Không hẹn mà gặp, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Diệp Minh Tuyền tìm đến một không gian và khoảng thời gian giao hòa thiêng liêng nhất giữa người đã khuất và những người đang sống.
Không hẹn mà gặp, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Diệp Minh Tuyền tìm đến một không gian và khoảng thời gian giao hòa thiêng liêng nhất giữa người đã khuất và những người đang sống.
Viếng Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Thanh Toàn |
Bài thơ của Nguyễn Quang Thiều có nhan đề “Trong chiều nghĩa trang” với hình ảnh một bà mẹ già lặng lẽ thắp nhang lên bia mộ. Trời chiều. Gió lộng. Những câu thơ có nước mắt cố nén, ngập tràn xót xa: Mẹ ơi, mẹ về đi / Chiều phủ kín hết rồi / Sông ngửa mặt lên trời / Thở từng hơi trắng / Ai gọi đò bơ phờ bến vắng / Mẹ về đi, giá lạnh, có nhiều sương / Mẹ run run đốt những nén hương / Cắm lên từng bia mộ / Kìa khói lên, khói lên lặng lẽ / Những con đường đất trắng của làng quê ./ Hồn những chàng trai chiều nay ở đâu xa / Nhìn thấy khói mà về với mẹ / Chim khách góc vườn / Mười mấy năm nói dối / Cau mười mấy năm trời / Vô ý trổ buồng đôi / Các anh về với mẹ một đêm thôi / Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình vụt tắt / Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn / Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm . / Nếu các anh về không hóa được thành người / Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp / Hóa chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ / Hóa tiếng Thạch sùng thưa gọi mẹ trong mơ / Chiều phủ kín hết rồi / Mẹ ngồi thở từng cơn / Những mắt hương mắt người hoe đỏ / trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ / càng dâng hương lặng lẽ/ đến quanh người…”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xót xa, hay linh hồn những đứa con trong nghĩa trang đang xót xa gọi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ về đi”.
Trời đang tối dần và chỉ một mình mẹ đơn côi. Bến đò cũng vắng lạnh, quanh mẹ bao phủ hơi sương. Khung cảnh thê lương, tưởng nghe từng hơi thở mẹ run run ngắt quãng. Con mẹ không chỉ là một bia mộ. Con mẹ là hàng trăm, hàng vạn bia mộ được bàn tay mẹ nồng ấm chở che: Mẹ run run đốt những nén hương / Cắm lên từng bia mộ / Kìa khói lên, khói lên lặng lẽ / Những con đường đất trắng của làng quê.
Không biết có bao nhiêu buổi chiều mẹ ở nghĩa trang, dùng hơi ấm và hương thơm nhang khói thay lời vỗ về và những giọt nước mắt. Không là một hai năm. Cũng không chỉ mười năm. Mấy câu thơ này trách móc. Nhẹ nhàng mà đau đớn: “Chim khách góc vườn / Mười mấy năm nói dối / Cau mười mấy năm trời / Vô ý trổ buồng đôi”.
Chỉ hai câu thơ, ngắn thôi, mà chứa đựng cả một ước mơ sâu sắc và mãnh liệt nhất của tấm lòng một người mẹ. Hình tượng thơ thấm đẫm chất nhân văn, ý tứ thì thiết tha dân dã. Mẹ mong chờ chỉ biết một tiếng chim khách kêu. Người về. Mẹ mong chờ biết mấy cái ngày cau “trổ buồng đôi”, đón trong vòng tay đứa con dâu thảo hiền tần tảo… Thế mà mười mấy năm trời, chim khách “nói dối”; mười mấy năm trời buồng cau “vô ý” khoe với đất trời vẻ tròn đầy viên mãn của sức sống sinh sôi. Mẹ không trách hờn đâu, lẽ tồn sinh của tạo hóa. Mẹ chỉ mơ thầm, và nhà thơ đã thốt thành lời. Những lời thơ như năn nỉ, lại như mệnh lệnh của tâm linh: “Các anh về với mẹ một đêm thôi/ Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình vụt tắt/ Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn/ Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm/ Nếu các anh về không hóa được thành người / Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp/ Hóa chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ / Hóa tiếng Thạch sùng thưa gọi mẹ trong mơ”.
Và, khoảnh khắc giao cảm giữa những tâm linh dường như có thật. Mẹ là mẹ của hàng trăm đứa con. Phút giây này, hàng trăm “mắt hương”, hàng trăm đứa con yêu đang quây quần bên mẹ. Khổ thơ cuối cùng vỡ òa xúc cảm: “Chiều phủ kín hết rồi / Mẹ ngồi thở từng cơn / Những mắt hương mắt người hoe đỏ/ trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ/ càng dâng hương lặng lẽ/ đến quanh người…”.
Với bài thơ “Ý nghĩ bất chợt trong nghĩa trang chiều” của nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền có một dòng chữ ghi chú “Tưởng nhớ Lê Anh Xuân”, nói đến một sắc thái giao cảm khác, một cảm hứng nghiêng về ngợi ca và tưởng niệm – nhưng với những rung động thật chân thành, khiến người đọc rưng rưng: “Chiều hôm qua tôi đi chôn hài cốt của một người bạn thơ/ trong nghĩa trang thành phố/ Gặp các anh tề tụ về đây đông đủ/ Thanh thản nằm nghe thông hát giữa trời/ Lần theo bia mộ tôi thầm đọc tên người/ Bất giác gặp những cuộc đời tôi từng nghe tiếng/ Những Dương Văn Dương, những Hồ Hảo Hớn…/ Những tên nghe gợi nhớ chiến công/ Nghĩa trang chiều như một thư viện mênh mông / Mỗi ngôi mộ dầy như một pho tiểu thuyết/ Tên mộ bia chính là tên người viết/ Ngày hy sinh là ngày các anh viết xong trang cuối cùng/ Giờ các anh như đang say giấc ngủ của người anh hùng / Sau lúc hiến cho đời những trang viết đẹp/ Cái khó cho chúng tôi – những người viết tiếp/ Sao cho mình không hổ thẹn với các anh/ Bởi cuộc đời như một tủ sách đấu tranh / Mỗi người sống là một cuốn sách đang viết/ Gắng làm sao cho khi ta chấm hết/ Mỗi cuộc đời thành một quyển sách hay”.
Bài thơ như cuộc chuyện trò thân mật giữa người bạn, những đồng chí. Khoảng cách có thật, lằn ranh sống chết có thật đã không ngăn họ cùng chung một mối đồng cảm, một tình yêu tha thiết đối với cuộc đời. Có khác chăng, những người nằm kia “trong nghĩa trang thành phố” thì thật bình tâm thanh thản. Họ thanh thản bởi đã sống hết mình. Còn người đang sống, lại đầy trăn trở băn khoăn. Nỗi băn khoăn bởi một câu hỏi lớn: Làm sao sống xứng đáng với những người đã hy sinh như “Những Dương Văn Dương, những Hồ Hảo Hớn… /những tên nghe gợi nhớ chiến công”?
Nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền có những ý tứ khá sáng tạo và đầy ngưỡng mộ - mà mặc dù ông khiêm tốn cho rằng đấy chỉ là ý - nghĩ - bất - chợt - trong – nghĩa - trang - chiều, thì người đọc vẫn tin: Những suy nghĩ tận đáy lòng, những cảm xúc tận đáy lòng. Và là đúc kết của cả một cuộc đời - sống, chiến đấu và cầm bút cũng hết mình như các đồng chí của ông đang nằm kia, như người bạn thơ ông vừa đưa tiễn kia. Bài thơ ra đời đã mấy chục năm rồi, thế mà, những câu thơ vẫn còn đủ sức lay động; vẫn khiến chúng ta – những người đang sống và đang viết tiếp những trang sách đẹp cho đời - phải nhìn lại mình và suy nghĩ; Nghĩa trang chiều như một thư viện mênh mông / Mỗi ngôi mộ dầy như một pho tiểu thuyết / Tên mộ bia chính là tên người viết / Ngày hy sinh là ngày các anh viết xong trang cuối cùng/ Giờ các anh như đang say giấc ngủ của người anh hùng / Sau lúc hiến cho đời những trang viết đẹp / Cái khó cho chúng tôi – những người viết tiếp / Sao cho mình không hổ thẹn với các anh / Bởi cuộc đời như một tủ sách đấu tranh / Mỗi người sống là một cuốn sách đang viết / Gắng làm sao cho khi ta chấm hết/ Mỗi cuộc đời thành một quyển sách hay”.
Bài thơ “Trong nghĩa trang” của Nguyễn Quang Thiều và “Ý nghĩ bất chợt trong nghĩa trang chiều” của Diệp Minh Tuyền hoàn toàn không giống nhau về cấu tứ, về hình tượng thơ và cả về cái gợi cảm xúc nơi người đọc. Một, đi thẳng vào trái tim với những tâm tình đầy nhân bản. Một, khiến người đọc phải trở trăn suy ngẫm về lẽ sống chân chính trong cuộc đời. Nhưng cả hai nhà thơ, đã ngẫu nhiên gặp nhau, khi cùng chọn một không gian và một thời gian dành cho cái kết thúc cuộc sống để gợi mở, suy tư về sự bắt đầu một lẽ sống - sống như thế nào đây để xứng đáng với những anh hùng đã thanh thản nằm dưới bia mộ kia. Và, để xứng đáng với Mẹ của họ - những người mẹ suốt đời chỉ cho mà không nhận; người mẹ bao nhiêu đêm dài đơn độc, chỉ thầm mong một lần chim khách không nói dối; mơ ước một lần được bẻ nhánh “cau trổ buồng đôi”?
TRỌNG VĂN