Hai nhà cạnh nhau

02:04, 18/04/2012

Nếu tính theo dải đất thì đúng là nhà tôi và nhà lão ở cạnh nhau. Nhưng toàn bộ cơ ngơi của lão rộng những hai nghìn mét vuông nên nói “cạnh nhau” thực ra nhà tôi chỉ giáp với góc khu vườn cây nhà lão...

Nếu tính theo dải đất thì đúng là nhà tôi và nhà lão ở cạnh nhau. Nhưng toàn bộ cơ ngơi của lão rộng những hai nghìn mét vuông nên nói “cạnh nhau” thực ra nhà tôi chỉ giáp với góc khu vườn cây nhà lão. Còn cái vi - la nghễu nghện giữa trời kia của lão cách cái nhà cấp bốn lụp xụp của tôi theo đường chim bay cũng đến cả trăm mét. Nói vậy để thấy rằng, tuy ở cạnh nhau nhưng giữa nhà tôi và nhà lão hoàn toàn không có tính “láng giềng”.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Cũng phải thôi, tuy đã về hưu nhưng lão vốn là tổng giám đốc một tổng công ty lớn, còn tôi chỉ là anh thợ chữa xe đạp. Bây giờ thì trong các cuộc họp lão chỉ được giới thiệu là “nguyên tổng giám đốc”. Nhưng “nguyên tổng giám đốc” chắc chắn cũng oai hơn cái… chức vụ “đương nhiệm chữa xe đạp” của tôi nhiều.

Nhưng dù thế nào thì tôi vẫn vui. Hồi còn thanh niên tôi đã là anh thợ chữa xe đạp. Bây giờ ngoài sáu mươi, tôi vẫn hành nghề, nên chưa ai gọi tôi là “nguyên” cả. Vậy thì về mặt nào đó tôi cũng đáng tự hào lắm chứ. Tôi vẫn đương nhiệm, còn lão thì đã “nguyên”. “Nguyên” có nghĩa là đã về vườn, nghĩa là chẳng còn hữu ích gì cho xã hội.

Từ ngày lão xây cái vi - la và về đây ở, không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào mà đầu óc tôi bỗng xuất hiện một câu hỏi mang tầm… triết lí thời đại: “người giầu khác kẻ nghèo ở điểm nào?”.

