Thuở còn thơ, tôi đâu biết gánh nặng ấy là gì, mẹ lo toan bao nhiêu thì bọn tôi vui mừng khấp khởi bấy nhiêu. Chỉ mong đến giỗ ông, giỗ bà để được ăn bánh… ít !
Bánh ít gói bằng lá gai. |
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ ông bà, mẹ tôi là người phải lo toan nhiều nhất. Bởi cha tôi là con một, nên việc thừa tự hương hỏa đều “trăm dâu đổ đầu tằm”. Lớp con cháu sau này, sẽ không ai tưởng tượng nổi gánh nặng lo toan là thế nào đâu. Chỉ một mình mẹ quanh năm ruộng đồng, đầu tắt mặt tối, chồng con vất vả, thế mà đám giỗ vẫn tươm tất, vẫn đâu vào đấy để được lòng bà con xa gần trong gánh họ.
Thuở còn thơ, tôi đâu biết gánh nặng ấy là gì, mẹ lo toan bao nhiêu thì bọn tôi vui mừng khấp khởi bấy nhiêu. Chỉ mong đến giỗ ông, giỗ bà để được ăn bánh… ít ! Thú thật là được ăn ngon, ăn nhiều thứ, nhưng bọn trẻ chúng tôi thì gắn bó với bánh ít. Loại bánh ấy quả thật không được nhiều lắm, và được hiểu là dành cho bọn trẻ con. Vì thế, bánh ít bao giờ cũng hậu hĩnh nằm trong túi trẻ con, trở thành hồn vía tuổi thơ của nhiều người. Tôi dám đoán chắc rằng người Việt mình không ai là không biết bánh ít, và chưa từng ăn bánh ít. Có thể sẽ có người cãi lại rằng có đấy, những người Việt ở nước ngoài sinh sau năm 1975 ít biết. Cũng đúng, nhưng lớn lên tìm về nguồn cội họ sẽ biết; có điều là những kỷ niệm ấu thơ làm nên hồn vía của bánh ít thì ít có người được tận hưởng mà thôi.
Xa quê vì miếng cơm manh áo, được đi nhiều, ăn nhiều và khổ nhiều. Hoàn cảnh thay đổi đã làm những bữa cỗ cũng phai lạt dần. May mà còn có mẹ. Hỏi mẹ, mẹ nói đã gọi là bánh ít rồi mà còn hỏi, ông bà ta đã gọi thế thì có bao giờ sai đâu. Sở dĩ gọi bánh ít vì ngày xưa, đơn giản là thứ bánh này chỉ được làm… ít thôi để bổ sung cho mâm cỗ vốn đã đầy, lại còn thiếu chút ít hương vị mùa màng. Bánh ít thật ra chỉ làm ít bột, ít đậu trông nho nhỏ dễ thương vừa vặn đón tay bọn trẻ. Và ông bà xưa quan niệm rất khoa học rằng: “Ăn ít mới ngon!”. Không hiểu lời giải thích của mẹ có đúng không, nhưng mẹ là người chân chất quê kiểng có sao nói vậy. Tôi rất tin là đằng khác.
