Với hơn 150 đầu sách, với hàng ngàn cuốn sách cùng với khoảng 32.000 ván in mộc bản, được chia làm 9 chủ đề khác nhau, đây thực sự là kho sách trí tuệ của cha ông chúng ta, một di sản thành văn vô giá, một kho tri thức, một di sản văn hóa của nhân loại, mộc bản triều Nguyễn xứng đáng được xem là kho trí tuệ của cha ông ta.
Với hơn 150 đầu sách, với hàng ngàn cuốn sách cùng với khoảng 32.000 ván in mộc bản, được chia làm 9 chủ đề khác nhau, đây thực sự là kho sách trí tuệ của cha ông chúng ta, một di sản thành văn vô giá, một kho tri thức, một di sản văn hóa của nhân loại, mộc bản triều Nguyễn xứng đáng được xem là kho trí tuệ của cha ông ta.
Bản mộc Triều Nguyễn trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Ảnh Văn Báu |
Trong tình hình hiện nay, việc dạy và sử dụng chữ Hán đang là một vấn đề cấp bách cần được quan tâm đúng mực hơn, song việc học chữ Hán trong các trường đại học của sinh viên các ngành Khoa học Xã hội Nhân văn lại không nhiều. Do đó, dẫn đến khi ra trường vẫn sử dụng sai ý nghĩa của các từ Hán Việt trong văn ngôn. Vì vậy, việc học chữ Hán là cần thiết không những chỉ riêng sinh viên các ngành Khoa học Xã hội Nhân văn mà ngay cả những người yêu thích chữ Hán để sử dụng cho công việc nghiên cứu văn hóa, các nhà báo, các nhà làm văn hóa… trên cả nước cần thiết phải tự trang bị cho mình vốn chữ Hán cần thiết.
Hiện nay, tư liệu Hán Nôm còn len lỏi trong nhân dân là rất nhiều, từ những tác phẩm thành văn đến những di văn trên các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ, bia mộ… Ngoài ra, tư liệu Hán Nôm tại các thư viện tỉnh, trung tâm lưu trữ tỉnh, huyện… Lớn nhất là kho sách Hán Nôm của Viện Hán Nôm và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ở Đà Lạt. Đây là kho sách cổ nguyên gốc có giá trị, lại là di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, sánh ngang với mộc bản của Hàn Quốc.
Chữ Hán từ lâu đã được một số nước đồng văn sử dụng, như Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc,v.v.. Ở Việt Nam, qua quá trình giao thoa văn hóa với Trung Quốc chữ Hán đã ít nhiều được sử dụng ở đầu thiên niên kỷ thứ nhất TCN.
Theo GS Trần Nghĩa cho biết, sau ngày nước Âu Lạc mất độc lập, trở thành một bộ phận của nước Nam Việt, chữ triện đã được sử dụng phổ biến trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, chữ Hán chỉ thực sự trở thành phương tiện ghi chép và truyền thông trong tay người Việt kể từ đầu Công nguyên trở đi.
Từ thế kỷ thứ X về sau, Việt Nam tuy thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán theo đà của nó vẫn tiếp tục được sử dụng như là một công cụ để đào tạo nhân tài, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa dân tộc, khảo luận thi cử. Khoa thi chữ Hán cuối cùng kết thúc năm 1919, nhưng việc học tập ghi chép bằng chữ Hán cứ kéo dài cho đến Cách mạng tháng 8/1945. Nói tóm lại, chữ Hán có hơn 2000 năm lịch sử trên đất nước ta, trong đó có khoảng 1000 năm được sử dụng thời tự chủ.
Nhưng rồi những bất cập trong việc sử dụng chữ Hán, cho dù nó có sức sống mạnh mẽ dai dẳng đến đâu chăng nữa thì cuối cùng với tư cách là văn tự ngoại lai, nó vẫn tỏ ra lúng túng, thậm chí bất lực trước nguyện vọng trực tiếp ghi chép, diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư tình cảm của người Việt. Chính vì vậy mà chữ Nôm ra đời, chữ Nôm được dựa trên chất liệu của chữ Hán nhưng để ghi âm, phiên âm các từ thuần Việt như tên đất, tên làng, địa danh cây cỏ…
Sau hàng ngàn năm sử dụng chữ Hán, chữ Nôm như vậy, cho nên ông cha ta đã để lại đến ngày nay hàng ngàn cuốn sách thuộc đủ các thể loại, thao, lược, nhâm, cầm, nho, y, lý, số, mà một phần lớn trong đó hiện đang được bảo quản tại Đà Lạt. Tất cả những ván in sách Hán Nôm tại Đà Lạt đều được chuyển từ Huế và một phần ở văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội vào, các ván in này là tài liệu gốc độc bản, có giá trị khoa học cao, xác thực, độ tin cậy lớn.
