Mưa đầu mùa (truyện ngắn)

03:06, 13/06/2012

Mưa đầu mùa ào ạt, những hạt to và dày bạt xuống mái tôn làm cho người nghe mưa khó chịu vì sự ồn ã. Tiếng mưa khơi dậy trong lòng một nỗi buồn cố hữu mà em muốn chôn chặt...

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

Mưa đầu mùa ào ạt, những hạt to và dày bạt xuống mái tôn làm cho người nghe mưa khó chịu vì sự ồn ã. Tiếng mưa khơi dậy trong lòng một nỗi buồn cố hữu mà em muốn chôn chặt. Thành phố này vốn dĩ yên bình, lúc mưa càng trở nên vắng vẻ lạnh lùng khi một mình trong căn phòng chưa đầy hai mươi mét vuông với ngổn ngang giấy bút, sách báo của anh. Em không nhớ hết đã bao nhiêu đêm mình ngồi lặng bên song cửa nghe mưa. Ngoài trời, một tấm thảm đen trùm kín các ngọn thông, ở giữa là những cột đèn đường yếu ớt, nhòe nhoẹt mưa phủ lên con dốc vắng, con dốc giờ này chỉ còn lại những rãnh nước tuôn như con rắn bạch khổng lồ đang trườn xuống núi.

Anh móc bộ quần áo, đôi giày và cả đôi vớ ướt sũng lên giá, nhẹ nhàng mở vòi hoa sen tắm. Anh đang kỳ cọ để xóa dấu vết? Phải, nếu không làm gì có lỗi với em, thì sao anh lại tắm vội vàng như thế? Những nụ hôn, ôm ấp, vuốt ve mơn trớn; những mùi nước hoa nồng nặc, những rượu bia chen nhau chảy xuống cống, và tắc lại nơi miệng ống thoát nước phát tiếng kêu ộc ộc. Em cố ghìm cơn tức giận, ghìm những xót xa ghen tuông đàn bà để khỏi bật thành tiếng khóc, tiếng la hét, thậm chí mắng mỏ. Cơn giận đang chẹn lại nơi cổ họng em, cũng phát tiếng kêu ộc ộc. Anh bước ra khỏi phòng tắm, nhẹ nhàng vào phòng ngủ bật công tắc điện. Ánh điện làm em khó chịu tuy em không mở mắt. Anh vòng tay qua người rồi hôn lên môi em. Em thấy đắng đót, ghê tởm.

- Em ngủ rồi à? Tối nay nấu gì cho anh ăn thế?

Trời! Anh làm em tức chết đi mất, lại còn giả bộ như không. Không phải anh đã "cháo phở" no nê rồi hay sao mà còn bày đặt hỏi cơm vợ? Anh càng nhẹ nhàng cơn điên trong em càng dữ dội, nhưng em vẫn nằm im thin thít, như đã ngủ say từ lúc nào. Anh lại nhẹ nhàng đi ra bếp, lục tìm cơm nguội. Hành động của anh làm em vừa thấy mình có lỗi khi không quan tâm đến chồng, vừa thấy mình đúng khi nghĩ đến việc anh đang đóng kịch phản bội. Anh diễn đạt lắm, lẽ ra anh nên chọn nghề diễn viên.

Trở lại phòng ngủ, anh với tay tắt điện rồi đặt lên môi em nụ hôn sâu; em xô ra, giả đò buông một câu ngái ngủ nhưng khó chịu là có thật: “Anh có biết mấy giờ rồi không? Để em ngủ yên” rồi kéo chăn lên lau nụ hôn ẩm ướt. Anh hụt hẫng, nằm vật ra giường buông một tiếng thở dài. Một lúc chỉ còn nghe tiếng ngáy đều đều. Tiếng ngáy của anh làm em khó chịu hơn cả tiếng mưa. Nó xoáy vào trong sâu thẳm em về một người chồng vô tâm, phản bội. Em nhận ra trong tiếng ngáy ấy là sự mệt mỏi sau khi rượu bia bù khú với đám mắt xanh mỏ đỏ. Em trằn qua trở lại, căng mắt nhìn lên trần cố tìm ra nơi con thạch sùng ẩn nấp đang thả những tiếng kêu thống thiết.

Em không dậy nấu ăn sáng cho anh như mọi bữa, không chờ đón anh về mỗi tối. Em khoác bộ mặt nặng trịch, nói những câu nhát gừng đầy ngụ ý.

- Có chuyện gì em nói thẳng ra đi, đừng có mặt nặng mày nhẹ như vậy khó chịu lắm.

- Em tưởng anh phải hiểu hơn ai hết chứ? Cả khu phố này đều biết, người ta đồn ầm lên kìa. Chỉ có em ngốc nghếch nên giờ này mới hay.

- Biết gì?

- Chuyện anh đi sớm về khuya, anh vào nhà hàng khách sạn vũ trường nào, đi với những cô nào cơ đấy?

- Em đừng nghe lung tung. Anh đã nói với em là công việc. Mà không phải việc nào cũng công khai được.

- Thôi đi, anh đừng có bao biện. Từ nay anh đừng có đụng vào em.

- Em nói thế là sao?

- Đừng để đến lúc lây bệnh cho vợ con mới nhận.

- Em nói gì vậy. Anh không làm gì có lỗi với em cả.

