Vài suy nghĩ về bài thơ “Tống biệt hành”

03:05, 16/05/2012

Khi sáng tác “Tống biệt hành”(1940) có lẽ Thâm Tâm cũng không ngờ rằng bài thơ của mình sẽ để lại nhiều ẩn số cho hậu thế. Cuộc đời của ông ngắn ngủi. Tác phẩm ông để lại không nhiều. Nhưng chỉ với một “Tống biệt hành”, ông đã được lưu danh vào lịch sử văn học nước nhà. “Tống biệt hành” không chỉ là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ Mới mà còn xứng đáng là một kiệt tác của thơ Việt Nam hiện đại.

THÂM TÂM

Tống biệt hành

Chân dung ký họa của nhà thơ Thâm Tâm
Chân dung ký họa của nhà thơ Thâm Tâm

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...

-Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen,
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
1940

Khi sáng tác “Tống biệt hành”(1940) có lẽ Thâm Tâm cũng không ngờ rằng bài thơ của mình sẽ để lại nhiều ẩn số cho hậu thế. Cuộc đời của ông ngắn ngủi. Tác phẩm ông để lại không nhiều. Nhưng chỉ với một “Tống biệt hành”, ông đã được lưu danh vào lịch sử văn học nước nhà. “Tống biệt hành” không chỉ là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ Mới mà còn xứng đáng là một kiệt tác của thơ Việt Nam hiện đại.

1. Một bài thơ còn những ẩn số:

Lâu nay, khi bàn đến “Tống biệt hành”, còn nhiều ý kiến khác nhau, chủ yếu xoay quanh hình tượng người tiễn đưa và hình tượng li khách.

“Tống biệt hành” là một bài thơ trữ tình nhưng lại có nhiều nhân vật: người tiễn đưa, li khách cùng với mẹ, hai người chị và em nhỏ của li khách. Trong đó, hai nhân vật quan trọng xuyên suốt cả bài thơ là người tiễn đưa - “ta” và li khách - “người”. Li khách là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Mọi ý tưởng và cảm xúc, kể cả cách tổ chức lời thơ, kết cấu tác phẩm đều liên quan mật thiết đến nhân vật này.

Về hình tượng người tiễn đưa đã có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất, cách hiểu khá phổ biến: tác giả trong vai một người bạn đang tiễn bạn mình đi xa. Giữa họ có một tình bạn rất tri kỉ. Cách xưng hô “ta” - “người”, thân thiết nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng. Đồng thời nó cũng làm hiện lên tư thế của những trang nam nhi mang chí lớn.

Cách hiểu thứ hai cho rằng “Thâm Tâm đã nhập vai bạn gái của người ra đi”(1), xem người tiễn đưa là người yêu của li khách dựa vào các căn cứ: “Đôi “mắt trong” chứa đầy “hoàng hôn” kia chỉ có thể là mắt của phái đẹp”(2), “Ta chỉ đưa người ấy”, “Ta biết” là vì ta quá hiểu chàng, quá hiểu nội tâm của chàng”(3). Những ý kiến này được đưa ra hết sức mới mẻ và táo bạo.

Nhưng tại sao “Đôi “mắt trong” chứa đầy “hoàng hôn” kia chỉ có thể là mắt của phái đẹp” (nghĩa là của người tiễn đưa) mà không phải là đôi mắt của li khách? Dựa vào nội dung và kết cấu bốn câu đầu bài thơ, không có gì là phi logic khi cho rằng hai câu ba, bốn nhằm nói đến li khách chứ không phải người tiễn đưa (như ở hai câu một, hai). Hơn ai hết, người tiễn là người có thể nhìn thấy hết mọi diễn biến, trạng thái của li khách - đối tượng mà mình quan sát, khắc họa (thấy “hoàng hôn trong mắt trong” của người đối diện hợp lí hơn là thấy hoàng hôn trong mắt mình). Và nếu căn cứ vào giọng điệu, khẩu khí rắn rỏi, ngang tàng, dứt khoát của bài thơ thì cách hiểu thứ nhất vẫn thuyết phục hơn.

Về hình tượng li khách cũng có hai cách hiểu. Cách thứ nhất dựa vào lời kể của bạn bè Thâm Tâm, xem li khách là người chiến sĩ cách mạng đang giã từ gia đình lên chiến khu. Cách thứ hai dựa vào việc phân tích hình tượng trong văn bản, xem li khách chỉ là một trang nam nhi mang chí lớn chứ không phải là người cách mạng. Hiểu theo cách này hợp lí hơn, vì thực ra li khách có phải là người cách mạng hay không, điều này không ảnh hưởng đến bản chất của hình tượng. Vấn đề quan trọng liên quan đến hình tượng li khách lại nằm ở ba câu cuối bài thơ.

