Thơ của một “cánh cò xứ tuyết”

02:06, 27/06/2012

Qua báo chí trong nước và của người Việt ở nước ngoài, tôi đã được đọc những bài thơ nặng trĩu suy tư và cảm xúc của một thân phận cánh cò xứ tuyết ở Ba Lan gần hai mươi năm, giờ đây đã “hạ cánh” nơi tổ ấm gia đình tại Đà Lạt.

Những nhà thơ người Việt ở Ba Lan đã sáng tạo ra một biểu tượng thật hay: Cánh cò xứ tuyết để chỉ thân phận đồng bào mình nơi xứ người. Qua báo chí trong nước và của người Việt ở nước ngoài, tôi đã được đọc những bài thơ nặng trĩu suy tư và cảm xúc của một thân phận cánh cò xứ tuyết ở Ba Lan gần hai mươi năm, giờ đây đã “hạ cánh” nơi tổ ấm gia đình tại Đà Lạt. Người làm thơ ấy là Hoàng Trọng Hà - nguyên giảng viên Văn học Nga - Xô viết Trường CĐSP Đà Lạt và Trường ĐH Đà Lạt những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước. Sự thay đổi cơ chế những năm tháng ấy đã ảnh hưởng đến số phận không ít người như anh. Từ một trí thức, Hoàng Trọng Hà đã trở thành một người nói giản đơn là làm ăn nơi xứ người. Đời sống vật chất thì không đến nỗi nào nhưng chao ôi là cay đắng, nỗi niềm khi anh vẫn sống với tinh thần của một trí thức, với tâm hồn nhạy cảm của một người làm thơ.

Phải nói ngay rằng, Ba Lan là một đất nước hiền hòa với những người nhập cư. Nhưng bản thân sự tha hương, nhất là tha hương đằng đẵng khi đã có vợ con là một trạng huống “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Trong thơ mình, Hoàng Trọng Hà đã gửi gắm biết bao thương nhớ. Anh nhớ và yêu tha thiết quê hương Thủy Thanh xứ Huế của người cha liệt sĩ, nhớ quê hương Hà Tĩnh của người mẹ góa - nơi anh sống tuổi thơ: “Trần trong gió Lào / Tắm nước ao / Bọn trẻ chúng tôi lớn lên nơi ổ rơm ổ chuối / Đêm đêm thì thào kể cho nhau nghe chuyện cổ / Những ông hoàng bà chúa mãi đâu đâu / Nghe thạch sùng tặc lưỡi tiếc mảnh nồi đất vỡ / Bầy mọt ngang nhiên đục khoét cột kèo…” (Ký ức đồng quê).

Anh thương mẹ ở vậy nuôi con. Bên cạnh cuộc chiến mịt mù bom đạn, mẹ còn phải trải qua một “cuộc chiến của riêng mình”, cuộc chiến “cháy trong lòng góa phụ tóc xanh”... Anh nhớ các con thơ, nhớ tổ ấm của mình và khao khát trở về: “Trút bỏ bộ đồ đang mặc / Lấm bụi đường những chuyến đi xa / Một ngày nào đó / Tôi sẽ trở về nhà / Khi anh đào nở hoa trước ngõ... Ăn bữa cơm chính tay vợ nấu / Ngồi trên ghế nhà mình mà xem ti-vi / Ngủ trên giường của mình không ác mộng / Nghe giọng nói trẻ thơ mỗi sớm mai hồng...” (Một ngày nào đó).

Những bài thơ anh viết về người vợ trẻ trung và hiền thục đang mòn mỏi trông đợi ở quê nhà vừa ngọt ngào một nỗi dịu dàng của tình vợ chồng vừa xót xa như muối xát trong lòng: “Em sẽ chờ ta chứ? Vọng phu! / Dẫu mai ta trở về tơi tả / Trắng tay ta ăn mày tất cả / Thì trái tim có hóa đá không em?” (Với vọng phu thời hiện đại).

Trong nhiều bài thơ viết về nỗi niềm thương nhớ của Hoàng Trọng Hà, tôi thích bài “Tiếng guốc”: “Anh nhớ em dịu dàng, mang guốc / Gót hồng tươi phơn phớt hoa sen / Những trưa hè tiếng đi nhè nhẹ / Đưa anh vào giấc ngủ bình yên. / Anh xa nước mười năm xứ lạnh / Mười mùa hè vắng bóng hoa sen / Đêm trở gối chập chờn thức ngủ / Tiếng gì như tiếng guốc thương quen”.

Bài thơ cho thấy chất thi sĩ ở Hoàng Trọng Hà trong cảm nhận và thể hiện hạnh phúc vợ chồng, dù đó là hạnh phúc trong thương nhớ.