Trong hơn 150 đầu sách hiện còn tại Đà Lạt có gần đủ cả các lĩnh vực thao, lược, nhâm, cầm, nho, y, lý, số, nói theo kiểu nói của người xưa đó là theo học thuyết Khổng – Mạnh chủ trương sống nhân nghĩa vị tha chính danh, xây dựng một xã hội có trật tự kỷ cương bằng nho học như các sách Luận ngữ, Mạnh tử, cùng các sách kinh điển của Nho gia như thi kinh, dịch kinh, thư kinh…
Không chỉ có những đầu sách mang tính giáo dục thời phong kiến, kho sách mộc bản còn hàm chứa nhiều bộ sách mang tính học thuật cao gồm các chủ đề về văn thơ, địa lý, ngôn ngữ văn tự, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng mà thông tin trong đó giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là thông tin nguồn gốc trích dẫn chính thống.
Chắc chắn rằng nhiều ngành khoa học của ta như triết học, lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, văn tự, văn học, nghệ thuật, tôn giáo… sẽ phải dựa vào không ít kho sách mộc bản Hán Nôm để dựng lại diện mạo một thời, trong đó có đối tượng nghiên cứu, thậm chí có cả bản thân ngành nghiên cứu. Những ẩn số trong quá khứ dân tộc có thể sẽ được giải mã một phần qua việc tìm đọc kho sách Hán Nôm.
Trong tình hình hiện nay, việc nghiên cứu những tư liệu chính sử bản gốc để tìm những thông tin xác thực về chủ quyền biển đảo biên giới quốc gia đang được nhiều các nhà nghiên cứu quan tâm sưu tầm công bố. Một lần nữa có thể khẳng định rằng các vấn đề của đời sống xã hội của đất nước ta thời kỳ trước đều được phản ánh đầy đủ qua tư liệu Hán Nôm và một phần trong kho sách mộc bản tại Đà Lạt.
Các nhà nghiên cứu gần đây đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu gốc để phân tích đánh giá thông tin một cách quy mô, hoàn chỉnh, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn hiện nay. Một phần cũng vì kho sách Hán Nôm được nhiều người biết đến và quan tâm hơn.
Tuy nhiên, kho sách Hán Nôm ấy đến nay đã trải qua binh đao hỏa hoạn, nhiều lần hao hớt, mất mát do bảo vệ không tốt. May mắn thay sau những lần tai ách đó, di sản Hán Nôm vẫn được bảo toàn. Nếu không làm được như vậy, thì đến ngày nay chúng ta lấy gì làm bằng chứng cho nền văn hóa thành văn của dân tộc, lấy gì để thuyết minh cho mấy ngàn năm văn hiến của ta, cái công chắt chiu, tích góp sách Hán Nôm của người xưa từ đời này qua đời khác trước khi giao lại cho thế hệ chúng ta thật là to lớn lắm, sâu nặng lắm, không thể nói hết được.
Thế nhưng ngày nay một thế hệ trẻ đang dần mất đi tính tự hào tự tôn dân tộc, phần lớn mọi người đều không am hiểu chữ Hán, thờ ơ với chữ Hán một cách vô tâm, đi đến các di tích thì đập chữ phá chữ, viết bậy lên di tích lịch sử. Sinh viên nhiều ngành khoa học xã hội đến di tích không đọc được chữ nào, sử dụng chữ Hán trong văn bản sai mục đích ý nghĩa, có lẽ giới trẻ đang quay lưng lại với những giá trị tinh thần mà ông cha ta để lại, thật đáng buồn hay đáng vui đây?
NGUYỄN HUY KHUYẾN