Borobodur - Di sản Phật giáo kỳ vĩ nhất

02:04, 18/04/2012

Đọc bài của một đồng nghiệp viết sau chuyến thăm Borobodur trở về, thuật lại lời người dẫn đường nói các bạn là những người Việt Nam đầu tiên đến đây, tự nhiên tôi nổi máu trẻ con. Không, không phải vậy đâu, trước các bạn đã có những người Việt hành hương đến, trong đó có tôi. Có điều là chuyến đi của tôi lâu rồi. Hãy nhìn hình kẻ này trong ảnh, có phải tóc tôi hồi ấy còn xanh?

Đọc bài của một đồng nghiệp viết sau chuyến thăm Borobodur trở về, thuật lại lời người dẫn đường nói các bạn là những người Việt Nam đầu tiên đến đây, tự nhiên tôi nổi máu trẻ con. Không, không phải vậy đâu, trước các bạn đã có những người Việt hành hương đến, trong đó có tôi. Có điều là chuyến đi của tôi lâu rồi. Hãy nhìn hình kẻ này trong ảnh, có phải tóc tôi hồi ấy còn xanh?

Tác giả (bìa trái) và hướng dẫn viên
Tác giả (bìa trái) và hướng dẫn viên


Vâng, đã khá lâu rồi. Tuy nhiên, ai từng có dịp tới đây một lần, ấn tượng mà quần thể kiến trúc Borobodur để lại trong tâm trí thật khó phai mờ, nhất là đối với người đến từ một nước ở đó sự tôn thờ Phật tổ gần như tâm thức bẩm sinh, cho dù người ấy chưa bao giờ nhận mình là tín đồ Phật giáo và thực tế cũng chẳng hiểu biết bao nhiêu về đạo Phật.

Borobodur, theo nhận định của UNESCO, là công trình Phật giáo lớn nhất thế giới. Nó lại tọa lạc tại Inđônêxia, quốc gia đông tín đồ Hồi giáo nhất hành tinh, nơi đạo Hồi được coi như quốc giáo. Khách thăm Borobodur sẽ nhìn thấy tận mắt hiện tượng vốn được các nhà nghiên cứu gọi bằng một thuật ngữ rất chi trừu tượng là “tiếp biến văn hóa” nó hiển hiện cụ thể ra sao trong lịch sử loài người, và thực tiễn “đa văn hóa” ở một xứ sở quay mắt nhìn về đâu cũng thấy chóp vòm cao các thánh đường Hồi giáo. Công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ nhất từ nhiều năm nay được Inđônêxia trân trọng bảo tồn với sự trợ giúp quốc tế, song song với quần thể đền đài Ấn độ giáo không kém kỳ vĩ cách đấy không xa là Đền Prambanan, xây dựng muộn hơn Borobodur khoảng một trăm năm và cách chúng ta ngày nay chỉ có…mươi thế kỷ!

Borobodur là một quần thể chùa (tôi tạm gọi chùa, tiếng Inđônêxia là canđi - Candi Borobodur) gồm nhiều công trình hình quả chuông úp (stupa), nhìn từ trên không xuống, tổng thể là một đạo tràng (manđala), đây vốn là nơi thờ Phật và địa chỉ cho người mộ đạo Phật các nơi hành hương về, đông nhất vào dịp Lễ Phật đản. Đạo tràng hình vuông, có thể hình dung như ba cái đế khổng lồ chồng lên nhau, đế dưới cùng mỗi cạnh đo được khoảng 113 mét. Ba tầng, chắc hẳn nhằm thể hiện khái niệm về “tam giới” trong triết lý nhà Phật. Các tầng có hành lang bao quanh, mặt tường xây bằng đá thiên nhiên chạm nhiều phù điêu tinh tế thuật lại các cảnh trong cuộc đời đức Phật tổ và con đường Phật ngộ đạo. Tổng cộng chiều dài các tường đá có chạm phù điêu là 5 km. Ba tầng vuông của đạo tràng có các cầu thang thông nhau. Bên dưới ba tầng này, về sau người ta còn phát hiện thêm một tầng nữa nằm sâu trong lòng đất, có lẽ được lấp kín sau khi công trình hoàn tất. Tầng ngầm có hành lang tương tự các tầng nổi, mặt tường cũng có những chạm khắc phù điêu, nhưng mô tả các khổ đau và tội lỗi của con người trong cuộc đời trần tục.