Chủ đề song song làm nên giá trị nội dung chính của tập thơ là thân phận, nỗi niềm người Việt nơi xứ người. Đó là những người “như là cánh chim lìa tổ”, “Vắt kiệt đời trong kiếp tha hương”, “Nổi trôi bến sông bãi chợ / Triền miên những sợ và lo”... Nỗi lam lũ, cực nhọc của họ được Hoàng Trọng Hà thể hiện bằng những chi tiết thật sinh động: “Những ngày xám dầm mình trong tuyết / Mặt sạm chai hứng từng cơn gió rét / Hai bàn chân tê cứng, rã rời.” Đó là những kiếp người “Nhọc nhằn mưu sinh sấp ngửa xứ người / Bữa ăn sáng bát mỳ tôm húp vội / Cốc nước chè chưa uống đã thành băng” (Không sợ mùa đông). Đàn ông sức dài vai rộng còn chịu đựng được, lâu rồi quen. Đáng ngại là những phụ nữ mưu sinh nơi xứ lạ. “Đốt vía” là một trong những bài thơ hay của tập thơ, hay từ khổ đầu: “Vía dữ đi, vía lành thì ở! / Ngọn lửa nhỏ nhờ nhờ bụi khói / Lập lòe trong màn tuyết đang rơi / Sáng mùa đông chưa tỏ mặt người”. Chứng kiến cảnh xua xui, “cầu may bán đắt” đó, nhà thơ không nguôi ám ảnh “Có lửa nào xua đi bất trắc / Phận đàn bà xa xứ mong manh?... Một mình em với căn phòng lạnh / Vía lành nào ở lại cùng em?.

Về mặt tinh thần, đó là những con người đã bật rễ khỏi Tổ quốc, quê hương ruột thịt của mình. Hoàng Trọng Hà đã có cách nói thật thông minh rằng đó là những kẻ “Tị nạn khi không mắc nạn / Vào cửa nhà mình phải đợi visa!”, thậm chí phải “Vượt biên vào Tổ quốc mình”!

Nhưng không chỉ có lam lũ, cực nhọc, đắng cay. Cuộc sống là muôn mặt. Nơi đất khách, người ta sống dựa vào tình anh em, tình bạn chí cốt, yêu nhau, sinh con đẻ cái và hội nhập với nền văn hóa đáng kính nể của dân tộc Ba Lan. Một đám cưới mùa xuân được Hoàng Trọng Hà ghi lại với chất thơ của hạnh phúc bừng sáng, ngập tràn, cộng hưởng giữa thiên nhiên và hồn người: “Đó là khi tuyết tan thành suối / Trả lại đất cho trời ấp ủ / Đất dọn mình cho cuộc sinh sôi./ Đó là khi em mang áo cưới, / Anh trên ngực cài hoa. / Nắng hồng tươi cánh thiếp, / Gió say la đà / Hai chiếc gối lẻ loi bỗng thành một chiếc” (Lập xuân).

Hoàng Trọng Hà không bao giờ quên căn cốt của mình là một trí thức, một người làm thơ. Anh mở lòng mình cảm nhận vẻ đẹp nên thơ của biển Baltic: “Bạch dương xanh ngọn gió vỗ về / Cành đong đưa như thiếu nữ đa tình làm dáng / Nắng hào hoa dát vàng bờ cát / Em vô tư gieo ngơ ngác vào tôi” (Trước biển Baltic chiều nay).

Anh cảm nhận tinh tế vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của “Những cây liễu trên quê hương Chopin” và như thấy “Tiếng đàn Chopin / Điệu Polonez/ Mazurka... / Mang hồn cây liễu /...Như người Ba Lan yêu tự do”.

Không dừng lại ở những cảm nhận về đất nước Ba Lan, anh còn có cái nhìn nhân ái đối với người Digan - một tộc người sống du cư khắp châu Âu: “Digan bị người đời xa lánh / Nói đến Digan, thiên hạ phẩy tay / Tiếng đàn Digan níu người ở lại / Điệu nhảy Digan khiến người đắm say” (Digan).

Tầm nghĩ của Hoàng Trọng Hà còn cho ra đời những bài thơ để lại ấn tượng khó phai như: “Không đề”, “Chuyện cổ tích về những con cừu”, “Nhủ mình”... Ở bài “Nhủ mình”, anh hướng về một thứ minh triết: “Ngoảnh phía sau / Để biết đâu nguồn cội / Hướng phía trước / Để biết đường mình đi / Nhìn phải, trái / Để biết mình ở đâu / Ngẩng đầu lên / Để thấy niềm hy vọng / Cúi ăn năn / Để phát nguyện Bồ đề”.

Hoàng Trọng Hà làm thơ cẩn trọng, có ý thức trau chuốt về nghệ thuật. Bài thơ nào cũng có tứ chặt chẽ, có cảm xúc chân thành, lắng đọng. Ở một số bài về sau, anh thể nghiệm một lối thơ không dễ hiểu như “Học cách nói của thơ haiku”, “Một thế giới đã mất”... Đó là chùm bài có ý tứ rất thoáng theo kiểu thơ hiện đại, đọc rất thích: “Trở lại Warszawa cố nhân đâu vắng / Trắng màu khăn / Hoa táo nở bên đường” hay: “Hoa đào nở rộ / Hai đứa trẻ giỡn đùa trên cỏ / Tóc vàng và tóc đen”.

Được đọc những bài thơ hay tâm hồn ta cứ lan tỏa mãi một cảm giác hạnh phúc khó tả. Tôi mừng cho Hoàng Trọng Hà đã có nhiều bài thơ mà những ai được đọc sẽ yêu mến và trân trọng người cầm bút.

Phạm Quốc Ca