Cảm xúc từ cột cờ Lũng Cú

10:06, 07/06/2012

(LĐ online) - Lũng Cú- Đồng Văn ! Cái tên nghe là lạ mà xa xôi với biết bao người, còn tôi từ những năm giữa thập niên 60 thế kỷ trước đã từng được nghe các thầy cô giảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mơ được đến Hà Giang ít nhất một lần để được thấy, được cảm nhận cuộc sống nơi cao nguyên đá khắc nghiệt, hoang dã đầy ắp những khó khăn gian khổ...

(LĐ online) - Lũng Cú- Đồng Văn ! Cái tên nghe là lạ mà xa xôi với biết bao người, còn tôi từ những năm giữa thập niên 60 thế kỷ trước đã từng được nghe các thầy cô giảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mơ được đến Hà Giang ít nhất một lần để được thấy, được cảm nhận cuộc sống nơi cao nguyên đá khắc nghiệt, hoang dã đầy ắp những khó khăn gian khổ. Nơi tiếng khèn Mông len lỏi theo từng khe đá tai mèo hoà vào không gian cùng tiếng gió ngàn đến với bao cô gái sơn cước, giúp cuộc sống sinh sôi nảy nở trong tĩnh lặng, bình yên.

Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú


 Cái mơ ước nho nhỏ đeo đẳng tôi gần nửa thế kỷ bỗng đến như vô tình, nó xuất hiện xen vào niềm đam mê thực tại của tôi. Bất chấp mọi gian nan, hiểm trở mà bao người kể cho nghe, 04 Tết tôi lên đường. Chia sẻ mơ ước âm thầm của tôi còn ba bạn đồng nghiệp, ai cũng háo hức nhiệt tình, mặc cho gió rét thấu xương suốt gần 500 cây số, qua hai đèo Quản Bạ và Đồng Văn vào loại “khủng” của Việt Nam, tự xa xưa vẫn gọi là “cổng trời”. Ai nghe nói cũng thấy dựng tóc gáy, nhưng đã đi qua chắc vẫn muốn thử sức thêm không dưới một lần nữa bởi sự hấp dẫn, lôi cuốn của cao nguyên đá chập trùng bát ngát màu xanh ngô,đỗ vươn lên từ rừng đá bao la. Mây trắng bồng bềnh ôm ấp bao nhiêu ngọn núi nơi đất trời gặp gỡ giao lưu. Đồng bào Mông, Giáy, Dao… trong trang phục đa sắc màu đi chơi  xuân thấp thoáng trong những rừng hoa Đào đang kỳ nở rộ, tô điểm cho cao nguyên đá thêm phần rực rỡ. Vẳng đến từ đâu đó tiếng sáo, kèn lá, khèn Mông của các chàng trai tìm gọi bạn tình, âm điệu đặc thù chỉ dân tộc Mông mới có. Có lẽ sẽ thiếu nếu không nói đến rượu ngô hương vị thơm nồng men lá và chảo thắng cố thịt ngựa đậm đà bản sắc của đặc sản vùng cao, chúng ta sẽ rất khó quên khi một lần đến đây, cảm nhận và tận hưởng.

