Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ 6 (2012) sẽ chính thức khai mạc vào sáng 21/4 tại huyện Đơn Dương. Dự kiến, lễ hội lần này có đến trên 300 nghệ nhân (12 đội chiêng) của các dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) tham gia.
Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ 6 (2012) sẽ chính thức khai mạc vào sáng 21/4 tại huyện Đơn Dương. Dự kiến, lễ hội lần này có đến trên 300 nghệ nhân (12 đội chiêng) của các dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) tham gia. Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ 6 hứa hẹn “sẽ có nhiều cái mới” là tiết lộ của ông Nguyễn Vũ Hoàng - GĐ Trung tâm Văn hóa tỉnh, Phó ban Tổ chức Lễ hội - trước giờ khai mạc.
Cồng chiêng là sinh hoạt văn hóa phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên |
PV: Ông có thể nói về những nội dung đáng quan tâm trong Lễ hội Văn hóa cồng chiêng lần này không?
Ông Nguyễn Vũ Hoàng: Về quy mô, vẫn như mọi năm, có thể chỉ “nhỉnh” hơn mọi năm: Số lượng nghệ nhân và số lượng các đội cồng chiêng tham gia khá lớn. Điều đáng quan tâm, 12 đội nghệ nhân lần này là đại diện khá đầy đủ của các tộc người thiểu số bản địa Lâm Đồng thuộc hai nhóm ngữ hệ Môn Khơme và Mã Lai Đa Đảo. Cũng như những lần liên hoan trước, chúng tôi lấy 3 dòng văn hóa cồng chiêng đại diện chính cho các dân tộc thiểu số Lâm Đồng là cồng chiêng người Mạ, cồng chiêng người Cơho (ngữ hệ Môn Khơme) và cồng chiêng Churu (Mã Lai Đa Đảo) để làm chủ đạo cho mọi hoạt động của lễ hội. Đặc biệt, năm nay, bởi lễ hội được tổ chức tại huyện Đơn Dương, huyện có các tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo với đại diện là người Churu sinh sống là chủ yếu, nên cồng chiêng Churu sẽ là “điểm nhấn” của cả lễ hội.
Trong Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ 6 được tổ chức tại Đơn Dương lần này, chúng tôi có đưa các trò chơi dân gian vào chương trình. Khi thiết kế các trò chơi dân gian, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến trò chơi dân gian của dân tộc Churu như bắt cá, đua bè, cấy lúa… và đặc biệt là làm nồi gốm. Trong các dân tộc thiểu số bản địa Lâm Đồng, Churu là tộc người biết làm thủy lợi khá sớm trong canh tác nông nghiệp lúa nước. Do vậy, đưa trò chơi “cấy lúa” vào các hoạt động của lễ hội là có cái lý của nó. Hoặc như, với người Churu, gốm là nghề truyền thống đặc trưng nên trò chơi dân gian “làm nồi gốm” khi được chọn để đưa vào hoạt động của lễ hội (phần hội) là hoàn toàn nằm trong chủ đích của những người tổ chức.
PV: Chúng tôi được biết, ở Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ 6, lần đầu tiên các nhà thiết kế chương trình đưa ra hình thức “thi chiêng” như là một thử nghiệm cần thiết?
Ông Nguyễn Vũ Hoàng: Đó là điểm hoàn toàn mới trong lễ hội lần này. Nếu thành công, hình thức “thi chiêng” đó sẽ được duy trì và phát triển trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, trước khi nói về “thi chiêng”, tôi cũng xin được tiết lộ một thông tin khác rất đáng quan tâm: Trong lễ hội lần này, theo đề xuất của ngành văn hóa, tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên tổ chức công nhận “nghệ nhân” cho các nghệ nhân cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện trong phạm vi quốc gia thì chỉ có danh hiệu “nghệ nhân dân gian” chung chứ chưa có danh hiệu nghệ nhân cồng chiêng. Trong thực tế ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên - 5 tỉnh được công nhận “Không gian Văn hóa cồng chiêng” - nói chung, lớp nghệ nhân cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số không còn nhiều và hầu hết đã già; đặc biệt, cống hiến của họ đối với cộng đồng, đối với xã hội, nhất là những cống hiến ấy đã góp phần đáng kể vào việc để cho UNESCO công nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể thế giới”, thì việc địa phương cấp tỉnh cần có một “động thái” nào đó, chẳng hạn như công nhận danh hiệu “nghệ nhân cồng chiêng”, cũng là việc làm hoàn toàn hợp lý và rất cần thiết. Đợt đầu tiên này, qua chọn lọc từ cơ sở, chúng tôi đã chọn được hơn 40 nghệ nhân để đề nghị tỉnh công nhận danh hiệu nghệ nhân cồng chiêng.
Điều đáng nói khác: Trong lễ hội lần này, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức thi chiêng giữa các đội. Nếu những lần lễ hội trước, ngoài phần nghi lễ liên quan đến cồng chiêng của người thiểu số thì hình thức diễn tấu kiểu “liên hoan” cồng chiêng là chủ yếu. Nay, những nhà thiết kế chương trình mạnh dạn đưa hình thức “thi chiêng” vào trong lễ hội như là một hoạt động chủ đạo hẳn sẽ làm cho lễ hội có quy mô lớn hơn, sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của bà con sẽ bài bản hơn và mang tính “bác học” hơn. Trong “thi chiêng” có hai nội dung chính là “Nhận diện văn hóa cồng chiêng” và “Diễn tấu cồng chiêng”. Để cuộc thi đạt chất lượng cao, chúng tôi đã thành lập Ban Thẩm định nghệ thuật gồm 5 nhà nghiên cứu và nghệ nhân chuyên sâu của lĩnh vực này nhằm giúp Ban Tổ chức đánh giá chuyên môn và chất lượng, và đồng thời xác định kết quả của cuộc thi. Nếu thành công (và tôi tin sẽ thành công), hình thức “thi chiêng” sẽ được duy trì và được phát triển cao hơn trong những lần lễ hội văn hóa cồng chiêng các năm tới.
PV: Xin cảm ơn ông Phó ban Chỉ đạo Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ 6!
Khắc Dũng thực hiện