Văn hóa và vấn đề bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

04:03, 28/03/2012

Có thể hiểu một cách đơn giản, văn hóa không chỉ là bề nổi, là cờ đèn kèn trống, là những lễ hội rình rang, tốn kém. Văn hóa còn phải là những cái gì đấy lặn vào bên trong, nó tiềm ẩn và sâu sắc,...

Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Mỗi một định nghĩa đều cố gắng đem lại những nét đặc trưng nhất có tính đặc thù đối với một lĩnh vực vô cùng rộng lớn. Tuy vậy, để có một định nghĩa mang tính phổ quát cho văn hóa thì có thể nói cho đến tận hôm nay vẫn chưa có được sự thống nhất cao trong xã hội, và nhất là đối với các nhà nghiên cứu khoa học.
 

Múa “xòe” tại lễ hội cúng giàng ở Sơn Điền (Di Linh).   Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Múa “xòe” tại lễ hội cúng giàng ở Sơn Điền (Di Linh). Ảnh: BÙI TRƯỞNG

Nhưng vẫn có thể hiểu một cách đơn giản, văn hóa không chỉ là bề nổi, là cờ đèn kèn trống, là những lễ hội rình rang, tốn kém. Văn hóa còn phải là những cái gì đấy lặn vào bên trong, nó tiềm ẩn và sâu sắc, nó tích tụ và điềm đạm, thậm chí nó rất đơn lẻ, mỏng manh và … khó hiểu. Văn hóa, nói một cách đơn giản là toàn bộ những giá trị xã hội - kinh tế mà con người đã tạo ra.

Erôtxtrat - kẻ đốt đền, rất nổi tiếng trong lịch sử, nhưng không phải văn hóa. Cũng như vậy, Tần Thủy Hoàng, Hitle, Pôn Pốt… không phải là văn hóa, dù họ có thể tạo ra những dấu ấn, nhưng đó chỉ là những dấu ấn phản văn hóa. Trong khi đó thì Hồ Chí Minh là một giá trị văn hóa cao, mang tầm vóc của một bậc minh triết nhân loại.

Trong nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị của cuộc sống đã bị biến dạng, mai một, thì văn hóa, nói như nhà văn Nguyên Ngọc, đó là một cái “thắng” (phanh) cần thiết để ổn định xã hội. Thực tiễn đã chứng minh rất rõ ràng là trong lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chính nhờ có văn hóa với bản sắc riêng mà ông cha ta đã giữ vững được đất nước, cho dù bọn xâm lược ra sức tìm đủ mọi cách để đồng hóa trong hơn 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp. Và hiện nay, khi mà mọi người đã và đang đổ xô, quay cuồng trong cơn lốc làm giàu, bất chấp mọi giá trị thì chính văn hóa là cái “thắng” để giữ họ dừng lại ở bến bờ của tình yêu thương và khát vọng làm người.

Riêng đối với khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung một khối lượng đông đảo các dân tộc thiểu số với một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc độc đáo, và vì vậy, khi đề cập đến việc phát huy và giữ gìn văn hóa Tây Nguyên không gì hơn là phải có một chính sách hợp lý, sáng suốt và phù hợp với đặc điểm riêng của từng dân tộc thiểu số bản địa nơi đây. Cuộc sống hiện đại đã và đang làm thay đổi nhiều đến tập tục của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Những năm gần đây, tiếng cồng, tiếng chiêng và nhiều loại nhạc cụ độc đáo khác của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã dần bị thiếu vắng trong đời sống của cộng đồng dân cư trong khu vực. Thay vào đó là các loại nhạc cụ hiện đại như đàn ghi ta điện, đàn oócgan… lại được sử dụng ngày một phổ biến. Trong khi đó, nói đến văn hóa Tây Nguyên không thể không đề cập đến cồng chiêng, không phải vì “không gian văn hóa cồng chiêng” là loại hình văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại, mà còn bởi đó là một môn nghệ thuật độc đáo, có tính cộng đồng sâu sắc. Và để có một cuộc “chơi” cồng chiêng hoàn hảo, cần phải hội tụ đủ 3 thành phần: người chỉnh sửa âm thanh (lâu nay, hình như chưa có ai quan tâm đến lĩnh vực này); người đánh cồng chiêng và người múa (còn gọi là xoang). Nhiều cuộc liên hoan cồng chiêng trong thời gian qua hình như  những người có trách nhiệm tổ chức chỉ mới chú ý đến vế thứ hai mà hầu như chưa quan tâm đến hai thành phần còn lại. Mặt khác, đời sống của các buôn làng ngày nay cũng đã khác: nhanh hơn, gấp hơn, tính cá nhân đang dần lấn lát tính cộng đồng.

