25 năm văn xuôi Lâm Đồng

01:04, 11/04/2012

Lâm Đồng, vùng đất hội tụ của người dân trăm miền, họ đến đây học tập, lập nghiệp, làm ăn sinh sống và mang theo những kỷ niệm quê hương bản quán cùng quá khứ của mình, lại nảy sinh quan hệ mới với cảnh với người nơi này...

Lâm Đồng, vùng đất hội tụ của người dân trăm miền, họ đến đây học tập, lập nghiệp, làm ăn sinh sống và mang theo những kỷ niệm quê hương bản quán cùng quá khứ của mình, lại nảy sinh quan hệ mới với cảnh với người nơi này. Thế là họ cầm bút viết, đa phần là thơ, văn xuôi ít hơn, với người bản địa càng ít. Ngày nay thế hệ trẻ sinh ra ở Lâm Đồng hoặc học tập trong các trường đại học, cao đẳng… làm thơ, viết văn rất nhiều, tiêu biểu như nhóm Thông Xanh, Dã Quỳ của sinh viên Trường Đại học Đà Lạt, CLB Thơ Lâm Đồng, CLB Sáng tác trẻ Đà Lạt… Bài này chỉ điểm qua một số cây bút văn xuôi là hội viên Hội VH-NT Lâm Đồng để thấy sự trưởng thành của đội ngũ những người viết văn xuôi, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội.

Văn nghệ sĩ Lâm Đồng thăm Nghĩa trang Trường Sơn
Văn nghệ sĩ Lâm Đồng thăm Nghĩa trang Trường Sơn


Hội VH-NT Lâm Đồng ra đời năm 1987, nghĩa là 12 năm sau ngày thống nhất đất nước, lúc đó không khí cuộc chiến còn đậm đặc, cảm xúc chiến tranh còn nóng hổi, trên Báo Lâm Đồng và Tập san Thông tin Văn hóa thường xuất hiện những hồi ký, bút ký và truyện ngắn của các tác giả Huỳnh Chính, Lâm Tuyền Tĩnh, Phạm Vũ, Phạm Kim Anh, Lê Công, Hà Thanh Thủy… Khi tạp chí Lang Bian của Hội VH-NT ra đời do nhà thơ Bùi Minh Quốc làm Tổng Biên tập thì đã có sự tham gia của họ.

Trong đó, Huỳnh Chính là cây bút truyện ngắn có nghề hơn cả. Anh vốn là cán bộ ngành Lâm nghiệp, được cử đi học lớp bồi dưỡng viết văn đầu tiên ở Trại viết Quảng Bá - Hà Nội cùng nhiều nhà văn tên tuổi lúc bấy giờ. Về công tác tại Sở Văn hóa Lâm Đồng anh viết nhiều bút ký, truyện ngắn gây ấn tượng cho bạn đọc trong và ngoài tỉnh. “Người vợ của chồng tôi” là một truyện ngắn hay, được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần. Kể về người vợ miền Nam bao năm chờ chồng đã được sum họp sau ngày giải phóng, nhưng người vợ ở miền Bắc lại tìm vào thăm. Hoàn cảnh éo le, mỗi người một tâm trạng, Huỳnh Chính mổ xẻ tâm lý rất sâu, thu xếp rất khéo bằng cái nhìn nhân văn, độ lượng. Nhiều bút ký, truyện ngắn của anh in thành tuyển trong “Theo con suối đi về phía mặt trời mọc” chứng tỏ tài đặc tả, khắc họa chân dung nhân vật của anh. Một tác giả luyện chữ công phu, song cấu trúc truyện không có gì mới mẻ.

Phạm Kim Anh là cây bút Công an, mảng an ninh với nhiều tình tiết nóng của vùng Tây Nguyên nhạy cảm cung cấp cho anh cả kho chất liệu sáng tác. Ngoài kịch bản sân khấu “Mối tình qua tết Li-boong” đoạt Huy chương Vàng hội diễn toàn quốc, anh viết nhiều truyện ngắn về hoạt động tình báo, truy quét tàn quân phản động Phun-rô, những gương hi sinh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân Khu VI trong và ngay sau chiến tranh… Các tiểu thuyết “Đêm mờ sương”, “Lãng đãng mây ngàn” làm xôn xao dư luận một thời, có cả tai tiếng nữa vì “tự mở cửa” quá sớm. Nhưng qua đó ta thấy ở anh một bút lực xông xáo, dồi dào. Phạm Kim Anh chú ý đến tình tiết nhiều hơn là văn phong, anh viết rất khỏe, rất nhanh và cũng rất nhiều.