Cắt nghĩa đầy đủ, chính xác ba câu kết của “Tống biệt hành”: “Mẹ thà coi như chiếc lá bay / Chị thà coi như là hạt bụi / Em thà coi như hơi rượu say” sẽ giúp làm sáng tỏ thêm hình tượng li khách. Trong trường hợp này đã có ba cách giải thích.
Cách thứ nhất là người ra đi “... như một đấng trượng phu: chí lớn coi nặng như núi Thái; mẹ già, chị gái, em thơ đều coi nhẹ như lông hồng”(4). Nếu hiểu như thế thì người ra đi thật lạnh lùng, tàn nhẫn và vô hình trung đã làm nhẹ đi sự giằng xé giữa tình và chí, do đó mà làm giảm kích thước của hình tượng li khách. Bởi vì chính sự giằng xé nội tâm đã làm nên tầm vóc của li khách và vẻ đẹp của tác phẩm.

Cách thứ hai dựa vào sự phỏng đoán những chỗ chưa rõ nghĩa, “tỉnh lược” trong ba câu thơ: “Mẹ thà coi (con) như chiếc lá bay / Chị thà coi (em) như là hạt bụi / Em thà coi (anh) như hơi rượu say” để phân tích hình tượng li khách. Cách này khá phổ biến, dễ được người đọc chấp nhận và từng được nhiều giáo viên THPT lấy làm chỗ dựa cho bài giảng của mình.

Gần đây có thêm một cách giải thích khác cho rằng người ra đi đã “nhẹ hóa”(5) nỗi đau chia li. Điều này quả thực có sức thuyết phục. Nhưng liệu có phải là suy diễn hay không khi cắt nghĩa ba câu thơ như sau: “Người đi cứ “coi như” mẹ già xem bản thân mình là gốc cổ thụ, còn đứa con là chiếc lá từ đó bay xa, chứ không phải lìa rơi... người chị rơi chút nước mắt chỉ như bởi do con mắt vương phải hạt bụi mà thôi, đâu phải khóc mình ra đi... Đứa em, trong con mắt anh, đỏ hoe đôi mắt bởi thương nhớ người anh đấy, cũng cứ “coi như” do môi nhấp chút rượu nồng khiến “đỏ mặt lên rồi chếnh choáng say...”(6)?

Vậy thì sự nhẹ hóa nỗi đau chia li trong ba câu cuối phải chăng là: “Mẹ thà coi (việc con đi nhẹ) như chiếc lá bay / Chị thà coi (việc em đi nhỏ) như là hạt bụi / Em thà coi (việc anh đi nhẹ) như hơi rượu say”?

Nói chung, ai cũng có thể cảm được cái hay của “Tống biệt hành”, nhưng lí giải tận chân tơ kẽ tóc mọi tình ý trong bài thơ quả không dễ. Có lẽ điều này đã làm cho bài thơ càng trở nên hấp dẫn và thú vị hơn, lung linh và kì ảo hơn trong cảm nhận của người đọc.

2. Nghệ thuật cấu tứ độc đáo:

Có một điều mọi người dễ nhận thấy và thống nhất với nhau là “Tống biệt hành” vừa mang phong vị cổ xưa vừa hiện đại. Tính chất cổ xưa của bài thơ thể hiện ngay ở tên bài, nó cho thấy Thâm Tâm có sự kế thừa người xưa về mặt thể loại - “hành”, vừa có sự kế thừa ở đề tài tống biệt, chưa kể hình tượng li khách còn gợi cho người đọc liên tưởng đến cuộc ra đi của Kinh Kha ở sông Dịch.

Hành là thể thơ cổ Trung Quốc, thường viết theo thể thất ngôn hoặc ngũ ngôn, “Đặc điểm của nó là tự do, phóng túng, lớn, nhỏ, dài, ngắn đều không cố định... Tống biệt hành của Thâm Tâm vận dụng các đặc điểm đó. Câu thơ bảy chữ tự do, đầy câu hỏi, câu nói, nhiều trùng điệp, vần trắc, vần bằng xen nhau tạo thành giọng thơ rắn rỏi, gân guốc, ngang tàng, vừa cổ điển, vừa hiện đại”(7).

