuật, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Tướng Ngụy Phạm Văn Phú: "Phải tử thủ Buôn Ma Thuật bằng mọi giá và đưa ngay Sư đoàn 23 về cứu nguy". Tướng Phú đã yêu cầu đại tá Vũ Thế Quang - Tư lệnh mặt trận Buôn Ma Thuật điều Liên đoàn biệt động quân 21 chỉ về đến suối Ea Tam luẩn quẩn ở đó rồi chuồn thẳng ra phía Đông thị xã. Xe tăng của ta xuất hiện là một nỗi kinh hoàng đối với quân địch. Những con "voi" thép này góp phần xứng đáng là những tấm lá chắn, những mũi thọc sâu giải phóng trung tâm thị xã.
Mang dư âm hào hùng của bản tráng ca những con “Voi” thép đã được tượng đài hóa lịch sử, chúng tôi lên Buôn Đôn điểm du lịch nổi tiếng để gặp những con voi thật của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Từ xa xưa vùng Buôn Đôn, Ea Sup là xứ sở nổi tiếng của nghề săn voi và thuần dưỡng voi rừng. Trong văn hóa tâm linh, đồng bào các dân tộc ở đây coi voi là động vật đứng hàng đầu trong các loại thú rừng. Họ tin rằng Thần voi là thần lớn nhất: “Thần chiêng chỉ to bằng chiếc rìu, Thần ché chỉ to bằng ngón tay, Thần voi to bằng núi cao...”. Tôi đã gặp ông Y Tep ở Buôn Đôn xã KrôngNa năm nay đã 70 tuổi đi săn voi năm 23 tuổi đã bắt được 8 voi. Hiện là chủ của hai chú voi tên là YKhăm (voi đực) và KhănSin (voi cái). Ông nói khi bắt được voi rừng người ta không đưa ngay về Buôn mà chỉ đưa voi về ở một vùng rừng nào đó gần Buôn nhưng thuận tiện cho voi sinh sống và dễ bề thuần dưỡng.
Voi phục vụ nhu cầu du lịch ở buôn Đôn. Ảnh VCH |
Người dân ở đây có một hình thức kiêng cữ rất nghiêm ngặt đối với chủ voi, thợ săn voi và các nài voi như: Vào rừng người thợ săn phải nói tiếng lóng, không được nói đúng tên các con vật và những từ liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của họ. Trong ăn uống thợ săn voi phải kiêng khem, không được ăn tôm, cá, cua, trái cà, quả mướp và phải ăn bắp không được dùng đũa hoặc thìa. Về ăn mặc người thợ chính (Gru) được quấn khố, mặc áo; người phụ (Rmăk) chỉ được quấn khố ở trần. Nhà báo Đặng Bá Tiến - Phóng viên báo Lao động bạn tôi, người đã có hàng chục năm lăn lộn với vùng đất cao nguyên này, trông anh cũng gần giống người Thượng với chiếc mũ rộng vành chụp lên mái tóc đã sớm bạc trước tuổi và chiếc xe phân khối lớn của Nhật lấm láp đất đỏ Bazan, tôi hỏi anh:
- Thế thì những người nhà của thợ săn voi có phải kiêng cữ gì không? Vì dân biển quê tôi thường có những linh cảm kỳ diệu nối người ở đất liền với người ở biển khơi đương đầu với bao bất ngờ bão tố.
Nhà báo Đặng Bá Tiến phát hiện một điều rất thú vị:
- Người Tây Nguyên có những nét gần giống dân Bồ Lô vùng biển nhất là về mặt tâm linh. Trong suốt thời gian chồng con vào rừng săn voi người nhà không được chơi giỡn với ai, không được tắm, gội đầu bằng nước vo gạo hoặc các loại cây rừng, không được làm đổ cây cối và làm rơi chày giã gạo. Nếu vi phạm các điều đó con voi thợ sẽ bị voi rừng đánh ngã, đoàn thợ săn sẽ thua cuộc.
