Nọc rắn - Đôi điều tản mạn

04:05, 16/05/2012

Vừa qua ti-vi có đưa tin: nước biển dâng cao bất thường ở đồng bằng sông Cửu Long khiến một số loài rắn mất chỗ cư trú, vì vậy chúng lên nơi cao hơn để sinh sống và tấn công người, gây nên những hậu quả thương tâm.

Vừa qua ti-vi có đưa tin: nước biển dâng cao bất thường ở đồng bằng sông Cửu Long khiến một số loài rắn mất chỗ cư trú, vì vậy chúng lên nơi cao hơn để sinh sống và tấn công người, gây nên những hậu quả thương tâm.

Trong lịch sử, cụ thể là trong Kinh Thánh, rắn cũng chẳng thân thiện gì với con người: nó là tác nhân làm cho thủy tổ của loài người (ông Adam và bà Eva) bị đuổi khỏi vườn địa đàng Eden do ăn trái cấm. Còn trong Dân-số ký (Kinh Cựu Ước) chương 21 có đoạn: Dân Y-sơ-ra-ên đi từ núi Hô-rơ về hướng Biển-đỏ, đặng đi vòng theo xứ Ê-đôm; giữa đường dân sự ngã lòng, nói nghịch cùng Đức Chúa Trời và Môi-se. Đức Giê-hô-va sai con rắn lửa đến trong dân sự, cắn dân đó đến đỗi người Y-sơ-ra-ên chết rất nhiều. Dân sự bèn đến cùng Môi-se mà nói rằng: “Chúng tôi có phạm tội, vì đã nói nghịch Đức Giê-hô-va và người. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va để Ngài khiến rắn lìa chúng tôi”. Môi-se cầu khẩn cho dân sự. Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: “Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó trên một cây sào. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống”. Phải chăng do bắt nguồn từ điển tích này mà biểu tượng của ngành dược học là hình ảnh con rắn cuốn chiếc ly, đầu cúi xuống với ý nghĩa “Dĩ độc trị độc”, lấy cái độc mà trị bệnh, cũng như “Thuốc đắng dã tật”. Chú ý, biểu tượng chung của y giới lại là con rắn cuốn bó đũa. Trên xe của một số thầy thuốc Âu-Mỹ đôi khi ta bắt gặp vi-nhét này dán ở kính trước xe ô-tô. Không biết những biểu tượng đó có liên quan gì đến vị thần Hermès (còn có tên Mercure) trong thần thoại Hy Lạp hay không. Vị thần này hướng dẫn những cuộc lữ hành, mậu dịch thời cổ, có nhiệm vụ đưa tin từ các vị thần. Biểu tượng của Hermès gồm một chiếc đũa nguyệt quế hay ô-lưu, đầu trên có hai cánh và bao quanh là hai con rắn quấn quýt nhau.

Ở Việt Nam ta, theo một số tác giả chuyên phân loại rắn, thì có khoảng 18 loài rắn độc sống trên cạn và 13 loài rắn biển (đều độc). Tỷ lệ các loài rắn độc trên tồng số các loại rắn khoảng 25%, nghĩa là gấp đôi ở một số nước khác. Thường nọc độc của rắn cư trú ở móc độc. Quan sát miệng rắn ta thấy hàm trên có hai răng cửa nhọn, hơi quặt vào, đó chính là móc độc. Tuyến tiết nọc ở phía trước móc độc, sau môi trên. Khi rắn “mổ” người hay con vật, răng phập vào, môi trên ép xuống, nọc chứa sẵn trong tuyến tiết bị ép ra. Khi rắn cắn bao giờ cũng nghển cổ. Bất đắc dĩ phải cắn ở tư thế cúi xuống, nọc khó tiết ra, khả năng gây tử vong cho người bị cắn giảm rõ rệt. Về mùa khan hiếm thức ăn, thường là mùa khô, nọc dự trữ thường phong phú nên rắn độc nguy hiểm hơn so với mùa nhiều mồi, được ăn thường xuyên. Ở đồng bằng sông Cửu Long, vào mùa nước nổi, rắn nhiều vô kể. Chúng ngóc đầu lên bơi trong nước, chim và một số con vật khác lầm tưởng là cái cọc liền đậu vào đấy, thế là chúng “đớp” luôn. Nhiều bà con Nam Bộ phải sống thường xuyên với sông nước nên đã không ít trường hợp bị rắn độc cắn. Khi nạn nhân bị rắn cắn thường được hỏi: “Có hút thuốc không?’. Nếu người đó nghiện thuốc lá hay thuốc lào thì khả năng chết ít hơn vì cơ thể đã được làm quen với nicotin, một chất độc thần kinh.