Lũng Cú cách Đồng Văn khoảng ba mươi cây số, quãng đường “ mấy con dao quăng” người Mông nói vậy, mà chúng tôi đi mất hai giờ đồng hồ, bởi đường nhỏ lại rất xấu, quanh co đèo dốc. Là xã cuối cùng của Hà Giang giáp với Trung Quốc, dân cư thưa vắng cư trú không tập trung, khó khăn thiếu thốn. Tuy nhiên người dân ở đây vẫn chăm chỉ lao động, bám đất bám bản. Đồn biên phòng Lũng Cú nằm tại xã Ma Lé cách cột cờ Lũng Cú trên chục cây số, hôm chúng tôi đến đúng dịp đồn đón tiếp một đoàn khách thăm quan lên từ Hà Nội. Họ là những gia đình có sở thích đi du lịch, đưa cả gia đình lên chúc Tết đồn biên phòng và bà con dân bản. Qua đồng chí phụ trách cho biết thì mấy năm gần đây có nhiều khách từ cá nhân, gia đình đến tập thể cơ quan ở khắp nơi trong và ngoài nước đến thăm đồn và cột cờ Lũng Cú…. Cột cờ đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới to đẹp hoành tráng hơn xưa, tương xứng với sự lớn mạnh vươn lên của Tổ quốc ngày nay, đánh dấu sự tồn tại vĩnh cửu của đất nước ta. Từ ý nghĩa hiện thực ấy ngẫu nhiên chuyển biến thành một địa điểm du lịch đáng để du khách thập phương chú ý. Cuộc sống của các chiến sỹ bộ đội biên phòng nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Khối lượng công việc họ phải thực hiện rất lớn và nặng nề, ngoài ra còn làm nhiệm vụ công tác dân vận, song các cán bộ, chiến sỹ của đồn luôn luôn hoàn thành xuất sắc. Tập thể đồn là một khối thống nhất đoàn kết gắn bó, họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau nhưng họ đã và đang sống với nhau bằng tình anh em ruột thịt. Họ yêu thương dân, sống vì dân, cùng dân hoàn thành mọi nhiệm vụ vì Tổ quốc.

Cao nguyên đá đã được thế giới công nhận là công viên địa chất toàn cầu, Lũng Cú nằm trong công viên như một bộ phận không thể thiếu. Với phong cảnh đẹp có phần hoang dã, hệ sinh thái đa dạng phong phú, khí hậu trong lành, con người và cuộc sống mang đậm bản sắc rất mến khách, do vậy những năm qua đã có nhiều tour du lịch đến thăm quan. Các lễ hội dân gian cũng vì thế mà được khơi dậy hoạt động mạnh mẽ hơn, tổ chức chặt chẽ ấn tượng hơn mà vẫn giữ được bản chất dân gian, dân tộc. Như chợ tình Khau Vai, chọi Bò ở Mèo Vạc, lễ hội Khèn Mông ở Đồng Văn, chọi Dê ở Hoàng Su Phì…! Cao nguyên Đồng Văn ngày nay đang tấp nập nhộn nhịp hơn, khoảng cách không còn là cản trở lớn lao bởi phương tiện giao thông đã phát triển hiện đại, vươn xa đặc biệt nhu cầu khám phá cái đẹp, cái lạ của con người cũng cao hơn.

Chúng tôi, bốn “ nhà thám hiểm” ngày nào lại đang chuẩn bị cho cuộc hành hương đến với Đồng Văn, về lại Lũng Cú thăm cao nguyên đá cùng những người chiến sỹ biên phòng quả cảm năm xưa. Lần này chúng tôi tự nguyện làm hướng dẫn viên đưa hơn hai mươi hội viên nhiếp ảnh và mỹ thuật Thái Nguyên đi tìm những khoảnh khắc, những mảng sắc màu vừa đổi mới của cao nguyên. Cảm ơn niềm đam mê đã giúp tôi thực hiện được ước mơ năm ấy không chỉ một lần, mà còn nhiều lần nữa tôi tự nhủ với bản thân mình như vậy. Những đồng nghiệp của tôi đủ mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ từ “u ba mươi đến ngoại thất tuần” chắc đều nghĩ như vậy, bởi nhìn ánh mắt, nụ cười hồ hởi trên gương mặt mỗi người đã nói lên điều đó.

Bản vùng biên giới
Bản vùng biên giới

 

Mốc chủ quyền
Mốc chủ quyền

 

Đôi bạn người Mông
Đôi bạn người Mông

 

Trẻ em vùng cao
Trẻ em vùng cao

 

Mưa trên cao nguyên đá
Mưa trên cao nguyên đá

 

Quây quần cùng dân, quân Lũng Cú
Quây quần cùng dân, quân Lũng Cú


Bài và ảnh: Đào Tuấn