- Thế còn thuần dưỡng voi? - Tôi hỏi YTép. Ông cũng đã từng làm lính cụ Hồ nên trả lời đặc thuật ngữ quân sự:
- Quy trình huấn luyện những tân binh voi này rất nghiêm ngặt. Như cho voi ăn uống ít trong những ngày bắt đầu vào khóa “học tập”. Dùng voi nhà hù dọa voi rừng, xích chân, làm dấu ở lỗ tai để dân biết voi đó có chủ. Sau đó, người thầy dạy voi từng động tác nhỏ như nhấc chân, quỳ xuống, cúi đầu, chở người, thồ hàng, kéo gỗ, đá bóng, chạy thi, kéo co, vượt sông... các hành vi bài tập này kéo dài 180 ngày. Khi voi có “hộ khẩu” ở Buôn sẽ được đối xử tử tế, được ăn khẩu phần thực phẩm gồm: chuối, tre, trúc, rễ cây... ? Trung tâm Du lịch Buôn Đôn mỗi chú voi chở khách dạo chơi thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng một tháng. Mải mê với chuyện voi rừng anh Đặng Bá Tiến đưa chúng tôi ra khu tượng mồ. Phần lớn các bức tượng gỗ chạm khắc tinh xảo đã bị thời gian và con người phá hoại. Chỉ còn hai ngôi mộ lớn của vợ chồng vua săn voi được đổ bằng bê tông không bị bào mòn theo năm tháng. Nhà mồ bây giờ cũng xi măng hóa vẽ vời đủ các loại vôi ve vừa thô vừa cứng làm mất đi nét linh thiêng uyển chuyển của hồn sông, khí núi. Nếu như thành phố Buôn Ma Thuật mang sức sống hơi thở khỏe khoắn của một chàng trai Ê Đê thì thành phố PLâyku của Gia Lai giống như một cô gái Mơ Nông hiền dịu và mơ mộng. Ở đây buổi sáng gần giống Đà Lạt, những con đường dốc thon thả, dòng người, dòng xe chạy chậm, hoa liễu đỏ buông xuống từng chùm như đuôi công sặc sỡ. Chúng tôi đến PLâyku đúng ngày 17/3 ngày giải phóng Gia Lai. Một lễ hội mừng tưng bừng được tổ chức bằng hội chợ với bao sản phẩm đặc sắc của vùng đất cao nguyên giàu có này. Cộng đồng người Tây Nguyên giống như chùm rễ cây chằng chịt của cây si khổng lồ ở Khu Du lịch sinh thái Buôn Đôn đã nâng cánh cho những chiếc cầu treo, vít võng như những nhịp đàn Tơ rưng vang vọng.
Tạm biệt Tây Nguyên từ Kon Tum, chúng tôi đi theo con đường Hồ Chí Minh ra Bắc. Con đường mòn năm xưa từng in dấu dép lốp của bao đoàn quân đôi mũ tai bèo vượt rừng già Trường Sơn để đổ xuôi xuống đồng bằng từ mái nhà Tây Nguyên hùng vĩ. Một nhà thơ đi trong đoàn đã bảo lái xe dừng lại. Anh nhặt lên một cánh rau tàu bay xanh tươi non mởn, xanh như màu da sốt rét của những người bạn lính. Anh lặng lẽ ép vào cuốn sổ ghi chép của mình mang về quê như mang theo hồn cốt khí thiêng đất đai của vùng đất này.
Nếu như đại lộ Hồ Chí Minh là cung trầm của bầu đàn đất nước thì đường dây 500kv chạy dọc theo con đường là cung bổng hợp âm này đã tạo ra một bản hòa tấu cho vùng đất Cao Nguyên vốn là nơi sinh ra xứ sở của cồng chiêng những bản tình ca say đắm tình người. Tôi ví đường cong con đường mềm mại và vững chãi này giống như eo lưng của người con gái Tây Nguyên. Và những quả đồi đất đai phì nhiêu phún thạch như những núm vú phồn thực nuôi lớn bạt ngàn cây cao su nhựa trắng, bạt ngàn cà phê rưng rưng một màu đỏ sum suê vít nặng cong cành lá. Chiếc xe lữ hành bỏ lại đằng sau cả một trời Tây Nguyên nắng đỏ...
Bút ký:Nguyễn Ngọc Phú