Để đủ bài cho Bản tin Công an mà Phạm Kim Anh là chủ bút, anh kéo cả vợ là dược sĩ Hà Thanh Thủy, cây thơ của ngành Y tế vào văn xuôi, trở thành tác giả của nhiều bút ký, truyện ngắn có dư luận trên văn đàn. Truyện ngắn “Chuyện không thể nói với con” mà trước đó mang tên “Ngôi nhà có giàn hoa giấy” kể về người lính sau chiến tranh tìm gặp lại người yêu cũ ở Đà Lạt, chứng tỏ tài phân tích tâm lý nhân vật của chị. Từ ngày ra tuyển tập văn thơ (2010), bẵng đi không thấy chị gửi bản thảo về Lang Bian nữa(?).

Còn Lê Công, một kỹ sư hạt nhân đam mê thơ, từng làm thơ lại gắn bó với văn xuôi. Anh viết phóng sự điều tra, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Qua tác phẩm của anh, người đọc hiểu thêm về tâm tư tình cảm của giới khoa học, những nỗ lực chuyên môn và bao nỗi vui buồn uẩn khúc. Bút ký “Sa bồi”, “Góc rừng ba biên giới”, truyện ngắn “Cậu Trạc”, “Đàn bà”, “Tôm núi”, “Người đi tìm bóng” có tiếng vang trong giới cầm bút. Cậu Trạc là chiến sĩ trẻ ở chiến trường, không kiềm chế được mình, giữa phiên gác đêm mò đến lán cô văn công. Tưởng sẽ bị kết tội nặng, may quá, phút quyết định, trước đồng đội của anh, cô văn công nhận hộ là mình mê ngủ hét lên mà thôi và cậu Trạc vô can. Cái kết thật bất ngờ, hợp lý. Tập truyện ngắn “Cõi linh” được giải thưởng của Liên hiệp Hội VH-NT toàn quốc năm 2011. Các tiểu thuyết “Mùa phượng tím”, “Thung lũng trắng” được giới trẻ chuyền tay. Lê Công có tài viết bút ký khiến một số truyện ngắn bị ảnh hưởng, đôi khi sa đà vào nghề nghiệp chuyên môn.

Chu Bá Nam “điếc không sợ súng”, cầm bút viết tiểu thuyết đầu tay được giải. Về sau đọc lại ngượng, hóa ra chỉ thuộc loại “người tốt việc tốt”, liền gác bút 20 năm, về hưu viết một loạt bút ký, truyện ngắn, đăng trong hai tập “Chốn sương mù” và “Khúc nhạc chiều”, đọc tạm được, chưa có cái nào gọi là xuất sắc.

Dương Trần, thầy giáo phổ thông về hưu, hợp đồng làm bảo vệ Trường Đại học Đà Lạt, được nhà thơ Phạm Quốc Ca phát hiện, động viên khuyến khích viết khoảng 20 truyện ngắn, liên tiếp đăng trên Lang Bian và báo chí Trung ương. Anh có lối dẫn chuyện rất duyên nên tình tiết không có gì mà vẫn hấp dẫn, văn phong học đường, trong sáng, giản dị và bao giờ kết thúc cũng có hậu. “Thánh địa” là truyện ngắn đáng kể của anh, được đưa vào “Tuyển tập truyện ngắn văn xuôi” của Hội. Rất tiếc, đến lúc mất vẫn chưa đứng riêng một tập nào.

Mười lăm năm lại đây, đội ngũ văn xuôi khá đông đảo.

Chuyên viết truyện thiếu nhi, duy nhất có một tác giả Vũ Ngọc Thu. “Con voi nhà K’Búc” là truyện ngắn được giải B cuộc thi toàn quốc viết về thiếu nhi. Ngoài ra còn rất nhiều câu chuyện truyền thanh phát trên Đài Lâm Đồng. Vì anh đảm nhận chương trình này.

