Tên bài thơ gợi một cách “nói ngược” đáng yêu.
Bao giờ đến được ngày xưa
Bây giờ mười sáu bao giờ mười lăm
Trăng vẫn tròn mỗi ngày rằm
Đò sao chở khách tháng năm cứ đầy
Lời ru là gió là mây
Ướp hoa me tím còn say môi hường
Hư này cái ánh trăng sương
Đánh rơi trong mắt hương vương khó tìm
Ai nhìn tím cánh hoa sim
Chuồn chuồn có đợi người tìm ban trưa
Ước thành mười sáu cơn mưa
Chảy tan đi cái ngày xưa bây giờ.
VŨ THỊ TÚ ANH
Phong cảnh làng quê Bắc bộ. Tranh: VY |
Lời bình:
Bất chợt tôi bắt gặp bài thơ lục bát “Bao giờ đến được ngày xưa” in trong tuyển tập thơ Việt Nam, 1975 - 2000 (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) với tác giả là một cái tên rất mới: Vũ Thị Tú Anh. Tên bài thơ gợi một cách “nói ngược” đáng yêu. Khi tốc độ cuộc sống ngày thường chóng mặt, mọi giá trị được lướt đi rất nhanh thì sự nhẫn nha rất thi sĩ này lại neo được trong lòng người sự xúc động bởi độ trong trẻo và tinh tế, cảm nhận bằng những cảm giác, thức dậy trong ta những giá trị thẩm mỹ hướng tới vẻ đẹp bình dị lâu nay bị chìm khuất đâu đó. Vẻ đẹp cổ điển của nhịp thơ lục bát giãn ra với: “Trăng vẫn tròn” với “đò vẫn đầy” như muốn tìm lại những gì tốt đẹp nhất của một thời đã qua. Một vẻ đẹp tinh khôi của tuổi mười lăm trăng rằm, lứa tuổi dậy thì đẹp nhất, nhiều mơ mộng nhất.
Một câu hỏi đặt ra có vẻ bâng quơ mà lắng lại nhiều ngẫm ngợi: “Đò sao chở khách tháng năm cứ đầy”. Ở đây ngoài cái định tính giới hạn của thời gian còn có định lượng của chất lượng sống. Sự đầy vơi hao hụt biến đổi theo năm tháng là một quy luật tất yếu. Nhưng sự khát khao viên mãn tròn đầy lại là ước mong. Tiếp đó một loạt hình ảnh: gió, mây, hoa me tím mỏng manh đẹp đến trong suốt kỳ ảo thì một cặp lục bát nũng nịu rất đáng yêu như cái lúm đồng tiền phũng phịu của cô gái bên người yêu: “Hư này cái ánh trăng sương - Đánh rơi trong mắt hương vương khó tìm”. Tôi rất thích hai chữ trách khéo: “Hư này” buột ra thật tự nhiên như một cốc nước tình cảm đã đầy ly chỉ cần một cái va nhẹ “hư này” sẽ sóng sánh tràn ra thành ... thơ!. Từ trăng rằm đến trăng sương là mạch xúc cảm từ thực đến ảo. Chính cái ảo ảnh này mới tạo ra được sự biến đổi của thời gian, của xáo trộn tâm tư thật mỏng manh: “Đánh rơi trong mắt hương vương khó tìm”.
Khổ cuối bài thơ có một giả định: “Chuồn chuồn có đợi người tìm ban trưa”. Ta chợt nhớ đến câu “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa”. Một sự vỡ òa như cơn giông bất chợt: “Ước thành mười sáu cơn mưa - Chảy tan đi cái ngày xưa bây giờ?”. Vẻ đẹp của bài thơ là sự thanh lọc giao cảm của tâm hồn với ước vọng tươi tốt từ trong lòng người chia sẻ với thiên nhiên trong sắc thủy chung nhuộm tím cả không gian bài thơ từ hoa Me tím đến hoa Sim tím. Nếu hoa Me tím tự mình thì hoa Sim tím từ một ánh nhìn. Ngôn ngữ bài thơ có vẻ học trò áo trắng nhưng tình người thì đậm đà với bao chiêm nghiệm. Tôi lại nhớ đến khi phóng tàu vũ trụ người ta lại đếm ngược để bấm nút phóng. Ước gì con người luôn có những dự cảm tốt đẹp về: “Bao giờ đến được ngày xưa”.
NGUYỄN NGỌC PHÚ