Tại sao tầng này bị lấp đất? Chắc là nhằm gia cố nền móng của cả ngôi đền, và cũng có giả thuyết cho rằng người đời sau cố tình lấp đi để đỡ phô bày cuộc đời quá ư trần trụi trước mắt thế gian.


Sau khi viếng ba tầng đạo tràng, khách hành hương lên sân thượng. Sân có ba đàn hình tròn đồng tâm chồng lên nhau. (Tôi đang băn khoăn không biết nên gọi ba tầng sân thượng hình tròn này bằng tiếng Việt là gì thì chợt nghĩ đến Đàn Nam Giao ở Huế, nên tạm gọi là đàn). Viền quanh ba đàn có các stupa nhỏ thờ tượng Phật bố trí cân đối, tổng cộng có 72 stupa tất cả  (đàn một 32, đàn hai 24, đàn ba 16). Các stupa và tượng Phật bên trong đều bằng đá. Tường bao các stupa trổ nhiều cửa sổ hình vuông đặt ngang hoặc dựng dọc đều đặn theo hàng, qua các cửa sổ này khách hành hương đi vòng quanh tháp có thể nhìn rõ các tượng Phật bên trong, mỗi tượng Phật thiền với tư thế hơi khác nhau một chút. 72 tượng Phật từ bi nhìn về mọi hướng. Có một số tháp, tường hoặc chóp stupa bị sập do thời gian và địa chấn từ thời xưa chưa kịp khôi phục, để lộ phần trên pho tượng Phật trầm ngâm. Đàn trên cùng, đúng giữa trung tâm, sừng sững một stupa lớn và cao tạo nên cái nóc uy nghi của cả đạo tràng. Quần thể công trình được xây trên ngọn đồi cao, nhờ vậy khách hành hương đến cách chùa còn khá xa đã  nhìn thấy trọn vẹn hình dáng tổng thể.

Âm thầm sống với thời gian

Cũng như Angkor Vat ở Campuchia, quần thể chùa Borobodur đã biến khỏi tầm nhìn của mọi người và hầu như rơi vào quên lãng không rõ tự bao giờ, chỉ tồn tại qua một ít truyền thuyết dân gian trong vùng. Và cũng như Angkor nhưng sớm hơn nhiều, nó được người châu Âu phát hiện gần như do sự tình cờ. Năm 1814, phó thống đốc đảo Java hồi bấy giờ là Thomas Stanford Raffles2 đi kinh lý miền Trung Java, nghe người dân đồn đại trong khu rừng Bumisegoro gần đấy xưa từng có một quần thể chùa chiền lớn. Vốn là người ham săn lùng cổ vật phương Đông nhưng lúc này chưa có điều kiện tự mình đến nơi, phó thống đốc giao cho một kỹ sư người Hà Lan tên là H.C. Cornelius trách nhiệm tìm tòi, phát hiện. Viên kỹ sư này chỉ huy một đội 200 dân công phá rừng, đốt cây, đào bớt đất, cuối cùng đưa Borobodur ra ánh sáng.

Quần thể công trình kiến trúc Phật giáo với những tượng Phật điển hình này do ai xây dựng? Vào thời nào? Cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn, cho dù trong sử sách của các triều đại từng trị vì ở đây thời trước cũng có ghi chép sơ sài, và các chuyên gia Inđônêxia và quốc tế tầm cỡ đã đầu tư vào nhiều công sức. Ngay cái tên gọi Borobodur có nghĩa là gì, tên này mới có sau khi công trình được phát hiện và mô tả trong cuốn sách của T.S.Raffles Lịch sử đảo Java. Có ý kiến cho rằng tác giả đã lấy tên ngôi làng kế cận quần thể kiến trúc là Boro, rồi ghép thêm bodur tiếng Inđônêxia có nghĩa là cổ. Tuy nhiên, các nhà ngôn ngữ học lại cho rằng, theo cách cấu tạo từ của tiếng địa phương, nếu hiểu như trên thì phải gọi là Budurbodo mới đúng. Từ tố budur ở đây, theo các vị này, có thể là biến cách của từ budhara trong phương ngữ vùng Java, có nghĩa là núi. Tôi không hiểu tại sao các nhà thông thái không nghĩ đến từ Buddha (Bụt)?

