Hầu chuyện đại thi hào

03:04, 25/04/2012

Tôi bực lắm rồi cậu Duy ạ. Cuộc thi sáng tác thơ văn của tỉnh ta năm nay, tôi cũng không có giải. Tôi đã viết thư gửi ban giám khảo, phân tích cho họ thấy rằng thơ và truyện ngắn của tôi không kém ai ở cái tỉnh này mà bị trượt. Mấy nhà văn quốc gia đọc của tôi cũng khen, vậy mà ở tỉnh này, họ làm ăn thiếu công bằng…

- Tôi bực lắm rồi cậu Duy ạ. Cuộc thi sáng tác thơ văn của tỉnh ta năm nay, tôi cũng không có giải. Tôi đã viết thư gửi ban giám khảo, phân tích cho họ thấy rằng thơ và truyện ngắn của tôi không kém ai ở cái tỉnh này mà bị trượt. Mấy nhà văn quốc gia đọc của tôi cũng khen, vậy mà ở tỉnh này, họ làm ăn thiếu công bằng…

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Đó là một buổi tối mùa hè oi ả. Người đang nói với tôi là chị Hồng Ngọc Ngọc. Âm thanh giọng nói của chị nghe ken két như người ta cầm lưỡi dao cạo đặt vuông góc với mặt cật của thanh nứa mà kéo thật mạnh, thể hiện sự cáu giận, chua chát pha lẫn sự hằn học.

Chị nói tiếp chỉ có Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, sống lại và những nhà văn nổi tiếng nước ta làm ban giám khảo thì mới chính xác (!?)

Chà chà, bà Hồng Ngọc này quá lộng ngôn. Tôi định bảo chị là nói nhỏ thôi, nhà em ở mặt đường lớn, người dân đi lại rất đông, họ đứng lại nghe, không tiện. Nhưng tính cả nể của tôi không muốn mất lòng ai - bắt tôi phải câm nín.

- Cậu Duy ạ! chị Hồng Ngọc Ngọc tiếp tục - Thơ của con Thúy, con Sen ở chi hội thị xã có hơn gì thơ tôi mà cũng giành giải ba. Ngay tập thơ “Cao nguyên yên ả” do Tỉnh hội ta tuyển chọn in đầu năm, tôi gửi 39 bài, mà họ không tuyển bài nào. Hay là do chúng ta ở huyện, xa tỉnh hội mà bị gạt. Con Thúy, con Sen được chọn mỗi đứa năm bài. Tôi mà có quyền, tôi gạt hết của hai đứa và hơn ba chục ông bà khác bởi của họ có ra gì đâu cơ chứ. Tôi mà có quyền, Duy phải làm giám khảo mới đúng. Cậu đã có hai giải thưởng quốc gia, bốn giải cấp tỉnh trong sáu năm qua. Xứng đáng lắm.

Tôi cứ im lặng. Chị tưởng tôi thích nghe chị, càng nói nhiều. Nói đến nỗi bọt mép sủi ra hai bên, vón thành những hạt bột nhỏ như bột tấm. Chắc là nói nhiều nên mỏi mồm, khô họng, chị dừng lại chiêu một hớp nước rồi lại tiếp tục gay gắt, cứ như tôi là người gây ra cái việc chị không có giải trong cuộc thi vừa qua:

- Mẹ khỉ, đến cuộc thi cấp huyện năm ngoái viết về người cao tuổi mà tôi chỉ được giải khuyến khích. Khốn nạn thật...