Tất nhiên, cái điều sờ sờ trước mắt mà ai cũng nhận thấy là người giầu được hưởng thụ nhiều hơn kẻ nghèo. Thì đấy, nhà lão những hai ô tô loại sang, hai ô - sin loại xịn (thời nay người ta đã bắt đầu phân loại ô sin chứ không đánh đồng như ngày xưa, cũng như người ta phân biệt tiến sĩ xịn với tiến sĩ giấy, và vân vân). Lão đi một bước là lên xe xuống ngựa. Năm đi nghỉ mát ít nhất một lần, thứ bảy, chủ nhật nào cũng vi vu, không Tam Đảo thì cũng hồ Núi cốc, suối Phượng Hoàng. Còn tôi, tuy “đương nhiệm” đấy nhưng suốt ngày phải cắm mặt vào săm, lốp, pê - đan, xích, líp… mồ hôi vã ra như tắm. Tôi nói vậy không phải để than thân trách phận mà chỉ nhằm bổ sung cho cái triết lí “người giầu khác kẻ nghèo” ở điểm nào thôi. Chắc chắn đó là một điểm khác nhau rõ ràng nhất. Tuy nhiên, ở đời đâu chỉ có mỗi chuyện hưởng thụ vật chất như thế. Vậy thì tôi và lão còn khác nhau ở điểm nào nữa? Đọc đến đây chắc độc giả sẽ cười thầm, cho rằng cái gã chữa xe đạp quèn như tôi mà sao hay rắc rối sự đời làm vậy. Cũng xin tiết lộ với độc giả, tôi có cái tính hay lí sự ấy có lẽ là do ông bác tôi trước đây từng làm cái nghề viết bình luận văn học, tiếng tăm nổi như cồn. Nói như các nhà khoa học thì đó là sự di truyền gien dung gì đó. Nhưng chán quá, cái gien của ông bác tôi chỉ di truyền sang tôi một cách dở dương, nửa đời nửa đoạn nên tôi mới không có khả năng viết bình luận văn học mà chỉ thành anh thợ chữa xe đạp gàn dở như bây giờ. Nhưng mà thôi, không sao cả. Chẳng ai lại đi trách tiền nhân về những chuyện như vậy. À, mà tôi nghĩ ra rồi. Tôi và lão thử cân đo nhau về chuyện tiếng tăm và quan hệ cộng đồng xem sao. Tất nhiên, so với cái ngày lão đang chễm chệ ngồi ở cái ghế tổng giám đốc thì tôi không dám. Nhưng lão đã về hưu gần chục năm như bây giờ thì chưa chắc đã mèo nào cắn mỉu nào. Thì đấy! Nhà lão quanh năm đâu thấy bóng dáng một vị khách nào, ngoại trừ mỗi tháng đôi lần, ông tổ trưởng dân phố đến thu tiền thuế, tiền ủng hộ này nọ. Còn nhà tôi, chẳng khoe khoang gì đâu, nhưng từ sáng chí tối, cứ gọi là đông nghìn nghịt. Nào khách chữa xe, nào mấy ông bạn cựu chiến binh, mấy bác say cờ tướng, nào mấy bà đồng nát, mấy chú tiếp thị micrôphốt. Và đặc biệt là các bác nhà thơ phường, cứ làm được bài thơ nào lại vác sang nhà tôi đọc. Họ bảo thích sang cái quán của tôi trình diễn là vì ở đấy có độc giả. Họ giải thích, thơ mà không có độc giả thì vứt cho chó gặm còn hơn. Dĩ nhiên rồi. Thì mấy khách hàng chờ chữa xe, lại có thi ca phục vụ, muốn hay không thì thơ vẫn cứ giã vào tai, ai chả phải thưởng thức. À, mà tôi kể thêm cho độc giả nghe chuyện này nữa, để các bạn thấy cái danh của tôi nổi hay của lão nổi nhé. Nhà tôi và nhà lão ở cạnh nhau các bạn đã biết rồi. Mà nhà đã ở cạnh nhau thì thế nào cũng xảy ra cái chuyện mỗi khi cần tìm nhà này thường hay lấy nhà kia làm chuẩn, hoặc ngược lại. Tất nhiên, những nhà có danh tiếng hơn bao giờ cũng trở thành tâm điểm. Tỉ như, nếu nhà bạn ở cạnh nhà ông chủ tịch thành phố chẳng hạn thì khi chỉ đường vào nhà bạn bao giờ người ta cũng bảo “Cái nhà bên cạnh nhà ông chủ tịch thành phố đấy”. Tất nhiên là thế, bởi cái danh ông chủ tịch nổi hơn cái danh của bạn nhiều. Ấy vậy mà có lần tôi đã nghe thấy mấy người ở cuối phố nói với người hỏi đường vào nhà ông “nguyên tổng giám đốc” như thế này: “Đấy! Cái nhà to bên cạnh nhà ông Giang chữa xe đạp đấy”. Thấy chưa? Như thế có nghĩa là cái nhà của tôi có tiếng tăm và được nhiều người biết đến hơn nhà lão. Vậy thì, đứng trên mặt danh tiếng, tôi có thể dạng chân nhìn về cái vi - la ngất ngưởng nằm trên dải đất vài nghìn mét vuông kia của lão mà cười khẩy: “Này! Nhạt toẹt nhé!”.