Anh càng chối cãi, em càng thất vọng. Chẳng lẽ em lại hét lên cho cả khu trọ này biết. Không, chúng ta đều là học thức, em không thể chửi bới đánh đập như những người đàn bà ghen chồng khác vẫn làm. Chính vì thế em càng đau khổ, dằn vặt. Em quay mặt vào tường, mặc cho nước mắt đẫm gối.

Anh vẫn về lúc hai giờ sáng, nhưng không vào phòng ngủ mà bật máy tính viết. Phải chăng anh đang cố giải thích bằng hành động, hay anh đang thách thức em?

Em nấp sau một gốc cây cổ thụ như con thú rình mồi. Nơi này không yên bình như em tưởng. Xe máy, ô tô vào ra tấp nập. Chỉ cần dừng xe ngoài đường đã có người ra dắt vào. “Thượng đế” cứ thế ung dung bước qua cánh cửa phía trên treo tấm biển hiệu lòe loẹt màu, nhăng nhít hình ảnh; phía dưới là bốn tên đầu trọc đeo kính đen to cao lực lưỡng chi chít hình xăm chạm trổ đang đứng dạng chân vòng tay trước ngực. Họ gật đầu chào nhau như đã thân thuộc lắm. Có người vào rồi một lúc sau đi ra cùng cô gái tóc vàng hoe mặt trát phấn son, họ lên xe vù đi. Có người đi ra dáng vẻ dặt dẹo nôn thốc như đang phê thuốc, cũng có người vào rồi ở miết trong đó không thấy ra nữa. Mỗi lần cửa mở, tiếng nhạc xập xình thoát ra theo đinh óc. Em căng mắt nhìn chăm chú vào đám hỗn loạn ra vào kia xem có anh không. Một thanh niên dáng vẻ thư sinh bị hai tên đầu gấu tóm cổ lôi ra trước cửa. Chúng đạp thẳng vào mặt vào bụng không thương tiếc. Cậu thanh niên chắp tay van lạy như đang cúi lạy trước bàn thờ tổ nhưng hai tên đầu gấu vẫn thượng cẳng chân hạ cẳng tay “Không có tiền thì đừng mò đến đây. Cút!”. Có lẽ đó là thứ ngôn ngữ mà chúng được đào tạo bài bản để hành nghề! Em thót tim, nếu người thanh niên đó là anh, em sẽ phải làm gì lúc này? Em thương xót hay hả hê? Đang miên man thì chiếc taxi dừng ngay trước cửa, bước ra là người đàn ông dáng gầy gò nhưng cũng rất sành điệu với chiếc kính đen, mái tóc chải keo bóng mượt tay xách một vali đầy bí ẩn. Chắc là một đại gia giàu có nhưng đã bị nơi này hút hết sinh khí. Bốn tên vệ sĩ cúi chào người đàn ông bằng một thứ ngôn ngữ riêng thân mật rồi người đàn ông mất hút vào trong cánh cửa. Tự nhiên em có cảm giác người đàn ông ấy rất quen. Đúng rồi, chiếc áo sơ mi kẻ sọc đỏ em dành cả tháng lương để mua tặng anh hôm sinh nhật. Mắt em hoa lên và như có ai đốt lửa trong từng mạch máu, chân tay lẩy bẩy. Không kiềm chế được nữa, em như con hổ nhảy ra khỏi chỗ ẩn nấp, xông thẳng vào cửa nhưng bốn tên đầu gấu kia đã tóm em lại, mặc cho em giãy giụa. Em như con thú yếu ớt vùng vẫy trong chiếc bẫy cánh tay cuồn cuộn cơ có những hình xăm gớm ghiếc. Chúng hất em xuống vệ đường khi em không còn sức chống cự. Người em nhũn đi vì đau nhức. Những ánh mắt dò xét của người đi đường xỉa vào em như chính em là người có lỗi. Em lết về nhà trong nỗi tủi nhục.

Em lại ngồi bên song cửa đợi anh. Em như sợi dây đàn chịu đựng đến căng tức, muốn đứt ra khỏi phím. Có lẽ, chúng ta cần nói chuyện thẳng thắn một lần rồi chấm dứt, nhưng giờ này anh vẫn chưa về? Em dọn hành lý, sắp xếp lại những tờ báo của anh vương vãi trên bàn làm việc, chợt thấy một loạt phóng sự viết về các tệ nạn xã hội ở thành phố, những điểm mà anh thường lui tới. Em đọc ngấu nghiến tờ báo, điều mà trước đây em ít khi làm bởi không có thời gian, có chăng em chỉ đọc mấy tờ lá cải để giải strees sau ngày làm việc căng thẳng. Bao nhiêu tệ nạn xã hội mại dâm, ma túy, cờ bạc ẩn giấu trong các nhà hàng, khách sạn, vũ trường được phơi bày, và những hiểm nguy đối với phóng viên khi xâm nhập thực tế. Phải chăng em đã trách lầm anh? Mà chưa chắc, tên tác giả bài báo đâu phải của anh? Sự thật là sao đây? Chuông điện thoại đổ làm em sực tỉnh, giọng nam gấp gáp: “Chị đến bệnh viện ngay, anh Hoàng bị bọn đầu gấu thanh toán, đang ở phòng cấp cứu”. Tim đập loạn nhịp. Em chỉ kịp vơ chiếc túi xách rồi lao nhanh ra đường...

CÁT MIÊN