…Ba chục năm trước, chị Hồng Ngọc Ngọc đã có một số bài thơ ngắn giới thiệu trên báo tỉnh nhà. Chị được kết nạp ngay vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Nhà chị lúc đó, và ngay bây giờ, luôn có người yêu thơ, tập sáng tác thường xuyên tụ tập đàm đạo văn chương. Mấy năm nay, câu lạc bộ thơ người cao tuổi của xã được thành lập, không khí văn chương càng sôi nổi. Tôi kém chị mười tám tuổi, cũng mới vào hội sáu năm nay. Chị Hồng Ngọc Ngọc viết cả thơ, văn, cả phổ nhạc cho thơ thành bài hát hoặc sáng tác cả nhạc cả lời cho bài hát. Tôi chỉ viết được truyện ngắn và cũng nhập vào không khí văn chương khi mà các hội viên câu lạc bộ thơ hay đến nhà tôi trao đổi việc viết lách. (oai quá, cả chi hội huyện Đạ La này có 8 hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thì xã tôi có 2 người - chị Hồng Ngọc Ngọc khoe với rất nhiều người ở trong xã ngoài người làng như vậy).

Tôi không dám góp ý cho ai, không dám tranh luận bởi tôi nghĩ mình chưa là cái gì trong vườn hoa nghệ thuật ngàn vạn hương sắc của đất nước, nên tôi cứ ngồi im nghe mọi người đọc thơ của nhau, chê thơ của những người vắng mặt nhất là chị Hồng Ngọc Ngọc. Ông Tích chủ nhiệm câu lạc bộ thơ người cao tuổi của xã tôi đã hơn một lần nói: Chú còn trẻ mà khiêm tốn, còn cái bà Hồng Ngọc quá kiêu căng, bà ta là điển hình của sự háo danh.
    
Chỉ là một người lính cấp dưỡng trong đơn vị bộ đội trong thời chống Mỹ ở Quảng Bình mà dám khoe là bộ đội Trường Sơn. Viết trượng nào cũng nhàn nhạt. Trăm truyện chỉ được đăng có hai cái mà tưởng mình đã thành danh. Dám bỏ tiền túi in 10 tập thơ, 4 tập truyện ngắn trong 10 năm nay. Tiền thu về từ việc bán sách không được một phần mười tiền bỏ ra. Thơ, truyện chất đống ở xó nhà. Bà Xoan có lần thì thào với vợ tôi:

Thím Duy này, cái nhà bà Hồng Ngọc ấy mà, cứ nhằm các hội nghị tổ chức ở xã là đem thơ đến tặng. Tôi cũng được tặng chục cuốn.

Độc giả trong xã này không am hiểu văn chương mà chê thơ chị là chị cho ăn….chửi. Chị không chửi tục tĩu, mà chửi rằng:     

- Cái lũ vô văn hóa, ít chữ, điếc không sợ súng. Không biết sáng tác mà dám ngoác mồm ra mà chê thơ của người ta. Lũ dở hơi… chả nhẽ bà lại nhét thơ, à quên, nhét giẻ rách vào mồm chúng mày.

Trở lại chuyện tối nay đêm hè thật oi ả bởi không một ngọn gió. Chị bước vào nhà tôi lúc 7 giờ tối với bộ quần áo vàng nhạt, mỏng tang, trong ánh sáng điện, tưởng như nhìn thấy rõ lông chân, lông tay của chị khá đen và dày.

Chị Hồng Ngọc năm nay 58 tuổi, hơn tôi hai mươi tuổi, cao khoảng  hơn một mét sáu. Người to, chân tay thô nháp, đã vậy lại rậm rịt lông như đàn ông châu Âu. Mép chị có hàng ria mờ như kẻ chì đen. Mười ngón tay to cứng như những khúc gỗ lim được đẽo ẩu. Mặt chị vuông, cằm bạnh. Dáng đi như đàn ông. Bù lại, chị có làn da trắng mịn. Đuôi mắt chưa có chân chim dán vào. Đôi mắt lá răm của chị vẫn còn trong veo và luôn luôn phát ra những tia sáng, luôn đen ướt long lanh và lúng liếng dưới làn mi cong. Chị chưa thèm… đeo kính. Hai mươi tám tuổi, chị bỏ chồng vì lý do chồng chị dám ngăn cản chị làm thơ, tức là ngăn cản sự sáng tạo. Mà sáng tạo văn học là sáng tạo vĩ đại nhất, cao quý nhất của con người. – chị nói vậy. Hai con gái, một con trai, chị nuôi hết. Lúc chị không cáu giận, giọng chị êm ái, ngọt ngào, dễ làm xiêu lòng người. Chả thế mà chỉ bỏ chồng tháng trước, tháng sau đã lấy người khác. Anh này mê chị nên bỏ vợ. Anh mới mua máy cày hết một trăm triệu được ba tuần lễ nhưng dám chấp nhận lỗ ba mươi triệu khi bán để lấy tiền in thơ cho chị. Anh chiều chị Hồng Ngọc như hoàng đế chiều hoàng phi. Chị có giọng hát khá hay. Cuộc họp cựu chiến binh, phụ nữ, mặt trận, người cao tuổi xã chị đều xung phong đọc thơ của chị và hát mấy bài. Chị luôn là trung tâm của chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Sức viết chị lớn lắm, tám năm nay, mỗi năm chị cho ra lò bọc báo thơ.

