Chuyện người tuổi Thìn

02:04, 04/04/2012

Đêm ấy, cái xóm núi hiu hắt nằm dưới chân núi Nhạn của dãy Trường Sơn hùng vĩ như bị dốc ngược, đầu lộn xuống đất, trời bắt đầu sấm chớp và cơn mưa tầm tã kéo đến ào ào, khiến xóm núi nhỏ chìm trong màn đêm đen kịt. Đúng lúc ấy bà Xu chuyển dạ, bà đã đau đớn quằn quại nhiều giờ. Rồi cái tin bà đẻ khó được truyền từ người nọ sang người kia, khiến cả xóm hốt hoảng, lo lắng… Người ta lo cho tính mạng của hai mẹ con bà Xu có qua khỏi cơn vượt cạn và có “mẹ tròn con vuông” không? Cả xóm dáo dác chạy tìm người đỡ đẻ. Nhưng xóm núi heo hút ấy thì tìm đâu ra người làm cái nghề ấy. Hàng xóm chỉ còn biết thắp hương và khấn vái ơn trên phù hộ… Thế rồi, trong trong cái giờ khắc cạn kiệt niềm hy vọng, “thập tử nhất sinh” ấy thì bỗng, cơn rặn kiệt cuối đã đẩy một cậu bé “chạy ngược” chui ra khỏi lòng mẹ và khóc thét, báo hiệu một sinh linh mới chào đời. Cả nhà ông Xu và hàng xóm thở phào mừng vui không kể xiết.

Đêm ấy, cái xóm núi hiu hắt nằm dưới chân núi Nhạn của dãy Trường Sơn hùng vĩ như bị dốc ngược, đầu lộn xuống đất, trời bắt đầu sấm chớp và cơn mưa tầm tã kéo đến ào ào, khiến xóm núi nhỏ chìm trong màn đêm đen kịt. Đúng lúc ấy bà Xu chuyển dạ, bà đã đau đớn quằn quại nhiều giờ. Rồi cái tin bà đẻ khó được truyền từ người nọ sang người kia, khiến cả xóm hốt hoảng, lo lắng… Người ta lo cho tính mạng của hai mẹ con bà Xu có qua khỏi cơn vượt cạn và có “mẹ tròn con vuông” không? Cả xóm dáo dác chạy tìm người đỡ đẻ. Nhưng xóm núi heo hút ấy thì tìm đâu ra người làm cái nghề ấy. Hàng xóm chỉ còn biết thắp hương và khấn vái ơn trên phù hộ… Thế rồi, trong trong cái giờ khắc cạn kiệt niềm hy vọng, “thập tử nhất sinh” ấy thì bỗng, cơn rặn kiệt cuối đã đẩy một cậu bé “chạy ngược” chui ra khỏi lòng mẹ và khóc thét, báo hiệu một sinh linh mới chào đời. Cả nhà ông Xu và hàng xóm thở phào mừng vui không kể xiết.
 

Minh họa: NGỌC MINH
Minh họa: NGỌC MINH

Đứa bé mới sinh lớn dần, bụ bẫm, nó sẽ “hay ăn chóng lớn”, ông Xu vê vê cái cằm đang mọc râu lún phún, thầm nghĩ: Đây là “vượng khí” của gia đình. Bao nhiêu năm mong ước có được mụn con trai, giờ được thỏa nguyện. Nó sinh ra trong năm Thìn, Thìn là Rồng. Đặt tên nó là Thìn. Lớn lên Rồng sẽ bay lượn khắp dãy Trường Sơn và vùng vẫy trên chín tầng mây. Ông mơ tưởng và hy vọng ở tương lai sáng lạn của đứa con mới chào đời.

Thìn lớn dần theo thời gian. Dù nghèo khó, túng thiếu ông bà Xu cũng ráng cho con theo ông giáo làng để kiếm năm ba cái chữ. Thìn học đến bậc sơ học yếu lược thì nghỉ học theo cha làm nghề mộc. Nghề mộc là nghề gia truyền có đến ba bốn đời của gia đình. Ông Xu không làm nghề mộc gia dụng đóng bàn, ghế, giường, tủ mà chuyên tâm chạm trổ những lân - long - quy - phụng, chạm khắc những con rồng nổi ở các cột đình chùa. Bước đầu ông cho Thìn đục những phần mộc thô ráp.

