Danh nhân làng

02:05, 16/05/2012

Ở phía Nam thành phố Bảo Lộc, thỉnh thoảng người ta gặp một ông già khoảng 80 tuổi có bộ râu dài, thường mặc quần áo màu gụ, đeo chiếc túi vải nâu bên người thong dong trên chiếc xe đạp cũ...

Ông Đồ (Nguồn Internet)
Ông Đồ (Nguồn Internet)

Ở phía Nam thành phố Bảo Lộc, thỉnh thoảng người ta gặp một ông già khoảng 80 tuổi có bộ râu dài, thường mặc quần áo màu gụ, đeo chiếc túi vải nâu bên người thong dong trên chiếc xe đạp cũ. Đôi khi cũng bắt gặp ông ngồi trước hiên nhà những bậc cao tuổi đàm đạo về cây thảo dược. Và cũng có lúc người ta thấy ông đến thăm hỏi người ốm hoặc lặng lẽ ngồi cặm cụi viết vài câu liễng bằng chữ Nôm tặng người quá cố…

Ông già ấy tên là Võ Hành. Ông được dân làng thường gọi là thầy thuốc và thầy đồ dạy chữ Nho. Ông Đồ Hành đến với chữ Hán như duyên nợ. Sinh năm 1930, không đỗ đạt ở trường nào dạy Hán tự, lúc thiếu thời, ông theo học chữ Hán Nôm với các bậc thầy nổi tiếng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến khi các cụ qua đời, ông miệt mài tự học rồi trở thành người đọc thông viết thạo Hán Nôm trong gia cảnh thanh bần. Một trong những thành công lớn của ông là trích dịch bộ Trung Quốc y học đại tự điển ra tiếng Việt hoặc chuyển những bài thơ Hán Nôm hay ra quốc ngữ để tặng bạn bè. Mới đây, ông trích dịch quyển Từ Hải tự điển của Trung Quốc gởi đến Bộ Ngoại giao. Ông đọc nhiều và mang kiến thức giúp đời, giúp người truyền dạy cho con cháu những điều hay lẽ phải, từ cái dũng của thánh nhân để học đến cái hèn của kẻ tiểu nhân và hàng thần để tránh.

Hàng ngày, ông cần mẫn như con ong thợ, lặng lẽ đi tìm dược liệu (thuốc nam). Phát hiện vườn nhà ai có cây thuốc quý, ông đều ghé và dặn họ giữ gìn để khi cần thì sử dụng. Nhiều năm qua, ông đã chữa được những căn bệnh hiểm nghèo. Vườn nhà ông chỉ có ít cây thuốc, nhưng nhớ được các loại thảo dược mọc rải rác mà ông đã từng trông thấy để chỉ bà con đến lấy.

Ban ngày đèn thuốc trị bệnh giúp người, ban đêm ông Đồ Hành dạy chữ Hán. Học trò của ông là những người lớn tuổi. Họ đến tìm ông để học thêm văn hóa Á Đông thông qua loại chữ tượng hình. Ông nói: “Ở nước ta, chữ Hán đã chấm dứt gần cả trăm năm, nhưng nếu so sánh các loại mẫu tự trên thế giới, không có loại chữ nào thâm sâu như ngôn ngữ này. Mỗi nét chấm phá ngang dọc của một chữ là sự đúc kết hình tượng. Nhìn chữ viết, có thể biết được giai đoạn lịch sử của người xưa. Ví dụ, như chữ PHÚ gồm nhiều chữ ghép lại; trong đó, có chữ nhất, chữ nhân, chữ điền… Có nghĩa là người giàu, phải có nhiều người làm, nhiều điền thổ và một ngôi nhà lớn. Như vậy, ngày xưa sự giàu có chỉ có thể đi lên bằng nông nghiệp. Chữ QUAN được kết hợp hai hình tượng là người có hai khẩu. Nghĩa là muốn làm quan không những là người học rộng mà còn ứng phó giỏi. Trong khi chữ DÂN được ghép với hai chân đi trước mồm và mắt để phía sau. Có nghĩa, phàm là thảo dân, chỉ biết chấp hành luật lệ của vua chúa, nhưng mồm và mắt luôn luôn theo dõi nhận xét kết quả công việc và đời tư của quan một cách lặng lẽ…”.

Có học được chữ Hán, được bàn luận chữ và nghĩa, mới thấy mỗi nét chữ là một quá trình lao động của tiền nhân. Hồn chữ còn thể hiện sự gắn bó với máu thịt cộng đồng. Đó cũng là một lập luận vì sao người Trung Quốc khi rời khỏi quê hương đi các nước khác lập nghiệp đều giáo dục con cái biết giá trị đồng tiền và công sức lao động. Đến đâu, họ cũng xây dựng trường học để giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ. Chính chữ viết gợi hình từ sự sống sẽ làm cho con người liên tưởng đến hồn nước, hồn người. Thảo nào khi ở nước ngoài, họ đoàn kết giúp đỡ và trân trọng nhau đến thế!

Ngày và đêm, những người đến nhà ông thường là các vị “khách không mời”. Người ở làng đến xin ông chữ nghĩa, khách thập phương đến đàm đạo thơ văn, người có bệnh đến xin ông bốc thuốc. Có một điều lạ, ông Đồ Hành dạy chữ cho ai cũng đều từ chối nhận các khoản thù lao. Đối với người bệnh, không những không lấy tiền công và thuốc điều trị mà ông còn chỉ cho họ các loại dược liệu để họ tự tìm.

Hiện nay, nguồn thu nhập của ông bà chỉ nhờ vào 2 sào chè và 1 ha bạch đàn sắp thu hoạch. Cuộc sống đời thường rất đạm bạc. Ông Đồ Hành ít nói về những năm tháng thời “oanh liệt” trai trẻ của mình. Đó là cái tâm của một hiền sĩ, phải chăng ông là “một danh nhân làng”! 

Trần Đại