Phan Quang - Người nhiều hơn một nhà *

03:06, 27/06/2012

Trong cõi nước Nam hiện nay, ông chưa là người nhiều Nhà nhất, nhưng là hàng thứ nhất của những người nhiều Nhà ra Nhà.

Nhà báo Phan Quang khi ở tuổi 85. Ảnh: TĐ
Nhà báo Phan Quang khi ở tuổi 85. Ảnh: TĐ

Trong cõi nước Nam hiện nay, ông chưa là người nhiều Nhà nhất, nhưng là hàng thứ nhất của những người nhiều Nhà ra Nhà.

Cổ nhân khuyên: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Lại nói: Một nghề cho chín, hơn chín mười nghề.

Nhưng ông Phan Quang, người bước vào tuổi 85 với tập bài báo nhỏ Xuân bao nhiêu tuổi là người có rất nhiều nghề mà xem ra nghề nào cũng tinh, cũng chín, cũng thành Nhà hẳn hoi. Tôi không nhầm, thì trong cõi nước Nam hiện nay, ông chưa là người nhiều Nhà nhất, nhưng là hàng thứ nhất của những người nhiều Nhà ra Nhà.

Trước hết, ông là một nhà báo: Đầu kháng chiến chống Pháp mới 17 tuổi từ đất Quảng Trị ông được điều ra làm báo Cứu Quốc Khu IV, và cho tới nay, ông đã sử dụng tất cả các thể loại báo chí: từ một tin nhỏ, bài báo, đến phóng sự, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên đề… Chẳng ai nhớ hết, thống kê hết số lượng bài báo. Nhưng in lại được một phần những bài viết không chỉ ghi dấu những mốc son lịch sử của đất nước mà còn có giá trị thời sự như Phan Quang tuyển tập kỷ niệm tuổi 70 như ông là của hiếm.

Hơn thế, từ một nhà báo, ông đã thành một người quản lý báo chí. Từng ở báo Cứu Quốc Liên khu IV, báo Nhân dân, rồi Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa 8, 9 và 10. Điều đáng nói là dù làm công việc quản lý, ông vẫn luôn hiện diện với tư cách một người viết báo. Ở các cương vị công tác đó, ông đồng thời còn góp nhiều công sức biên soạn các công trình có tính chất nghề nghiệp và quan trọng hơn là đạo đức của nhà báo. Ông đã góp sức thiết lập ngày kỷ niệm của Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 hàng năm vừa để xã hội có dịp khẳng định, tưởng thưởng đóng góp của báo chí, vừa nhắc nhở trách nhiệm của nhà báo đối với sự phát triển xã hội.

Nhiều năm là nhà báo chuyên theo dõi mảng nông nghiệp, ông đã trở thành một chuyên gia có thâm niên với nhiều kiến nghị về phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam: Về phương thức canh tác, quy hoạch cây con của đồng bằng Bắc Bộ. Sau 1975 là các vấn đề của nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, việc gìn giữ đất lúa trong quá trình công nghiệp hóa. Ông đã quan tâm rất sớm đến tầm quan trọng của môi trường và vấn đề sinh thái trong phát triển. Không chỉ đề xuất các qui hoạch vĩ mô, có khi qua một bài báo nhỏ Ngôi biệt thự và mái lều tranh, ông đã báo động khuynh hướng các nhà qui hoạch, kiến trúc biến mình thành kẻ nô lệ vì đồng tiền của lớp giàu có, chăm chăm xây dựng cho số ít người nhiều tiền lắm của mà bỏ quên lý tưởng tốt đẹp của cuộc cách mạng: nơi ăn chốn ở bình yên cho người nghèo người lao động bình thường, điều mà hôm nay chúng ta mới khởi động. Xây dựng nông thôn mới. Khái niệm nhóm lợi ích, đến nay được nhắc nhiều vẫn chỉ là quyền lợi cục bộ trong vài chính sách kinh tế. Nhưng trước đó, các qui hoạch lớn về đất nông nghiệp, về xây dựng đô thị, khu công nghiệp, quyền lợi của người lao động, người nghèo bị bỏ quên, bị hy sinh trước tiên. Cho đến nay, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến rừng núi, khó, rất khó tìm được một nơi nào có khu tái định cư mà ở đó, người dân có điều kiện sống tốt hơn, có công ăn việc làm ổn định, có trường học, các công trình văn hóa để xây dựng quê hương mới tốt hơn.