Để đệ trình Tổ chức UNESCO xin công nhận là Di sản văn hóa thế giới, các cơ quan hữu quan Inđônêxia có sự cộng tác của chuyên gia quốc tế đã dựng một bộ hồ sơ chi tiết. Theo đó, chúng ta biết đại thể Chùa Borobodur có thể được xây dựng vào khoảng thời gian trước và sau thời điểm năm 800 (tính theo Công nguyên). Lý do: Từ năm 760 đến năm 830 là thời cực thịnh của triều đại Sailendra sùng mộ đạo Phật. Tuy nhiên, theo những chữ khắc trên một bia đá ngành khảo cổ mới phát hiện, thì dòng vua này lại theo Ấn Độ giáo. Không nên coi là có sự mâu thuẫn ở đây, vì trong lịch sử đảo Java thời kỳ này vốn có tranh chấp quyết liệt giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo. Xấp xỉ khoảng thời gian này (muộn hơn chừng một thế kỷ) quần thể Đền Prambanan thờ thần Shiva của Ấn Độ giáo được dựng lên cách Borobodur không xa. Sau đấy xảy ra nhiều cuộc đối đầu giữa các triều đại vua chúa trong vùng, triều tôn vinh đạo Phật, triều thờ Ấn Độ giáo, cuối cùng các phe phái theo Ấn Độ giáo giành được ưu thế, trước khi đạo Hồi tràn vào, biến Inđônêxia thành một quốc gia Hồi giáo, nhấn chìm mọi thứ vào dĩ vãng và lãng quên.

Chùa Borobodur vốn là nơi tín đồ Phật giáo năng viếng thăm, thờ cúng, đến cuối thế kỷ 10 đầu thế kỷ 11 bị bỏ phế hẳn, một phần có thể do triều đại thời ấy chuyển kinh đô từ miền Trung sang miền Đông đảo Java. Cũng có ý kiến cho là Borobodur bị lãng quên muộn hơn, vào khoảng thế kỷ 15, khi hầu như toàn bộ dân Inđônêxia đã trở thành tín đồ Hồi giáo. Nham thạch của núi lửa Merapi cách chùa 20 km thỉnh thoảng phun trào nham thạch, chôn vùi dần toàn bộ quần thể kiến trúc. Khí hậu nhiệt đới với những đợt mưa gió mùa đều đặn, không khí nóng và ẩm, quanh năm có ánh mặt trời, đã phủ lên trên tấm thảm thực vật dày không khác rừng nguyên thủy.

Hai mươi năm sau phát hiện của kỹ sư Cornelius, năm 1835, một viên quan cai trị người Hà Lan tên là Hartman tiếp tục cho xăm xoi đào bới các công trình. Y làm việc này trong nhiều năm, nhằm ăn cướp cổ vật là chính, vì vậy y tuyệt nhiên không có một báo cáo nào về các cuộc khai quật gửi lên Chính phủ Hà Lan. Năm 1842, đào bới vùng trung tâm đạo tràng, y không để cho ai biết trong tháp stupa trung tâm có tượng Phật hay không. Mãi đến khi Chính phủ Hà Lan hay chuyện, vào cuộc, phái người từ chính quốc sang, thì lúc này cái tháp lớn trống rỗng, cho dù dân địa phương quả quyết từng có tượng Phật bên trong.