Nhà quê ngoại tôi trồng rất nhiều cây lá gai dùng làm bánh ít. Tôi đoán mò rằng mẹ tôi biết làm bánh ít từ thuở 13 chăng, mà mỗi lần chuẩn bị làm bánh mẹ tôi lại về ngoại lấy lá gai. Những chiếc lá có lông tơ và răng cưa đã in vào trí nhớ tôi cho đến bây giờ. Mẹ xé lá gai làm đôi, bỏ gân lá đi rồi đem luộc chín, giã nhuyễn vắt lấy nước. Cái thứ nước sóng sánh có màu xanh đậm rất đẹp ấy, sẽ trộn vào bột nếp hương mẹ xay để qua đêm và gút sạch mấy lần. Còn cái công đoạn lấy lá chuối thì mẹ dành cho chúng tôi để lấy công. Bọn chúng tôi chọn lá chuối đẹp đem về phơi héo, năm nào lá rách nhiều thì dùng lá khô. Đặc biệt lá chuối khô lại có hương vị riêng của nó. Mẹ đã làm sẵn nhân đậu xanh thành từng nắm tay. Khi ba tôi quết bột xong, mẹ ngồi bên chiếc nong bắt đầu gói bánh. Từng viên bột đen nhánh được mẹ ngắt ra, vo tròn rồi đặt vào lá chuối đã được bôi dầu phộng cho khỏi dính lá khi bóc ra ăn. Mẹ dùng ngón tay cái đè bẹp viên bột, cho cục nhân vào rồi bao bột lại, gói lá chuối hai lớp hình chóp nón. Một chiếc dây chuối nho nhỏ xinh xinh buộc chặt, để bọn trẻ dễ ngoéo ngón tay vào xách đi toòng teng… Rồi niềm háo hức nhất là chờ bánh chín. Lũ chúng tôi ngồi quanh bếp lửa, hơi bánh từ trong nồi tỏa ra thơm ngát. Bọn con trai hít hà, bọn chị tôi chụm thêm củi vào cho đầy ngọn. Khi mẹ giở nắp ra lần thứ ba, nghĩa là bánh đã chín. Mẹ sắp bánh vào đĩa cúng ông bà, còn lại chiếc bánh lẻ mẹ nhét vào cái tay háo ăn của tôi, niềm vui sướng tột cùng. Hôm sau thế nào bọn tôi cũng được cầm những chiếc bánh ít xách lon ton và bỏ vào túi áo, đêm nằm ngủ cứ hít hà chảy nước dãi để dành đến sáng mới được thưởng thức mùi bánh thơm ngon thấm vào từng kẽ răng đầu lưỡi. Không hiểu vì sao chứ hương vị bánh ít ngày xưa ngon hơn bây giờ nhiều lắm. Có lẽ mỗi loại đồ vật, mỗi loại quà bánh đều có chút hồn quê kiểng thơm tho mộc mạc trong đấy, nếu ta không được vui hưởng cả tâm hồn thì phần vật chất cũng không thấm thía mấy để chúng ta nhớ đời chăng? Và cái hình ảnh sâu đậm nhất là hình ảnh cha tôi quết bột tháo mồ hôi, mẹ tôi ngồi gói từng chiếc bánh. Chúng tôi cũng được dự phần vào đấy là đi lấy lá chuối và chụm lửa chờ bánh chín, niềm vui nôn nao, thèm thuồng và mừng rỡ ấy đã tạo nên cái ngon cho từng chiếc bánh. Rồi trong đám giỗ, bánh ít được chia rất… nhiều ! Mỗi người bà con hoặc khách khứa của gia đình sau khi dùng bữa ra về đều được mẹ tôi cẩn thận gởi một gói quà nho nhỏ. Đó là gói bánh ít đem về cho các bạn nhỏ ở nhà. Khi mẹ tôi đi dự đám giỗ ở xa, niềm vui chờ đợi của tôi cũng thế, cũng nôn nao và sung sướng khi mẹ trao gói bánh ít vào tay.
Bây giờ niềm vui ấy dẫu đã xa rồi, vẫn còn đọng lại trong tôi, trong mọi người niềm vui về chiếc bánh ít… mà không ít chút nào cả. Bởi nó chứa đựng một ký ức thanh bình, một hồn quê mộc mạc thân thương. Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, và những rằm lớn trong năm, giữa bạt ngàn bánh Tây, bánh Tàu, chiếc bánh ta gói lá chuối giản dị nhỏ bé vẫn tồn tại, vẫn là món quà quê kiểng gói trọn niềm yêu thương chân thật nhất. Mỗi lần cầm chiếc bánh ít trong tay, tôi vẫn cảm thấy nôn nao với một cảm giác khó tả, quả thật bánh ít… mà tình thì nhiều bao la…
Nguyễn Thánh Ngã