Tập thơ gói ghém cả tấm lòng của một người con xa quê, gởi về đất mẹ mến yêu.
(Đọc Gởi về quê mẹ - thơ Nguyễn Gia Tình - NXB Văn học 2011)
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lâm Hà, hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, Nguyễn Gia Tình là tác giả của hai tập thơ Đường Vui và Gởi về quê mẹ. Riêng tập thứ hai này, được Quỹ hỗ trợ sáng tác tài trợ đã cho ra mắt độc giả đầu năm nay. Tập thơ gói ghém cả tấm lòng của một người con xa quê, gởi về đất mẹ mến yêu. Có thể nói trên chặng đường công tác 40 năm, từ Bắc vào Nam, và trụ lại vùng KTM Hà Nội ở Lâm Hà, tác giả đã gởi hồn vào từng trang viết. Từng trang là từng chặng đường cảm xúc thơ anh đã đi qua và để lại. Tiêu biểu nhất là dịp cùng với đoàn đại biểu Già làng, Trưởng bản xã Phi Tô, huyện Lâm Hà đi thăm Lăng Bác:
Chúng con quả thật không ngờ
Được gặp Bác: mắt thì khóc, bụng thì gọi Bác Hồ muôn năm!
Đi se sẽ để Bác nằm
Ngủ yên trong giấc vĩnh hằng… hàng năm
(Về thăm Bác Hồ)
Nghệ nhân Chăm biểu diễn âm nhạc truyền thống. Ảnh BN |
Câu thơ đã được kéo giãn ra, đúng với cảm xúc thật trong niềm xúc động được gặp Bác càng khiến người đọc đồng cảm nao nao. Và niềm tin vào Bác được lan tỏa trong hơi thơ lục bát yên bình:
Ngày mai về lại Lâm Hà
Chúng con cùng hát bài ca kết đoàn
Không nghe “bọn xấu” làm càn
Người Tây Nguyên nguyện là con Bác Hồ…
Trong những đoạn cao trào, ý thơ được tác giả khai thác triệt để, đã làm nên thành công của bài thơ. Thế mới đủ tình cảm từ “cái bụng” của đồng bào dân tộc K’Ho, được vinh dự về thăm Lăng Bác lần đầu tiên. Và thơ Nguyễn Gia Tình, đã tạc nên một dấu ấn tốt đẹp trong lòng đồng bào.
Còn khi trở lại quê hương, thăm nhà thờ một danh nhân văn hóa, anh viết:
Chúng con đi mở cõi phía trời Nam
Về lại xứ Đoài thắp hương dâng cụ
Bồi hồi quá một chiều xuân nắng tỏa
Cụ Trạng của dân mình mang tên quê hương !
(Thăm nhà thờ Trạng Bùng)
Lời thơ nghiêm trang và kính cẩn đối với bậc hào kiệt đã vì dân vì nước, cho thấy Nguyễn Gia Tình có cái tài thơ linh hoạt, khẩu khí của người Bắc Hà một thuở. Đúng, cụ Trạng Bùng đã trở thành tên một vùng đất, thành tên của quê hương trong nỗi nhớ của người Thạch Thất, Hà Tây. Quả thật, quê hương anh là vùng địa linh nhân kiệt, đã sinh ra những anh hùng, những kẻ sĩ cho đất nước. Vì thế, khi đi xa lòng anh vẫn luôn hướng về:
Đêm mơ Hà Nội lòng hy vọng
Ngày ở Lâm Đồng dạ vấn vương
Đất khách dựng xây tình đất nước
Quê người vun đắp nghĩa quê hương
(Gửi về quê mẹ)
Thế nhưng, trong cuộc “khai hoang mở cõi” ấy, có những người con mãi mãi không về. Đó là những đồng đội của anh. Khi đến thăm mộ ông Bất, một Bí thư xã Tân Văn, người đã cùng anh “đêm ngủ rừng gió gào mưa xối” đã hy sinh, trong cảm xúc bồi hồi anh kể:
Tiễn anh đi súng ầm ầm nổ
Mộ anh nằm bên dốc Tám trăm
Anh Bất ơi, những tháng những năm
Đảng cử bọn mình đi Kinh tế mới
Đêm ngủ rừng gió gào mưa xối
Ngày vượt sình vắt cắn, ve châm…
(Hương thơm bên mộ anh nằm)
Vâng, trong những ngày gian khổ ấy, là lãnh đạo vùng KTM, anh đã đến nhiều nơi, đã sống, đã ăn ở cùng đồng bào nên tình cảm thắm đượm, được dân mến dân thương, nhiệm vụ trên giao hoàn thành:
Vùng đất này: xã Phúc Thọ quê ta
Chim trăm nơi bay về xây tổ
Là K’ho, Kinh, Tày, Thái, Mạ…
Ríu rít xây đời con mẹ Âu Cơ
(Vùng đất này)
Có thể nói rằng ở Lâm Hà, Nguyễn Gia Tình là người làm thơ đầu tiên, và người được đón tiếp các nhà thơ lớn đầu tiên vào thăm vùng đất mới như: Tố Hữu, Quang Dũng, Lưu Trọng Lư vv… Khi đón tiếp nhà thơ Tố Hữu, vị lãnh đạo cao cấp lúc bấy giờ, thì tình cảm đồng chí, đồng bào thắm thiết, thơ anh bật ra câu chữ minh họa cho tấm lòng ấy thật tài tình:
Với anh chung một bức hình
Về thăm đất mới quê mình: Nam Ban
Cũng “sương trắng” cũng “nắng tràn”…
Cà phê trĩu quả xóm làng yên vui…
(Nhớ anh Tố Hữu)
Khi nhắc đến câu thơ tài hoa: “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan / Đường Bạch dương sương trắng nắng tràn…” là người ta nghĩ ngay đến thơ Tố Hữu, nhưng cái khéo của tác giả là lồng được vào một cảnh quê mới để nhắc lại một kỷ niệm khi Tố Hữu ra đi vào cõi vĩnh hằng đã khiến người đọc không khỏi bùi ngùi. Tình cảm với quê hương đất nước, với đồng chí đồng bào là vậy, còn bên trong cõi lặng của tâm hồn anh vẫn dành cho chút tình cảm riêng tư, rất đời thường, rất lắng đọng của người cầm bút đa cảm :
Có lần em nói với anh
Một đêm gió núi trăng thanh gió ngàn
Giản đơn trong cái vô vàn
Một điều em ước anh càng thương em
Ước gì trong cảnh ấm êm
Vợ nhặt rau muống, chồng nhen lửa chiều
Bát cơm có cá kho niêu
Chua dưa, mặn muối, cay tiêu, lạc bùi…
(Có lần em nói )
Đó là trích đoạn bài thơ “Có lần em nói”. Vâng, có lần em nói rất ngọt ngào ở thời tuổi trẻ TNXP. Thế rồi ly biệt, cho đến một hôm gặp nhau ở vùng KTM Hà Nội ở Lâm Đồng, thì xao xuyến, nhớ thương, xen lẫn bao điều trăn trở. Nhưng nhiệm vụ cao cả Đảng giao là trên hết, anh lao vào công tác, và em… chỉ còn trong những vần thơ tình một thời thắm thiết. Ký ức sẽ mãi là ký ức, điều tốt đẹp, cái trong trắng không bao giờ phai mờ, cho nên thơ luôn là bà đỡ tốt nhất cho những điều sâu kín đó. Nửa đời gắn liền với vùng đất KTM, tình người quyện chặt, thơ Nguyễn Gia Tình đã “hóa tâm hồn” cho lớp sau ngẫm ngợi. Vì thế, tình cảm của Nguyễn Gia Tình với Lâm Hà luôn là một nỗi nhớ, dù không đi xa hoặc đi xa, vẫn nhớ trong nỗi nhớ khôn nguôi…
Nguyễn Thánh Ngã