Di sản văn hóa của loài người

Năm 1973, quy hoạch khôi phục và trùng tu chùa Borobodur được UNESCO  thông qua. Từ bấy, với sự trợ giúp quốc tế to lớn về tài chính và kỹ thuật, quần thể Borobodur được khôi phục có hệ thống và đúng phương pháp. Rút kinh nghiệm thế kỷ trước, các kỹ sư Hà Lan đã sai lầm khi gia cố các công trình bằng xi măng có hàm lượng hóa chất mạnh khiến nhiều công trình bị tổn hại và xuống cấp, lần này làm ăn bài bản hơn. Nền móng được gia cố đề phòng động đất thường xảy ra trong vùng4. Hệ thống thoát nước hoàn chỉnh giúp chống ngập úng. Trong bảy năm, từ 1975 đến 1982, gần 1.500 bức phù điêu được làm sạch. Mối quan tâm lớn là làm sao toàn bộ công trình được trùng tu mà không làm mất đi vẻ cổ kính, không “may áo mới cho chùa cổ” như ở nước ta. Phải làm kiên trì và đúng bài bản. Khi chúng tôi đến viếng Chùa Borobodur cách đây nhiều năm, phải đi băng qua công trường ngổn ngang vật liệu, thường xuyên có đến 600 nhân công chuyên tu sửa công trình. Năm ngoái, đoàn cán bộ nghiên cứu của ta đến Borobodur - theo một bài báo - vẫn gặp ngổn ngang công trường trùng tu, phục chế.

Quần thể chùa hình các quả chuông úp, một dấu ấn mang đặc trưng của văn hóa Ấn Độ tại quốc gia Hồi giáo, mau chóng trở thành địa chỉ thu hút đông đảo du khách. Theo thống kê, số lượng người đến viếng chùa đông nhất so với bất kỳ di tích lịch sử nào trong cả nước Inđônêxia. Từ 1991, năm Borobobur được chính thức công nhận là Di sản văn hóa nhân loại, cho đến khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á (1997), mỗi năm có 2,5 triệu người đến Borobodur, 20% là khách quốc tế. Lễ Phật đản được tổ chức rất trọng thể, quy tụ tín đồ Phật giáo cả nước.

Inđônêxia được tiếng là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế ngày nay, khó tránh những phần tử cực đoan và tổ chức khủng bố. Đã có nhiều mưu đồ phá hoại Chùa Borobodur. Năm 1985, cùng một lúc chín stupa hư hại nghiêm trọng do bị đặt bom…

Những ai từng có dịp đến đất nước khổng lồ vùng Đông Nam Á với dân số gần 240 triệu người, hẳn không khỏi trải qua những giờ bức xúc vì kẹt cứng xe tại các thành phố, chờ đợi dài ở các sân bay (đất nước gồm ngàn đảo lớn nhỏ, đi lại bằng đường không tiện hơn cả), nắng nóng thường xuyên oi ả và hễ mưa thì “không ai mở mắt ra nổi”… Tuy nhiên khi trời về chiều, làn gió nhẹ từ đại dương thổi vào, được đứng trên đàn cao của đạo tràng chiêm ngưỡng chư Phật từ bi trầm lắng, lúc này mọi người đều cảm thấy hình như đã xa rồi, xa lắm rồi những giờ phút bon chen giành giật, từ đồng tiền, danh vọng cho đến dăm bước chân trên những con đường. Nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao? Tại sao công trình cổ kính dường này lại bị những kẻ đang tâm mưu đồ phá hoại? Tại sao vào thời nào và bất kỳ ở đâu cũng có những kẻ bất lương chuyên trộm cắp, cướp phá cổ vật để làm giàu?

Chúng tôi đến thăm Borobodur lần ấy nhằm vào tháng Ramađan của đạo Hồi. Anh bạn dẫn đường do Ủy ban quốc gia UNESCO của Inđônêxia cử đi theo giúp đỡ, một tín đồ Hồi giáo dĩ nhiên, có lẽ quá mệt vì phải cuốc bộ nhiều, lại phải nhịn ăn suốt cả ngày từ khi chưa ló mặt trời cho đến tối mịt, anh ít chuyện trò và có vẻ không mặn mà với chuyến đi. Bù lại tháng đại lễ không trùng mùa cao điểm du lịch. Nhờ vậy chúng tôi không phải vướng bận lấn chen, tha hồ buông hồn mong từ bi Phật độ…

Borobodur, Nam Mô A Di Đà Phật!

PHAN QUANG