Hôm ấy trời lặng gió oi bức, ngột ngạt. Hai cha con ông Xu đánh trần, người mướt mồ hôi, trên người chỉ mặc độc một cái quần lửng lá tọa màu nước dưa đánh vần với cây cột đình đang hiện dần lên nét oai phong của một con rồng đang vươn các móng vuốt ôm trọn lấy cột đình bằng gỗ mít. Thỉnh thoảng Thìn lại ngưng tay đục, cầm lấy cái rèm quần lá tọa phe phẩy mong có được chút gió mát. Quần lá tọa là loại quần lửng rộng thùng thình, mặc như mặc váy, ở lưng buộc một dây rút và phần quần ở nửa trên được buông xuống như cái rèm cửa.

Thìn theo nghề mộc là để thỏa lòng mong ước và sức ép của cha, chứ thực ra cái chí lớn của ông còn để ở đâu đó xa xăm. Dạo này, Thìn không chuyên tâm vào công việc, vì thế nên ông luôn bị cha quở trách. Thìn trở nên lầm lì ít nói. Chẳng ai biết ông đang nghĩ gì.

Thế rồi…! Sáng hôm ấy gia đình ông Xu dáo dác hỏi thăm, tìm kiếm Thìn khắp cái làng nhỏ ấy mà vẫn không biết được Thìn đi đâu, ở đâu. Tìm kiếm khắp làng trên xóm dưới nhưng vẫn không tìm được tung tích về đứa con trai của mình, ông Xu buồn bã: Thôi đành vậy, chứ còn biết làm gì. Thời ấy thông tin, liên lạc khó khăn lắm.

Cái việc Thìn biến mất khỏi nhà, khỏi cái làng nhỏ ấy như một sự kiện đầy vẻ bí ẩn, cả làng xôn xao bàn tán. Rồi, lâu dần sự việc ấy cũng lắng xuống, quên lãng trong tâm trí người dân còn phải lo đánh vật với cuộc sống trước mắt quá chật vật, khó khăn.

Ông bà Xu thì luôn than thân trách phận, oán trách cả trời đất sao lại “ban” cho gia đình ông cái tai ương ấy. Ông không còn hy vọng gặp lại đứa con thì như tiếng bom nổ đùng khiến ông bà Xu choáng váng như lúc tỉnh dậy sau một giấc mơ hãi hùng.

… Sáng tinh mơ hôm ấy, ngày rằm tháng mười Thìn bỗng lù lù đứng trước cửa nhà với hàng chục bao tải xơ bông vải với mấy chiếc xa quay mà ông thuê người mang về trong đêm khuya.

Ông bà Xu ngơ ngác tưởng như đang nằm mơ. Ông cứ đứng trơ trơ nhìn thằng con như nó mới từ trên trời rơi xuống. Ông đến kéo Thìn ngồi xuống ghế. Ông bà lại nắm tay sờ vai như muốn xem thực hư, nó có phải là thằng Thìn hay không?

Thìn vừa uống nước vừa kể:

- Con chỉ định đi mấy ngày cho khuây khỏa tinh thần rồi lại quay về, nhưng rồi lại ham vui vì gặp người quen. Thế là con theo vào Tháp Chàm - Ninh Thuận làm công cho nhà dệt vải và con quyết tâm học cho được cái nghề thủ công ấy. Bây giờ cha giúp con đóng một cái khung cửi, bản vẽ con có sẵn…

Từ đó, cái làng nhỏ ở hẻm núi có thêm tiếng thoi đưa khiến cái làng sống hắt hiu ấy như có sinh khí mới, vui hẳn lên. Nghề dệt phát triển nhanh, Thìn thuê thêm người làm, đóng thêm khung cửi. Các cô gái làng dòm ngó, ngưỡng vọng và mong được anh Thìn để mắt đến. Gia đình ông bà Xu vui như mở cờ trong bụng vì có đứa con biết suy nghĩ tính toán làm ăn.

Nhưng, hôm ấy Thìn mang vải đi bán và không quay về. Tính cách của rồng không muốn cuộn mình lại nằm yên một chỗ. Ông bà Xu lại một phen lo lắng, đứng ngồi không yên, trong lòng cứ nóng ran như có lửa đốt. Một ngày, hai ngày rồi cả tháng Thìn vẫn bặt vô âm tín. Ông bà Xu lại than thở, lại chấp nhận số phận. Dân làng lại lần nữa thì thầm bàn tán: Hay Thìn phải lòng một cô gái nào đó mới nhẫn tâm bỏ gia đình và cơ ngơi đang làm ăn phát đạt để chạy theo tiếng gọi của con tim…?

Nhìn khung cửi, xa quay nằm yên lặng, phủ bụi khiến ông bà Xu lại xót xa, buồn bã. Ừ! Mà ai chẳng buồn khi trong hoàn cảnh ấy.