Tuy viết về đề tài tống biệt quen thuộc và đề cập đến chí làm trai của con người thời đại nhưng Thâm Tâm đã có những sáng tạo và có cách thể hiện độc đáo. Người xưa đưa tiễn nhau thường gắn với những không gian, địa danh, địa chỉ cụ thể, đặc biệt là bến sông. Con sông trở thành nhân chứng của những cuộc chia ly. Người xưa có câu: “Đừng làm thuyền trên sông / Thuyền đưa người ly biệt / Đừng làm trăng trên sông / Trăng soi người biệt ly”. Cuộc tiễn đưa trong “Tống biệt hành” diễn ra trong một không gian, thời gian không có gì đặc biệt: không ở bến sông mà lòng lại có sóng. Không phải sóng từ ngoại cảnh tác động hồn người mà chính là tình cảm đã làm dậy sóng trong lòng người. Với người xưa, ngoại cảnh quyết định tâm trạng. Với Thâm Tâm, tâm trạng không lệ thuộc ngoại cảnh. Hình ảnh “sóng lòng” và “hoàng hôn” đã diễn tả chính xác những tình cảm kín đáo của người trong cuộc. Bốn câu thơ với hai câu hỏi - hai nỗi băn khoăn đã cho thấy thật khó dùng lý trí để đè nén tình cảm tự nhiên của con người.

Khác với cấu tứ thơ Đường là thường dựa trên các mối quan hệ: không gian - thời gian, xưa - nay, động - tĩnh, thực - hư, hữu hạn - vô hạn, biến - bất biến... cấu tứ của “Tống biệt hành” chủ yếu dựa trên nghệ thuật tương đồng và tương phản.

Ở khổ đầu của bài thơ, nghệ thuật tương đồng được Thâm Tâm sử dụng rất điêu luyện. Bốn câu thơ được chia thành hai phần cân xứng với nhau. Hai câu thành một cặp, mỗi cặp là một câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất nhằm diễn tả nỗi lòng của người đưa tiễn, còn câu hỏi thứ hai là nỗi lòng người ra đi, tạo nên sự đối xứng “ta” - “người”. Tình cảm của người tiễn được nói bằng “sóng lòng”, tình cảm của người đi được nói bằng “hoàng hôn trong mắt”. Sự tương đồng, cân xứng ấy khiến cho khổ thơ có được sự hài hòa và đồng điệu trong tình cảm của những người trong cuộc.

Trong ba khổ cuối bài thơ lại có sự tương đồng giữa “Ta biết người buồn chiều hôm trước” với “Ta biết người buồn sáng hôm nay”, giữa tình cảm của hai người chị dành cho li khách với tình cảm của em nhỏ dành cho li khách. Kết thúc là ba câu thơ lặp kết cấu: “Mẹ thà...”, “Chị thà...”, “Em thà...”.

Tuy nhiên thủ pháp nghệ thuật xuất sắc nhất chính là tương phản: tương phản giữa người và cảnh: cảnh trung tính - người buồn rầu. Để làm nổi bật điều này, Thâm Tâm đã dùng phủ định để khẳng định - phủ định ngoại cảnh để khẳng định nội tâm qua sự tương tác giữa “không” và “có”: “không đưa qua sông”, “không thắm không vàng vọt” nhưng “có tiếng sóng” và “đầy hoàng hôn”. Đặc biệt là tương phản trong chính con người: tương phản giữa bề ngoài và tâm trạng. Bề ngoài li khách tỏ ra lạnh lùng, thản nhiên (“Một giã gia đình một dửng dưng”) nhưng bên trong lại buồn đau (chi tiết “hoàng hôn trong mắt trong”). Đó cũng là tương phản giữa lý trí và tình cảm. Bi kịch ở chỗ người ra đi chí lớn mà tình lại nặng. Những lời uất nghẹn ở cuối bài đã chứng minh điều này. Nhờ vậy mà nhân vật li khách trở thành hình tượng mang vẻ đẹp, sự đặc sắc hiếm có.

Có thể nói, những giằng xé nội tâm đầy bi kịch trong một cuộc chia tay đã được Thâm Tâm thể hiện một cách độc đáo. Đây chính là đóng góp mới mẻ của ông ở một đề tài rất quen thuộc.

(1), (2) và (3) Mai Văn Hoan, “Người đưa tiễn trong “Tống biệt hành”, Nhà văn 16/1/2012.
(4) và (7) GS. Trần Đình Sử, “Về bài thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm, Báo Giáo dục và Thời đại, số 28 ngày 7/10/1992.
(5) và (6) Hoàng Thái Sơn, “Về ba câu kết bài thơ “Tống biệt hành”, Nhà văn TpHCM, 18/8/2011.

Hoàng Trọng Hà