Nguyễn Tùng Châu, Bạch Nhật Phương đều là những cán bộ khoa học nhiều thành tựu, đến với văn chương bằng sự thông minh, từng trải. Nguyễn Tùng Châu là cán bộ cách mạng lão thành nên viết nhiều hồi ký, bút ký cách mạng giới trẻ không theo kịp. Lại là cán bộ lãnh đạo, Giám đốc Sở Công nghiệp trước khi về hưu, nên rất rõ cung cách làm ăn, thói hư tật xấu của các sếp. Ông viết truyện ngắn dễ dàng như thục tay vào túi lấy ra một vật. Viết đến đâu xong đến đấy, rất ít khi phải sửa. Bảy mươi tuổi cầm bút, tám mươi tuổi đã có 2 tập truyện ngắn, hai tiểu thuyết dày dặn. Đáng nhớ nhất là “Một thời” và “Sóng biển vẫn vỗ bờ”. Nguyễn Tùng Châu thêu dệt tình tiết giỏi, “bịa” như thực, khiến nhiều sếp không bằng lòng. Văn trong sáng, giản dị, không để ý tu từ, trang kim câu chữ. Phải chăng cũng vừa hay vừa dở.

Bạch Nhật Phương là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Đà Lạt, đã ra 2 tập thơ “Chiều không bình yên” và “Nếu chẳng là mãi mãi” lại quay sang viết truyện ngắn. Bản thảo đầu tay là “Ánh mắt” bị một số “gạo cội” chê, sửa lại chút đỉnh đưa in nhiều người khen hay. Một cô gái ê mặt vì bị chàng trai lỡ hẹn đã đổ lên đầu anh cơn giận dữ khi gặp lại. Ai ngờ anh ta chỉ là người em song sinh của người hẹn vừa bị tai nạn giao thông, đang cấp cứu ở bệnh viện. Truyện đầy kịch tính, sau chuyển sang trữ tình khi được tin người yêu nhập ngũ hi sinh, chỉ còn lại ánh mắt khoan dung. Truyện ngắn tiếp theo là “Những chân dung đàn ông”. Bạch Nhật Phương với cái nhìn nữ tính, hiểu đàn ông hơn đàn ông. Truyện được vào chung khảo cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Sông Hương. Đúng là văn của nhà khoa học, tiết tấu nhanh, hoạt, chính xác, rạch ròi nhưng thiếu cái mờ ảo hoặc phi lý đáng yêu.

Một lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ
Một lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ


Các nhà báo Lâm Đồng viết văn xuôi ngày càng nhiều: Uông Thái Biểu, Phạm Thái, Hoàng Tiến Dũng, Khắc Dũng… Một thực tế là có người viết nhiều truyện ngắn đọc được, nhưng trong tuyển văn xuôi lại vắng mặt, cái xuất sắc rơi vào cây bút ít xuất hiện. Đó là trường hợp Uông Thái Biểu với truyện ngắn “Giấc mơ” và Phạm Thái với “Ký ức chiến tranh”, Hoàng Tiến Dũng với “Mẹ”. Bút ký “Nữ chúa rừng xanh” của Khắc Dũng đoạt giải B (không có giải A) của Báo Lao Động. Phải chăng họ có tư duy mới về nghệ thuật, biết cách điệu đời sống khi đưa vào tác phẩm, nắm bí quyết của truyện ngắn, ẩn mình trong nhân vật mà trôi theo dòng cảm xúc, bất chấp không gian, thời gian, không nhất thiết đặt nhân vật vào hoàn cảnh điển hình như các bậc đàn anh thường làm.

Về tiểu thuyết, Trần Thăng (nguyên Chủ tịch Hội) là người viết nhiều, trung bình cứ 2 năm một tập, từ “Người có bộ râu quai nón” đến “Người trưởng tộc”, rồi “Phản đòn”, “Đạo và đời”, “Quỷ ám”… “Phản đòn” phản ánh cuộc đấu tranh trong ngành kiểm lâm bảo vệ rừng, được in toàn văn nhiều kỳ trên báo Vũng Tàu và đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông không có thói quen ghi chép nhưng trí nhớ tốt, ăm ắp sự kiện. Ông chống tiêu cực mạnh mẽ quá đến mức nhiều người cho là không nhân văn, thiếu thiện cảm. Đánh người chứ không cứu người, nó thiếu cái tình của kẻ đánh, đẻ ra nhân vật để rồi giết chết nhân vật.