Xét riêng về mặt kiến trúc ở Lâm Đồng, ngôi nhà dài với loại hình cửa “Pomme” độc đáo đã vắng bóng, thay vào đó là nhiều nhà xây kiên cố, chí ít cũng được làm bằng các loại vật liệu như tôn, gỗ… Điều này phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhưng lại không thuận với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa…

Thực tiễn đã chứng minh rất đúng là văn hóa đã tham gia rất rộng lớn và sâu sắc đến mọi mặt của đời sống hiện đại. Vì vậy, nếu chỉ một sai sót, chứ chưa nói đến sai lầm về văn hóa thì sẽ rất tai hại và có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Báo chí đã nhiều lần đề cập đến việc trùng tu các di tích mà kết quả đã làm đau đầu không ít nhà quản lý. Không ai có thể khôi phục lại được thành nhà Mạc cổ kính, đã trường tốn suốt hàng trăm năm nay thì khi bảo tồn người ta đã phục chế nó thành cái “lò gạch” như hiện nay.

Cách đây không lâu, có dịp đến thăm khu làm việc của cơ quan Trung ương Cục miền Nam tại Chiến khu Đ, chúng tôi rất mừng là các cán bộ văn hóa tỉnh Đồng Nai đã bảo tồn khá tốt một di tích lịch sử cách mạng của cả nước. Từ ngôi nhà làm việc của các vị lãnh đạo TW Cục, đến nhà làm việc của các nhân viên… đều được phục chế nguyên dạng. Mọi cái sẽ thực sự hoàn hảo hơn nếu như không có các con đường nhỏ nối từ ngôi nhà này đến nhà khác được làm bằng bê tông xi măng. Nó sạch sẽ và khá xinh xắn, nhưng phù hợp thì không có, bởi trước hết, nó không phản ánh đúng thực tế, đó là yêu cầu đầu tiên, gần như tuyệt đối với việc bảo tồn, trùng tu các di tích hay hiện vật. Sự cố tình hiểu sai, làm sai trong công tác này đã cho thấy rằng, làm ra văn hóa thì rất khó mà phá nó thì dễ vô cùng. Chúng ta vẫn thường hô hào, cổ động việc bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng thực sự bản sắc dân tộc là gì và bảo vệ, giữ gìn nó như thế nào không phải ai cũng hiểu được một cách thấu đáo và có sức thuyết phục. Rồi cái gì bảo vệ, cái gì phát huy, cái gì loại bỏ… hiện nay các ý kiến vẫn còn bị vênh nhau, và chưa có được một kết luận chính xác, có tính khoa học.

Để chứng minh chúng tôi xin đề cập đến việc bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa cồng chiêng mà lâu nay ngành văn hóa đã và đang được Nhà nước giao cho trọng trách chính trong nội dung này. Cồng chiêng, loại hình văn hóa in đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Và một trong những đặc điểm nổi bật của nó là phải gắn với rừng núi và buôn làng của đồng bào. Chính tại nơi đây, những người chơi chiêng, múa xoang như được tăng thêm niềm hứng khởi, và khi đó, tiếng chiêng hay điệu xoang mới có hồn và có sức thu hút, lôi cuốn mạnh mẽ. Tách ly hoạt động này ra khỏi buôn làng, rừng núi là một điều không đúng với thực tiễn đời sống văn hóa của đồng bào. Không phải cứ gõ chiêng, múa xoang dưới ánh điện sáng trưng, trên những sân khấu hoành tráng thì sẽ đem lại giá trị hơn là khi được tổ chức giữa khung cảnh rừng núi, bên ánh lửa bập bùng từ ngàn đời nay với sự có mặt của đông đảo bà con các dân tộc trong buôn làng!. Dù vậy, điều đơn giản nhưng lại khá quan trọng này không phải ai cũng hiểu và làm theo được một cách đúng đắn.

Và như vậy, rõ ràng là không thể áp đặt, không thể cưỡng lại quy luật, không thể cưỡng lại thực tế khách quan để phát triển văn hóa bằng mọi giá.

HOÀNG KIM NGỌC