… Tối nay, chị nói như hét vào mặt tôi:

- Chúng tôi bầu cậu là chi hội trưởng chị hội văn học nghệ thuật huyện ta, cậu phải tranh đấu cho hội viên chứ. Nếu không tôi sẽ xin đi chi hội khác.

Tôi vẫn im lặng. Bỗng có cơn gió lạnh buốt ùa vào nhà tôi. Tôi và chị Hồng Ngọc còn đang ngơ ngác thì từ ngoài thềm nhà tôi có một người đàn ông bước vào. Ông khoảng năm tư - năm năm tuổi, dáng đạo mạo như nhà nho thời xưa: gương mặt thông minh, đôi mắt có tia sáng, da trắng, cặp môi đỏ, chòm râu thưa, khăn xếp, áo the, quần trắng, đi đôi guốc mộc. Ông bước vào đến nhà tôi, tôi và chị Hồng Ngọc đứng dậy, bụng nghĩ ai đây, trông quen quá, nhìn rất dễ mến.
    
Hình như đoán được ý nghĩ của chúng tôi, người đó nói luôn, giọng xứ Nghệ trầm, ấm, nghe rất xa mà cũng rất gần:

- Đã học phổ thông, mà lại biết sáng tác thơ văn thì ai mà không biết ta?

 - Ô… ô.. Kìa đại thi hào Nguyễn Du. Ngài từ Hà Tĩnh vào đây chắc mệt lắm.

- Tầu xe bây giờ dễ dàng, không chen lấn, có chỗ ngồi, có máy điều hòa nhiệt độ, không trắc trở chi mô.

Tôi và chị Hồng Ngọc vội vàng quỳ xuống vái cụ. Cụ đỡ chúng tôi dậy, ôn tồn:

- Đứng lên đi, các nhà văn, nhà thơ. Ngồi lên phản kia, không phải ngồi sa lông cũng được. Có tâm sự gì, có thể chia sẻ với Nguyễn mỗ này chăng.

Như có người khơi đúng mạch ngầm, chị Hồng Ngọc tuôn một hồi:

-  Dạ, thưa đại thi hào…

- Gọi ta là Nguyễn Tiên Điền thôi

- Chúng con rất buồn vì vấn đề đánh giá nhân tài văn chương hiện nay. Con viết thơ, truyện ngắn hay cực mà không có giải. Không được đăng là bỏ phí mất bao nhiêu tác phẩm mà công chúng trong nước đang cần thưởng thức ạ!

Tôi có cảm tưởng chị Hồng Ngọc như quả bóng căng quá cỡ, phải xì hơi khi có dịp kẻo hỏng mất…

Nguyễn tiên sinh cắt ngang:

- Con nhầm hết sức rồi Hồng Ngọc ạ!

- Ủa, sao tiên sinh lại biết tên con?

- Thì lần nào con làm xong một tập bản thảo văn hoặc thơ con cũng thắp hương cầu mong ta phù hộ cho con cơ mà.

- Dạ đúng rồi ạ. Hôm nay con mới tận mắt được gặp ngài, xin ngài hãy ra tay phù hộ cho con thành đạt, bởi con theo đuổi sự nghiệp văn chương từ năm mười bốn tuổi đến nay đã hơn bốn mươi năm. Ngài giúp con, con xin thể không quên ơn ngài.