Khi lấy nọc rắn, người ta dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp ngay dưới đầu cho miệng nó ngoác ra, ngạm vào thành ly thủy tinh, nọc độc là một thứ dịch nhớt, trong suốt ứa ra theo thành ly chảy xuống. Muốn bảo quản nọc rắn phải dùng phương pháp sấy khô ở nhiệt độ thấp, hoặc ngâm trong dung dịch glycerin.

Những chất độc trong nọc rắn có tên chung là zootoxin (chất độc động vật). Thành phần chất độc trong nọc rắn thuộc những loài khác nhau cũng khác nhau. Thường có nước, muối vô cơ, favonoit, ancaloit, protit, enzym… Gây độc chủ yếu do ba loại cuối. Ancaloit là những hợp chất chứa ni-tơ, có tính kiềm và hoạt tính sinh học mạnh nhất so với các hợp chất thiên nhiên khác, chúng có chung vị đắng. Protit trong nọc rắn xa lạ với người và những động vật bị nó cắn, vì thế gây dị ứng mạnh cho những cơ thể này. Enzym làm xúc tác cho các phản ứng hóa học. Điều này cắt nghĩa vì sao chỉ với một lượng nhỏ nọc rắn cũng đủ làm chết người (với nọc rắn hổ mang là 15mg). Khi vào cơ thể người, nọc rắn làm tê liệt thần kinh, gây đau buốt và suy hô hấp. Hủy hoại tế bào, gây hoại tử vùng quanh vết cắn, phá vỡ hồng cầu… Sở dĩ là do men proteaza (một loại enzym), xúc tác cho việc phân giải protit của tế bào. Quan sát con mồi trong miệng rắn, ta thấy ban đầu còn giãy giụa, ngay sau đó bị liệt nằm im, tế bào cơ thể rữa nát, toàn thân mềm nhũn rồi bị nuốt dễ dàng. Do khớp hàm rắn là khớp động đặc biệt, xương hàm trên và hàm dưới nối bằng những dây chằng, cơ thể lại đàn hồi nên nuốt được con vật to hơn đường kính thân nhiều lần.

Thuở nhỏ tôi thường thắc mắc: Khi ngâm rượu rắn người ta không chặt bỏ đầu, nghĩa là dùng cả nọc, như vậy có nguy hiểm không? Sau này tôi mới biết, tác dụng độc của nọc rắn chủ yếu do ancaloit, protit, enzym. Hàm lượng ancaloit thấp lại bị pha loãng, với liều lượng thường dùng làm thuốc. Protit và enzym của nọc rắn cũng có bản chất như protit, rất dễ bị biến tính, mất tác dụng sinh học đặc hiệu, nghĩa là trở thành không hoạt động, vô hại. Trong môi trường rượu, theo thời gian ngâm, chúng giảm hoạt tính rất nhanh. Ngoài ra men tiêu hóa trong cơ thể người cũng làm mất tác dụng độc của nọc. Nhưng nếu niêm mạc miệng, dạ dày, ruột có tổn thương thì tránh uống. Người ta đã thí nghiệm làm rượu chỉ ngâm toàn đầu rắn, sau một thời gian nhất định đem uống thì độ độc giảm đến mức đủ bổ và trị bệnh. Tuy nhiên, đừng ngâm quá nhiều rắn mà ít rượu, hoặc uống sớm, uống cả bình rượu khi thời gian chưa đủ ngấm. Lưu ý, không riêng gì nọc rắn, nhiều chất độc được coi là bổ và có tác dụng trị bệnh ở hàm lượng thấp. Khái niệm độc bao giờ cũng đi đôi với liều lượng hoặc cách đưa vào cơ thể.

