Có những nhà thơ, thơ của họ lớn hơn cuộc đời của họ và ngược lại có những nhà thơ, cuộc đời của họ lớn hơn thơ của họ rất nhiều...
“Có những nhà thơ, thơ của họ lớn hơn cuộc đời của họ và ngược lại có những nhà thơ, cuộc đời của họ lớn hơn thơ của họ rất nhiều. Và đa số hội viên của CLB thơ Lâm Đồng nằm trong trường hợp thứ 2” - Đó là lời của nhà thơ Hoàng Mai - Chủ nhiệm CLB thơ Lâm Đồng khi nói về các hội viên CLB của mình, tôi muốn mượn lời của cô để bắt đầu câu chuyện thi ca về cô.
Chủ nhiệm Hoàng Mai giữa vòng tay thi hữu trong CLB của mình |
Hiếm có người phụ nữ nào mà trong 12 năm qua đã gây dựng nên một sân chơi với 170 lần sinh hoạt và mỗi lần sinh hoạt CLB lại như một cuộc chơi thi ca. Từ lâu, tôi đã muốn viết về người nhóm lửa, giữ lửa làm nên một sân chơi đầy chất thơ ở Lâm Đồng ấy. Cho ra đời một CLB đã khó, duy trì và phát triển nó lại càng khó hơn. Là một trong những người đề xướng sáng lập CLB, từ những ngày đầu chỉ có vài hội viên, cô đã dành hết tâm lực cho CLB, chăm chút từng buổi sinh hoạt. Để có nhiều hoạt động phong phú đa dạng và tập hợp, giữ chân được nhiều người như thế, trước mỗi kỳ sinh hoạt CLB, cô Hoàng Mai luôn trăn trở soạn chương trình, chuẩn bị chu đáo nội dung, sáng tạo hình thức mới. Và 12 năm nghỉ hưu cũng là 12 năm cô chưa từng được ngơi nghỉ. Hội viên đến với CLB thơ, đến với cô ngày một nhiều, đa số là người cao tuổi, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí. Như được cô truyền “lửa”, ai cũng còn nguyên nhiệt huyết và say mê sáng tác. Có nhiều người đến với CLB mới chỉ mang trong mình tình yêu với thơ ca, chứ chưa hề cầm bút sáng tác thơ, và bài thơ đầu tiên của họ là những câu thơ nôm viết về chính người chủ nhiệm CLB như một tấm gương người tốt việc tốt, dành tất cả tâm huyết cho sự phát triển của CLB; và lấy chính không khí sinh hoạt vui tươi của CLB làm nguồn cảm hứng của bài thơ đầu tay. Cô Mai đã từng cho tôi xem rất nhiều bài thơ viết về cô như thế, rồi tâm sự: “Đó là tấm lòng thi hữu dành cho mình. Điều đó như tiếp thêm cho cô niềm tin để xây dựng CLB thực sự là một sân chơi đậm chất thơ”.
Đến với CLB thơ, vừa được nghe đọc thơ, ngâm thơ, ca hát, được chủ nhiệm Hoàng Mai động viên khích lệ, được sống chan hòa trong tình thân ái, các hội viên như được trở về là chính mình, họ như được đánh thức những xúc cảm, những tâm sự mà trước nay có thể giấu kín hoặc quên lãng, từ đó nhiều người phát hiện trong mình còn có một dây đàn nữa mà bấy lâu nay vẫn câm lặng. Những bài thơ đầu tiên ra đời có thể còn chệch choạch về vần điệu, nhưng cô Mai luôn là người đọc đầu tiên, biên tập sửa chữa rồi đọc, ngâm trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Rồi những tập thơ riêng lần lượt ra đời. Khả năng sáng tác tuy ở mức độ khác nhau, nhưng tất cả các vần thơ của các hội viên đều là ký ức về thời trai trẻ, ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu với một niềm tin son sắt. Từ những bài thơ giản dị này, nhà thơ Hoàng Mai đã tập hợp lại, biên tập, chọn ra những bài thơ nổi trội và cho ra đời ấn phẩm Hương thông. Đến nay, đã được 3 kỳ, xuất bản vào các sự kiện trọng đại của đất nước. Sắp tới sẽ là Hương thông 4, Hương thông 5…
Để đưa tiếng thơ đến gần với công chúng, các buổi sinh hoạt không cố định một chỗ, cô Mai đưa CLB của mình tỏa về các khu dân cư, tổ chức nhiều cuộc giao lưu thi ca với các tỉnh thành khác trong cả nước, khi thì hội trường các khu phố, khi thì UBND phường, khi thì CLB hưu trí, CLB cựu giáo chức, khi thì tại các điểm du lịch… thu hút đông đảo người đến nghe thơ đã trở thành sinh hoạt văn hóa dưới dạng thi ca. Không ngừng tạo sức sống cho CLB, nhà thơ Hoàng Mai dành rất nhiều công sức, thời gian để liên kết với các các đơn vị, cá nhân có tâm huyết với thi ca và nhận được sự ủng hộ về cả tinh thần lẫn vật chất để CLB thơ ngày càng phát triển.
Không để mai một các thể thơ truyền thống, cô Hoàng Mai cũng là người khởi động phong trào sáng tác thơ Đường (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt). Từ đó, thơ Đường được vực dậy sống động, phong trào họa thơ của các thi hữu với nhau để thêm thắt chặt tình nghĩa trong CLB. Là chủ nhiệm CLB thơ, nhưng cô làm luôn cả phần việc của một Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi. Cô đi đến từng nhà thăm các hội viên khi đau yếu, hoạn nạn, khi hội viên qua đời cô cùng ban chủ nhiệm đứng ra viết điếu văn, phối hợp với gia đình tổ chức tang lễ chu đáo.
Cô Mai đã làm hàng trăm bài thơ, thơ vui có, thơ buồn có. Vui vì đất nước thanh bình, vui khi tình người rộng mở, vì cảnh sắc cỏ hoa, còn cái buồn trong thơ của cô là cái buồn không bao giờ có ở những người dửng dưng, ghẻ lạnh trước cuộc sống, mà đó chính là cái buồn làm nên vị mặn của cuộc đời, cái buồn làm cho niềm vui thêm ý nghĩa. Khi trẻ cô thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Cô đã từng là phóng viên ban nói của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban biên tập Đài Bắc Ninh. Đặc biệt, sau ngày miền Nam giải phóng, cô là cán bộ chi viện cho Đài Phát thanh Lâm Đồng và là người viết và biên tập những tin bài đầu tiên về Đà Lạt, Lâm Đồng những ngày đầu sau giải phóng, tiếp quản xây dựng chính quyền nhân dân. Sau đó, cô chuyển về Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng làm biên tập tạp chí của ngành cho đến khi nghỉ hưu. Kể về cuộc đời mình với những vần thơ đầy nhiệt huyết: “Từ tuổi tóc xanh đến cảnh già/ Nhẹ nhàng thấm thoắt mấy ngày qua/ Sáu mươi lăm tuổi như xuân nọ/ Sôi nổi thành tâm nghĩa nước nhà…” (Cảm đề). Thơ hay hay không còn là do tố chất, thơ của cô có thể chưa hay, nhưng tấm lòng của cô dành cho thi ca, cho bạn hữu, cho phong trào yêu thơ còn hay hơn một bài thơ lớn đáng để ta ngưỡng mộ và trân trọng.
QUỲNH UYỂN