Nguyễn tiên sinh nhìn chị Hồng Ngọc một cách chăm chú. Có thể hiểu cái nhìn ấy toát lên sự ngạc nhiên đến buồn cười. Một lúc lâu, rồi ngài ôn tồn:

- Thắp hương nhớ các vị tiền liệt để mong phù hộ độ trì sức khỏe, ăn nên làm ra, cầu đâu được đấy, đó là vấn đề tâm linh, là sự ngưỡng mộ, ngưỡng vọng đến một điều tốt đẹp. Nếu các vị tiền liệt mà phù hộ được như ước muốn của người trần thì đất nước này làm gì có tham nhũng, có kẻ cắp ở kho nhà nước, làm gì còn người giàu người nghèo, làm gì có kẻ phản bội tổ quốc và nhân dân mình? Quên đi con ạ. Hãy cùng nhau cảnh giác với các âm mưu đen tối từ bên ngoài, hãy tiêu diệt lòng tham nhũng bên trong, hãy tự lực cánh sinh, vươn lên bằng sức lực và trí óc của mình, đừng chờ sung rụng. Văn chương cũng thế!

- Nhưng thơ văn nhiều người không hay bằng của con mà họ được sử dụng quá nhiều.

- Sao con dám khẳng định của họ không hay?

- Vì con đã đọc thơ, văn của họ.

- Đó là cảm nhận của riêng con, Hồng Ngọc ạ. Cả một ban biên tập đều là những nhà văn nổi tiếng. Họ không thiên vị ai. Những người được đăng là do tác phẩm của họ đạt chất lượng, để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Còn của con thì… này nhé. Cả 39 bài thơ gửi để chọn cho tập “Cao nguyên yên ả”, bài nào cũng có “thông reo” “ thông hát”, “gió ngàn thông”, rồi viết về biển thì bài nào của con cũng có “biển hát”, “biển bạc đầu”… toàn các câu chữ mà các nhà thơ đã dùng rồi, mà dùng rất hay từ một thế kỷ rồi. Con bỏ tiền ra in, chứ gửi cho nhà xuất bản  thì… ai người ta dám xuất bản.

- Ban giám khảo cũng không công bằng ạ!

- Con nói sai rồi Hồng Ngọc ạ. Truyện ngắn và thơ của con không có giải là vì không đạt chất lượng. Nói về thơ của con, toàn là những câu ghép cho có vần mà con ngộ nhận là thơ:

Hoan hô Yên - Bì quê ta
Hai mươi năm lẻ nở hoa đã nhiều.
Có nhiều cà phê hồ tiêu
Quê hương ơi rất mến yêu,
Yêu ngày, yêu tháng, yêu chiều, yêu đêm

Hãy khoan, để ta nói hết. Ta biết con định khoe đã có một số bài thơ, truyện ngắn đăng báo và xuất bản hơn chục tập thơ với mấy tập truyện ngắn. Bài đã xuất bản cũng kém chất lượng. Sao con không chọn mỗi tập 3, 4 bài khá, làm một tập thôi, mà lại chạy theo số lượng? Sao ai thích phô trương. Ban giám khảo được cái gì mà họ không công tâm? Ta đây, sinh thời cũng có người chê thơ của ta. Nhưng, phải để thế hệ sau phán xét.

- Nhưng còn truyện ngắn của con, nhiều người khen hay, trong đó có cả nhà thơ Quốc gia nổi tiếng cơ ạ, thưa Nguyễn tiên sinh.

