“Đôi mắt Dã Quỳ” và tình yêu Đà Lạt

03:06, 13/06/2012

Cầm trên tay cuốn “Đôi mắt Dã Quỳ” của Tâm Loan từ thủ đô Hà Nội gửi vào, tôi mở ra và đọc liền. Một cuốn truyện ngắn nhẹ nhàng, chứa chan cảm xúc và tình yêu trong sáng thuở học trò, nhưng quan trọng hơn, một tình yêu đẹp và lãng mạn, một kết thúc có hậu lại diễn ra ở ngay trên vùng đất thơ mộng giàu cảm xúc sáng tạo là Đà Lạt...

Cầm trên tay cuốn “Đôi mắt Dã Quỳ” của Tâm Loan từ thủ đô Hà Nội gửi vào, tôi mở ra và đọc liền. Một cuốn truyện ngắn nhẹ nhàng, chứa chan cảm xúc và tình yêu trong sáng thuở học trò, nhưng quan trọng hơn, một tình yêu đẹp và lãng mạn, một kết thúc có hậu lại diễn ra ở ngay trên vùng đất thơ mộng giàu cảm xúc sáng tạo là Đà Lạt. Vùng đất khiến ai đi ngang qua, dừng chân lại hoặc tạm xa nó đều có một cảm nhận riêng và một tình cảm đặc biệt. “Đôi mắt Dã Quỳ” của Tâm Loan đã đem đến cho độc giả một cái nhìn mới về tình yêu lứa đôi, tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, góp phần lưu giữ một Đà Lạt xưa, một Đà Lạt trong trẻo trong lòng độc giả gần xa.

Tác giả Tâm Loan tên thật Nguyễn Thị Thanh Tâm, tốt nghiệp Thạc sỹ khoa học Lịch sử tại Trường Đại học Vinh, Nghệ An, từng làm giáo viên thỉnh giảng khoa Chính trị Trường Cao Đẳng Y Nghệ An, từng làm phóng viên tập sự Báo Lâm Đồng, hiện đang tham gia Dự án nghiên cứu lịch sử Di sản và Văn hóa miền Trung Việt Nam của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp - Trung tâm tại Hà Nội, làm biên tập viên tại Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Chỉ một thời gian ngắn dừng chân để thử sức mình tại xứ sở sương mù này nhưng ở “Đôi mắt Dã Quỳ” - cuốn sách đầu tay của Tâm Loan toát lên một tâm hồn lãng mạn, giàu cảm xúc. Bằng cảm nhận tinh tế về Đà Lạt qua từng góc phố, con dốc, triền đồi hoặc qua nét đẹp của sương, thông, Dã Quỳ, Bồ công anh… tác giả đã chuyển tải vào tác phẩm một cách nhẹ nhàng, khiến người đọc cảm thấy rất yêu Đà Lạt, yêu con người nơi đây. Ví như một đoạn tác giả nói về đêm Đà Lạt“ …. Đêm Đà Lạt lạnh. Cái khoảng không se lạnh thật có duyên, bởi nó khiến người gần người hơn. Từ những chốn náo nhiệt, ồn ào, ngày qua ngày là những cuộc chạy đua khốc liệt, đặt chân lên Đà Lạt bỗng sững sờ, bỗng nhận ra phần tâm linh tĩnh lặng, ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn mình. Những nụ hôn vội vàng, những đêm thoắt qua như gió thổi đã lùi lại, như thể cuộc sống ở Đà Lạt là một thế giới khác, dịu dàng ôm lấy những tâm hồn đã trở nên trong trẻo đến lạ kỳ”. Hay như một đoạn trong phần 4 - Tình yêu, tác giả có nói về Đà Lạt mà dường như rất giống với nhiều người, đồng điệu với suy nghĩ, tâm hồn của nhiều du khách hay của chính người bản xứ: “… Đà Lạt là mảnh đất ma quái. Nó ma quái vì nếu ở Đà Lạt một mình bỗng thèm cái cảm giác được một người bên cạnh… có được người ở bên cạnh thì bỗng thèm được yêu đương…được yêu đương lại thèm được làm vợ chồng… Đó là cái cảm giác kỳ lạ… như thể người ta bỗng nhận thấy rằng, cuộc đời này vốn chỉ có ý nghĩa khi có tình yêu…Bỏ qua tất cả mọi nỗi lo toan của cuộc sống, những giằng xé, vật lộn hàng ngày trước công danh, tiền bạc… đến Đà Lạt, người ta chỉ có thể cảm nhận và hưởng thụ yêu đương”.  
 
Xuyên suốt từ đầu đến cuối truyện là nhân vật Miên - một sinh viên miền Bắc theo học tại Đà Lạt. Nhân vật chính này khá cá tính, với đôi mắt nâu huyễn hoặc, một tâm hồn sâu lắng, trầm tĩnh, ham mê đọc sách và thích sống lặng lẽ, thu mình. Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn cô sinh viên này là một tấm lòng nhân hậu, một tình yêu Đà Lạt mãnh liệt, yêu nét đẹp hoang sơ với hoa Dã Quỳ và thông, trong đó có những mối tình trong sáng của lứa tuổi thanh niên - độ tuổi đẹp nhất khi yêu. “Đôi mắt Dã Quỳ” chắc chắn sẽ thu hút độc giả, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên, sinh viên. Hiện đã phát hành 1.500 bản tại Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt. Điều quan trọng mà cuốn sách mang lại, đó là định hướng được đời sống tinh thần cho các bạn trẻ hôm nay hướng đến một lối sống lành mạnh, một tâm hồn trong sáng, biết trân trọng và gìn giữ những tình cảm chân thành, tình yêu đích thực tất yếu sẽ hướng các bạn đến một cái đích đẹp về hôn nhân - hạnh phúc - gia đình.

Nguyệt Thu