Trả tên tác giả cho những câu thơ

02:05, 16/05/2012

Những câu thơ hay như những viên ngọc quý lấp lánh trong một bài thơ, bộc lộ nên “cái thần” và hồn cốt của cả bài thơ.

Những câu thơ hay như những viên ngọc quý lấp lánh trong một bài thơ, bộc lộ nên “cái thần” và hồn cốt của cả bài thơ. Và trong rất nhiều trường hợp, những câu thơ hay đó, bỗng dưng bị… mất gốc và được lưu truyền trở thành “Văn học dân gian” và người ta hay gọi dưới cái tên chung là “Ca dao” thậm chí là “thành ngữ”, hoặc gán thành câu nói của lãnh tụ. Ví như câu “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, hay câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, v.v… Tất cả đều đáng quý và đáng trân trọng, vì được mọi người nhớ đến, nói đến, thế nhưng tác giả dù còn sống hay đã khuất vẫn cảm thấy như một phần “máu thịt” của mình bị mất đi… vì “Của duyên còn một chút này làm tin”, được lưu danh vào “kho tàng Văn học của dân tộc”, là mong muốn chính đáng của người sáng tác. Đi tìm và “trả tên tác giả” cho những câu thơ ấy là trách nhiệm của những người viết “Văn học sử” hay những nhà lý luận phê bình, bài viết nhỏ này xin gom góp một số cơ sở, mong được chỉ giáo thêm…

1/ Câu thơ “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ”, được mọi người quen gọi là “Ca dao Nam bộ” thực ra là 2 câu thơ trong bài thơ có tên “Đẹp nhứt” của nhà thơ Bảo Định Giang, sáng tác khoảng năm 1947, bài thơ nguyên văn như sau: “Đẹp nhứt”

     Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
     Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ
     Bông sen dành để lễ chùa
     Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm…
     
Bài thơ được nhà thơ Bảo Định Giang chép tay và gửi ra Bắc năm 1948, sau đó mọi người truyền miệng 2 câu có sửa chữa lại mấy từ là “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

2/ Hai câu thơ giống như lời nói, lời dạy của những bậc hiền nhân, lãnh tụ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” là hai câu thơ trong bài “Dân no thì lính cũng no” sáng tác năm 1948 của nhà thơ Thanh Tịnh. Nguyên văn bài thơ như sau: “Trông lên thì thấy đầy sao/ Nhìn lên thì thấy đồng bào mến thân/ Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong/ Thóc thuế mà có dân đong/ Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi/ Đêm nằm nghĩ lại mà coi/ Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên/ Nhân dân là bậc mẹ hiền/ Cơm gạo áo tiền thì mẹ phải lo/ Dân no thì lính cũng no/ Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công…”.

3/ Trước năm 1975, tại Sài Gòn, bài hát “Múc ánh trăng vàng” do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác, trong đó có sử dụng hai câu “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”… do cặp vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm hát rất được mọi người yêu thích. Trong các sách giáo khoa và tài liệu văn học, hai câu “Hỡi cô tát nước bên đàng….” được cho là ca dao? Song, đó lại là hai câu thơ trong bài “Trăng quê” của thi sĩ tiền chiến Bàng Bá Lân (1912- 1988), ông tên thật là Nguyễn Xuân Lân, sinh ở phố Tân Minh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Ông vào Sài Gòn năm 1954 làm nghề dạy học, nghiên cứu văn học và viết sách đến khi mất. Bài thơ “Trăng quê” có những câu như sau: “Trời cao, mây bạc, trăng tròn/ Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non/ Diều ai gọi gió véo von/ Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng…/ - Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?...”.

4/ Cuối cùng là hai câu thơ nằm lòng trong trí nhớ của những người xa quê, mỗi khi nhớ về quê nhà, nhớ bữa ăn mộc mạc, thanh đạm nhưng đầm ấm thương yêu của gia đình, và mọi người mặc nhiên coi đó là hai câu ca dao “quốc hồn, quốc túy”: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…”, nhưng theo nhiều người, đó cũng chỉ là hai câu thơ trong bài thơ 4 câu của cụ Á Nam - Trần Tuấn Khải, tác giả của tập Bút quan hoài với “Anh Khóa” của những năm 30 thế kỷ trước. Bốn câu thơ ấy là "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao…”. Những câu thơ ấy cũng đã theo “Anh Khóa” trong suốt dặm đường đi “xuất dương” của mình!
     
Walt Whitman, một trong những thi hào của nước Mỹ đã khẳng định: “Cái gì còn mãi, là do các thi sĩ gây dựng”. Những câu thơ vắt ra từ tim óc của nhà thơ, sống và tồn tại mãi với thời gian, là do các nhà thơ gây dựng nên, tại sao lại không trả nó về nguyên vẹn cho tác giả nhỉ?...

TRẦN HOÀNG VY