Ông còn là một nhà báo đối ngoại, một nhà ngoại giao có văn hóa. Không phải vì ông từng làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, mà vì là một nhà báo có quan hệ quốc tế rộng rãi, nên ông được cử chức vụ đó. Thật ra, ông được học ở nhà trường không nhiều, 17 tuổi đã tham gia kháng chiến, và trong bao nhiêu năm liên tục được giao các công việc cấp thiết, chưa thấy ông có thì giờ học qua bất cứ trường lớp nào dù là tại chức hay chuyên tu để có bằng cấp, nhưng với sự ham mê học hỏi, khả năng tự học, tự trau dồi, đương thời, tìm một người biết rộng, biết nhiều như ông chắc cũng hiếm. Mà quan trọng, là tất cả đều được chứng thực bằng giấy trắng mực đen qua các tập: Những người tôi quí mến, Thơ thẩn Paris, Bên mộ vua Tần, Phác họa chân dung, Du ký. Điều đáng chú ý ở đây, không phải ở sự đi nhiều, thấy nhiều, mà quan trọng là tư thế của tác giả. Sự đọc nhiều, biết rộng, là vốn đầu tiên để mọi cuộc gặp gỡ, trao đổi, đàm đạo đều có nội dung súc tích và bình đẳng của những người đã biết nhau. Bao nhiêu chính khách, trí thức, nhà báo, nhà văn lớn thế giới ông đã gặp. Ở trong nước cũng như các nước ông đã tới đều cho chúng ta những thông tin rất thú vị. Có thể có nhiều người đi nhiều, gặp rộng hơn ông, nhưng cho đến nay, ngay cả những nhà ngoại giao văn hóa lâu năm cũng chẳng mấy ai có được vài cuốn sách để lại, như các sử thần đời xưa kiểu Cao Bá Quát, Nguyễn Du. Cũng có thể do họ gặp mà không đọc hoặc không đọc được tác phẩm người ta viết. Cũng có thể chỉ gặp xã giao, vì công việc mà không đủ vốn tri thức để có thể trở thành bạn bè. Ngay cả các nhà văn Việt Nam ra nước ngoài, không mấy người có đủ trình độ ngoại ngữ, lại có tác phẩm để người ta đọc, nên ngoài mấy điều xã giao, còn có gì để nói!

Được như thế, vì ông còn là một dịch giả với những tác phẩm được nhiều người biết đến. Số đầu sách ông dịch không nhiều, nhưng số lần in, tái bản có thể để đầy một giá sách lớn: Ấy là Nghìn lẻ một đêm với 30 lần tái bản, Nghìn lẻ một ngày với gần 10 lần tái bản, Sử thi huyền thoại Đông Tây, Những ngôi sao ban ngày đều tái bản nhiều lần. Chỉ riêng với Nghìn lẻ một đêm, ông đã đáng được xếp vào dịch giả hàng đầu của Văn học nước nhà.

Là một người khiêm cung, hồn hậu, ông là người có rất nhiều bạn bè trong giới chính khách và văn hóa. Hai tập Thương nhớ vẫn còn với ký ức về gần 60 nhân vật đương thời ông đã gặp, với những chi tiết về ngôn ngữ, nét tính cách, tiểu sử và tác phẩm cho bạn đọc thấy được tầm vóc từ các lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh… các nhà khoa học, văn hóa Trần Văn Giầu, Lương Đình Của, Nguyễn Lân, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Viện, Hoàng Tùng… các văn nghệ sĩ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Văn Bỗng, Bùi Hiển, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Thương, Điềm Phùng Thị, Nguyễn Tuân… Cứ đọc những trang viết khiêm nhường mà thân thiết, bạn đọc có thể biết vị thế của tác giả.

Làm tuyển tập ở tuổi 70 (1999), ngỡ là ông đã yên lòng buông tay gác bút, nhưng năm 2008, ông lại có Tuyển tập mười năm (1998-2008) và hàng năm ông đều có hơn một đầu sách được in, mà không phải chỉ toàn bài cũ. Ngày nay, ở nước ta, một người có kiến thức văn hóa vừa sâu vừa rộng, vừa sách vở, vừa thực tế mà được thể hiện qua tác phẩm như ông quả không có nhiều. Gần 50 đầu sách được xuất bản chỉ là phần còn lại của một khối lượng trang viết khổng lồ một đời cần cù làm lụng.

Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, mà ông là đồng tác giả đề xuất, cùng mấy nhà báo trẻ tới thăm ông ở ngôi nhà đầy sách, ông minh mẫn và hoạt bát trong từng câu trả lời về thế sự, nghề nghiệp, về định nghĩa và xuất xứ tờ báo lá cải và báo chính thống, về sức sống của báo chí và trách nhiệm đạo đức của nhà báo hôm nay.

Cố tìm ra nét già nua của cụ già đã sang tuổi 85 mà mọi kiến thức văn hóa vẫn cập nhật, suốt buổi trò chuyện chỉ thấy ông tự trào khi nói đến hai văn hào có tượng trong tòa Thượng viện nước Pháp, một người được Thượng viện lấy làm vinh dự được đón là Victor Hugor. Người còn lại chỉ là con trai của vị thủ thư, nhờ đọc sách của thư viện mà trở thành văn hào, nhưng đi vào Thượng viện bằng cửa sau là Andre Gide. À không, tôi nhầm (già hay lẫn thế đấy!) là Anatole France. Và khi có bạn hỏi, ông thấy nhân vật X… thế nào, thì không biết do tế nhị, ông không muốn nhận xét, hay do đã có vấn đề về tai, nên ông vẫn hồn nhiên kể tiếp những câu chuyện của mình.

Vậy là dù làm nhiều nghề - ông có cuốn sách Nghề báo nghiệp văn mà xem ra nghề nào cũng thành danh, cũng tinh thông, cũng đạt đến đỉnh cao: nhà báo, nhà văn, nhà quản lý báo chí, chính khách, nhà ngoại giao, dịch giả… nhưng hình như đến nay, ông vẫn đứng ngoài danh sách giải thưởng về văn học nghệ thuật, mà không chỉ văn học nghệ thuật.

Thế mới ngẫm lại nghĩa lý trong câu cổ nhân: Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.

Mừng sức sống, sức lao động sáng tạo của bậc trưởng lão trong làng văn làng báo nước nhà, một tấm gương sinh động cho những người viết trẻ khi báo chí nước nhà còn đứng trước bao vấn đề mới mẻ.

NGÔ THẢO