“So sánh Folklore” - bước khám phá đầu tiên

02:04, 18/04/2012

Đầu tháng 4 này, Chi hội Văn nghệ dân gian thuộc Hội VHNT Lâm Đồng cho ra mắt tập sách nghiên cứu khoa học có tên là “So sánh folklore” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Đây có thể được xem là sản phẩm ra mắt chi hội sinh sau đẻ muộn và là chi hội có lợi thế nhất về nghiên cứu khoa học của Hội VHNT Lâm Đồng.

Đầu tháng 4 này, Chi hội Văn nghệ dân gian thuộc Hội VHNT Lâm Đồng cho ra mắt tập sách nghiên cứu khoa học có tên là “So sánh folklore” do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Đây có thể được xem là sản phẩm ra mắt chi hội sinh sau đẻ muộn và là chi hội có lợi thế nhất về nghiên cứu khoa học của Hội VHNT Lâm Đồng. Chắc chắn “So sánh folklore” là bước tạo đà để Chi hội Văn nghệ dân gian có những công trình nghiên cứu bề thế hơn, quy mô lớn hơn và hàm lượng khoa học cao hơn về sau.

Trong tập sách này, ấn tượng nhất là phải kể đến hai tác phẩm của hai nhà khoa học nổi tiếng: “Về phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn hóa dân gian” của PGS Chu Xuân Diên (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) và “Từ truyện Kajong và Halek của người Chăm đến type truyện Tấm Cám ở Đông Nam Á” của GS Nguyễn Tấn Đắc (Đại học quốc tế Hồng Bàng). Nói như TS Lê Hồng Phong - Chi hội trưởng, người tổ chức bản thảo - là: “Để tri ân hai nhà folklore học hàng đầu của Việt Nam đã trang bị cho thầy trò chúng tôi nhiều kiến thức và phương pháp khoa học, xin phép được sử dụng nguyên văn bài viết về phương pháp so sánh của GS Chu Xuân Diên và nguyên văn bài viết so sánh chuyên sâu về type và motif của GS Nguyễn Tấn Đắc. Đó cũng là điểm tựa cho những nhà nghiên cứu trẻ và làm sang trọng cho tập sách đầu tiên của Chi hội Văn nghệ dân gian”. Bên cạnh đó, hai nhà nghiên cứu gạo cội của Lâm Đồng là PGS. TS Phan Thị Hồng và TS Lê Hồng Phong cũng đã có đóng góp đáng kể cho tập sách này thông qua ba bài nghiên cứu “Ngôn ngữ sử thi Tây Nguyên qua trường hợp sử thi Bahnar” (Phan Thị Hồng), “Motif cổ tích Mạ và K’Ho so với cổ tích người Việt” và “Phúc thể truyện hài - ngụ ngôn Tây Nguyên qua trường hợp Mạ và K’Ho” (Lê Hồng Phong).

“So sánh folklore” - ấn phẩm đầu tiên của Chi hội Văn nghệ dân gian thuộc Hội VHNT Lâm Đồng - còn là dấu ấn của một chặng đường khám phá folklore của các cử nhân và thạc sỹ là hội viên và cộng tác viên của Chi hội như Võ Thị Thùy Dung với “Nhân vật nữ trong sử thi Tây Nguyên”, Nguyễn Thị Quỳnh Như với “Nét riêng văn hóa của Iliat và Đăm San”, Lê Ngọc Bính với “Bước đầu so sánh sử thi Xơ đăng và Ê đê”, Lưu Thị Hồng Việt: “So sánh truyện cổ tích Việt - Hàn”, Lê Thị Quỳnh Hảo: “Văn hóa ứng xử qua truyện cười Việt Nam và Nhật Bản”, Lê Thị Nhuấn “Về con số 3 trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc”, Nguyễn Ngọc Chiến: “Sự tương đồng nghệ thuật của một số truyện trạng Đông Nam Á”, Ngọc Lý Hiển: “Văn hóa lúa nước của người Srê ở Lâm Đồng”, Mai Minh Nhật: “Một số khác biệt giữa nhóm Chăm Hroi với các nhóm địa phương khác của tộc người Chăm”, Ngô Thành Vinh với “Vài nét về người Thái và văn hóa Thái”, Nguyễn Văn Minh với “Hình tượng đá trong thơ qua các giai đoạn”, Lê Thị Thanh Đạm với “Hai nhà thơ theo dòng lục bát”… Trong lời tựa của cuốn sách, TS Lê Hồng Phong đã viết: “Đại hội lần thứ nhất của Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng tuy chỉ mới diễn ra trong năm 2011 nhưng thực chất từ hơn chục năm nay, các hội viên của Chi hội đã không quản khó khăn để nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) theo những hướng khác nhau với nhiều phương pháp khác nhau trên đối tượng tâm đắc của mình. Họ đã công bố kết quả trong các luận văn, luận án và trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, liên ngành: Nghiên cứu văn học, Nghiên cứu Đông Bắc Á, Nghiên cứu Đông Nam Á, Văn hóa nghệ thuật, Văn hóa dân gian, Khoa học xã hội Tây Nguyên…”.

Có thể xem “So sánh foklore” là bước khám phá đầu tiên về folklore của Chi hội Văn nghệ dân gian Lâm Đồng sau một năm được chính thức thành lập. Được biết, tiếp theo sau “So sánh folklore”, trong năm 2012 này, các tác giả là hội viên của Chi hội Văn nghệ dân gian sẽ bắt tay vào việc tổ chức nghiên cứu văn hóa dân gian theo hướng liên ngành với phạm vi tỉnh Lâm Đồng, Tây Nguyên, Việt Nam và khu vực để đến năm 2013 tới, một công trình khoa học folklore liên ngành có quy mô rất đáng kể sẽ tiếp tục được ra mắt bạn đọc.

Thi Hoàng