Nhiều tác phẩm cho trẻ thơ đã được chọn in trong sách giáo khoa, trong các tuyển tập thơ thiếu nhi, được phổ nhạc thành các bài hát được các thế hệ trẻ thơ yêu thích, góp phần hình thành và bồi dưỡng thế giới tinh thần của các em.
Sáng tác cho trẻ thơ là một công việc đầy hạnh phúc nhưng cũng không ít khó khăn. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại nhiều nhà thơ bền lòng với công việc này và đã có những đóng góp đáng trân trọng như: Huy Cận, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Xuân Quỳnh, Thanh Hào, Đặng Hấn, Nguyễn Hoàng Sơn… Một số nhà thơ khác mặc dù không chọn đề tài này làm công việc cả đời nhưng đã có những bài thơ hay. Nhiều tác phẩm cho trẻ thơ đã được chọn in trong sách giáo khoa, trong các tuyển tập thơ thiếu nhi, được phổ nhạc thành các bài hát được các thế hệ trẻ thơ yêu thích, góp phần hình thành và bồi dưỡng thế giới tinh thần của các em. Tuy nhiên, đọc kỹ các tập thơ thiếu nhi chúng tôi thấy vẫn còn không ít bài trẻ thơ không thể yêu thích. Những bài thơ hay bị lẫn vào khối lượng lớn những bài thơ chưa hay. Ngay ở một số bài thơ khá hay vẫn còn có chỗ để bàn. Xin đi vào vấn đề cơ bản nhất làm hạn chế sức hấp dẫn. Đó là vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức trong thơ cho trẻ thơ.
Giáo dục tư tưởng, đạo đức qua thơ đã có truyền thống hàng ngàn năm với quan điểm Nho giáo “văn dĩ tải đạo”, “thi ngôn chí”. Lý luận văn học trước “Đổi mới” suốt mấy chục năm đề cao chức năng giáo dục của văn chương. Đối tượng hướng tới của văn học viết cho thiếu nhi cũng là đối tượng của giáo dục. Những điều đó đã hình thành trong người làm thơ tâm thế “kép”. Nhà thơ Võ Quảng đã nói lên tâm lý sáng tạo phổ biến: “Người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học viết cho thiếu nhi là hai anh em sinh đôi” (Giáo trình văn học trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2009, tr 39).
Nhưng vấn đề cần quan tâm không kém là những nội dung giáo dục phải được hòa tan vào thế giới hình tượng như mật ong hòa tan trong rượu chứ không phải là thuốc nhét vào quả chuối mà các bà mẹ hay làm khi chữa bệnh cho con. Từ xưa Lê Quý Đôn đã bàn rất chí lí: “Thơ mạch kỵ thẳng, ý kỵ lộ”. Tiếc thay, trong nhiều trường hợp sáng tác tâm thế nhà giáo đã lấn át tâm thế nhà thơ khiến nội dung giáo dục luân lý, đạo đức được nói thẳng một cách thiếu nghệ thuật. Biểu hiện cụ thể thì nhiều nhưng chỉ xin dẫn ra đây một vài bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa. Bài thơ Đàn gà con của Phạm Hổ có những hình ảnh ngộ nghĩnh, rất được trẻ em yêu thích: “Mười quả trứng tròn, / Mẹ gà ấp ủ, / Mười chú gà con / Hôm nay ra đủ; / Lòng trắng lòng đỏ, / Thành mỏ, thành chân, / Cái mỏ tí hon / Cái chân bé xíu, / Lông vàng mát dịu, / Mắt đen sáng ngời, / Ơi chú gà ơi! / Ta yêu chú lắm”.
Nhưng đây mới là một nửa bài thơ. Nửa còn lại không được hay như vậy. Đặc biệt là khổ kết: “Là gà của bé, / Chú nhớ đừng quên, / Ăn khỏe, lớn khỏe / Đẻ rõ nhiều lên”.
Thật tiếc cho bài thơ dễ thương đến thế lại có cái kết thực dụng, thiếu chất thơ. (Đó là chưa kể lỗi dùng từ: chú thì làm sao mà đẻ được?).
Bài thơ Mời vào của nhà thơ Võ Quảng cũng đã được đưa vào sách giáo khoa. Bài thơ ngộ nghĩnh, vui tươi nhằm giáo dục các em ý thức cảnh giác với kẻ xấu:
- Cốc! Cốc! Cốc!
- Ai gọi đó?
…
- Nếu là Thỏ
Cho xem tai
…
- Nếu là Nai
Cho xem gạc
Cáo lò dò mò đến nhưng không được vào vì hắn là kẻ xấu. Bài thơ kết thúc bằng ý thơ mời Gió vào nhà và rủ gió: “Đi khắp miền / Làm việc tốt”. Cái kết này vừa lạc mạch khỏi tứ thơ, vừa thiếu chất thơ.
Văn hào L.Tônxtôi còn là nhà giáo dục vĩ đại. Ông không chỉ sáng tác nhiều tác phẩm cho thiếu nhi mà còn dịch văn học nước ngoài về đề tài này. Khi dịch truyện ngụ ngôn của Êdôp ông đã bỏ tất cả các đoạn kết có tính chất giáo huấn vì bản thân các câu chuyện đã toát lên tư tưởng cần gửi gắm.
Có một chuyện vui: Bố con nhà nọ ngồi chơi với nhau. Cậu bé hỏi: “Bố ơi! Vì sao trên đầu bố lại có những sợi tóc bạc?”. Ông bố trả lời: “Vì con hư đấy! Cứ mỗi lần con không ngoan là tóc bố lại bạc đi một sợi”. Cậu bé chợt reo lên: “Thế thì con đã hiểu vì sao tóc bà nội lại bạc trắng cả đầu như vậy!”. Ông bố bị hố to vì đã gò sự sống tự nhiên vào đạo đức, cứ nhăm nhăm dạy đạo đức trong mọi trường hợp.
Những bài thơ hay cho trẻ thơ thường khơi gợi ở các em khả năng cảm nhận cuộc sống
qua lăng kính của cái đẹp và lòng nhân ái. Ở đó chức năng giáo dục được thể hiện một cách tự nhiên, nhuần nhị thông qua chức năng thẩm mỹ.
Đà Lạt, 20/5/2012
Phạm Quốc Ca
KHÁNH THI
Cùng Gôn leo cầu
Bé Gôn chưa đi được
Đã thích leo cầu thang
Được ông phía sau đỡ
Chân huơ như tướng tuồng.
Miệng cười
Mặt rạng rỡ
Gôn bước từng bước nhanh
Cứ như nhà chinh phục
Hảo hán leo Trường Thành
Tầng hai ông đã mệt:
“Nhà chinh phục, nghỉ thôi!”
Gôn cứ bước hăm hở
Tầng ba cũng đến rồi.
Ông lau mồ hôi trán
Mây trắng bay đỉnh trời…
Mỗi ngày mỗi lớn
- Vì sao ông tập thể dục?
- Để mỗi ngày mỗi lớn hơn!
Cháu bé mà không chạy nhảy
Sẽ lùn như cái nấm rơm.
- Thế ông tập thể dục mãi
Lớn cao có đụng trần nhà?
Khung cửa thì cứ chừng ấy
Làm sao ông vào ông ra?