Đáng chú ý là tiểu thuyết “Đất đình Gừng” của Nguyễn Khương Trung, viết về làng Khương Trung - Hà Nội trong những năm thuộc Pháp. Tác phẩm được giải C của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngòi bút tràn tình khi nhắc đến làng Khương Trung quê mẹ. Kể về phong tục tập quán, thói hư tật xấu, năm đói “bốn nhăm” và đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật hiển hiện rõ hơn cả dân làng sống trong thời kỳ đó kể lại. Cái tình của người viết khiến chữ nghĩa thêm đắt, câu văn càng nặng. Nhà văn Vũ Hạnh nhận xét anh là một giọng văn quý. Đỗ Chu trực tiếp giới thiệu, thưởng tiền, tặng áo, còn Ma Văn Kháng thì đánh giá rất cao. Nếu công chúng chịu đọc sách dày và có cách quảng cáo thì chắc hẳn có những hồi âm tốt hơn. Nguyễn Khương Trung đang cố viết tiếp một tiểu thuyết nữa, nhưng xem ra khó vượt nổi cái đầu tay.

Viết nhiều tiểu thuyết và cũng được nhiều giải hơn cả là Nguyễn Thanh Hương, nguyên cán bộ văn hóa huyện Đạ Tẻh, nơi khỉ ho cò gáy của tỉnh Lâm Đồng. Đây là ngôi sao tỏa sáng muộn của Hội VH-NT Lâm Đồng. Mấy năm trước khi về hưu làm đến gần chục tiểu thuyết “Lớp 12A”, “Cao nguyên yên ả”, “Rừng khát”, “Ngày thứ 81 oan nghiệt”… Anh chinh phục người đọc bằng kịch tính nhiều hơn là trữ tình, chủ đề thường rất nóng, gần gũi đời thường: vấn đề an ninh, bảo vệ rừng, giáo dục thế hệ trẻ, làm ăn kinh tế… Đặng Thị Thanh Liễu vẫn chung thủy với thơ, nhưng gần đây liên tiếp in truyện ngắn trên Văn nghệ TP.HCM. Văn xuôi của chị được biết ở ngoài nhiều hơn là trong tỉnh.

Mới đây xuất hiện một loạt cây bút văn xuôi như Võ Anh Cương, Trần Đại, Cát Miên, Lê Mai Dung, Khuất Thanh Chiểu, Thanh Dương Hồng… Với cách viết lạ về bố cục và khai thác sâu tâm lý nhân vật là lớp trẻ đương đại, thông minh, đầy tự tin và giàu bản lĩnh sống.

Văn xuôi Lâm Đồng không thể không nhắc đến hồi ký “Những tháng năm trăn trở” của nguyên Bí thứ Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Du, hơn 500 trang đầy ắp tư liệu về những năm chiến tranh và hòa bình trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này. Thế hệ sau, những cây bút trẻ có thể tìm thấy ở đây bối cảnh của những thiên tiểu thuyết lớn, cũng rất quý với các nhà biên kịch phim lịch sử.

Đội ngũ sáng tác văn xuôi ngày càng đông đảo, chắc chắn sẽ ra đời những tác phẩm có giá trị. Hai mươi lăm năm qua đã có những tác phẩm đáng quan tâm và được giải, song chưa tác phẩm nào gây được dư luận như một hiện tượng văn học cả nước. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ.

Về phía người cầm bút, hầu hết là nghiệp dư, viết nhiều, đọc ít. Muốn nâng cao chất lượng tác phẩm có lẽ nên ngược lại, viết ít, đọc nhiều. Về phía lãnh đạo Hội, không nên vì “an toàn” mà khắt khe trong cách đánh giá để người cầm bút tung tẩy hơn. Văn xuôi Lâm Đồng đã phản ánh đời sống chiến đấu, lao động của nhân dân tỉnh nhà, làm phong phú đời sống tinh thần của địa phương. Xin chúc mừng các tác giả, hi vọng sẽ có những đóng góp lớn hơn trong thời gian tới.

CHU BÁ NAM