Nhưng, cũng như lần trước, chỉ hai tháng sau Thìn lại quay về với dáng dấp một sư thầy. Thìn quay về trong bộ quần áo lam với mõ dâu, chuông đồng trong tay nải quàng trên vai. Gặp lại cha mẹ, Thìn chắp tay trước ngực: Nam - mô - a - di - đà Phật. Ông bà Xu lại đành chấp nhận sự lựa chọn cuộc sống của con.

Từ đấy, đêm đêm từ nhà ông Xu vang lên tiếng cốc… cốc… của mõ dâu, tiếng chuông đồng cứ lan tỏa trong ngôi làng nhỏ như dân làng đang ở gần cửa Phật. Thìn trở về làng sống với đức tin ăn chay niệm Phật, tu là cõi phúc.

Các nàng thiếu nữ xưa kia mơ ước về một chàng trai đẹp mã, chịu thương chịu khó làm ăn nơi anh Thìn đang dần phôi pha mộng ước. Tưởng chừng cuộc sống của gia đình ông bà Xu và của Thìn đã được an bài. Nào ngờ…!

Đêm ấy, sau giờ tụng kinh niệm Phật, Thìn tiếp hai người khách lạ có thể Thìn đã quen họ từ cuộc “phiêu lưu” lần trước. Hai người đàn ông tuổi trung niên ấy ăn mặc lam lũ, thân hình gầy gộc, nhưng có đôi mắt sáng tinh anh, vẻ mặt cương nghị. Không hiểu hai bên đã trao đổi gì với nhau, sau đó Thìn tiễn đưa hai người đàn ông ấy qua đường hẻm núi và họ nhanh chóng biến mất trong đêm. Hai người khách lạ đến rồi đi như “xuất quỷ nhập thần” và không lâu sau đó Thìn cũng rời khỏi làng. Lúc ấy đã là cuối năm 1944 đầu năm 1945 của thế kỷ trước.

Dân làng đồn đãi, nghe đâu lần này Thìn vào tận Đồng Nai, Sai-Sòong gì gì ấy.

- Chu cha! Sài Gòn xa xôi lắm, biết mô tê gì mà tìm. Thời ấy với dân quê vùng hẻm núi thì quả Sài Gòn xa vời như đâu ở bên Tây bên Tàu. Người ta lắc đầu…

… Thìn lại trở về làng sau cuộc đảo chính Pháp của quân Nhật tháng 3/1945. Lần này, Thìn lại biến thành một con người khác: Mặc quần sóc, áo sơ mi trắng cộc tay, đi giày xan-đan, đội mũ cói rộng vành ra dáng một thanh niên giàu có, ăn chơi lịch lãm. Thìn bỏ công đi thăm viếng khắp làng trên xã dưới và nhất là anh tìm gặp và tụ tập đám thanh thiếu niên để vui chơi đàn hát trong lúc rảnh rỗi công việc đồng áng. Lúc này Việt Minh bắt đầu hoạt động từ bán công khai sang công khai. Họ bàn tán có một tổ chức đang tập họp dân chúng đứng lên đánh đuổi giặc Pháp - Nhật để giành độc lập cho đất nước.

 Thìn hăng hái tham gia vào tổ chức Việt Minh, tập họp thanh niên để tuyên truyền trong những cuộc họp đàn hát ấy. Thìn dạy cho đám thanh niên hát các bài:

… “Nào thanh niên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi/ Nào cùng đi, đi mở đường khai lối…” (Lên đàng. Nhạc và lời Lưu Hữu Phước) rồi chuyển qua bài hát khác:

… “Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió/ Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó/ Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/ Còn vang đây đó tiếng quân oai hùng…”

Hát xong lại tập quyền, tập võ, tập bắn súng, bắn cung… Phong trào cứ thế phát triển ngày càng đông, càng mạnh… Rồi Cách mạng tháng Tám (8/1945) năm bốn lăm bùng nổ, rợp trời cờ đỏ sao vàng. Một biển người kéo đi mít tinh, biểu tình cướp chính quyền… Thìn là người hăng hái đi đầu và trở thành một trong những người lãnh đạo ở cái làng hẻm núi ấy. Ông tham gia vào Ủy ban hành chính lâm thời điều hành công việc của làng, xã.

Năm 1946 có phong trào Nam tiến. Thìn lại hăng hái tham gia đoàn quân Nam tiến.

Thìn, tuổi Rồng không chịu cuộn mình nằm yên. Anh đang tung hoành nơi chiến trường cùng đồng đội đánh đuổi quân xâm lược. Nghe đâu, sau đó Thìn lại lên chiến khu sống cùng đoàn quân kháng chiến.

Con Rồng của xóm nhỏ dưới chân dãy Trường Sơn đã bay đi xa - xa mãi.

Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU