“Rượu là văn minh thứ hai của loài người, sau lửa”. Câu mở đầu bài giảng về kỹ thuật sản xuất rượu của giáo sư sao mà hùng hồn, hoành tráng như mở ra trước mắt đám sinh viên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của rượu...
Minh họa: Ngọc Minh |
“Rượu là văn minh thứ hai của loài người, sau lửa”. Câu mở đầu bài giảng về kỹ thuật sản xuất rượu của giáo sư sao mà hùng hồn, hoành tráng như mở ra trước mắt đám sinh viên một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của rượu. “Rượu ngon hừng mặt khách”. Không cần giải thích, không phải phiên dịch! Hai mắt giáo sư già long lanh rực lửa, ông linh hoạt hẳn, từng bước chân nhảy lên bục đến những ngón tay cầm phấn vung trên bảng. Cơn hưng phấn của rượu bắt đầu lên men. Hất lọn tóc bạc trắng về phía sau, ông ngẩng lên, mặt đỏ lự phát sáng và toàn thân tỏa ra hào quang của rượu. Năm mươi cặp mắt sinh viên nam, nữ bị cuốn hút vào bài giảng quên cả trời đất, say như lên đồng, ngây ngất hơi men.
Nghe đâu giáo sư người làng Vân. Một nhà báo phỏng vấn nghề nấu rượu ở làng ông có từ bao giờ, ông trả lời: “Từ thời Thần Nông, nghĩa là bắt đầu biết trồng lúa”. Riêng ông biết uống rượu từ trong bụng mẹ và tám, chín tuổi đã giúp gia đình nấu rượu lậu. Ngày đó cái gì người ta cũng cấm. Nấu rượu là phạm vào chính sách lương thực. “Thực túc binh cường”, cả nước có chiến tranh mang gạo ra nấu rượu có mà phản động, phạm pháp đi tù là cái chắc. Vì thế, mới đẻ ra chuyện nấu quốc lủi. Kỹ thuật lên men cất rượu nói làm gì, phổ thông đến mức ở làng Vân chẳng ai bàn. Vấn đề là nấu thế nào để rượu bốc mùi thơm ngon mà ngay hàng xóm cũng không phát hiện ra. Y như chiến tranh du kích vậy, thế mà người ta làm được, làm như chơi. Tài chứ, ai dám bảo không tài? Nhân dân đấy! Lên men rượu trong chum ủ kỹ có thể che mắt thiên hạ, nhưng lúc cất, rồi hèm rượu thủ tiêu đi đâu? Đơn giản thôi: Đào hầm bí mật để nuôi lợn và nấu rượu ngay trong đó. Mấy tháng sau lôi ra một con lợn xuất chuồng trắng bệch như ếch nằm mà ngủ đông. Rượu mang đi Hà Nội bán trong những săm (ruột) ô-tô hoặc những bong bóng trâu to tướng, hành khách xe đò ngồi lên êm như ru che mắt quản lý thị trường.
Nói giáo sư giảng về rượu chưa đúng hẳn, mà là tâm sự rượu, tâm tình rượu. Ông tốt nghiệp Bách khoa công nghệ thực phẩm khóa I, lại bảo vệ tiến sĩ chưng cất rượu ở Men-đê-lê-ép Liên bang Xô Viết. Suốt đời kiểm nghiệm rượu và là chuyên gia nếm rượu số một, tiếng tăm lẫy lừng.
Có lần trên tàu Thống nhất Bắc Nam ông bị đánh cắp ví tiền. Không sao, ông đã phát hiện ra có một tốp dân đi kinh tế mới Lâm Đồng mang theo bộ nồi cất rượu. Ngồi cạnh, họ mời ông nếm thử.
- Hơi bị khê… - Ông nhận xét.
Đúng! Họ xác nhận và bắt đầu chú ý.
- Có cách nào chữa được không ông?
Giáo sư không trả lời ngay, gật gù theo con tàu lắc lư, ngẫm nghĩ. Đến ga họ gọi đồ nhắm qua cửa sổ, thôi thì đủ cả đùi gà, giò chả, nem chua… Giáo sư nhai thịt gà, tớp một ngụm rượu:
- Có nhiều cách để khắc phục mùi khê của rượu, nhưng kinh tế nhất là đổ đi. Vì sao vậy? Tốn công, tốn nhiên liệu, hóa chất và hư hao. Vấn đề là không được để hèm cháy dưới đáy nồi! Rồi ông hiến họ một bí quyết dân gian: Đặt một cái đĩa sứ mẻ vào đáy nồi cho nó lập bập úp mở liên tục khi sôi, gây xáo động khiến hèm không thể lắng xuống được.
Vẫn trên tàu, hôm sau lại rượu thịt, còn linh đình hơn và về đến Đà Lạt lúc chia tay ông mới tiết lộ công thức làm men rượu. Ăn xin của kẻ có học cũng khác, tiền hành khất đấy.