- Người nào khen truyện của con thì con nghĩ là người ấy đúng à? Người ta khen, có mất gì của họ mà họ không khen. Có người không biết thẩm định mà khen thì lại càng đáng trách. Ví dụ hai truyện ngắn của con mới được xuất bản, thì quả là người không biết thẩm định nên mới cho in. Này đây, truyện “Qua tọa độ chết” của con - các cựu chiến binh đọc xong, người ta phản đối con và nhà biên tập thế này: con viết về một đoàn chiến sỹ giải phóng miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc, sao lại bắt đầu từ Lệ Thủy (Quảng Bình). Con viết: “máy bay Mỹ đuổi theo xe chúng tôi và ném bom. Có trái bom nổ sát cạnh xe mà chúng tôi ở trên xe chúng tôi vẫn hát vang bài ca ra trận”. Than ôi, một trái bom hai trăm bảng Anh chỉ cần ném giữa đường phố thì nhà bốn, năm tầng hai bên phải bay mất hàng chục. Vậy mà ném cạnh xe, xe và người việc gì. Lại nữa, “Ngồi trên xe, khi đã qua tọa độ chết, chúng tôi nhìn bom rải thảm xa xa, tạo thành một vệt sáng ngoạn mục”. Có người góp ý chi tiết này - bom gieo tội ác, mà ngoạn mục. Thì cái người viết này thiếu vốn từ. Vậy mà con bảo đó là lạc quan và con chửi người ta là ngu.

Thời ấy, đường Trường Sơn lồi lõm vì bom Mỹ ném hàng giờ, hàng ngày, đường rất khó đi, vậy mà con viết “đường xóc vì ổ gà, ổ voi, ruột gan người ngồi trên xe muốn nhảy ra ngoài” vậy mà xe chúng tôi vẫn lao vun vút trong đêm.

Phi lý nối tiếp phi lý. Khi con viết “xe chúng tôi tập trung ở Lệ Thủy để đi tiếp ra Bắc, sau gần một đêm chống chọi với máy bay Mỹ, chúng tôi đã tới Quảng Bình. Tôi reo lên: Đến Quảng Bình rồi các đồng chí ơi, hết nguy rồi…”.

Khổ chưa! Lệ Thủy thuộc Quảng Bình. Con viết Lệ Thủy nào vậy? Rồi nữa, sau khi đến Quảng Bình “nghỉ ngơi một giờ đồng hồ, chúng tôi lên tầu hỏa ra Bắc”. Ôi chao! Từ 1965-1974, tầu hỏa thì từ Hà Nội chỉ vào được đến Vinh (Nghệ An) thôi. Con đã từng tự hào là bộ đội Trường Sơn cơ mà? Lỗi tại con viết sai. Ông biên tập ấy, ta biết, ông ta sinh năm 1970, đã không biết gì về chiến tranh lại lười đọc sách nên dẫn đến hậu quả tai hại. Rồi nữa, truyện ngắn “Trả thù” của con nói về một chiến sỹ giải phóng có vợ bị giặc sát hại. Người đó đã thề trước mộ vợ rằng:

- Anh xin thề sẽ giết hết bọn giặc xâm lược, bắt xương của chúng chất thành núi, máu chảy thành sông. Anh phải dìm chúng trong biển máu mới hả dạ.

Văn viết giống trong truyện Tam Quốc của Tàu, người cộng sản ai lại ác thế. Những dẫn chứng về các chi tiết nói trên có rất nhiều và hầu hết các truyện ngắn của con. Lẽ ra con cần khiêm tốn học hỏi mọi người, nhưng con bảo thủ, rồi hằn học, cho rằng ai cũng ghen tỵ với mình, ai cũng kém mình.

Lại nữa lời văn của con đã ướt át cải lương, cổ lỗ vậy mà cốt truyện và nhân vật con luôn lồng cái cá nhân vào đó. Con chửi ông nọ, bà kia, chửi cả thanh niên, phụ nữ, nhi đồng. Thơ văn gì cũng là vì con người, lòng yêu thương con người chứ? Nếu ai đó viết chửi con, con có chịu được không?

- Dạ… con phê phán thói hư tật xấu, đó cũng là một chức năng của văn học đấy ạ!

- Phê phán phải đúng mực, trên tinh thần nhân ái xây dựng chứ, sao lại dùng những ngôn từ hằn học. Tiếng Việt ta thiếu gì từ hay. Lâu nay, người ta rình rập cướp biển, cướp đảo của mình, cắt trộm cáp quang, phá hoại giàn thám hiểm dầu khí của ta, bắt cướp vô lý ngư dân của ta… Sao không viết về những chuyện này mà cứ viết những bài thơ vô bổ, những chuyện xích mích nhau trong nội bộ thôn xóm làm gì. Làm thế giá trị nhân văn sẽ thấp kém đi. Nền văn học nước nhà không thể có những tác phẩm như ta vừa kể trên. Tác phẩm phải sống trong lòng người đọc, “Bạn đọc có thể quên người làm thơ nhưng không thể quên thơ” như Tế Hanh đã nói đấy - phải nhìn lại mình đi con ạ. Đừng khoe mẽ làm gì. Ta nghe nói con mới viết xong hai tập tiểu thuyết đã dám tuyên bố sẽ được giải Nô Ben. Toàn những ngộ nhận vô căn cứ. Hồng Ngọc ạ, ai cũng háo danh. Nhưng cái danh phải do mình tạo nên, độc giả mới là người phán xét các tác phẩm của mình. Ta đã nói hết, hai con có ý kiến gì không, nhà văn Quang Duy, Hồng Ngọc?

Tôi nói ngay:

- Thưa Nguyễn tiên sinh, đừng gọi con là nhà văn, con xấu hổ lắm ạ!

- Vì sao?

- Vì…, chỉ là hội viên hội văn học nghệ thuật của tỉnh thì chưa thể gọi là nhà văn!

- À …à…, Thế mà nhiều anh chị, mới có một hai bài thơ, truyện ngắn xuất hiện trên báo chí, đã tự cho mình là nhà thơ, nhà văn. Thôi cho qua. Hai con còn có ý kiến gì không?

Chị Hồng Ngọc vẫn hùng hồn, cố vớt vát:

- Nhưng có truyện được giải cao mà sự kiện trong truyện lại không đúng với sự thật. Nhất là truyện của mấy cậu trẻ tuổi gần đây ạ.

Nguyễn tiên sinh lại nhìn chị Hồng Ngọc một lúc lâu, cái nhìn chứa vẻ ngạc nhiên quá sức, rồi Người nói:

- Đã là văn chương thì phải hư cấu, sao bắt nó phải như thật? Nếu thật thì đó là phần của báo chí. Ta khuyên con nên khiêm tốn học hỏi. Già vẫn phải học. Đi, học, đọc, viết. Đó là công thức chung cho những người có trách nhiệm với văn chương. Và cũng đừng coi thường lớp trẻ, họ được học hành bài bản, họ có tài, cần khuyến khích họ.

Dường như đã thấm lời của Nguyễn, chị Hồng Ngọc hạ giọng như kẻ biết lỗi:

- Con thân phận nữ nhi, muốn theo đòi nghiệp văn chương. Hôm nay được gặp tiên sinh, con đã sáng ra nhiều điều. Mong tiên sinh phù hộ cho con được giải cuộc thi năm nay ạ.

Trông mặt chị Hồng Ngọc thiểu não quá. Giọng nghèn nghẹn, run run. Người mới gặp chị dễ mủi lòng lắm. Nguyễn tiên sinh vuốt râu cười khà khà:

- Nếu phù hộ được, ta chỉ phù hộ cho các con mạnh khỏe nhưng trên cơ sở cái tâm của các con phải trong sáng. Phù hộ cho có giải thì không làm được. Cứ viết cho thật hay, sẽ phải có giải.

- Nhưng làm sao để biết tác phẩm đó là hay ạ?
(chị Hồng Ngọc cất giọng nỉ non, pha chút nũng nịu)

- Nếu là truyện ngắn, tiểu thuyết thì theo ý kiến cá nhân ta, nó phải có kết cấu chặt chẽ, các nhân vật phải có diện mạo, tâm lý rõ ràng. Đừng nói hộ nhân vật, đừng lên giọng giáo lý, lên gân quá. Thông điệp gửi trong đó của tác giả là gì. Thơ thì đừng sáo mòn ngôn ngữ, đừng viết theo kiểu đánh đố người đọc, ví như con viết
    
Ta đi chơi trong cuộc rong rêu,
Ta đi qua miền đêm
Không đi qua miền ngày.
Em không đi qua miền đêm
Em không đi qua miền ngày
Nên em không thấy nổi bao la…

Thơ của con đấy Hồng Ngọc ạ, ta không hiểu gì cả.

- Dạ thưa lúc nãy Người nói văn của con ướt át cải lương là thế nào ạ?

- Là sến, là cố làm dáng câu văn, câu thơ làm người đọc khó chịu. Ví như, có truyện ngắn của con nói về đôi trai gái đi gặt lúa “tôi thương mồ hôi đầm đìa trên áo anh mà mắt anh vẫn long lanh ngời sáng. Tâm hồn anh như một thứ gì đó lung linh để cho tim tôi xao động, như thể bài ca tuyệt vời. Còn anh lại thương những sợi tóc lòa xòa cùa tôi bết trên trán, làm gương mặt tôi gợi mở một hồn thơ. Anh nhè nhàng gỡ những sợi tóc ấy, lòng tôi lâng lâng kỳ lạ”.

Đọc đoạn này nghe ngây ngô… lắm. Còn truyện ngắn “Lá thư cuối cùng” con viết về một thương binh “gãy chân tay, xương sườn, quai hàm, toàn thân bó bột cứng nhắc, hơi thở yếu ớt…” vậy mà anh ta lại mượn bút viết thư cuối cùng nhờ bác sĩ, nếu còn sống trở về, hãy đưa cho vợ của anh. Vì anh biết mình sắp chết. Có vô lý không khi mà, chân tay không cử động được mà lại viết được thư?. Đọc cho người ta viết cũng khó vì “hàm đau, nói cũng khó” (lời văn của con).

Nguyễn im lặng một lát, ngài nhìn chúng tôi. Thấy không ai hỏi gì, ngài nói, sắp sáng rồi, ta phải đi, các con còn hỏi gì nữa không, một câu nữa thôi! Lại chị Hồng Ngọc:

- Con vừa viết xong hai trường ca phỏng theo “Chinh phụ ngâm” và “Cung oán ngâm khúc”, xin gửi ngài xem hộ ạ

- Con viết xong rồi à? Dạ, xong rồi, gần một vạn câu thơ ạ!

Nguyễn tiên sinh trầm ngâm một lát rồi nói nhỏ:

- Dù con viết hay hơn người xưa thì cũng không nên. Những gì mà nhân dân và lịch sử đã ghi nhận rồi, mà mình mô phỏng lại, dù có hay hơn cũng gây xốc cho dư luận. Thiếu gì cách trong sáng, đàng hoàng để khẳng định mình mà đi làm chuyện ấy. Đồng nghiệp người ta khinh cho. Đó chẳng khác gì hàng nhái, lấy bản quyền của người ta, chỉ bịp lòe người không biết gì. Thôi nhé, đến giờ ta phải về rồi, chúc các con thành danh.

Chúng tôi chưa kịp đáp lễ thì vút một cái tiên sinh đã không còn hiện hữu ở đó nữa. Trời đã tang tảng sáng.
    
Thật không thể ngờ được khi chúng tôi lại được gặp Nguyễn Du. Chỉ vài điều của tiên sinh mà tôi sáng mắt ra. Người đã cho tôi bài học: Hãy cần cù lao động, khiêm tốn học hỏi, đừng kiêu căng, tự phụ, háo danh. Đừng dễ dãi với mình. Không đi con đường mà người khác đã đi.

Và lạ chưa, trên mặt bàn một tờ giấy Hồng Điều (loại giấy quý mà ngày xưa chỉ có vua quan mới được dùng) khổ to như tờ A3 bây giờ. Giữa nó là một chữ Tâm rất to, viết theo kiểu chữ Nôm. Nét chữ bay bướm như thể rồng bay lên.

Truyện ngắn: THANH HƯƠNG