Nhưng cũng có một điều, tôi phải thừa nhận là thua xa lão. Đấy là cái chuyện quanh năm ngày tháng vợ chồng lão không hề to tiếng. Ừ! thì người ta vẫn bảo, khi kinh tế khá giả chẳng còn điều gì phải bức xúc, nên vợ chồng thường hạnh phúc đầm ấm. Vợ chồng tôi, hẳn là vì còn nghèo nên thi thoảng vẫn hay tiếng bấc tiếng chì với nhau. Đôi khi, có tí men, cộng với cái chất yêng hùng luôn thường trực trong người, tôi cũng thượng cẳng chân hạ cẳng tay tí ti làm cho bà ấy giận tái giận tê. Gia đình tôi không ít lần mất danh hiệu gia đình văn hoá chỉ vì điều này. Chuyện là thế, nhưng thực ra tôi là người nhất mực thương yêu vợ và ngược lại, bà ấy cũng rất thương yêu tôi. Nhưng rõ ràng về văn hoá ứng xử vợ chồng tôi phải học lão nhiều. Tính tôi nhiều khi sĩ hão thật nhưng được cái cầu tiến bộ. Tôi thường bảo vợ: “Chẳng phải học ai ở đâu xa, riêng việc cư xử vợ chồng, ta cứ học ngay bác nguyên tổng giám đốc bên cạnh nhà là đủ”. Quả là sau đó, tôi đã sửa được tính thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Riêng về chuyện này, tôi luôn ngầm cảm ơn lão. Có lão ở cạnh nhà nên tôi mới sửa được tính xấu.

Vậy mà đùng một cái, cái tin vợ lão đã bỏ sang nhà cô em gái ở hơn một năm nay vì phát hiện ra chuyện mười mấy năm về trước tức là ngày còn công tác lão từng có một cô bồ. Hơn một năm nay lão phải sống thui thủi một mình mà cả cái phố này không ai biết. Nhận được thông tin này, tôi cứ đờ đẫn cả người, không biết nên suy nghĩ thế nào cho phải. Không hiểu sao, tự nhiên tôi lại thấy thương lão. Trời ơi, sao vợ lão lại cố chấp đến thế. Dốt! Đã là chuyện của  mười mấy năm về trước mà còn tự mua dây buộc mình như thế làm gì. Trên đời này, thằng đàn ông nào, từ gã phu khuân vác đến giáo sư tiến sĩ, đến thứ, bộ trưởng mà chẳng có tí ti cái chuyện mon men bên vườn cấm cơ chứ. Nhưng tôi cũng có điểm trách lão. Ai bảo lão cứ kín cổng cao tường cho lắm vào, để đến cái nỗi việc tày đình xảy ra mà hàng xóm láng giềng vẫn không hề hay biết. Nếu tỏ tường mọi chuyện, mỗi người góp một ý, biết đâu vợ lão lại nghe ra, không bỏ nhà bỏ cửa mà đi như thế. Người giầu thì khôn thật, chuyện gì cũng kín như bưng. Nhưng khôn quá hóa dại. Chứ người nghèo như tôi đây, xấu tốt cứ toẹt móng heo ra. Tốt thì phát huy, xấu thì sửa. Chuyện dẫu tày đình, có khi hơ hớ cười một trận lại huề cả làng. Hóa ra người giầu và kẻ nghèo còn có nhiều điểm khác nhau quá. Còn khối chuyện để tôi khai thác.

Sáng nay, thoáng thấy cái bản mặt u sầu của lão trên chiếc xe mec-xê-đet bóng nhoáng lướt qua cửa nhà, tôi thấy mủi lòng. Nếu như cái hình ảnh kia rơi vào mấy hôm trước thì thế nào tôi cũng vếch mặt nhìn và hắt theo một câu gay gắt: “Sĩ! Phởn!”.

Nhìn theo lão, tôi chợt giật mình nhận ra một điều, lão đã sinh sống ở đây hơn ba năm rồi mà sao cả tôi và lão chưa bước sang cửa nhà nhau lấy một lần nhỉ? Có lẽ tôi thì do tính sĩ, còn lão chắc cũng vì thể diện. Mà thể diện thì cũng chỉ là cách gọi khác của tính sĩ chứ còn gì nữa. Như thế là dở ẹc.

Trong nhiều cái khác nhau, hình như đó là cái khiếm khuyết giống nhau mà cả nhà giầu lẫn kẻ nghèo đều phải sửa.

Thôi được, cho qua cái tính sĩ, tối nay nhất định tôi sẽ sang nhà lão.

Truyện ngắn: Hồ Thủy Giang