Bán lẻ chất xám ở cái xứ này chua lắm. Mới hé ra anh biết vấn đề gì đó thì anh là thầy, trọng vọng cơm bưng nước rót. Bắt tay vào làm anh được ăn cơm thợ, còn đã rút hết ruột gan ra rồi lập tức ở tư thế ăn xin. Họ sẽ cười, có thế thôi ư, đơn giản quá, ai chẳng làm được (!). Chất xám cũng là để xin ăn, chưa bao giờ ông dám đánh giá cao chân giá trị của mình. Lấy được đồng tiền trong tay người khác không dễ, của kẻ giàu càng khó.
Duy nhất có một lần, giáo sư được đánh giá cao hơn thực tế. Ấy là khi ông trao đổi với người nước ngoài:
- Một điều không cần tranh cãi, là rượu càng để lâu càng ngon, vì thế lão hóa rượu là tối quan trọng. Có thể xúc tiến nhanh quá trình này không? Làm cho rượu mới cất được hiểu như đã để trăm năm rồi?
Chưa cần làm, mới cắt nghĩa quá trình đó, đối tác rút ngay một cọc tiền đặt vào tay ông:
- Xin tặng ngài vì ý tưởng vừa rồi. Không cần biết trong tương lai tôi có làm theo ông hay không. - Thấy giáo sư ngơ ngác, ông ta có ý giải thích. - Tôi là nhà đầu tư rủi ro.
Ở đâu chất xám có giá ở đó có tiến bộ xã hội, giáo sư nghĩ. Quê hương ông người ta chưa có thói quen trả tiền cho một lời nói, cho dù nó quý hơn tiền bạc. Luật y tế quy định bác sĩ không được bán thuốc cho bệnh nhân, chỉ có quyền chẩn đoán và kê đơn. Làm sao bác sĩ không phạm luật một khi lời khuyên của họ rẻ hơn viên thuốc? Cứ là phải có hiện vật, và hiện vật lại hay bị làm giả và mất cắp.
Hồi ông lên miền núi nghiên cứu men lá để nấu rượu của đồng bào thiểu số. Rượu nấu ra họ đựng vào quả bầu khô đặt trong quán tự giác. Khách qua đường có quyền tự tiện rót một vài ly, uống xong thả tiền lẻ vào cái ống tre treo trên vách nứa.
- Sao bây giờ không còn nữa?
- Vì uống rượu xong phủi đít đứng lên “quên” nhét tiền vào ống. Có khi còn dốc ống mang đi.
- Nghe nói có ma xó đếm từng ly rượu xem trả tiền có đủ không?
- Họ có đặt một cái tượng gỗ như tượng nhà mồ ở một góc thật. Bây giờ có người ta ăn cắp cả tượng luôn ấy chứ. Sợ gì thần linh.
- Ở bên Lào vẫn thấy quán tự giác như mình ngày xưa…
- Ờ, Lào thì còn tin được.
Kinh tế thị trường mở cửa thả sức làm ăn lớn thì giáo sư đã bước vào tuổi xế chiều. Thành lập công ty sản xuất rượu cũng được nhưng ai bảo rượu mình ngon họ không làm giả. Phép kinh doanh, phí sản xuất, bao bì, quảng cáo cứ tỷ tỷ, nghĩ mà sợ. Học sinh cũ gặp thầy lớ xớ đi ngoài đường liền hỏi:
- Sao thầy không làm rượu?
- Vừa giao hai can ra quán, mất cả rượu lẫn can, không đòi được tiền. Nó bảo rượu ngon, gối thêm can nữa trả tiền luôn thể.
- Thầy đừng có tin.
- Thôi, tốt nhất là dẹp tiệm.
- Thầy bỏ cho quán nào?
- Đòi thế nào được. Cứ để lương tâm nó cắn rứt.
- Thầy… - Người học sinh khẽ cười. - Chưa lấy được của mình lương tâm nó mới dằn vặt, lấy được rồi thì nó yên tâm, ăn ngon ngủ kỹ. Mình cắn rứt thì có. Thầy phải thay đổi tư duy đi.
Thế rồi cậu ta phóng xe máy đến quán nợ tiền, một tay túm cổ áo chủ quán, tay kia giơ con dao bầu:
- Có trả không?
- Dạ… dạ… có ngay! - Mặt cắt không còn giọt máu, hắn vội vàng mở tủ.
Đưa xấp tiền cho thầy, học sinh cười:
- Em thì học kém, không biết tư duy, nhưng lại có ngôn ngữ đòi tiền. Không cần giải thích, không phải phiên dịch.
Về sau có người bạn hỏi ông:
- Sao không nấu rượu? Đúng là lý thuyết suông.
- Nấu rượu dễ ợt.
- Bán khó?
- Bán cũng không khó.
- Thế thì khó cái gì?
- Đòi tiền rượu mới khó!
Logic của rượu là vậy, giáo sư đã không mệt vì cái đáng mệt mỏi, mà mỏi mệt vì cái không đáng mệt.
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM