Tự hào thành quả chặng đường ¼ thế kỷ

03:04, 11/04/2012

Thành tựu sáng tác trong ¼ thế kỷ qua của Hội tuy còn khiêm tốn nhưng đã tạo ra bước phát triển quan trọng, tạo tiền đề cho tương lai.

Năm 1987, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, ngày 11/4/1987 UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Ban vận động ra đời gồm 12 ủy viên do đồng chí Phạm Thuần - Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng ban. Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức lễ ra mắt Ban vận động Hội Văn nghệ vào ngày 4/5/1987. Đại hội Văn nghệ Lâm Đồng lần thứ I được tổ chức vào ngày 22/1/1988 tại thành phố Đà Lạt, 79 anh chị em văn nghệ sỹ đã tham dự Đại hội với tư cách hội viên sáng lập. Đại hội đã bầu 14 văn nghệ sĩ vào Ban chấp hành Hội. Chủ tịch Hội là nhà thơ Bùi Minh Quốc. Việc thành lập Hội VHNT và đẩy mạnh các hoạt động văn học nghệ thuật tại Lâm Đồng là nguyện vọng tha thiết từ lâu của anh chị em văn nghệ sỹ và là mối quan tâm sâu sắc của lãnh đạo cũng như đông đảo công chúng yêu thích văn học nghệ thuật địa phương.

Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (thứ nhất, bên trái) trao kỷ niệm chương cho văn nghệ sĩ.
Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (thứ nhất, bên trái) trao kỷ niệm chương cho văn nghệ sĩ.


Trải qua nhiều khó khăn, phức tạp, 25 năm qua, Hội văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Về mặt đội ngũ, đến nay Hội đã kết nạp được hơn 242 hội viên, chia thành 6 chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Âm Nhạc, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số. Gần đây, Hội còn thành lập thêm 4 Chi hội địa phương tại thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, huyện Đạ Tẻh, huyện Đơn Dương. Đông đảo nhất là lớp văn nghệ sỹ trưởng thành sau năm 1975. Lớp trẻ xuất hiện từ sau những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây có nhiều triển vọng. Hội đã có 63 hội viên các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương. Vị thế của Hội ngày càng được củng cố và nâng cao cả trong và ngoài tỉnh.

Thành tựu sáng tác trong ¼ thế kỷ qua của Hội tuy còn khiêm tốn nhưng đã tạo ra bước phát triển quan trọng, tạo tiền đề cho tương lai. Trong lực lượng sáng tác có người đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế.

Về văn học: Chỉ tính từ năm 1994 đến nay, Hội đã xuất bản 15 tuyển tập thơ văn, nghiên cứu, lý luận, phê bình, giới thiệu với độc giả cả nước lực lượng sáng tác và bản sắc thơ văn Lâm Đồng. Bên cạnh đó, còn có hơn 91 tập thơ, 31 tập văn xuôi, 12 tập lý luận phê bình, 5 tập hồi ký cách mạng, 5 tập sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian… của các hội viên. Nhiều tập đã gây được sự chú ý nơi người đọc.

Hai mươi lăm năm qua, các hội viên của Hội cũng đã gặt hái nhiều giải thưởng: Kịch bản Mối tình qua tết Liboong của Phạm Kim Anh được tặng Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc. Báo Văn nghệ trao giải nhất cuộc thi Truyện ngắn cho Lại Văn Long (năm 1991). Báo Lao động trao giải ba cuộc thi Bút ký, Phóng sự cho Khắc Dũng (năm 1996). Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng hạng B cho tập thơ Chân trời mở (1995) và chuyên luận Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 - 2000 (2003) cho TS. Phạm Quốc Ca và tập tiểu luận Thức cùng trang viết của PGS.TS Phạm Quang Trung (2003); trao giải C cho tiểu thuyết “Rừng khát” của Nguyễn Thanh Hương (2010) và tập thơ “Bóng quê” của Phạm Vĩnh (2011), giải khuyến khích cho tập truyện ngắn và ký “Miền đất lạnh” của Lê Công (2011)… Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao hai giải khuyến khích cho các công trình nghiên cứu sưu tầm truyện cổ dân gian Tây Nguyên: Một số vấn đề truyện cổ Tây Nguyên, Truyện kể dân tộc Mạ của TS. Lê Hồng Phong... Ngoài ra, các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng còn đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi văn học nghệ thuật trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Về mỹ thuật: Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật tạo hình Lâm Đồng trong 25 năm qua đã gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phản ánh khá sinh động đời sống xã hội và hình ảnh con người Đà Lạt - Lâm Đồng. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, nghệ thuật tạo hình lại một lần nữa tỏ ra cần thiết khi biết chọn cho mình đối tượng để phản ánh là nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong quá trình vận động đi lên của xã hội trên địa bàn Lâm Đồng.

Từ khi Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng ra đời, các hoạt động triển lãm mỹ thuật của địa phương được quan tâm rõ rệt. Hằng năm, các họa sỹ, nhà điêu khắc đều có tác phẩm tham gia triển lãm ở trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Một số tác giả đoạt giải cao về mỹ thuật như Vi Quốc Hiệp, Phạm Mùi, Đinh Thanh, K’Minh Tuấn, Đặng Ngọc Trân, Vũ Long, Phạm Đức Nhuận, Lê Sinh Thục, Phan Văn Gái, Nguyễn Văn Lại, Phan Thành Minh, Lâm Trọng Tường… Các cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân cũng đã được tổ chức như triển lãm của họa sỹ Đặng Ngọc Trân, Vi Quốc Hiệp, Phạm Mùi, Nguyễn Thái Tuấn, Trần Ngọc Thái Anh... Hội còn xuất bản 2 ấn phẩm Mỹ thuật Lâm Đồng; tài trợ các họa sỹ Vi Quốc Hiệp và Đặng Ngọc Trân xuất bản tuyển tập tranh.

Những nghệ sỹ hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật tạo hình Lâm Đồng đến từ mọi miền đất nước, hội tụ về đây mang theo nhiều phong cách sáng tạo khác nhau góp phần làm cho mỹ thuật Lâm Đồng thêm đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, đội ngũ những người sản xuất các tác phẩm thủ công - mỹ nghệ cũng đã được hình thành và các sản phẩm của họ được trình bày khá nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Tại Đà Lạt, hai cơ sở tranh thêu lụa XQ và Hữu Hạnh được hình thành. Chi nhánh của hai cơ sở này đã vươn ra tận Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài giá trị kinh tế, sản phẩm của các cơ sở này cũng đạt đến một giá trị nghệ thuật nhất định, góp phần làm phong phú đời sống nghệ thuật tạo hình ở Đà Lạt - Lâm Đồng.

Về nhiếp ảnh: Hội đã tạo điều kiện cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Đồng tích cực chủ động trong việc tổ chức các tuyến điền dã, thâm nhập thực tế, tham gia các cuộc triển lãm của tỉnh, khu vực, quốc tế và mang về nhiều giải thưởng có giá trị. Nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng trở thành các hội viên nhiếp ảnh thế giới với các tước hiệu quốc tế.

Tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật quốc tế Hassemblad Austrian Super Circuit năm 2000 tại Áo, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Lạt đã được ban tổ chức bình chọn là câu lạc bộ có bộ ảnh dự thi đẹp nhất trong số 41.000 bức ảnh dự thi từ hơn 120 nước trên thế giới và được tặng Cúp Vàng.

Trong tác phẩm Ảnh Việt Nam thế kỷ XX xuất bản vào năm 2007, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã giới thiệu 5 nhà nhiếp ảnh của Đà Lạt: Bùi Á, Nguyễn Bá Mậu, Nguyễn Bá Trung, Võ Văn Nghệ, Lý Hoàng Long. Riêng năm 2011, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đoạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế như: nghệ sĩ Nguyễn Thiết Dũng với Giải nhì Cục Di sản Văn hóa và HC Vàng VAPA quốc tế tại Việt Nam; nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương với Giải B Bộ VHTT&DL, Giải nhì Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; nghệ sĩ Võ Văn Nghệ với HC Bạc Hiệp hội Nhiếp ảnh quốc tế, HC Đồng Hiệp hội Nhiếp ảnh PSA; nghệ sĩ Bạch Ngọc Anh với Giải C xuất sắc quốc gia, HC Đồng FIAP, HC Đồng PSA; nghệ sĩ Dương Quang Tín với Giải KK Bộ VHTT&DL, HC Vàng Thụy Điển; nghệ sĩ Nguyễn Bá Nhân đoạt Cúp ISF; nghệ sĩ Lý Hoàng Long với HC Vàng Ý, HC Đồng Mỹ, Giải nhất Anh, Ý; nghệ sĩ Nguyễn Bá Trung cũng vinh dự nhận 1 giải nhất, 3 giải ba trong nước và đoạt 11 giải quốc tế ở các hạng mục nhất, nhì, ba và nghệ sĩ Nguyễn Phúc Lộc với HC Đồng Austria, Giải KK Italia…

Về âm nhạc: Hiện nay, Chi hội Âm nhạc Lâm Đồng có 23 hội viên, trong đó có 11 hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam gồm nhạc sỹ sáng tác và nghệ sỹ biểu diễn ca múa nhạc. Các nhạc sỹ Đình Nghĩ, Sóng Trà, Hà Huy Hiền, Mạnh Đạt, Công Huân, Dương Toàn Thiên, Phạm Ngọc Lai, Krajan Dick, Krajan Kplin,… cùng một số nhạc sỹ nơi khác đến Lâm Đồng đã khai thác thành công một số làn điệu dân ca của các dân tộc vùng Nam Tây Nguyên để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị như: Hoa Lang Biang, Say trăng của Đình Nghĩ, Mặt hồ của Trọng Thủy, Lặng lẽ, Cánh ô đợi chờ của Dương Toàn Thiên, Khúc hát chiều Đà Lạt của Mạnh Đạt, Nồng nàn cao nguyên của Krajan Dick, Tình anh em của Krajan Kplin…

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Hội VH - NT nhân ngày 21/6.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Hội VH - NT nhân ngày 21/6.


Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đã xuất bản nhiều tuyển tập ca khúc của các nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh viết về Đà Lạt - Lâm Đồng và 15 ấn phẩm ca nhạc của cá nhân nhạc sĩ. Hội còn hỗ trợ kinh phí sáng tạo văn học - nghệ thuật cho các nghệ sỹ thực hiện các DVD ca nhạc cũng như giới thiệu tác phẩm và các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh - truyền hình của tỉnh và Trung ương. Nhiều nhạc sỹ đã giành được các giải cao về âm nhạc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Đài Tiếng Nói Việt Nam như Mạnh Đạt, Dương Toàn Thiên, Dương Toàn Thắng, Đình Nghĩ…

Năm 1985, Chi hội Kiến trúc sư Lâm Đồng được thành lập, gồm 16 hội viên, chủ yếu ở thành phố Đà Lạt. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng đã trưởng thành về mọi mặt và được đánh giá là “Mô hình hoạt động tiêu biểu của tổ chức Hội, quy tập được đông đảo kiến trúc sư làm tư vấn chuyên môn cho chính quyền, có mối quan hệ tốt với các ngành, nhất là ngành xây dựng, và tạo được uy tín với địa phương”.

Tạp chí Văn nghệ là một bộ phận của báo chí nước ta. Từ Trung ương đến địa phương, bên cạnh tờ báo Đảng, mỗi tỉnh, mỗi thành phố đều có Tạp chí Văn nghệ của Hội VHNT. Tạp chí Văn nghệ là nơi tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, là nơi thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về VHNT, nơi giới thiệu, công bố tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ, đồng thời góp phần hình thành đội ngũ tác giả. 25 năm qua, từ khi Hội VHNT Lâm Đồng được thành lập, tạp chí Lang Bian đã được xuất bản song hành với các hoạt động khác của Hội. Trải qua nhiều thăng trầm, từ ra 2 tháng/ 1kỳ với nguồn kinh phí của Hội, đến nay tạp chí đã xuất bản hàng tháng (mỗi số trung bình 1.000 bản).

Đội ngũ văn nghệ sỹ ở Lâm Đồng luôn đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ, chiến sĩ, đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, lòng tự hào dân tộc, thể hiện khát vọng sáng tạo tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, tha hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức của một bộ phận trong xã hội. 25 năm qua, Hội đã tổ chức cho hàng trăm lượt hội viên tham dự trại sáng tác. Qua trại, nhiều sáng tác được hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng, là nguồn tác phẩm chủ lực cho Tạp chí Lang Bian, Đà Lạt trẻ, và các đầu sách văn học do Hội xuất bản trong 25 năm qua.

Văn học nghệ thuật Lâm Đồng đã phản ánh hiện thực sôi động của vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng và đang tiến bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 25 năm qua với nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn trên mảnh đất này, hình tượng con người và vùng đất Lâm Đồng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ đất nước đã in bóng ngày càng sâu sắc và đậm nét trong các tác phẩm văn học nghệ thuật Lâm Đồng.

Văn học nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Ngày 11/4/2012, đánh dấu 25 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng. Đó cũng là mốc đánh dấu một chặng đường phát triển của Hội. 25 năm - với một khối lượng tác phẩm rất đáng kể của đội ngũ đông đảo các văn nghệ sỹ đang sung sức sáng tạo, văn học nghệ thuật Lâm Đồng đã góp phần đắc lực bồi đắp đời sống tinh thần của nhân dân. 25 năm văn học nghệ thuật Lâm Đồng là một chặng đường đầy ý nghĩa, tạo đà để tiếp tục vươn tới...

Nhà văn: LÊ VĂN CÔNG