Nếu chẳng may bị rắn cắn cần bình tĩnh, tránh hoảng hốt, chạy lung tung làm tăng tuần hoàn máu và chất độc sẽ sớm về tim rồi lên não, rất nguy hiểm. Ngay tức khắc cạo sạch vết thương, ngậm miệng hút nhổ nhiều lần, vừa bóp nặn máu vừa hút. Dùng dây ga-rô trên vết thương. Không có dây thì xé vạt áo, ống quần dùng tạm. Rạch vết thương hình chữ x bóp máu, hút bằng giác, đá hút nọc, cục hút bằng gạc nai ngâm phèn chua, thiêu tồn tính. Có thể dùng lửa hoặc vật nóng thui vết rắn cắn. Nhiệt độ cao làm mất hoạt tính của men trong nọc rắn. Đó là những việc không thể chậm trễ, vì chỉ cần làm giảm lượng chất độc vào người đủ để thoát chết. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để dùng thuốc chống độc, hồi sức, chống choáng… Cần chú ý, theo thời gian chất độc cũng bị cơ thể đào thải hoặc làm giảm tác dụng, vì thế nếu bệnh nhân chịu đựng được mười giờ đầu thì có khả năng qua khỏi. Khi nạn nhân vừa đến, các thầy trị rắn cắn thường hỏi: “Bị rắn cắn lâu chưa?” là vì thế. Dân gian còn phổ biến, khi bị rắn độc cắn, chỉ cần quờ tay ra vặt lá bất kỳ, nhai nuốt nước, bã dịt vào vết thương là khỏi. Và trên thực tế cũng đã không ít trường hợp khỏi là vì tế bào cây xanh thường có men phân giải một số chất trong nọc rắn: proteaza, oxydaza… Tanin (chất chát) trong lá cây kết tủa protit của nọc rắn. Clorophin là chất kháng khuẩn tốt, bảo vệ vết thương khỏi nhiễm trùng. Bã dắp vào sẽ hút một phần chất độc. Ngoài ra, về mặt tâm lý, nạn nhân yên tâm, bình tĩnh máu sẽ chậm về tim và không bị choáng ngất vì sợ hãi. Trường hợp lý tưởng, “chó ngáp phải ruồi” vớ ngay được cây thuốc trị rắn cắn thì “phúc bảy mươi đời!”. Trong chiến tranh, nhiều chiến sĩ Trường Sơn may mắn thoát chết khi bị rắn cắn chỉ vì nhờ dịch nhầy âm hộ phụ nữ. Là vì, nói chung các hốc của cơ thể, đặc biệt âm hộ, là nơi có độ ẩm cao, vi trùng dễ xâm nhập. Dịch nhầy tiết ra chứa men lylozym có khả năng “dung giải” cơ thể vi sinh vật để chống nhiễm trùng và do đó mà hóa giải được nọc độc.

Những người đi rừng thường xuyên nên học cách ga-rô cho đúng phương pháp. Cứ 15 phút nới ga-rô 15 giây, khoảng 1 giờ 30 phút thì tháo ra. Tránh trường hợp để lâu quá gây hoại tử phải tháo khớp.

Nọc rắn độc với liều lượng thích hợp có tác dụng gây tê, giảm đau nhức, tăng tính thấm của các dược chất qua da nên thường có mặt trong các thành phần của thuốc xoa bóp, giảm đau, trị viêm. Có khi nọc rắn được tiêm ngay vào khối u ác tính để dung giải tế bào ung thư và giảm đau đớn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Tây y dùng nọc rắn làm thuốc, Đông y chỉ dùng mật, huyết, thịt, da làm thuốc bổ, trị thấp khớp.

Tản mạn đôi điều về nọc rắn giúp ta có một số khái niệm cơ bản về nọc độc, tác hại và lợi ích của nó, đồng thời biết cách xử trí khi bị rắn độc cắn. Đi sâu quá mà không dùng đến thì mất thì giờ. Điều sơ đẳng lại bỏ qua có khi thiệt mạng.

TRỊNH CHU